Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Những đóng góp to lớn của Đạo Phật cho Dân tộc dưới...

Những đóng góp to lớn của Đạo Phật cho Dân tộc dưới triều Lý (1010 – 1225)

184
0

Tổng quan

Lịch sử ghi triều đại nhà Lý là một triều đại văn minh thịnh trị nhất nước ta.

Do đó ta có thể đi sâu tìm hiểu vào chi tiết các thành quả to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước mà nhà Lý đã gặt hái được cũng như đã gây duyên lành cho các triều đại kế tiếp như thế nào.

Không phải cố ý đề cao triều nhà Lý; nhưng lẽ phải bắt buộc chúng ta phải phán xét vô tư. Nhà Lý sở dĩ hình thành vẫn do công của các nhà ái quốc tiền bối qua các dòng họ triều đại trước thúc đẩy. Gần nhất là họ Ngô, Đinh và Tiền Lê đã trực tiếp mở đường tự trị, độc lập cho quốc gia. Mà sự hình thành nhà lý là do công của ba vị ái quốc, đó là các ngài: Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc và Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn thì thụ động, trong khi Ngài Vạn Hạnh lo về mưu lược chỉ đạo, còn Đào Cam Mộc lo thi hành kế sách – vì lúc đó, họ Đào có thế lực binh quyền trong tay. Đào Cam Mộc tự biết phận mình nên không có lòng tham dùng bạo lực chiếm đoạt ngai vàng. Đó là điều quí. Lý Công Uẩn, đã làm quan rất lớn trong triều Tiền Lê, tới chức Tả – thân – vệ – điện – tiền – chỉ – huy – sứ, là người thừa tư cách và khả năng phục vụ quốc gia. Chính Lý Công Uẩn là vị quan duy nhất ở tại triều, sau khi vua Lê Trung Tôn bị Lê Long Đĩnh hạ sát; còn các quan khác thì sợ sệt chạy tứ tán hết.

Cứ công minh mà nói thì Lý Công Uẩn quả là vị quan chính trực, đạo hạnh, can đảm, có khả năng đứng trước các biến cố nguy hiểm và bất ngờ mà vẫn bình tĩnh sáng suốt hành động. Lý Công Uẩn không cần phải dùng thế lực đình thần của mình để đoạt ngôi. Đó cũng là một điều quí. Ngài Vạn Hạnh đưa đệ tử của mình lên ngôi là đã làm một việc hợp lý vì thầy hiểu trò hơn ai khác, hơn nữa, chính cá nhân học trò, đệ tử của mình đã tham chính, có kinh nghiệm điều khiển việc nước, nhất là đủ điều kiện về đạo hạnh cũng như thể chất của tuổi trung niên.

Ai ở trường hợp ngài Vạn Hạnh cũng đều phải làm như vậy. Nên việc làm của ngài là một sự hợp lý rất đáng quí. Giả thử ngài Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc không chịu giúp Lý Công Uẩn lên ngôi thì trong triều đình (cũ) cũng chẳng có ai có thể thay thế được Lý Công Uẩn. Đó là điều chắc chắn. Nếu Đào Cam Mộc tự xưng vương, rất có thể các quan trong triều sẽ tập hợp lại và đánh đuổi.

Căn cứ vào mẩu đối thoại dưới dây, giữa Lý Công Uẩn và Đào Cam Mộc thì thấy rõ: Lý Công Uẩn, tự bản thân đã có đủ uy tín để được triệu thỉnh lên ngôi hoàng đế.

Đào Cam Mộc đã khuyến thỉnh Lý Công Uẩn:

 "Trong lúc chúa thượng u mê, bạc nhược, làm nhiều điều bất nghĩa, trời chán ghét ông ta thất đức đến nỗi phải mệnh yểu! Con nối dõi còn thơ ấu, chưa thể kham nổi tình thế hết sức khó khăn; mọi việc trong triều chính rối như tơ vò, toàn dân nháo nhác ngóng trông một vị chân chúa ra đời. Thân vệ nên thừa dịp này đem kỳ mưu, túc trí ra gánh vác việc nước, xa thì theo dấu cũ của các vua Thang Vũ, gần nên nhìn vào việc làm của hai nhà Đinh, Lê, trên thuận ý trời, dưới hạp lòng người, chứ sao lại khư khư giữ cái tiểu tiết làm gì?"

Sang đến ngày hôm sau thì Đào Cam Mộc lại thỉnh một cách khẩn thiết hơn:

"Lời sấm đã quá rõ ràng, mọi người trong nước đều tin họ Lý sẽ dấy nghiệp. Việc chuyển họa thành phúc (cho đất nước) chỉ một sớm một chiều mà thôi. Đây chính là lúc trời trao vật lớn, vả lại hợp với lòng người mong muốn, Thân vệ còn nghi ngờ gì nữa!"

Lý Công Uẩn về sau cũng siêu lòng và phán:

"Ý ông cũng giống như ý của Sư phụ Vạn Hạnh[1], nhưng phải hành động thế nào cho được êm ấm vẹn toàn trong ngoài?"

Cam Mộc đáp:

"Thân vệ là người công minh, khoan thứ, hẳn là toàn dân sẽ hết lòng qui phục. Hiện nay trăm họ đói rét khổ sở. Nhân tình trạng đó, thân vệ lấy ân đức phủ dụ thì người người theo về như nước chảy chỗ trũng, ai có thể ngăn lại được?"

Nói xong, Đào Cam Mộc cho triệu tập đám quần thần tản mát lại, ra Tuyên Ngôn tôn vinh Lý Công Uẩn[2] lên ngôi hoàng đế, vị sáng lập một triều đại mới dòng họ Lý ở Việt Nam. Trong tuyên ngôn tấn phong có câu đáng chú ý:

"… Nay ức triệu khác lòng, thần dân lìa đức, nếu không thừa dịp này tôn ngài thân vệ lên ngôi, rủi ro mà có chính biến liệu chúng ta có thể giữ nổi mạng sống hay không?"

Đến đây, thiết tưởng đã có đủ yếu tố để nhận định lòng ngay thẳng của Phật giáo. Phật giáo không bao giờ có ý tôn phò quyền môn, nên thường đứng ngoài các vụ tranh chấp nhỏ nhen bị khu phân trong một lĩnh vực giới hạn, và tránh sự đụng chạm với các thế lực bon chen không mấy trong sạch. Sự thật thì Phật giáo vượt lên trên để làm tròn sứ mệnh của mình là "thiên nhân chi đạo sư", nghĩa là chỉ làm cố vấn mà thôi. Nhà Lý được sáng lập là do chính tư cách cá nhân Lý Công Uẩn đã đưa ông lên ngôi, trong các hàng đình thần bạc nhược. Quốc sư Vạn hạnh chỉ là vị có công giáo dưỡng một công dân vẹn toàn là Lý Công Uẩn.

Đào Cam Mộc, một vị có tuệ nhãn biết lựa chọn nhân tài. Hoàn cảnh đất nước, quần thần và quần chúng buộc Lý Công Uẩn phải lên ngôi. Hai vị Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc chỉ là người giúp cho sự lên ngôi của Lý Công Uẩn được êm thắm, tránh va chạm đổ máu vô ích, và được thi hành một cách tinh vi cấp tốc, để tránh sự dòm ngó của ngoại bang và các phe nhóm trong nước.

Có một điều nữa cần phải minh chính. Đó là điều mà nhiều người tin là "triều đại nhà Lý là triều đại của Phật giáo". Điều đó đúng. Nhưng Phật giáo không giữ độc quyền thao túng văn hóa, rồi hắt hủi, không nâng đỡ các đạo giáo khác, như Khổng giáo và Lão giáo, để các đạo này không có cơ phát triển. Mặc dù nhà Lý, do Phật tử Lý Công Uẩn khai sáng, nhưng không vì thế mà nói rằng Phật giáo đã giữ địa vị độc tôn trong mọi sinh hoạt quốc gia. Về mặt tư tưởng, tự do tín ngưỡng tôn giáo, dưới triều Lý, vẫn được triển khai một cách triệt để bình đẳng.

Nên nhớ rằng: không phải chỉ bắt đầu từ đời nhà Lý, Phật giáo mới cố vấn chỉ đạo guồng máy chính quyền. Phật giáo đã làm việc này từ nhà Đinh. Phật giáo không ngửa tay xin việc hoặc quì lụy, luồn cúi quyền môn để xin ân huệ, nhằm thỏa mãn ý định ty tiện riêng tư, để lấn trên ép dưới đối với các đạo khác. Phật giáo bao giờ cũng đứng ngoài chính quyền. Các thiền sư có đời sống riêng, tại các tu viện, để tu đạo, hành đạo. Lịch sử Việt Nam chưa từng ghi một vị thiền sư nào đang tinh tiến tu hành mà cởi bỏ pháp phục để nhận phẩm phục của triều đình, và nhập cung điện an cư bao giờ.

Chỗ chư tăng ở bao giờ cũng là chùa. Áo các thầy mặc bao giờ cũng là màu nâu, lam. Sự việc chỉ có thế. Các thiền sư hàng ngày không bao giờ lai vãng chốn triều đình phiền toái. Chỉ khi nào các vị vua chúa cần điều gì minh giải mà quần thần không làm nổi thì lúc bấy giờ mới phái sứ giả đến thiền môn cung thỉnh các ngài lai triều góp ý kiến giải quyết cho, xong rồi thì việc ai nấy làm.[3]

Vấn đề phong chức cho các vị thiền sư, đối với vua chúa, chỉ là một công việc tế nhị phải làm. Trước hết, là để tỏ lòng biết ơn, thứ nữa là để hệ thống hóa, đoàn ngũ hóa một cách bền chặt một tập thể trong xã hội cũng như bao nhiêu tập thể khác mà thôi.

Điều đặc biệt cần lưu ý là, tuy có một số các vị thiền sư mang chức phẩm của triều đình vinh phong, nhưng triều đình vẫn không bị các vị này chi phối. Các ngài chỉ có thẩm quyền đối với tập thể Phật giáo, còn đối với triều đình thì chỉ giữ vai trò cố vấn. Triều đình có vua quan lo mọi việc. Chưa hề thấy lịch sử ghi cuộc xích mích tranh chấp nào giữa một thiền sư  với một vị vua hoặc quan nào cả. Có thể nói được là Phật giáo và triều đình có hai sứ mệnh khác nhau, biệt lập trong nhiệm vụ, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài vụ tương trợ vô tư, hay có sự liên lạc thân hữu trong sạch với nhau. Đã thấy nhiều vụ vì nghe danh và quá cảm mến, một vị vua cố mời cho kỳ được một vị thiền sư đến cung để luận đàm đạo lý, nhưng vị thiền sư này đã khước từ[4]. Sở dĩ đề cập vấn đề chức tước vua ban cho các thiền sư chính là vì thiên hạ thường coi trọng quan tước rồi muốn dựa vào đó mà toàn quyền hành động. Chứ đối với các thiền sư thì vấn đề chức tước là chuyện bận tâm, vô ích; nhưng vì lịch sự nên vẫn phải nhận để tránh gây ngộ nhận là khi quân. Chưa hề thấy một tập đoàn quần chúng hoặc một cá nhân nào bị điêu đứng khổ sở, vì chuyện nhà vua đã vinh thăng quan tước cho các vị thiền sư, và dù rằng Phật giáo đã công khai hoạt động từ thời nhà Đinh nhưng đến thời nhà Lý mới phát triển được mạnh. Như thế không phải nhà Lý đã nâng đỡ một mình Phật giáo, mà chính Phật giáo cũng phải theo thông lệ như các học phái, tôn giáo khác mà tiệm tiến, chờ đến khi "túc duyên" mới phát triển được mạnh, và đến lúc không còn "liên tục duyên" thì nó cũng theo luật vô thường mà bị suy vi. Hơn nữa, không một vị vua nào lại sơ suất đến độ gây ra hiềm khích giữa các học phái, tôn giáo hay các ý hệ với nhau, để chính triều đại của mình chịu gặp nhiều xáo trộn trong đời sống cộng đồng.

Hồi nước ta mới lấy lại quyền tự chủ, kể từ đời Lý Nam Đế đến Mai Hắc Đế, đến Bố Cái Đại Vương, Khúc Tiên Chúa, Dương Chính Công, Ngô Tiên Chúa thì Nho giáo đã có nhiều người chấp chính, và lúc ấy chưa có sự xuất hiện của các thiền sư một cách chính thức và đại qui mô. Thế mà Nho giáo vẫn không hưng thịnh được, chính là vì những con người theo Nho giáo hồi đó phần nhiều đặt nặng lòng tham vị kỷ lên trên hết, và nhằm ngai vàng làm mục tiêu của mình. Vì thế mấy dòng họ kia đã không được vững bền, lâu dài. Người theo Nho giáo đã không ý thức được sự cường thịnh phải có của quốc gia qua sự ổn cố của xã hội, không tập hợp được quốc dân để hướng họ vào sự phục vụ quốc gia. Nho giáo ở Việt Nam lúc ấy đã là một trở ngại cho bước tiến vững chắc của toàn dân. Về kinh tế, chính trị không được cải thiện một cách hợp lý. Xã hội thì vẫn là một xã hội rập khuôn theo Trung Hoa, không có điều gì mới mẻ quan trọng được khai sinh. Con người lại không có được hoàn cảnh thuận lợi để phát triển khả năng của mình cho xã hội và cho chính hạnh phúc bản thân nữa. Nho giáo buổi ấy, không có chính sách hưng quốc, không có đường hướng hoạt động hợp lý, trên cương vị hành xử việc điều khiển quốc gia. Do đó, sau khi nhà Đinh thống nhất được quốc gia, dẹp tan nạn Thập nhị sứ quân thì đã phải dùng đến các hình luật cực kỳ đanh thép, để lập lại trật tự xã hội, tạo cơ hội thuận duyên cho toàn dân an cư lạc nghiệp.
Lúc ấy họa Thập nhị sứ quân bị tiêu diệt thì chính là lúc cáo chung vai trò của những phần tử theo Nho giáo, và chính lúc ấy Đạo Phật bắt đầu công khai hoạt động.

Đạo Phật, qua hai triều Đinh, Tiền Lê vẫn chưa được mãnh phát đúng khả năng phục vụ quốc gia. Vì hai triều nọ vẫn hãy còn chịu ảnh hưởng của tinh thần Nho giáo nên cả hai triều đại Đinh, Lê đều không tồn tại được lâu bền, vì hệ thống cầm quyền của vua chúa lúc bấy giờ đã mục nát và lỗi thời, nên cần phải có một hệ thống chính quyền mới thích ứng với thời cuộc mới.

Quốc gia Việt Nam phải chờ đến thời nhà Lý mới được hùng mạnh vì nhờ có Lý Công Uẩn, vị khai nguyên triều đại nhà Lý vốn là người đã được giáo dục, đào tạo trong một thời gian ở Thiền môn dưới sự dạy dỗ của quốc sư Vạn Hạnh.

Đạo Phật phát triển được khả năng kiến quốc một cách vinh quang, không phải là nhờ vào phép lạ nào hoặc nhờ vào xảo thuật lấn áp, dìm dập hạng nhân tài chịu ảnh hưởng Nho giáo; trái lại do quá trình tiến hóa tự nhiên chung cho mọi tập đoàn văn hóa mà nó đã rút ra kinh nghiệm kiến quốc ở hai triều đại kia. Nhà Đinh thì đã dùng luật pháp quá khắc khe – trong khi chưa khai phóng, cởi mở cho từng lớp nhân dân – được thi hành triệt để, và các sự cải tổ về chính trị, kinh tế và xã hội chưa mấy hợp lý. Còn nhà Tiền Lê thì cũng không tạo nổi sự thay đổi nào quan trọng có tính cách đại qui mô và có căn bản trường cửu.

Vai trò của các quốc sư, thiền sư làm cố vấn chỉ đạo cho hai triều Đinh, Tiền Lê không được nổi bật như dưới triều Lý. Vì ở vào môi trường giao tiếp giữa Nho giáo và Lão giáo nên các ngài tuy chỉ dẫn vô tư cho các vị quốc vương, song các vị này đã không đủ quyền năng, nghị lực thi hành trọn vẹn sứ mệnh. Đến lớp con cháu các vị thì vẫn còn chịu ảnh hưởng di truyền của đạo Khổng, về cả tinh thần lẫn vật chất, qua các vị vương tử thiếu sáng suốt và nghèo nghị lực, nên chỉ miệt mài lo củng cố hạnh phúc vị kỷ, đến nỗi kéo đổ luôn cả ngai vàng và đưa dòng họ đương vinh quang trở lại đời sống bình thường và phức tạp.

Phải chờ đến đời nhà Lý, nước Việt Nam mới thật sự cường thịnh là do có con Người Mới mang một Ý Thức Mới, tới, và do đó, có một Chính Sách Mới cải tổ toàn diện các cơ cấu quốc gia đi.

Chú thích:

[1] Thiền sư VẠN HẠNH, họ Nguyễn quê ở làng Cổ Pháp (nay là làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nhà mấy đời thờ Phật, từ thuở nhỏ ngài đã thông minh khác thường, là bậc "sinh nhi tri chí", quán thông ba môn học, nghiên cứu Bách Luận (Madhymika), coi nhẹ công danh phú quí. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia cùng với thiền sư Định Tuệ, theo học Lục tổ Thiền Ông, tức là đời pháp thứ mười hai của phái Tỳ-Ni-Đà-Lưu-Chi. Ngoài giờ hầu hạ thầy, ngài chuyên chú học hỏi không biết mệt mỏi. Sau khi Lục tổ Thiền Ông thị tịch, ngài tập môn Tam-Ma-Đề (Samadhi), nên khi nói ra lời nào ắt thành sấm ngữ.

Vua Lê Đại Hành (981) rất kính trọng ngài. Năm đầu niên hiệu Thiên Phúc, tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo đưa quân sang đánh nước ta, đóng quân ở Cương Giáp trấn Lạng Sơn. Vua mời ngài đến hỏi về sự thắng bại ra sao? Ngài đáp: "Chỉ trong ba bảy ngày thì giặc sẽ lui". Quả nhiên đúng như thế. Khi khởi binh đánh Chiêm Thành, vì nước này hay sang quấy phá biên thùy nước ta. Nghị đình chưa quyết định, ngài tâu xin ra quân gấp khỏi mất cơ hội. Sau đó quả nhiên thắng trận.

-Thơ Văn Lý Trần viết:

– Ông là người có công lớn đã đóng góp nhiều ý kiến giúp Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm và dựng nước, sau lại góp phần giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua (1010). Là một người có cái nhìn nhạy bén về thời cuộc như vậy nên trong thời Tiền Lê, ông đuợc vua Lê Đại Hành tôn kính; sang thời nhà Lý càng được triều đình trọng đãi. Lý Thái Tổ phong ông làm Quốc Sư" Sđd trang 214)

Niên hiệu Thuận Thiên thứ IX, năm mậu ngọ ngày 15 tháng 5 năm 1018. Trước giờ thị tịch, ngài có để lại bài kệ khuyến cáo đệ tử:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô".

Tạm dịch:

Thân như chớp nhoáng có rồi không
Cây cối thu tàn xuân trổ bông
Nhìn cuộc thịnh suy… nào có sợ
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương hồng.

Tác phẩm của ngài hiện còn 5 bài thơ, có "tính chất những lời sấm và lời kệ". Ngoài ra còn có một ít lời phát biểu về thời cuộc, 5 bài thơ đó là:

1.        GỬI ĐỖ NGÂN (Ký Đỗ Ngân),.

2.        KHUYÊN LÝ CÔNG UẨN (Khuyến Lý Công Uẩn)

3.        CHỮ "QUỐC" (Quốc Tự).

4.        TREO BẢN NÓI CHO MỌI NGƯỜI BIẾT.
(Viết Bảng Thị Chúng)

5.        LỜI DẠY ĐỆ TỬ (Thị Đệ Tử)

LỜI  KHUYÊN CỦA NGÀI VẠN HẠNH chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (phiên âm bản chữ Hán):

"Cận giả, thần kiến phù sấm chi dị, tri Lý thị tráng thịnh nhi hưng nghiệp tất hỹ. Kim quan thiên hạ chi tính, Lý tối đa, vô như thân vệ khoan từ nhân thứ, phả đắc chúng tâm, nhi chưởng ác binh bính giả. Tông chủ vạn dân, xả thân vệ, kỳ thùy đương chi?

"Thần niên thất thập hữu dư, nguyện tư tu vật tử dĩ quan đức hóa như hà. Thành thiên tải nhất ngộ chi hạnh dã".

Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng thân vệ, là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải thân vệ thì còn ai có thể cáng đáng nổi. Tôi đã hơn bảy mươi tuổi rồi mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là sự may muôn năm mới gặp một lần).

(Trích bản dịch của Cao Huy Giu trong sách TVLT, tập 1 trang 216)

Để nhớ ơn một bậc thầy cao cả đã có công lớn gây dựng cho nội tổ mình là Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), vị khai sáng triều đại nhà Lý văn minh, Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) đã làm bài thơ truy tán quốc sư Vạn Hạnh:

"Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ"
Thiền sư học rộng bao la
Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời
Quê hương Cổ Pháp danh ngời
Tháp bia đứng vững muôn đời đế đô
                THÍCH MẬT THỂ dịch
 
Nhà văn Lê Văn Siêu, tác giả sách VĂN MINH VIỆT NAM đã viết về ngài vạn Hạnh:"… Người ấy thì phải có công nghiệp, mà công nghiệp này nhất định có Người ấy mới làm nổi. Bởi Người thức cảm hơn ai hết, sự áp bức của nền văn hóa ngoại lai còn nguy hiểm gấp bội sự áp bức về chính trị, nên Người đã nêu cao ngọn cờ độc lập văn hóa".

"… Trận đánh quân Nam Hán của Ngô Quyền ở Bạch Đằng Giang chỉ là một chiến công, gieo ảnh hưởng trong một thời gian ngắn để sau này phải có những trận đánh tiếp của Trần Quốc Tuấn, của Lê Lợi, của Nguyễn Huệ. Những trận đánh về văn hóa của SưVạn Hạnh đã là trận đại thắng gieo ảnh hưởng muôn đời về sau cho con cháu Rồng Tiên.

".. Sư Vạn Hạnh đã dàn một mặt trận văn hóa bao la trong cả không gian lẫn thời gian mà không một tư trào văn hóa ngoại lai nào có thể khiến dân tộc Việt Nam quên để quay theo".
                                                                (Sách dẫn thượng, trang 87, 88)

[2] Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, tức ngày 8.3.973, niên hiệu Thái Bình thứ V nhà Đinh. Về gốc tích người ta không rõ lắm, chỉ biết bà mẹ là Phạm thái hậu. Lúc lên 3 tuổi, ông được nhà sư Lý Khánh Vân, trụ trì chùa Tiêu Sơn, nhận làm con nuôi, sau theo học với ngài Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ. Ông là người thông minh, nhân đức, có độ lượng của bậc đế vương. (VSTA)

Theo Công Dư Tiệp Ký thì lúc nhỏ Lý Công Uẩn hay nghịch, một hôm bị thầy phạt, trói bắt nằm dưới đất, đêm khuya muỗi đốt không ngủ được. Chú tiểu liền tức cảnh ngâm bài thơ:

"Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiêm,
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên
Dạ thâm bất cảm trường thân túc,
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên"
(Trời làm chăn gối, đất làn đệm,
nhật nguyệt nhìn ta ngủ trước thềm.
Đêm khuya không dám dang chân duỗi,
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng).

Bài thơ trên trích trong Thơ Văn Lý Trần T1.

Dưới thời Tiền Lê, ông làm đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Năm 1009, Long Đĩnh chết. Ông được triều đình tôn lên ngôi vua, tức Lý Thái Tổ, lấy miếu hiệu là Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Đại Việt hùng mạnh kéo dài trên 2 thế kỷ. (1010 – 1225)
Thái Tổ trị vì 19 năm, mất ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên XIX (31-3-1028), trụ thế 55 năm.

[3] Trường hơp ngài VIÊN THÔNG, họ Nguyễn, quê Nam Định, tu tại chùa Quốc Ân. Năm thứ IV niên hiệu Đại Định (1143), đời vua Anh Tông, ngài được phong làm quốc sư. Sử chép: Đời Lý Thần Tông niên hiệu Thiên Thuận thứ III vua cho triệu ngài vào điện Sùng Khai để hỏi về việc trị loạn hưng vong trong nước, ngài tâu (chép nguyên văn chữ Hán trong thiền Uyển Tập Anh(: "Thiên hạ do khí dã, trí chư an tắc an, trí chư nguy tắc nguy, nguyện tại nhân chủ sở hành hà như nhĩ. Hiếu sinh chi đức hợp vu dân tâm: cố dân ái chi như phụ mẫu, ngưỡng chỉ như nhật nguyệt. Thị trí thiên hạ đắc chi an giả dã.

"Hựu vân: trị loạn tại thứ quan, đắc nhân tắc trị, thất nhân tắc loạn. Thần lịch quan tiền thế đế vương vị thường bất dĩ dụng quân tử nhi hưng, dĩ dụng tiểu nhân nhi vong giả dã. Nguyên kỳ trí thử phi nhất triệu nhất tịch chi cố; sở do lai giả tiệm hĩ. Thiên địa bất năng đối vi hàn thử, tất tiệm ư xuân thu; nhân quân đốn vi hưng vong, tất tiệm ư thiện ác. Cố chi thánh vương tri kỳ nhược thử, cố tắc thiên bất tức kỳ đức dĩ tu kỷ, pháp địa bất tức kỳ đức dĩ an nhân. Tu kỷ giả, thận ư trung dã, lật thiên như lý bạc băng; an nhân giả, kinh kỳ hạ dã, lẫm hồ nhược ngự hủ sách. Nhược thị võng bất hưng, phản thị võng bất vong. Kỳ hưng vong chi tiệm tại ư thử dã" (trích Thiền Uyển Tập Anh).

Bản dịch chữ Việt của nguyễn Đổng Chi trong sách VNCVHS : "Thiên hạ cũng như một đồ vật để nó vào nơi yên thì yên, vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua, nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ; ngóng như trời trăng: ấy là đặt thiên hạ vào nơi yên đó…
Lại trị và loạn ở tại trăm quan, được người thì trị mà không được người thì loạn. Tôi trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa có khi nào không dùng bậc quân tử mà hưng, không dùng kẻ tiểu nhân mà vong, mà đến như thế chẳng phải một mai một chiều đâu, tự nó dần dần lại vậy. Trời đất không thể thay nóng đổi rét liền mà phải dần dần ở mùa xuân, mùa thu. Bậc vua chúa không làm hưng vong liền mà dần dần ở sự thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết như thế, cho nên mới bắt chước đức trời không nghỉ để sửa mình, bắt chước đất không nghỉ để yên người. Sửa mình là thận trọng ở bề trong, run sợ như dẵm trên băng mỏng. Yên dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mủn. Theo lối đó thì hưng, trái đi thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi" (Sđd trang 119, 120).

[4] Ngài CỨU CHỈ, họ Đàm quê ở Chu Minh, học thông tam giáo. Một hôm, ngài tự than: "Khổng, Mặc thì cố chấp ở lẽ "có", Trang, Lão thì đắm đuối ở lẽ "không", những sách thế tục (rõ ràng) chẳng phải là phương pháp để giải thoát. Chỉ có Phật giáo không kể có hay không mới có thể giải quyết được lẽ Sống Chết…. Khổng, Mặc chấp hữu, Trang, Lão nịch vô, thế tục chi điển, phi giải thoát pháp. Duy hữu Phật giáo, bất hứa hữu vô, khả liễu sinh tử…" (ĐNTUTĐTL).

Ngài tu khổ hạnh, trọn năm không bước chân xuống núi, tiếng đồn tới kinh đô, vua Lý Thái Tông cho mời mấy lần mà ngài không tới. Đích thân vua ba lần tới chùa để xin tham vấn. Khoảng niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054 – 1058) Tể tướng Dương Đạo Gia lập chùa Diên Linh trên núi Long Đội cúng cho ngài. Khi hạ sơn, ngài nói: "Ta chẳng trở lại đây nữa". Chim chóc thú vật trong núi tiếng kêu buồn thảm suốt ba tuần chưa ngớt. Ngài trụ trì chùa Diên Linh được ba năm. Khi thị tịch, ngài cho gọi môn đồ lại và dạy (nguyên văn chữ Hán chép trong ĐNTUTĐTL): "Phù nhất thiết pháp môn, bản tòng nhữ tính; nhất thiết pháp tính, bản tòng nhữ tâm. Tâm pháp nhất như, bản vô nhị pháp. Khiên triền phiền não, nhất thiết giai không; tội phúc thị phi, nhất thiết giai huyễn. Vô sở phi quả phi nhân. Bất ư nghiệp trung phân biệt báo; bất ư báo trung phân biệt nghiệp, nhược hữu phân biệt, bất đắc tự tại. Tuy kiến nhất thiết pháp nhi vô sở kiến. Tuy trí nhất thiết pháp nhi vô sở tri. Tri nhất thiết pháp, nhân duyên vi bản; kiến nhất thiết pháp, chính chân vi tông. Tuy nhiễm thực tế giải liễu thế gian như biến hóa; minh đạt chúng sinh duy thị nhất pháp, vô hữu nhị pháp. Bất xả nghiệp cảnh, thiện xảo phương tiện, ư hữu vi giới, thị hữu vi pháp, nhi vô phân biệt vô vi chi tướng. Cái dục tuyệt ngã vọng niệm, kế giác cố dã".

Dịch nghĩa: Phàm hết thảy pháp môn là do tự tính người, mà tất cả pháp tính cũng lại bắt nguồn tự tâm người. Tâm với pháp là một chứ không phải là hai vật riêng biệt, mọi sự ràng buộc phiền não đều là không; mọi lẽ phải trái tội phúc đều là hư huyễn. Không cái gì chẳng phải nhân; không cái gì chẳng phải quả. Không nên phân biệt nghiệp với báo; không nên phân biệt báo với nghiệp, nếu phân biệt thì chẳng được tự tại. Dù thấy tất cả pháp cũng như không biết. Biết hết thảy pháp lấy nhân duyên làm gốc, thấy tất cả pháp lấy chính chân làm nguồn. Mặc dù đắm trong thực tế (sự tướng) vẫn hiểu thế gian đều là biến hóa hư ảo. Thấu rõ chúng sinh chỉ là một pháp, chứ không phải hai. Chẳng rời nghiệp cảnh, đó là phương tiện khôn khéo; ở trong cõi hữu vi hiển bày pháp hữu vi mà không phân biệt với tướng vô vi. Đó là vì muốn đoạn tuyệt cái ngã vọng niệm so đo toan tính vậy.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here