Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Những mảnh đời tỷ phú

Những mảnh đời tỷ phú

164
0

Tháng 04 năm 2006, Bill Gates – nhà tỷ phú Mỹ sang thăm Việt Nam vào ngày 22 tháng 04 năm 2006, đã phát biểu với những nhà lãnh đạo Việt Nam rằng: "Chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ tạo cơ sở để nâng cao quan hệ hợp tác giữa Microsoft với Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ tìm một trường Đại học thích hợp của Việt Nam để cung cấp phần mềm". Và ông còn nói: "Nhiệm vụ của tôi ngày hôm nay là đi tìm kiếm và làm thế nào để Microsoft được tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam cũng như việc tìm kiếm công nghệ thông tin để giúp giới trẻ phát triển, đặc biệt là tạo công ăn việc làm".

Trả lời phóng viên AFP, Bill Gates nói: "Internet đã biến thế giới này thành một cái làng nhỏ". Ông nói tiếp: "Tôi có thể khẳng định cơ hội của mỗi người không còn do địa lý quyết định nữa".

"Trên cả Á Châu và nhất là ở Việt Nam, chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển kinh tế tuyệt vời, và cơ hội tạo ra những công việc lương cao ở đây rất rõ ràng. Nhân tố chủ chốt bao giờ cũng là tài năng con người". Bill Gates nói.

Qua những phát biểu của nhà tỷ phú này, ta biết rõ ông dù là nhà tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, có tài sản hơn 53 tỷ USD, nhưng ông vẫn cảm thấy thiếu và cần phải bươn chải. Và ông ta cũng quên đi rằng, làm giàu không phải chỉ có tài năng, mà còn có những yếu tố khác. Tài năng thế giới con người không thiếu, nhưng không phải ai có tài năng cũng trở thành tỷ phú! Và tỷ phú như ông mà còn trực tiếp bươn chải tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thì sinh viên Đại Học Bách Khoa Hà Nội có nên chào đón ông như là một "thần tượng" hay không? Nên nhớ, thành đạt về sự giàu có hay quyền lực hoặc bất cứ một vị trí nào đó được quyết định từ nhiều yếu tố mà không phải chỉ có tài năng. Bill Gates đã quên nói cho sinh viên Việt Nam điều đó và lại nữa, ông quên chia sẻ cho giới trẻ Việt Nam một điều vô cùng quan trọng là có tài năng làm ra tiền, nhưng không có phước đức thì không cầm giữ được tiền ấy, và tiền ấy sinh họa cho ta. Rất tiếc!

Rồi Henry Paulson – Bộ trưởng tài chánh Hoa Kỳ, người đã từng đứng đầu đế chế tài chánh Goldman Sachs, đã đến Việt Nam nói chuyện với 1000 sinh viên trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, ông có ba lời khuyên:

1. Các bạn hãy luôn luôn coi thay đổi là bạn đồng hành, đừng bao giờ ngại phải thay đổi. Việt Nam đang trong quá trình phát triển và thay đổi, điều đó lại quan trọng với các bạn.

2. Hành trang cho mình là một tầm nhìn dài hạn, hãy kiên định với mục tiêu của mình.

3. Hãy trang bị cho mình kiến thức hội nhập đầy đủ, điều quan trọng nhất là không được nhìn hội nhập với một con mắt khắt khe, phải có một cái nhìn toàn cảnh mà những giá trị hội nhập đem lại.

Một sinh viên hỏi: "Tại sao ông từ bỏ mức lương 38 triệu USD/năm ở Goldman Sachs để làm việc cho ông Bush với mức lương 200.000 USD/năm?"

Henry Paulson trả lời: "Đã đến lúc tôi nghĩ phải thay đổi môi trường và đóng góp lớn lao cho đất nước tôi, tôi nghĩ mình đã chọn đúng thời điểm, tiền đôi khi không phải là tất cả".

Paulson còn chia sẻ thêm: "Dù làm gì và ở trên cương vị nào cũng phải cân bằng giữa công việc và đời sống. Rất nhiều người đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, nhưng trong cuộc sống gia đình lại rất thất vọng. Ngoài ra, có những vấn để quan trọng hơn tiền, đó chính là sự học hỏi thường xuyên và học tập có thể đảm bảo thành công trong tương lai. Khi suy nghĩ vấn đề gì, hãy suy nghĩ sáng tạo".

Qua những phát biểu của Paulson với 1000 sinh viên trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, ta thấy ông hết sức nhiệt tình và đầy kinh nghiệm: "Tiền đôi khi không phải là tất cả…", nhưng ông đã thiếu đi một kinh nghiệm quý báu để chia sẻ với giới trẻ Việt Nam rằng: "Ta có nhiều tiền mà thiếu hẳn nhân nghĩa, thiếu hẳn niềm tin, thiếu sự chân thật, thì chúng sẽ hủy diệt danh dự và đời sống của ta một cách nhanh chóng".

Lại có nhà tỷ phú Mỹ, ông Warren Buffet – người tỷ phú thứ hai trên thế giới, tài sản của ông 46 tỷ USD, nổi tiếng là người làm ăn rất cẩn thận theo truyền thống và biết tích lũy, chứ không dùng thủ thuật trong kinh doanh. Nhưng, vợ của ông là bà Suzan Buffet đã bỏ ông và sống riêng. Cô con gái của bà giải thích: "Mẹ cô không muốn để người ta coi bà là vợ của một kinh doanh nổi tiếng và thành đạt".

Và năm 76 tuổi, nhà tỷ phú này lại cưới bà Astrid Menks đã 60 tuổi chính thức làm vợ hai, sau khi bà vợ đầu bỏ ông sống riêng đã qua đời hai năm.

Trên đời không ai bỗng dưng trở thành tỷ phú. Trở thành tỷ phú là cả một quá trình nỗ lực học hỏi, nỗ lực kinh doanh và nhất là khả năng sáng tạo trong sự nghiệp kinh doanh của mình, và lại càng kinh doanh lại càng bận rộn, càng kinh doanh lại càng có lãi suất, và lại càng nỗ lực chạy bươn về phía trước, cứ như thế mà chạy, và đương nhiên có một sự thành công nào đó về mặt tiền bạc, nhưng nội dung của đời sống con người đã đi ra khỏi họ lọng chừng lúc nào mà họ không hề hay biết, đến khi nhìn lại thì tiền bạc của họ tích lũy để trở thành tỷ phú chỉ là những con số mà không phải là "phép lạ" của hạnh phúc, và lại càng không phải là "thần dược" của tình cảm con người và xã hội.

Những mảnh đời tỷ phú về tiền bạc, họ khó có về đời sống hạnh phúc gia đình và lại càng hiếm hoi hơn, để thấy những ánh trăng vằng vặc giữa không gian chiếu xuyên qua lòng họ và lại càng khó nhận ra những âm ngữ chân tình!

Nên, tỷ phú như Trưởng giả Cấp Cô Độc là có một không hai của thế giới con người. Ông ta không những tỷ phú về tiền bạc mà còn tỷ phú về cả tâm hồn và đức hạnh, đến nỗi Thái tử Jeta con vua Ba Tư Nặc của Ấn Độ bấy giờ phải hết lòng kính nể.

Trong con mắt thiền quán

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here