Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Những mái chùa quê

Những mái chùa quê

144
0

1. Trên đất nước mình, đi đâu ta cũng gặp những mái chùa cổ kính mái ngói thâm nâu, nằm yên ả, trầm mặc và tôn nghiêm giữa những vòm xanh cổ thụ. Chùa không chỉ là nơi truyền bá Phật giáo, dành cho các nhà tu hành, nơi thờ cúng, mà đó còn là nơi chúng ta hướng đến, dù là Phật tử hay người thường, để mong tìm thấy sự bình an, tốt lành giữa trần thế.

Còn với kho tàng di sản kiến trúc văn hóa của dân tộc, thì chùa Việt có một giá trị đặc biệt. Theo thống kê, hiện cả nước có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% số di tích của Việt Nam. Chùa có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng, những ngôi chùa cổ nhất được xây dựng tại nước ta như chùa Dâu, tên chữ là Diên Ứng tự, tọa lạc trên đất làng Dâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; chùa Trấn Quốc ở Hà Nội, xây vào thời tiền Lý Bí (544 -548), trước khi có thành Thăng Long. Và phật tử đầu tiên của nước ta là Chử Đồng Tử (Theo Lĩnh Nam trích quái).

Chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo.Ảnh: Lê Phú

Chùa gắn liền với sự ra đời của Phật giáo nước ta, vốn được các tăng sĩ người Ấn vào truyền bá từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Thuở ban đầu, giáo đường của Phật giáo chỉ là những am miếu nhỏ xây nép dưới các gốc cổ thụ, gọi là tăng miếu. Về sau, do Phật giáo phát triển, tượng Phật được đưa vào thờ, nên cần không gian lớn hơn, rộng hơn… và ngôi chùa được xây dựng thay cho tăng miếu nhỏ bé.

2. Với người Việt, chùa là công trình kiến trúc tôn giáo đặc biệt của cộng đồng. Hầu hết chùa được xây dựng ở làng xã. Câu ca dao “Đất vua, chùa làng” là vì thế. Xây chùa bao giờ cũng là việc trọng đại. Đất để dựng chùa phải đắc địa, đẹp, rộng rãi, cao ráo và tốt về phong thủy. Tỷ như bên trái thoáng đãng hay có sông hồ bao bọc, bên phải là lớp lớp núi cao có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái. Chính vì thế mà các ngôi chùa bao giờ cũng có cảnh quan tươi đẹp. Chùa Việt không phải là một công trình đơn lẻ, mà là một quần thể gồm nhiều kiến trúc và có bố cục mặt bằng khác nhau. Điều này thấy rõ nhất ở chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Đó là chùa có mặt bằng hình chữ Đinh như chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội), chùa Bích Động (Ninh Bình), chùa Trăm Gian (Hà Nội). Chùa có hình chữ Công như chùa Cầu, chùa Keo. Chùa hình chữ Tam như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên (Hà Nội).

Và cuối cùng là chùa có mặt bằng kiểu Nội công ngoại quốc như chùa Láng, chùa Đậu. Trong các loại hình cấu trúc trên, chùa có mặt bằng hình chữ Công là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên, có những ngôi chùa kiến trúc rất đặc biệt và độc đáo như chùa Một Cột, còn gọi là Liên Hoa Đài ở thủ đô Hà Nội, dựng trên cột đá, hình dáng tựa một đài sen nở trên hồ nước, vừa được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu lục. Chùa Hang, chùa Dơi của đồng bào Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Chùa Vĩnh Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh lại xây hai tầng, mái lợp ngói lưu ly, kết hợp cả hai phong cách kiến trúc Phật giáo và kiến trúc hiện đại. Chùa Bái Đính ở Ninh Bình, thì lại là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc Phật giáo có cấu trúc rất to lớn, đồ sộ tọa lạc trên một diện tích rộng hơn 539 ha, bao quanh là sông hồ và núi non trùng điệp. Quần thể chùa Bái Đính được coi là to lớn bậc nhất Đông Nam Á.

Chùa làng Tri Chỉ, Phú Xuyên (Hà Nội).Ảnh: Lê Phú

Chùa xưa thường được xây dựng bằng gỗ quý, tường gạch. Mái chùa xoải rộng và lợp ngói mũi hài. Đầu mái uốn cong trang trí hoa văn hay hình cá chép hóa rồng. Trên nóc mái thường đắp hình rồng đầu hướng vào mặt trăng, gọi là Lưỡng long chầu nguyệt. Cấu trúc gỗ trong chùa được chạm khắc tinh xảo nhất là hệ dầm, xà, bẩy, kẻ đỡ mái. Chùa Việt xưa có kiến trúc nhỏ, thấp, không to lớn, khoa trương, có hình dáng của ngôi nhà ở nông thôn ba gian, hai chái truyền thống, bốn mùa xanh mướt bóng cây, nên rất gần gũi, thân thương. Với nhiều người đi xa, mỗi khi nhớ về quê hương là lại nhớ đến tiếng chuông chùa, nhớ đến những mái chùa lợp ngói thâm nâu mà lòng xốn xang bao hoài niệm!
 
Trong khuôn viên chùa, ngoài các kiến trúc như tam quan hay cổng chùa, nhà chính điện, nhà bái đường, nhà thiêu hương, gác chuông… còn có bảo tháp, sân chùa, vườn chùa, hồ, ao chùa, giếng chùa. Trong chùa trồng nhiều cây cổ thụ, cây lưu niên, cây đại và kỳ hoa dị thảo. Không chỉ có giá trị về kiến trúc, chùa còn là nơi lưu giữ những sáng tạo đặc sắc về mỹ thuật của cha ông ta. Ở đó, qua những hình chạm khắc, người xưa đã gửi gắm khát vọng sống, tự do hạnh phúc và tình yêu lứa đôi mãnh liệt, bất chấp mọi hủ tục, khổ đau bởi áp bức của cường quyền. Dù nhỏ hay lớn, thì ngôi chùa nào cũng có gác chuông. Sáng sáng chiều chiều, trong thinh không lại văng vẳng tiếng chuông chùa như thức tỉnh, như mời gọi. Tiếng chuông chùa ngân nga rồi lịm tắt, như một thông điệp của tư tưởng Phật giáo về mọi thứ đều nhất thời, đều sẽ lụi tàn, không có một cái gì là vĩnh cửu, là bất biến. Quyền lực và tiền tài cũng vậy.

Chùa có nhiều tượng Phật như tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, tượng Quan Âm, La Hán. Các pho tượng đặt trong chùa đều có sắc thái biểu cảm khác nhau. Đặc biệt là ở các pho tượng La hán. Hình như tư tưởng Phật giáo, triết lý nhà Phật đều được các nghệ nhân tài hoa gửi gắm qua đường nét tạc sinh động trên từng gương mặt, dáng đứng, thế ngồi của Phật. Đến thăm chùa, ngắm nhìn các pho tượng Phật, như thấy cả trần thế với đủ hỉ nộ ái ố. Và khi đó ta thấy Phật thật gần gũi, tọa trên đài cao mà không xa lạ, khuôn mặt Phật lúc hỉ hả như vui cùng hạnh phúc của chúng sinh, khi thì chau mày cảm thông, sẻ chia nỗi đau nhân thế “Các vị ngồi đây trong lặng yên/Mà nghe giông bão nổi trăm miền/Như từ vực thẳm đời nhân loại/Bóng tối đùn ra trận gió đen” hoặc như “Mỗi người một vẻ mặt con người/Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời/Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã/Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi” (Huy Cận – “Các vị La hán chùa Tây Phương”).

Đi lễ chùa vào ngày rằm, mồng một, những ngày Tết… là đến nơi cửa Phật, là hướng về Phật pháp. Cửa chùa luôn rộng mở đón thập loại chúng sinh, phật tử. Xưa người đến chùa đều thành tâm. Không có hòm công đức đựng tiền của khách thập phương nhiều như bây giờ. Chùa là của làng của xã, do cộng đồng góp của, góp sức dựng lên, nên chùa cũng có ruộng chùa và sư sãi trong chùa cũng phải cấy lúa, trồng khoai. Có lẽ vì thế, mà mái chùa, ngôi chùa quê hương luôn là nơi bình yên để mỗi người chúng ta nương tựa, được an ủi, sẻ chia. Phật giáo là một tư tưởng triết học lớn do Đức Thích Ca Màu Ni khởi xướng. Giáo lý của Phật răn dạy con người hướng thiện, không làm điều ác, biết quan tâm giúp đỡ người khác để cuộc đời bớt đi khổ đau, thêm nhiều điều tốt đẹp. Phật không ban phát mà chỉ khuyên răn. Phật có sinh, có tử. Vì thế Phật không phải là thánh thần. Bây giờ, người ta đi chùa nhiều, cúng lễ nhiều, đốt vàng mã nhiều cốt để cầu mong được Phật ban cho nhiều tài lộc, chức tước. Những điều đó đều rất xa lạ với tư tưởng và giáo lý của Phật là từ bi, hỉ xả, phổ độ chúng sinh.

3. Lại đến một mùa xuân, trong tiết trời se lạnh và mưa bụi bay, ta lại lên chùa thắp hương lễ Phật.

Năm cũ đi qua với bao buồn vui của cuộc đời dâu bể.

Xin để lại trước cổng chùa mọi ưu phiền, để tĩnh tâm bước vào cửa Phật.

Trong mùi hương trầm thơm ngát, trên đài sen, đức Phật nhìn ta rộng lượng, bao dung.

Và với lòng thành kính, thành tâm, ta chắp tay, cúi đầu: “Nam Mô A Di Đà Phật!”.

 

Đầu Xuân Quý Tỵ
KTS Phạm Thanh Tùng

(Tin Tức)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here