Về Chính Trị
Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho một thời đại văn minh cường thịnh ở Việt Nam. Việc làm trước tiên của vị minh chủ này là: "cho đốt chài lưới, giải phóng các loài chim muông… trên rừng dưới biển, bãi ngục tù, ban chiếu từ nay trong nước ai có điều gì oan ức cho đến triều đình tâu, vua sẽ đích thân giải quyết".
Mùa thu năm ấy, vua cho dời đô từ Hoa Lư đến thành Đại La là Thăng Long thành, tức là Hà Nội bây giờ, Cùng với việc dời đô, nhà Lý đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, Thành Hoa Lư thành phủ Trường An, sông Đuống (Bắc Giang) làm sông Thiên Đức.
Đây là nguyên văn bài "Thiên Đô Chiếu[1].
"Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chi số quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự nhiên tỉ? Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cảu hữu tiện triếp cải; cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vụ tư; trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao vương cố đô Đại La Thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính nam bắc đông tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trầm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?" (Sử Ký Toàn Thư)
(Xưa, nhà Thương đến vua Bàn Canh[2] đã năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương[3] cũng ba lần dời đô. Phải đâu các thời Tam Đại[4] theo ý riêng mình mà tự tiện dời đổi? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận lợi thì thay đổi, là cốt mong vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh.
Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại vẫn theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của nhà Thương nhà Chu, cứ đóng yên đô thành ở đấy, đến nỗi triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đi. Huống nữa thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương[5], ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng vị trí các hướng nam bắc đông tây, rất tiện cho sự nhìn sông dựa núi; địa thế vừa rộng vừa bằng phẳng, đất đai lại cao và thoáng; dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Ngắm khắp nước Việt ta, chỉ có nơi đây là "thắng địa". Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, xứng đáng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
Trẫm muốn nhân cái thế thuận lợi ấy để định chỗ ở, ý các khanh thế nào?[6]
Sau khi dời đô về thành Thăng Long, cùng lúc với công cuộc kiến thiết các cung điện của triều đình, như: điện Càn Nguyên để coi chầu, điện Lập Hiền, điện Quảng Vũ, điện Long An, điện Long Thụy, điện Nhật Quang, điện Nguyệt Minh, cung Thúy Hoa và Long Thụy cho cung nữ ở. Thành có bốn cửa: Tường Phù (đông), Quảng Phúc (tây), Đại Hưng (nam) Diệu Đức (bắc). Cộng 13 sở, xây thành lũy chung quanh. Vua cũng cho dựng ở phủ Thiên Đức 8 ngôi chùa. Triều đình có dựng bia ghi công. Riêng trong nội thành, vua cho xây chùa Hưng Thiên Ngự; ở cung Thái Thanh, chùa Vạn Thọ, nhà tàng kinh Chấn Phúc; và ở ngoại thành là những chùa: Thắng Nghiêm, Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang, Thiên Đức. Triều đình cũng ra lệnh cho các làng trùng tu những chùa hư hại. Phát 310 lạng vàng để đúc chuông chùa Hưng Thiên. Tuyển dân làm tăng, lập giới đàn ở chùa Vạn Thọ cho chư tăng thụ giới[7].
Năm sau (1011), vua ban lệnh đại xá, cấp quần áo thuốc men cho những người bị Ngọa Triều bắt được trả về quê cũ làm ăn sinh sống. Đồng thời xóa thuế trong ba năm cho cả nước. "Xóa hết nợ thuế cũ của những người mồ côi, góa chồng, già yếu".
Niên hiệu Thuận Thiên thứ 7, 8, 9 trong ba năm liền, vua lại xuống chiếu tha cho dân không phải đóng thuế ruộng (nguồn tài chính trong nước lúc ấy gồm các thuế: gỗ rừng, cá biển, buốn bán, thuế thổ sản; thuế đất, đồ cống hàng năm, trong 6 hạng thuế này chính phủ chỉ thu 4 hạng; trừ thuế thổ trạch, thuế đất).
Năm 1018, vua sai Lý Đạo Thành và Phạm Hợp đi Tống thỉnh Kinh Tam Tạng. Năm 1093, sai các quan nội thị sảnh viết lại Kinh Tam Tạng, rồi trữ tại Tàng Kinh Đại Hưng. Năm 1025, dựng chùa Chân Giáo ở trong nội thành để tiện việc tụng niệm.
Ngô Thời Sỹ, trong Việt Sử Tiêu Án, có lời bình phẩm:
" Vua Lý Thái Tổ sinh trưởng nhờ cửa Phật. Khánh Vân nuôi lớn, Vạn Hạnh dạy dỗ, thuyết nhân quả ăn sâu trong lòng, cho nên khi mới kiến quốc, đã sáng tạo nhiều chùa, cấp điệp độ tăng chúng, muốn đưa cả thế giới vào nước Phật, bất luận hiền ngu muốn cho qui Phật, đến đời sau nhà Lý mới khởi lên ngôi chùa cao sát mây lập nên cột chùa bằng đá cao vót, lấy sự thờ Phật làm việc thường phải có của một nước (lập hơn 300 ngôi chùa, đúc quả chuông nặng đến 1 vạn 2 nghìn cân đồng). Khi khánh thành chùa thì mở hội, xá các tội nhân…" (Sđd, trang 108).
Nhà Lý trải qua các triều vua: Thái Tổ, Thái Tông (1028-1054), Thánh Tông (1072-1127). Các vua trên đây đã cho tổ chức lại cơ cấu hành chính, soạn thảo luật pháp, xây dựng nhu yếu quốc phòng, an sinh và giáo dưỡng, kiến thiết thủ đô Thăng Long, và làm việc để bảo toàn lãnh thổ, thống nhất nhân tâm, nhằm củng cố nền độc lập lâu dài: Năm 1054, nhà Lý đổi tên là nước Đại Việt.
Về Cơ Cấu Tổ Chức Hành Chính
Đầu năm 1011, nhà Lý đổi pháp cũ của nhà Tiền Lê làm 24 lộ. Dưới lộ có phủ, huyện, hương, giáp. Lại đặt thêm đạo như đạo Hải Đông, đạo Tuyên Quang, trại Ái Châu, trại Hoan Châu. Và một số châu, trại được đặt làm phủ, như: phủ Trường An, phủ Thiên Đức, phủ Thanh Hóa. Về hành pháp, đứng đầu triều đình là vua, rồi đến các quan cao cấp; về văn và võ chia làm chín phẩm cấp, và một số cơ quan chuyên trách. Bộ máy hành chính được thiết lập từ trung ương đến các đơn vị cơ sở. Khu vực hành chính gồm có bộ và phủ rồi đến huyện và cuối cùng là hương, giáp… (LSVN. TI).
"Để giúp vua nắm mọi mặt chính trị, quân sự, nhà Lý đặt thêm Trung thư sảnh (với các chức trung thư thị lang) và Khu mật sứ (với các chức tả hữu khu mật sứ). Cùng bàn việc với tể tướng có tả hữu tham tri chính sự.
Trông coi về việc đàn hặc, giám sát quan lại, có ngự sử đài với các chức tả hữu giám ngự đại phu. Giúp việc tể tướng, còn có các chức hành khiển đồng trung thư môn hạ hình chương sự. Dưới đó có thượng thư sảnh với các chức thượng thư sảnh viên ngoại lang. Chức đình úy trông coi việc hình án, chức đô hộ phủ sĩ sư chuyên xét các án còn nghi ngờ.
Trông coi các việc trong triều đình có nội thị sảnh. Giúp việc soạn các lời chiếu, chế của vua, có Hàn Lâm Học Sĩ"[8].
Về Ngoại Giao
Ở phía nam, nước Đại Việt giáp với Chiêm Thành, một tiểu vương quốc vốn có tiếng hung bạo, thường hay xua quân sang đánh phá miền duyên hải nước ta. Bằng chứng: Khi nhà Tiền Lê mới chấp chính, vua Đại Hành sai sứ sang Chiêm Thành, bị vua nước này bắt giam sứ lại. Vua Đại Hành giận lắm. Chờ tới sau khi phá được Tống rồi, vua đem quân qua đánh báo thù. Quân nhà Tiền Lê tràn vào đô thành nước Chiêm đốt phá, bắt người, và lấy rất nhiều của cải châu báu, rồi rút quân về nước một cách an toàn.
Buổi đầu thời nhà Lý, khi Lý Thái Tổ lên ngôi, Chiêm Thành vẫn cho sứ thần sang cống. Kể từ năm 1028, thái tử Phật Mã, tức lý Thái Tông lên làm vua, đã mười lăm năm Chiêm Thành không chịu thông sứ. Do đó năm 1044, vua Thái Tông đích thân ngự giá đi đánh Chiêm Thành. Quân ta kéo vào kinh đô Vijaya, bắt sống vua nước ấy là Rudravarman III. Từ đấy phía nam được tạm yên. Vua nước Chiêm Thành hằng năm lại vẫn phải triều cống như cũ[9].
Về phía Bắc, nước ta ở sát nách một nước khổng lồ (Trung Hoa). Mà các ông vua Trung Hoa vốn luôn luôn tự xem mình là một nước "Thiên triều", coi các lân quốc ở chung quanh là man di, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là đem quân tới xâm lăng, hòng áp đặt lại ách thống trị thời Hán Đường của cha ông chúng. Ngay sau khi mới lên ngôi, Lý Thái Tổ đã có chủ trương giao hảo với nhà Tống. Năm 1010, viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tài Nguyên được cử đi sứ Tống, do đó quan hệ giữa hai nước tương đối hòa hảo.
Cho tới khi Tống Thần Tông (1068-1078) lên cầm quyền. Vương An Thạch được cử làm tể tướng. Bấy giờ ở Ung Châu có quan tri châu là Tiêu Chú làm sứ dâng về Tống triều, nói rằng: "Nếu không đánh lấy đất Giao Châu thì về sau thành ra một mối lo cho nước Tàu". (Trong lúc) Vương An Thạch có ý muốn lập công ở ngoài biên và nhân dịp, để khỏa lấp sự thất bại về "Tân pháp"[10] do y chủ xướng để cải tổ việc chính trị trong nước, bị người dân Trung Hoa không chịu thi hành, cho là trái với chế độ phong tục cổ truyền.
Cuộc chiến tranh xâm lăng nước Đại Việt của nhà Tống vẫn được khởi sự. Quan hệ bang giao Lý – Tống trở nên căng thẳng trong một thời gian.
Nhưng sau kháng chiến chống Tống đã toàn thắng (xem mục quân sự: Kháng Tống), nhà Lý vẫn giữ tư thế một nước độc lập, tiếp tục giao hảo với nhà Tống.
Trong hơn hai thế kỷ, nhà Lý vẫn theo đuổi một chính sách ngoại giao lúc cương nghị, lúc uyển chuyển, thật linh động: nhằm mở rộng quan hệ ngành thương nghiệp với các nước láng giềng, đồng thời bảo toàn được lãnh thổ và nền tự chủ của dân tộc.
—————————————–
Chú thích
[1] ĐVSKTT và HVVT ghi năm canh tuất, niên hiệu Thuận Thiên năm đầu (1010), Lý Thái Tổ cho công bố bài chiếu này bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi thuyền vua vừa tới thành thì có điềm lành: rồng vàng bay lên, vua nhân đó đổi là thành Thăng Long.
[2] BÀN CANH : vua thứ 17 của nhà Thương, một triều đại rất xưa trong lịch sử Trung Hoa.
[3] THÀNH VƯƠNG: vua thứ ba nhà Chu, triều đại tiếp nối nhà Thương.
[4] TAM ĐẠI: nhà Hạ (2205 – 1767 TTL); nhà Thương (1766 – 1123 TTL); nhà Chu (1122 – 256 TTL).
[5] CAO VƯƠNG: Cao Biển, tên là Thiên Lý, dưới triều đại nhà Đường (Trung Hoa) năm 566, làm Đô hộ sứ Giao Châu từ 884 – 875, ông cho xây thành Đại La, thuộc vùng đất Hà Nội ngày nay, từ lâu đã bị mai một.
[6] Bản dịch chúng tôi dựa theo bản dịch của ngô tất Tố (VHDL) và bản dịch của nguyễn Đức Vân TVLT tập 1). Những chú thích trên đây dẫn theo sách Thơ Văn Lý Trần, tập 1.
[7] Lúc LÝ CÔNG UẨN mới lên ngôi vua, đã cho độ 1000 người ở kinh đô làm tăng. Chùa Kiến Sơ có trên 100 học tăng, theo học tại đây. Chùa Quảng Báo, thiền sư Nguyện Học nuôi trên 100 học tăng. Chùa Trùng Minh ở núi Tiên Du (Bắc Ninh) học tăng theo học thiền sư Thiền Lão lên đến hơn 1000 người, biến chùa thành Tùng Lâm sầm uất. Dẫn theo sách LSVN TKX – 1427, trang 82.
[8] Quan chức của nhà Lý có qui củ hơn các triều trước. Đứng đầu triều là 3 chức: Thái sư, thái phó, thái bảo. Ví dụ: Lý Đạo Thành làm Thái sư bình chương quân quốc trọng sự đời Lý Thánh Tông (1054-1071), Tô Hiến Thành làm Thái phó đời Lý Anh Tông (1138-1175). Dưới đó đến Thái úy (thời Lý Thái Tổ gọi là tướng công) giữ hết việc chính trị và quân sự trong nước. Chức này tức là chức tể tướng sau này. Tiếp đến tư không, thiếu phó, thiếu bảo. Chức thiếu uý chuyên coi cấm binh. Rồi đến chức nội điện đô tri sự, ngoại điện đô tri sự, kiểm hiệu bình chương sự. Đó là các chức quan trọng yếu bên cạnh nhà vua.
(Theo sách Lịch sử Việt Nam, thế kỷ X – 1427, q I tr 23, trang 40)
[9] Xin xem cuộc hành quân đánh nước Chiêm Thành của nhà Lý trong tiểu mục viết về quân sự….
[10] TÂN PHÁP:
Về Tài Chính:
1. Phép Thanh Miêu, khi lúa còn xanh thì nhà nước cho dân vay tiền, đến khi lúa chín thì dân phải trả tiền lại, tính theo lệ nhà nước đã định mà trả tiền lãi.
2. Phép Miễn Dịch, cho những người dân đinh mà ai phải sưu dịch thì được nộp tiền, để nhà nước lấy tiền ấy thuê người làm.
3. Phép Thị Dịch, đặt ra một sở buôn bán, ở kinh sư, để cho những thứ hàng hóa gì mà dân bán không được, thì nhà nước mua thu cả lấy mà bán. Những người con buôn mà ai cần phải vay tiền thì cho vay rồi cứ tính theo lệ nhà nước mà trả tiền lãi.
Về Hành chính:
4. Thế Bảo Giáp, lấy dân làm lính. Chía ra 16 nhà làm một đô bảo. Một bảo có đặt hai người chánh phó để dạy dân luyện tập võ nghệ.
5. Phép Bảo Mã, nhà nước giao ngựa cho các bảo phải nuôi, có con nào chết thì dân phải theo giá đã định mà thường lại. (dẫn theo VNSL, muốn rõ hơn, xin coi thêm Lý Thường Kiệt).