Có người lại cho rằng Huế là đất Thần kinh nên ảnh hưỡng lắm tín ngưỡng, đa số người theo Nho, Phật, Lão lại còn có nhiều người theo Đồng bóng và thậm chí còn tồn tại cả “Bái vật giáo” nữa! nên mới có nhiều tập quán lạc hậu như thế!
Nay chúng ta thử rà soát lại một số tập quán sinh hoạt xưa đã mất hoặc nay vẫn còn tồn tại để đánh giá lại một cách chính xác giá trị khoa học của nó.
Ăn uống:
Người Huế xưa kiêng ăn thịt một số động vật, phần đông không ăn:
Thịt chó, vì sợ sinh con chậm mở mắt, nhất là sợ tội lỗi khi ăn thịt một loài thú có nghĩa nhất trong gia đình
Thịt trâu, vì sợ có tội đối với một con vật có ích và cũng là bạn của người trong sản xuất, hơn nữa ăn thịt trâu dễ sinh phong độc cho cơ thể.
Thịt mèo, vì sợ rủi ro, xui xẻo và để bảo vệ giống nòi một loài vật có ích ( thiên địch của chuột).
Thịt thú rừng & các động vật hoang dã, vì sợ tánh tình sẽ trở nên hung dữ, man rợ.
Thịt các loại cá không vảy (lươn, lệch, chình, trê, tràu, dét) là những loài cá có chức năng làm sạch môi trường của sông ngòi, ao hồ.
Không ăn măng tre vào mùa hạ để măng phát triển thành tre và đồng thời tránh độc tính của nó trong mùa nầy.
Bên cạnh những tập quán trên, còn có tập tục phóng sanh và không ăn cá con và chim nhỏ, Không sát hại rắn, rùa vàng, cóc vàng, chim cú, chồn hương v.v..
Xây dựng nhà cửa:
Không xây nhà ở góc đường, ngã ba đường, vì cho là sẽ không bền lâu và phát sinh đau ốm.
Không cho sân và vườn cao hơn cửa ngõ vì sợ nước chảy ra đường ra ngõ sẽ hao tài và mất của cải.
Không thu nhà nhỏ lại và không mở rộng sân, vườn sang hàng xóm, vì sợ sẽ nghèo mạt và gặp rủi ro với lời răn đe “vườn chớ mở ra, nhà chớ thu lại”.
Không được dùng các phế liệu hay vật liệu xây dựng của đền, chùa, cung điện, công thự, công viên , công ốc để xây nhà vì sợ ở không được yên ổn, sinh ốm đau và không được lâu bền .
Cổng ra vào sân (cửa ngõ) thường lùi sâu vào trong sân nhà, vừa kín đáo vừa không cản trở giao thông khi xe cộ ra vào, và rất thuận lợi khi tiễn khách ra ngõ mà vẫn còn tiếp tục hàn huyên vẫn không làm trở ngại người qua đường.
Trồng cây cảnh:
Cây cối là một vấn đề khá quan trọng trong cuộc sống của người Huế xưa, thật vậy:
Cố đô Huế có một thời là thành phố của nhà vườn, cây xanh, với những con đường xưa mang tên các loài cây đặc chủng: đường Mù u (đường 23 tháng 8) trước cửa Ngọ môn, đường Hàng Me trước khách sạn Hương Giang, đường Vườn Đoác (Đống Đa), cùng với những con đường toàn cây Long não (Lê Lợi), cây Muối (Đoàn Thị Điểm), những hàng Sấu dài dọc theo bờ bắc trong Hoàng thành, vườn thông ở Tam Tòa, Quốc Tử Giám. Với các địa danh qua ca dao: “Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng, trông ra Xã tắc hai hàng mù u”.
Từ bao đời nay, những hàng Mù u xinh xắn đã góp phần điểm tô cảnh đẹp thiên nhiên ở Huế, chống gió bão cho Kinh thành, đặc biệt ở những vùng cửa biển Tư Hiền trước đây có một cánh rừng Mù u chắn gió rất tốt nên nhân dân địa phương còn gọi là cửa Mù u.
Những cây trồng trong hệ thống vỉa hè, công viên của Huế phần nhiều cây có giá trị về y dược học và môi trường cảnh quang. đó là chưa đề cập đến những cây khác có tác dụng thanh lọc môi trường, xua đuổi côn trùng như: Đùng đình, Bồ hòn, Bồ kết,Sầu đông , Long não, Hoa đại v. v…
Một đặc điểm nữa ở Huế là sự có mặt của nhiều cây thu hút loài chim như cây Thị, Sấu, Me, Hồng bì, Long nhãn, Xoài, Khế ngọt… mà phần lớn nhà vườn nào cũng có trồng đã góp phần không nhỏ cho một môi trường sống khá hoàn chỉnh.
Người Huế rất coi trọng công việc trồng cây và bảo quản cây, với tập quán: “trồng một cây, xây một am”, thì ngoài vấn đề linh thiêng ra đó cũng là một biện pháp để bảo vệ cây một cách khá tích cực ( nhằm răn đe những người có ý chặt cây). Bên cạnh việc trồng cây, ngưòi Huế rất ngại vấn đề chặt cây nhất là các cây cổ thụ vì họ tin rằng mỗi cây lớn thường có một vị thần linh hay một kẻ khuất mặt nào đó đang cư trú.
Hàng rào, bình phong, ngõ xóm ở vùng Huế xưa thường cũng được trồng bằng các loại cây như: hóp, tre, trúc (là những cây chống tiếng động và chống xói mòn đất rất tốt), hoặc các cây: dâm bụt, chè tàu, keo dậu, ngâu, đinh lăng, xương rồng (là những cây thuốc đồng thời là cây cảnh đẹp).
Người Huế thời trước, trồng cây không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là để sản xuất quả, củ để ăn và củi để đốt, mà bên cạnh đó là tạo nên cảnh vật chung quanh nhằm tô điểm cho cuộc sống của con người. Thật vậy, ở Huế, người ta trồng rất nhiều cây có dáng đẹp như me, tùng, bách, mù u, đùng đình, si, đa, bàng, lộc vừng (mưng) v.v…
Không bao giờ để một cây bị cụt đầu trong sân, vườn (ngoài sự mê tín ra còn là vấn đề mỹ quan nữa), không để bóng cây lớn đè trên mái nhà vì sợ khi có gió bão cây đổ sẽ sập nhà nguy hiểm.
Nhiều gia đình khi cô người chết người ta cũng để tang cho cây cối trong vườn bằng cách vấn một giải vải trắng vào thân cây, xem cây như một thành viên trong gia đình, qua đó mới thấy người Huế xưa yêu cây cối đến nhường nào.
Hệ thống cây thuốc cũng được người Huế trồng khá hoàn chỉnh, phổ biến và rất phù hợp với cuộc sống của người dân: từ trong vườn, trước sân nhà, ngoài ngõ cho đến vĩa hè, công viên, ao, hồ, đặc biệt là ở các nơi thờ tự như đền, chùa, miếu, điện… đều có sự hiện diện của nhiều cây thuốc quý như Tỳ bà diệp, Trắc bá diệp, Đinh lăng, Phật thủ, Diệp hạ châu, Huyết dụ v.v…
Phần lớn cây thuốc được dùng làm thức ăn, đồ uống hằng ngày như món canh rau tập tàng (mồng tơi, rau ngót, lá bác bác, rau má, lá vông, rau sam, v.v…), món rau sống (bạc hà, tía tô, kinh giới, diếp cá, khế chua, vả, chuối chát, v.v… các món chè (hạt sen, long nhãn, đậu ván, đậu đen, đậu đỏ, v.v…) đều là những vị thuốc truyền thống của địa phương.
Bảo vệ và sử dụng nguồn nước:
Người Huế xưa rất tránh việc đào giếng khơi bừa bãi, phải nhờ thầy địa lý chọn nơi đào giếng, thường là xa nhà ở, xa nơi dơ bẩn, chuồng súc vật hay lối đi lại, mà phải đào giếng ở nơi cao ráo, sạch sẽ và khoáng đảng. Vấn đề sử dụng giếng nước rất thận trọng, vì người ta tin rằng mỗi giếng có một vị thần cai quản, do đó tuyệt đối không được tắm, giặt gần giếng khơi, có nơi người ta còn cấm ngặt trẻ con và những người mắc phải bệnh nan y đến lấy nước, kể cả phụ nữ trong thời kỳ có kinh nguyệt hay sau khi mới sinh.
Các Đền, Chùa, Miếu, Điện, Phủ đệ và những nhà khá giả thường có xây hồ sen để giữ nước và thoát nước trong mùa mưa. Nhiều nhà có bể cạn cùng với bình phong và non bộ ở trước nhà, đôi khi có cả ở hiên trên và sau hè nhà (ngoài chức năng tạo cảnh nó còn chứa nước dùng trong mùa hè), Phần lớn nhà dân đều có nhiều lu, vại lớn để chứa nước mưa, người ta cũng không quên thả vào đó vài cặp cá vàng vừa đẹp mắt vừa diệt cung quăn (bọ gậy).
Những gia đình có vườn rộng, người ta thường đào một hệ thống ao con chằng chịt khắp nơi và những ao cái sâu và rộng bọc quanh vườn giữ không cho nước tràn ra đường, ra ngõ, hoặc chảy sang vườn nhà hàng xóm trong mùa mưa lũ, đồng thời chúng góp phần giữ cho nước thấm sâu vào đất vườn, nuôi dưỡng cây vào mùa khô hạn để môi trường chung quanh luôn luôn xanh sạch đẹp.
Hệ thống ao hồ của Huế ngày xưa, cũng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề giữ nước cho đất trong mùa hè và thoát nước vào mùa mưa, góp phần điều hoà khí hậu, nó cũng còn là kho tàng của các cây thuốc mọc dưới nước, để chữa bệnh tại chỗ cho dân đồng thời cũng góp phần thanh lọc môi trường như các cây sen, súng, củ ấu, bèo cái tía (tên thuốc là tử phù bình: một vị thuốc chữa dị ứng), v.v…do đó cũng được cư dân giữ gìn sạch sẽ.
Chúng ta có thể nhận thấy ngoài các yếu tố tiêu cực ra, phần lớn các tập quán sinh hoạt trên đều mang tính tích cực, vị tha, mình vì mọi người, giữ gìn được nhân cách, bảo vệ được môi trường sống một cách bền vững, không hô hào rầm rộ: “xanh sạch đẹp”, mỗi người tự mình hạn chế các hành vi xấu, có hại cho người khác, cho môi trường sống, dẹp bỏ lòng tham muốn ích kỷ của con người một cách tự nguyện, tự giác, từ đó họ đã duy trì được một nền văn hoá lợi tha cao đẹp đó chính là văn hoá Huế
Đoàn Văn Quýnh