Trang chủ Thiền môn xứ Huế Những mẫu chuyện nhỏ về Thầy

Những mẫu chuyện nhỏ về Thầy

172
0

 

Từ một cử chỉ…

Những bộ trường kỷ trơn bóng nhiều đêm đã cám dỗ giấc ngủ say sưa của chúng tôi, Chúng tôi, đôi lúc “không thèm sợ lạnh” cũng “chẳng thèm sợ muỗi đốt” và đêm nào cũng như bị cuốn hút trong những cơn ngủ say, bất kỳ ở đâu cũng thèm ngủ và chỉ thèm ngủ.

Sau mỗi đêm, khi chuông sáng vừa đổ, chúng tôi được thức giấc trong những tấm chăn ấm áp quấn từ đầu đến chân. Sau mỗi đêm như thế chúng tôi không khỏi phập phùng lo sợ nghĩ bụng thế nào mình cúng bị rầy vì…cái tính cẩu thả!

Lắm đêm, chúng tôi sợ cái ấm của chăn mền dễ lôi cuốn giấc hôn mê, nên quyết không mang sẵn theo chăn mền, cái ngủ vẫn đến say sưa. Sau những đêm như vậy, chúng tôi lại được thức giấc trong những tấm chăn đầy hơi ấm mà Thầy đã nhịn đắp để dành cho chúng tôi. Những lần ấy chúng tôi lại càng lo lắng và lòng tự nhủ với lòng mình là sẽ không để Thầy phải lo lắng cho mình quá nhiều như vậy.

Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Đêm nào sau giờ chỉ  tịnh, Thầy cũng đã đến sưởi ấm giấc ngủ chúng tôi bằng bàn tay ấm đầy tình thương của Người…! Giờ đây mỗi lần nhớ lại tôi càng cảm nhận được cái lớn lao trong những cử chỉ nhỏ nhặt ấy mà Thầy đã dành cho chúng tôi và tất cả. Bao la thay tình thương yêu của Thầy!

Đến bát cháo nấm rơm…

Thường lệ, sau giờ công phu chiều, tôi thường hầu Thầy dùng bữa tối. Chiều hôm ấy, từ nhà bếp, tôi nâng bát cháo thơm phức, vừa đi vừa khấp khởi mừng thầm… mừng cho sức khỏe của Thầy – đúng, phải bồi dưỡng thế này chứ, ai lại bữa nào cũng cháo gạo trắng với muối tiêu bao giờ! Tôi thầm nghĩ như thế.

Tôi kéo chiếc bàn con, đặt bát cháo bên cạnh chiếc ghế nằm đọc báo và đứng vòng tay hầu.

– Bạch Thầy dùng cho nóng, bà Tham Ngô dâng Thầy dùng cho nóng, dạ cháo nấm.

– Chúng con cũng ăn như thế cả chứ?

Tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời, như đã đọc được ý, Thầy khẽ nói:

– Đã bảo chỉ cần ít cọng rau muống với cái bánh trán nhúng nước được rồi. Đại chúng dùng gì Thầy ăn nấy là được.

– Dạ, con đã bảo thế với các bà. Bà Tham Ngô bảo cứ mang lên, Thầy la rầy gì bà ấy chịu …

Tôi vẫn đứng chời đợi, không dám nói gì thêm nữa. Thầy với tay lấy tờ báo đọc tiếp:

– Khánh, con mang xuống đi, xem thầy, chú nào đau cho họ dùng…

Hiểu ý Thầy, tôi lặng lẽ bưng bát cháo nấm xuống và đổi lấy một bát cháo trắng, như bao nhiêu khẩu phần khác, mang lên…

Thầy mới thấy … thiếu…

Đêm mệ nằm xuống, trút hơi thở cuối cùng cũng là đêm Thầy trò tâm sự lâu nhất kể từ khi tôi trưởng thành và đi làm việc. Vẫn cái không khí Thầy trò hồi tôi còn là chú tiểu để chỏm.

Thầy ngồi trên chiếc giường con đặt giữa sân, nhìn thẳng vào là chiếc quan tài chưa sơn và thi hài của mệ còn phủ chiếc mền quang minh màu vàng, đợi giờ khâm liệm.

Trời càng về khuya, sương xuống càng lạnh. Thầy sai tôi đun nước, châm trà. Bầu trời thưa thớt sao, càng làm tăng sự sâu lắng. Thầy kể cho tôi nghe về cuộc đời của mệ. Những ngày trước kháng chiến. Những đức tính của một người mẹ, những sở thích của mệ lúc tuổi già… Thầy kể, giọng Thầy lúc trầm lúc bổng, lúc xa vắng, lúc lắng đọng và có lúc tôi nghe thấy có chút gì nghèn nghẹn! Có lúc Thầy ngừng lại rất lâu, tôi ngỡ Thầy đã mệt và trình Thầy đi nghỉ. Thầy vẫn im lặng. Rồi Thầy lại kể tiếp, tôi nghe như một nỗi lòng, như một tâm sự…mà nào tôi có thể chia sẻ được gì cho cam! Tôi chỉ nghe và thỉnh thoảng chỉ chêm vào một vài tiếng “dạ”.

Thầy trầm ngâm trong đêm lắng. Có lúc hai thầy trò như ngồi bất động, một người một dòng cảm nghĩ riêng! Thật ra thì tôi đang lắng đợi giọng Thầy kể.

Trời gần sáng. Trong chùa đã có tiếng động của người vừa thức dậy. Một giọng đằng hắng như xua hết suy tư còn lắng đọng, Thầy gọi, tiếng Thầy như lắng hẳn xuống:

Khánh à!

-Dạ!

Thầy, giờ phút này Thầy mới thấy Thầy…thiếu…với mệ.

Sau tuần thứ nhất của mệ, có lẽ Thầy phải vào Sài Gòn. Tôi cũng cảm giác nghèn nghẹn ở cổ họng. Giọng Thầy như xa vắng loãng dần trong bầu trời khuya cùng lúc ấy chuông sáng cũng vừa đổ.

Một hành động… Một tấm lòng.

Bóng chiều hè đổ dài trên sườn núi. Trên con đường sỏi hai chiếc xe đạp mang hai bóng áo nâu cùng trải dài trên mặt đường. Trời vẫn còn oi bức.

Hai người xuống xe dắt bộ qua hẻm dốc xuống nhà tôi. Từ xa tôi cũng đoán ra bóng hình Thầy Sự (thuở ấy thường gọi Ôn Báo Quốc như thế, tôi trốn ra đằng sau nhà. Bụng nghĩ mùa an cư mà hai Thầy vào nhà mình làm gì chứ, hẳn là chuyện con thỏ! Nghĩ thế, tôi càng trốn kỹ, nghe ngóng.

Khánh đâu rồi? Bú mẹ xong chưa? Định trốn về luôn hay sao đó? Thầy vào chở ra chùa đây?

Hai chân tôi như lún sâu xuống đất – Ra chùa? Rồi bị rầy cái tội trốn về?! Con thỏ bị chết. Thế nào cũng không khỏi đòn…Tôi suy nghĩ rất lung, tim như muốn lọt ra khỏi lồng ngực quá nhỏ bé.

Nguyên là chiều mùa hè năm ấy, lâu lắm rồi, một bà thí chủ mang đến chùa một con thỏ để xin lễ phóng sinh. Tôi có phận sự tiếp và không may vô ý để cho chú chó rình, chộp mất. Con thỏ chết một cách thê thảm.

-Làm sao? Con thỏ chưa được quy y. Còn bà thí chủ? Bà ấy sẽ lấy gì để xin lễ phóng sinh?…Thế này thì chắc chắn phải đòn – bao nhiêu là suy nghĩ dồn dập – Trốn thôi! Lại có dịp cho mình, ở đây buồn quá!

Ngoài tôi và chú tiểu Hiếu ra, cảnh chùa im lặng. Đại chúng đang tụng kinh khóa chiều. Tôi trông chừng các Thầy đang còn giữa buổi kinh. Lấy hết bình tĩnh, tôi vào điện Phật hầu các Thầy một tuần trà nữa. Xong đâu đấy, tôi lặng lẽ xách chiếc tráp bằng mây trốn về nhà.

Mặt trời còn cao và mãi đến tắt nắng tôi mới đến nhà.

Cả nhà cũng tưởng tôi được phép về thăm. Tôi thì như được thoát nạn, nên càng hí hửng vui chơi.

Mãi đến chiều hôm sau Thầy Sự và Thầy Viên Giác đi xe đạp vào. Lòng tôi cứ ngỡ là hai Thầy vào bắt thường con thỏ. Hai Thầy gọi mãi, tôi khó nhọc lắm mới rút được đôi chân ra khỏi chỗ trốn và nặng nhọc đến trước mặt hai Thầy, mắt tôi như dán chặt vào hai ngón chân cái cứ dí mãi xuống đất.

Sao, bầy giờ ra chưa? Lên Thầy chở ra. Thầy Sự nhỏ nhẹ bảo và tiến lại xoa đầu tôi.

Tôi như  bị lún sâu xuống đất lại được bật lên nhẹ nhỏm. Bao nhiêu suy nghĩ lo sợ đã được đánh tan. Tôi ngoan ngoãn vào xách cái tráp mây theo hai Thầy trở lại chùa. Thầy Sự nói:

Lên xe Thầy chở ra. Thỏ bị chó cắn chết thì thôi, có phải con giết đâu mà sợ. Thầy Đốc (ngày trước gọi Ôn Già Lam như thế) bảo vào chở con đây. Tội của con là đi không xin phép đó.

Sau câu nói đầy tình thương và tiếng bánh xe lăn sột soạt trên đường sỏi, lòng tôi nhẹ hẳn. Bây giờ, mỗi lần nghĩ đến, khóe mắt tôi nóng lên, như lúc tôi ngồi sau yên chở, nước mắt ứa lên vì cảm động, sung sướng trước một tấm lòng, một hành động!

P.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here