Trang chủ Phật học Những Luận Ðiểm Khác Nhau Giữa Triết Học Và Phật Giáo

Những Luận Ðiểm Khác Nhau Giữa Triết Học Và Phật Giáo

161
0

Phần I: Lời Mở Ðầu

Có câu hỏi đặt ra là Phật giáo có phải là một triết học hay không? Và phải chăng giữa triết học và Phật giáo hoàn toàn có những nét tương đồng đủ để người ta xem nó là một?

Muốn đi sâu tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần nói rõ định nghĩa của hai danh từ “Phật pháp” và “triết học”. Trong luận điểm luôn xưng hô “Phật, Pháp, Tăng” là tam bảo. Ở đây, nếu gọi “Phật pháp”, trọng điểm của nó là ở từ “pháp”, nghĩa là nếu giải thích một cách đơn giản, đó là nghĩa lý của một sự vật, “Phật pháp” nghĩa là nghĩa lý của Phật giáo. Phật giáo vốn là một tôn giáo, nhưng Phật giáo và các tôn giáo khác không giống nhau. Các tôn giáo khác thường là thờ phụng và tin vào một vị thần đầy huyền bí, cao siêu nào đó. Loại tín ngưỡng này thường xuất hiện từ ảo tưởng và tình cảm, là mê tín. Theo đà tiến bộ của dân tộc và văn minh nhân loại, sự tồn tại của “thần” và quyền lực của nó dần dần lung lay cho nên loại tôn giáo theo ảo tưởng tình cảm mà có thì cũng tùy theo thời gian mà bị đào thải, bỏ quên. Phật giáo thì ngược lại. Phật giáo có nghĩa lý tinh mật, viên dung, phong phú và cao siêu. Nó giải thích rõ nhân sinh và vũ trụ cùng các hiện tượng vạn hữu. Nghĩa lý này tuyệt đối không do tiến bộ khoa học của thời đại mà lung lay. Nghĩa lý Phật pháp – tức Phật pháp – là lời chân ngôn vạn cổ không phai mờ.

Thông thường người ta xưng Phật pháp là Phật học hay triết học Phật giáo. Ðó là do nghĩa lý mà Phật pháp thuyết giảng rất giống triết học của thế gian. Nhưng triết học của thế gian có rất nhiều hệ phái, như Lão Trang thì có triết học Lão Trang, ông Khổng, ông Mạnh thì có triết học của Nho giáo.v.v.. Hiện tại cái mà người ta gọi là “triết học Phật giáo” nói chung cũng bao gồm luôn các hệ phái dân gian. Nói đến định nghĩa của triết học Phật giáo, các hệ phái luôn có cách giải thích riêng. Nhưng trong giới hạn bài viết này, chúng ta chỉ bàn đến sự khác nhau giữa triết học Phật pháp và triết học phổ thông. Bây giờ tôi xin liệt kê các điểm khác nhau đó như sau:

1. Triết Học là Hoạt Ðộng Của Lý Tính.

Phật Pháp Là sự Triệt Ngộ Của Trí Tuệ.

Ðịnh nghĩa trên được rút ra khi đứng trên quan điểm của nhận thức luận mà phân biệt phật pháp với triết học. Tại sao triết học lại được gọi là triết học của lý tính? Ðó chính là vì hoạt động của lý tính và hoạt động của cảm tính luôn đối nghịch nhau. Ðể minh chứng cho điều này, chúng tôi xin dùng thuật ngữ Duy thức để giải thích: Hoạt động cảm tính là ở hiện tượng của nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức Trong khi hoạt động của lý tính là tỉ lượng hay giống tỷ lượng của ý thức. Vì triết học là hoạt động của lý tính nên phương thức nhận thức nó hoàn toàn không nằm ngoài phạm vi tỉ lượng ý thức. Nhưng Phật pháp thì không như vậy. Phật pháp không có ý bám vào tỉ lượng ý thức mà là do trí tuệ được dựa trên hiện tượng ý thức làm căn bản.

Hai từ trí tuệ ở Phật pháp không phải giải thích như người đời là “thông minh sáng trí”. Phật giáo nói “trí tuệ” là phải qua một quá trình tương đối dài mới được khơi dậy. Nó có khả năng nhận biết tất cả các sự việc xảy ra trước mắt, không thêm bớt phân biệt, cho nên được gọi là “vô phân biệt trí”. Nếu nhìn từ quan điểm này, tất cả sự thông minh sáng trí của thế gian đều là “vọng tưởng phân biệt, thuộc về biến kế sở chấp tính”. Tri thức mà nó đạt được cũng chẳng qua là vọng tình nghiệp thức, các lĩnh vực khác như: triết học, khoa học, hoặc duy tâm, duy vật, nhất nguyên hay đa nguyên cũng đều như thế.

2. Triết Học Là Khái Niệm, Phật Pháp Là Ly Ngôn.

Ðây là sự khác nhau giữa triết học và Phật pháp về bản thể luận. Triết học là hoạt động của lý tính, mà hoạt động của lý tính thì phương pháp của nó chắc chắn là nương tựa vào khái niệm. Cho nên bản thể vũ trụ mà triết học hay nói cũng đã được khái niệm hóa. Có người nói nhất nguyên, có người nói đa nguyên. Những duy tâm, duy vật nhất nguyên, đa nguyên đều là bản thể vũ trụ, đều không tránh khỏi là một khái niệm. Bản thân của khái niệm cũng là một cái vỏ trống rỗng. Nó không có nội dung, Lão tử đã nói: “Có một vật do hỗn độn mà thành. Nó có trước trời đất, tồn tại độc lập nhưng không thay đổi, lưu hành khắp nơi mà không biến mất. Tôi không biết tên nó là gì, min cưỡng gọi tên nó là Ðạo”. Ðiều hiển nhiên là Lão Tử đã gọi bản thể vũ trụ là Ðạo. Ðạo là ngoài khái niệm, không thể đặt tên, tả hình dáng của nó được. Cho nên Lão Tử đã nói: “Ðạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh”. Lão tử ly ngôn mà bàn bản thể luận. Ðiều đó đủ nói lên triết lý thần ảo, huyền diệu của ông.

Trở lại vấn đề, chúng ta nhắc đến trong Phật pháp là ly ngôn, nhà Phật cho rằng tất cả khái niệm, danh tướng, ngôn luận đều là hư vọng. Ðối với sự vật, nếu có sự chấp trước vào hư vọng thì suốt đời sẽ không đạt được nhận thức đúng đắn, chính xác. Cho nên Phật giáo luôn nhấn mạnh ở đặc điểm căn bản là phá chấp. Phương pháp của phá chấp là không trước tướng (chấp tướng). Nếu trong lòng còn một chút khái niệm, nghi ngại danh tướng đó đều là trước tướng. Cho nên, trong lòng phải không hề có chút tì vết tàn dư của danh tướng nào cả, phải giữ tâm tưởng rỗng, không phân biệt nhân ngã, không phân biệt bỉ thử nhưng không được ngưng trệ ở tịnh mà phải lý sự dung thông. Bởi thế nên mới có câu: “Rừng trúc không ngại nước chảy qua, núi cao há ngăn được mây bay”. Ðây mới chính là cảnh giới cao nhất của đại thừa phật pháp. cảnh giới này cũng chính là cảnh giới thực tướng vô tướng. Kinh Kim cang cũng có nói: “Thuyết pháp giả vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp”. Tất cả những ví dụ này chứng minh rằng bản thể luận của Phật giáo là “ly ngôn thuyết”.

3. Triết Học Là Hư Cấu. Phật Pháp Là Thực Tại

Vì sao chúng ta lại có những kết luận như vậy?

Thứ nhất, bởi triết học là khái niệm. Mà bản thân khái niệm là một thứ hư cấu. Nó với thực tế tuyệt đối không nhất trí với nhau, dù sao đi nữa luôn có một sự cách biệt với thực tế. Ví dụ như cây viết là một khái niệm. Viết có thể là nhiều loại viết khác nhau như: bút lông, viết chì, viết máy, viết phấn được thông qua tác dụng đơn giản và tổng hợp hóa lý tính của nhân loại mới hư cấu ra khái niệm chung này. Cây viết này nguyên gốc của nó đã không phải là viết bút lông, viết chì, bút máy nữa. Rồi với bút lông, thì bút lông bản thân là một khái niệm hư cấu. Nó được căn cứ vào lông cừu, lông dê, lông gà mà được đơn giản tổng hợp lại mà thành. Nó không phải là cây bút lông muôn màu muôn vẻ kể trên. Cho nên khái niệm càng cao cấp tinh vi, phạm vi trãi rộng càng lớn thì hư cấu cách thực tế càng xa. Trong triết học có nói đến nhiều khái niệm như “tâm”, “vật”, “nhất”, “đa” đều là những khái niệm trải rộng lớn. Hơn nữa, khái niệm về phương diện vật chất là một trong những sự vật hỗn độn, tạp nhạp, từ đó rút ra những yếu tố nội hàm giống nhau, rồi đặt cho nó một cái tên tổng quát, sự mệnh danh cho yếu tố nội hàm này. Triết học đã là khái niệm cho nên nó chẳng qua là “độc ảnh cảnh” do ý thức duyên khởi, là không có thật chất. Lập luận về Bản thể luận của Phật giáo là ở chỗ đó. Ðây chính là lý do vì sao chúng ta gọi Phật pháp là thực tại.

Thứ hai, nếu chúng ta không hề có hai khái niệm trên, chúng ta vẫn có thể chứng minh được rằng triết học là hư cấu. Chúng ta hãy cho một ví dụ: nếu như nói triết học là một môn học giải thích vấn đề nhân sinh vũ trụ. Nhưng hiện tượng nhân sinh vũ trụ cực kỳ phức tạp lại thay đổi trong từng phút từng giây; thế thì liệu những định nghĩa như thế này có giữ nguyên mãi như thế khi hoàn cảnh thay đổi, khi tri thức của nhân loại tiến bộ hơn?. Nếu vậy thì cách giải thích trước đây không còn phù hợp nữa, nhất định phải tổ chức lại hệ thống giải thích mới cho phù hợp hơn. Như vậy, triết học chẳng khác nào một chuỗi dài chấp vá của toàn bộ tri thức nhân loại để giải thích hiện tượng môi trường thời đại. Mỗi khu vực, mỗi dân tộc đều có trình độ tri thức khác nhau do sự khác biệt của hoàn cảnh. Vì thế họ căn cứ vào trí thức và hoàn cảnh của riêng mình mà chấp vá thêu dệt nên hệ thống triết học của riêng mình. Kết quả là mỗi nơi đều khác nhau. Hơn nữa, chân lý của sự vật do thời đại, địa lý dân tộc không giống nhau, biểu hiện hoàn toàn không nhất trí , cho nên trên thế giới không có chân lý tuyệt đối. Chân lý chỉ tồn tại trong một tình huống tương đối nào đó. Với những hiện tượng như vậy, triết học chẳng khác nào mang thực tại tính của mình ra mà tuyên bố phá sản.

Tất cả những điều vừa giải thích trên đã có thể giải đáp câu trả lời: “Vì sao triết học là hư cấu”. Còn với Phật pháp, cái mà Phật pháp đòi hỏi là tánh cảnh có ảnh có chất, nên nó là thực tại.

4. Triết Học Chỉ “Giải”, Phật Pháp Gồm Cả “Giải” Và “Chứng”.

Chúng ta nên bắt đầu bằng một ví dụ: Một người nào đó sống ở vùng nhiệt đới từ lúc sinh ra cho tới bây giờ chưa hề thấy nước đá bao giờ. Nếu bạn thảo luận với người đó về nước đá, rằng nước đá là lạnh, trong suốt, người ấy nghe xong, trong đầu sẽ hình dung đúng những điều như thế. Như thế được gọi là “giải” (hiểu). Sau khi người ấy giải rồi, tuy biết rằng nước đá là lạnh, cứng, trong suốt, nhưng lại không biết lạnh là gì, cứng như thế nào, trong suốt ra sao. Giả sử người ấy có dịp đến vùng hàn đới, người ta mang nước đá ra xem xét, lúc ấy họ mới biết thế nào là lạnh, cứng và trong suốt, anh ta sẽ hiểu thấu ngay lập tức. Như vậy gọi là chứng . Cho nên “giải” thì mọi người cùng biết và nói được, còn “chứng” thì chỉ có mình biết mà thôi.

Phật pháp chính là như vậy đó, phải đạt đến mức độ như thế mới xong việc. Cho nên nó nhận thức và miêu tả vũ trụ là xác thực nhất. Trong khi đó triết học chỉ giải thôi. Ðây là sự khác biệt giữa Phật pháp và triết học trên bình diện nhận thức luận.

5. Triết Học Luôn Bất đồng, Phật Pháp Luôn Nhất Trí.

Triết học là hư cấu, nó không có một tiêu chuẩn cố định thực tại nào cả. Cho nên mỗi thời đại sẽ có triết học của thời đại đó. Một khu vực cũng có triết học riêng của nó mà người trong khu vực tôn thờ. Thậm chí mỗi cá nhân đều có triết học riêng của mỗi cá nhân. Những loại triết học khác nhau như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến hỗn tạp, một nguyên do của sự hỗn tạp là bản thân nó không có tiêu chuẩn thực tại và một khuynh hướng chung cùng nhắm đến. Phật pháp nếu nói là nhất trí, chắc chắn có sự tồn tại tại điểm cùng thống nhất. Chúng ta thấy Phật giáo có nhiều giáo phái như đại thừa, tiểu thừa, hiển giáo, mật giáo và quyền, thực, không, hữu. Ngay trong các tông phái Ðại thừa hiện tại cũng chia ra nhiều giáo, thiền, tịnh, luật, mật. Trong khi đó, “giáo” lại có thiên thai, hoa nghiêm, pháp tướng, tam luân, môn thì nhiều, kinh điển lại càng nhiều hơn. Nhưng, tuy có khác biệt như thế nào đi nữa, trên nguyên tắc “thực tướng pháp ấn” tất cả đều khế hợp, thống nhất với nhau, không hề mâu thuẫn.

6. Mục Ðích Của triết học Là Hướng Dẫn Chỉ Ðạo Hành Ðộng Của Con Người. Mục Ðích Của Phật Pháp Là Thành Phật Ðộ Sanh.

Ta thấy ở đây cách ứng dụng của triết học và phật pháp khác nhau. Vì triết học luôn luôn hướng về nhập thế, cho nên nó chú trọng đến chủ đạo hướng dẫn hành vi con người, phật giáo lấy xuất thế làm bổn hoài, cho nên những bậc chơn tu, không cầu bồ đề, không trụ niết bàn và tuy sống trong Ta Bà ngũ trược ác thế, nhưng mục đích của họ là độ sinh cho nên sau cùng họ vẫn là xuất thế. Trong kinh Hoa Nghiêm chép rằng “Tất cả bậc chơn tu đều dùng tâm bình đẳng làm ích lợi cho chúng sinh. Bậc chơn tu nếu có thể tùy thuận chúng sinh, tức là tùy thuận cúng dường chư phật, nếu nơi nào chúng sinh tôn trọng thừa sự, tức là tôn trọng thừa sự Như Lai, nếu làm cho chúng sinh hoan hỉ tức là làm cho tất cả Chư Phật hoan hỷ. Ví dụ như trong hoang mạc có cây đại thọ vương, nếu rễ của nó được nước, nhánh lá hoa quả đều được phồn thịnh tốt tươi, trên hoang mạc sinh tử, bồ đề thọ vương cũng như vậy đó. Tất cả chúng sinh đều là gốc rễ cây, chư bồ tát là hoa quả, dùng nước đại bi mà làm lợi ích cho chúng sinh, khiến tất cả chúng sanh thành tựu được hoa quả trí tuệ của chư bồ tát, chư phật, tại sao? Nếu chư bồ tát dùng nước đại bi làm lợi ích cho chúng sinh tưới cho chúng sinh được đượm nhuần trí huệ, chúng sinh ắt sẽ thành đạt quả Bồ đề, cho nên Bồ đề thuộc về chúng sinh. Nếu không có chúng sinh, tất cả bồ tát sẽ không thành đạt quả vô thượng chánh giác. Với tâm đại bi tùy thuận chúng sinh, ắt sẽ thành tựu cúng dường như lai. Tùy thuận chúng sinh như vậy, cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, tùy thuận như vậy, không bao giờ hết, niệm niệm tương tục, không có gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, không có nhàm chán”. Lời đại nguyện lợi tha độ sinh của các bậc chơn tu trong Phật pháp này hoàn toàn đứng ở lập trường chúng sinh bản vị mà nói. Cái gọi là bồ đề thuộc về chúng sinh, nếu không có chúng sinh, tất cả bậc chơn tu sẽ không thành tựu vô thượng chánh giác (thành Phật). Trong Lục Tổ đàn kinh có nói: “Phật pháp ở tại thế gian, không rời khỏi thế gian mà có, rời khỏi thế gian mà tìm bồ đề, giống như đi tìm sừng thỏ”. Có thể thấy sự xuất thế của Phật giáo chẳng phải là lìa thể gian bỏ hiện thực. Ðại thừa Phật giáo yêu cầu chúng ta thể nghiệm trong đời sống thực tế, cắt đứt sự phiền toái “sở tri chướng” để lợi tha, để thành tựu viên mãn đại bi, đạt đến cảnh giới giải thoát tối hậu – “thành phật”. Cho nên nhân sinh quan của Phật giáo có thể nói do đại bi mà nhập thế, Phật giáo với thái độ nhập thế bằng một tấm lòng vị tha, hoàn toàn từ quan điểm “vô ngã” xuất phát. Như trong luật sinh tồn của thế pháp, người ta thường nói: “trời sinh muôn vật, hơn thua tốt xấu”. Trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt đó, kẻ bại trận, cùng lắm chỉ nhận được một sự đồng tình hiếm hoi được gọi là “nhân ái”, nhưng những kẻ được ban nhân ái ấy vẫn chưa được phá trừ được “ngã chấp”, cho nên so với sự đại bi của Phật pháp thì khác nhau như trời với đất vậy.

Kết Luận

Tất cả những điều đã nói ở trên được đưa ra nhằm khẳng định rõ nét những điểm khác nhau giữa Phật pháp và triết học. Những điểm khác nhau này cũng chính là điểm mà Phật pháp vượt qua hẳn triết học. Ðộc giả nếu muốn nhận thức sự vĩ đại của triết học phật pháp một cách chân thực cần phải trực tiếp tiếp cận và nghiên cứu sâu xa những lời Phật đã dạy trong tam tạng kinh còn lưu truyền lại đến ngày nay.

www.hoangphaphanoi.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here