Giữa năm 2009, nhà chùa đã cho dựng một căn nhà và đem hết những cổ vật trên vào thờ, trong đó có cả linga. Về việc này, đã có người thắc mắc sao nhà chùa lại đưa cả linga vào nơi trang nghiêm. Thật ra linga – yoni không chỉ là biểu tượng sinh thực khí, mà theo quan niệm của văn hóa Ấn Độ xưa, một linga chứa đựng hình ảnh của ba ngôi tối cao là cả ba vị thần: Brahma – Vishnu và Shiva.
Trước hết là Brahma, đấng sáng tạo: “Vạn vật phát hiện tự nơi Ngài và vũ trụ đã có sẵn ở trong Ngài… Cũng như cây sồi có sẵn ở trong hạt sồi, như trái cây có sẵn ở trong mầm hạt, sẵn sàng nảy nở và phát triển, muôn vật hữu tình đã có sẵn ở Brahma, và mọi mầm mống đều phát sinh nơi Ngài”. Lời tôn vinh ấy được GS Lê Xuân Khoa trích dẫn trong một tài liệu về triết học Ấn Độ, đồng thời với rất nhiều sự tích từ Brahma. Tích về Brahma là kết quả hôn phối giữa đấng tối cao và năng lực của chính Ngài. Có tích cho rằng Brahma sinh ra từ một quả trứng vàng (kim noãn) bềnh bồng trên mặt biển nguyên thủy, sau đó trứng tự vỡ làm đôi, một nửa nâng lên thành trời phía trên, một nửa thành đất phía dưới, còn khoảng giữa là không trung vô hạn. Tích khác rất phổ biến, lại cho Brahma sinh ra từ một bông sen ở rốn của thần Vishnu. Vishnu là vị thần bảo vệ sự sống con người giữa hai đầu sinh – tử. Vishnu được lập đền thờ khắp nơi trên Ấn Độ xưa (được điêu khắc trên đá tại các công trình mỹ thuật ở Thuận Hóa xưa, trong đó có phiến đá ở làng Ưu Điềm).
Một hôm, khi Vishnu đang nằm trên một chiếc lá sen, Brahma bèn đến hỏi danh tính. Vishnu trả lời: “Chính ta đã sinh ra ngươi”, và Vishnu gọi Brahma là con. Nghe vậy, Brahma rất tức giận, tuyên bố rằng mình mới là đấng sáng tạo. Hai bên đang tranh cãi về ngôi thứ bỗng thấy xuất hiện một cột lửa cao ngất, vươn lên liếm sạch cả mây trời và chiếu sáng đại địa. Thấy thế, Brahma và Vishnu dừng ngay cuộc tranh cãi để đi tìm điểm xuất phát cũng như nơi tận cùng của cột lửa. Hai vị chia nhau đi tìm hai phía, Vishnu lặn sâu xuống mặt đất, còn Brahma bay vút lên đầu ngọn lửa nhưng bay tới đâu thì lửa cao tới đó. Nghĩa là cột lửa không thể biết điểm khởi đầu và điểm kết thúc nơi đâu. Cuối cùng, Vishnu và Brahma thâu thần lực và cùng gặp lại, đang ngẩn ngơ không biết đầu, cuối của cột lửa thiêng thì bỗng nhiên, âm thanh linh thiêng bắt đầu bằng chữ A (trong âm tiết AUM) vang lên, và Shiva xuất hiện giữa cột lửa tỏa hồng nhiều cánh như một đóa sen. Từ trong đóa sen lửa ấy, Shiva nói cho hai vị thần kia biết: “Không ai kém hơn ai trong ba ngôi tối linh bình đẳng gồm Brahma – Vishnu – Shiva. Ba ngôi đó chỉ là thể hiện của một linh thể thuần khiết và duy nhất”.
|
Từ chuyện trên, người ta đã kết hợp ba vị thần trong hình ảnh của một linga đặt trên yoni với ý nghĩa: “Shiva là đấng ban mầm sống (bijavan), Vishnu là tử cung (yoni) và Brahma là mầm sống (bija)”. Khi văn hóa Ấn Độ du nhập vào đời sống tinh thần Chămpa, hình ảnh các thần linh tối thượng được thể hiện qua một linga, nhắc ta nhớ đến thần thoại về loài Atula gây chiến với các thiên thần, khi thua, Atula đã dẫn hàng vạn quyến thuộc của mình chạy trốn và tất cả nấp trong… một cọng sen! Phân tích về ba vị thần trong một linga – yoni, TS Bá Trung Phụ nêu rõ: “Linga được cấu tạo thành ba phần. Phần đầu tròn biểu tượng thần Shiva. Phần giữa là thần Brahma có bốn cạnh tượng trưng cho 4 hướng: bắc (kabráh), nam (kanaron), tây (karaykôh), đông (haraymư). Phần cuối cùng tượng trưng cho thần Vishnu 7 cạnh…”.
Cũng theo TS Bá Trung Phụ, cần biết người Chăm ở Việt Nam thời trước trong quá trình tiếp thu văn hóa Bà la môn đã không rời bỏ nguồn cội của mình mà để cho yếu tố bản địa dần phục sinh. Chính vì thế, các ngẫu tượng Mukha Linga như ở các tháp Pôklongiarai (xây năm 1303), hoặc tháp Pôromê (xây năm 1659) đều kết hợp tín ngưỡng Bà la môn của Ấn Độ với quan niệm riêng của người Chăm. Điều đó cần được đối chiếu thêm với linga đang được thờ tại chùa Ưu Điềm.
Để giải đáp câu hỏi tại sao phiến đá điêu khắc lễ cưới nữ thần Tuyết, tượng Bà Phật Lồi và cả linga bằng đá cùng nhiều cổ thạch của người Chăm lại có mặt trên đất Thừa Thiên – Huế (tức Thuận Hóa ngày xưa), nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Đầu, Võ Quang Yến, Trần Ngọc Bảo cho biết: “Thuận Hóa là tên gọi của vùng đất Thừa Thiên – Huế đời nhà Trần sau khi vua Trần Anh Tông tiếp nhận hai châu Ô và Lý, là sính lễ của vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) dâng để cưới công chúa Huyền Trân. Vua Trần đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hóa. Cuối đời Trần, năm 1404, hai châu này được ghép lại thành phủ Thuận Hóa. Vùng đất Thuận và Hóa này được nhập vào Đại Việt sau lễ cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân năm 1306. Trước đó người Chăm đã sống ở đây và để lại nhiều di tích như “tảng đá thiêng được phong thần”, tượng nữ thần Tuyết, tượng Bà Phật Lồi, linga “tam vị nhất thể”….
Đó là ở Thuận Hóa. Còn nhìn về hướng Bắc, các khối đá khắc những dòng chữ bí ẩn từ bãi đá nghìn xưa tại Sapa vẫn đang tiếp tục thách đố các nhà khoa học ngày nay giải mã… (Còn tiếp)
Theo TNO