Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Những câu thơ “ký ức thế giới”

Những câu thơ “ký ức thế giới”

143
0

Ước vậy thôi cho vơi cảm giác chua xót của một người ngoài cuộc, không đủ kiến văn thấu hiểu những gì cha ông gửi gắm qua những câu thơ đã làm nên một phần độc đáo của kiến trúc Đại nội Huế. Và chua xót bởi những câu thơ ấy sắp trở thành “ký ức của nhân loại” trong khi vẫn chưa là ký ức của tôi, của số đông người Việt hiện nay!

Bản “tuyên ngôn độc lập” thời Nguyễn

Hệ thống văn tự Hán – Nôm trên quần thể di tích Huế bao gồm hơn 4.000 đơn vị là những bài thơ, văn khắc trên các cung điện và văn bia tại khu vực Hoàng thành, các lăng vua và nhiều di tích khác của Huế… “Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất, có giá trị và nhiều chuyện đáng kể nhất vẫn là hệ thống thơ chữ Hán trên điện Thái Hoà với số lượng hiện còn là 191 bài (kể gộp cả những bài bị mất chữ và các đoạn 2 câu) tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau” – TS Phan Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế – nói.

Điện Thái Hoà.
Điện Thái Hoà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung – Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, người từng làm luận văn cao học về ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hoà – bổ sung: “Bản thân điện Thái Hoà và không gian tồn tại của nó là nơi tổ chức các lễ triều nghi, nơi đặt ngai vua, biểu tượng cao nhất của nhà nước quân chủ. Do đó cũng có thể ví ngôi điện này như bộ mặt hành chính của triều Nguyễn, đó là nơi giao tiếp chính thức của triều đình trong đối nội cũng như đối ngoại. Vì vậy, thơ chạm khắc trên điện Thái Hoà vừa thực hiện chức năng trang trí, vừa thực hiện “chức năng giao tiếp” giữa vua và quần thần; giữa triều đình với hệ thống quan lại; giữa triều đình với các nước; và rộng hơn là giao tiếp giữa thế hệ này với thế hệ khác…”.

“Tuyên ngôn độc lập” thời Nguyễn khắc dưới bức hoành “Thái Hoà điện”.
“Tuyên ngôn độc lập” thời Nguyễn khắc dưới bức hoành “Thái Hoà điện”.

Có lần ngồi uống càphê nhắc chuyện các bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, tôi nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung nói ở trong điện Thái Hoà, có một bài thơ được khắc dưới bức hoành phi Thái Hoà điện, được xem như là một “tuyên ngôn độc lập” của thời Nguyễn. Tôi háo hức muốn biết, ông đọc: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu”, rồi tạm dịch: “Nước ngàn năm văn hiến/ Thống nhất toàn giang san/ Từ Hồng Bàng lập quốc/ Thịnh trị cả trời Nam”. Và ông nêu nhận xét: “Nói đúng hơn, đây là một bản tuyên ngôn về độc lập đất nước và độc lập văn hiến của triều Nguyễn. Trong lịch sử, những bản “tuyên ngôn độc lập” trước đó như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… chủ yếu tuyên bố về chủ quyền, lãnh thổ. Đến triều Nguyễn, ngoài yếu tố trên còn tuyên bố độc lập về văn hiến của dân tộc”.

Ngạc nhiên hơn khi biết ngoài “tuyên ngôn độc lập”, hệ thống văn tự Hán – Nôm khắc trên quần thể di tích Huế còn thể hiện tư tưởng, quan điểm, tình cảm… của triều Nguyễn về nhiều lĩnh vực như: Ca ngợi sự thống nhất đất nước và cảnh thái bình thịnh vượng, tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc; những học thuyết, tư tưởng nho giáo trong nền tảng chính trị đương thời; đề cao độc lập, tự chủ, đường lối đối ngoại, đối nội, chính sách về khuyến nông, cảnh non sông tươi đẹp… Có những câu thơ khi đọc lên, hậu thế không thể không ngỡ ngàng bởi bản lĩnh và khẩu khí của vua Nguyễn như: Lễ nhạc siêu tam đại/ Thông minh khuếch tứ môn (đại ý nói lễ nhạc của triều Nguyễn còn vượt qua thời Tam Đại của Trung Quốc gồm Hạ, Thương, Chu vốn được coi là đỉnh cao; đồng thời, sự thông minh, hiểu biết của các vị vua Nguyễn mở rộng ra khắp bốn phương trời).

Vua Nguyễn luôn coi mình là hoàng đế

Thời phong kiến, các nước trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… đều phải đối xử với Trung Quốc như nước lớn. Vua ở Trung Quốc được xưng hoàng đế, là chân mạng thiên tử (con trời), còn lại đều chỉ được coi là vương. Ở Việt Nam, vị vua nào lên ngôi cũng phải nhận thụ phong “An Nam quốc vương” từ triều đình phong kiến Trung Quốc. Và 4 chữ “An Nam quốc vương” luôn được phía Trung Quốc dùng trong các văn kiện ngoại giao chính thức. “Tuy nhiên, đó chỉ là ứng xử ngoại giao – nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung nói – Bằng chứng là trong tất cả 191 bài thơ trên điện Thái Hoà, tần suất xuất hiện của chữ vương chỉ 13 lần, trong khi chữ đế (hoàng đế) lại xuất hiện đến 27 lần. Điều này chứng tỏ thời Nguyễn luôn muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc để khẳng định sự chủ quyền, độc lập về mọi mặt của mình. Và để làm được điều này, chứng tỏ các vị vua triều Nguyễn đã có bản lĩnh và nội lực văn hoá rất cao”.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung dẫn chứng thêm về bản lĩnh đối ngoại của triều Nguyễn: Hàn Quốc – một trong những nước đồng văn có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Việt Nam – thời phong kiến, ấn của vua nước này chỉ được làm bằng hình con rùa – biểu tượng dành cho vương. Trong khi tất cả các ấn của vua Nguyễn đều được làm bằng hình rồng 5 móng – biểu tượng dành cho hoàng đế. Rồi ông kể một câu chuyện mới: Năm 2010, khi Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phối hợp với Bảo tàng Cố cung quốc gia Hàn Quốc xuất bản chung cuốn sách về cổ vật nhân sự kiện những báu vật của triều Nguyễn được triển lãm, trưng bày ở Hàn Quốc.

Trong sách, toàn bộ những chữ liên quan đến vua đều được phía Hàn Quốc dịch sang tiếng Anh là “king”, nhưng phía Việt Nam không nhất trí. “Chúng tôi yêu cầu phải dịch là “emperor” (hoàng đế) và đã xảy ra những tranh cãi nhỏ” – ông Nguyễn Phước Hải Trung kể. “Tuy nhiên, sau khi chúng tôi trưng ra một số bằng chứng về hai chữ hoàng đế đã được sử dụng từ những bài thơ trên điện Thái Hoà, rồi những ấn hình rồng 5 móng để chứng minh rằng khác với Hàn Quốc, về mặt đối ngoại, các vua Nguyễn xưng là vương, nhưng về đối nội, họ xưng là đế. Có chút ngỡ ngàng, nhưng cuối cùng họ cũng chấp nhận vì bằng chứng quá thuyết phục”.

Trở lại với hệ thống văn tự Hán – Nôm trên quần thể di tích Huế, TS Phan Thanh Hải khẳng định: “Đây được xem là một di sản khổng lồ, dương bản (khác với mộc bản là âm bản) độc nhất vô nhị, các triều đại trước không có, các nước đồng văn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều không có. Nếu có chăng thì chỉ là những bài thơ được viết lên biển rồi treo lên di tích, hoặc do một số kẻ sĩ ngẫu hứng phóng bút sau khi công trình đã hoàn thành, chứ không phải là chủ ý ban đầu của những nhà kiến trúc, là một thành tố cấu thành nên di tích như ở Huế. Chính vì vậy, hệ thống văn tự Hán – Nôm này có giá trị rất đặc biệt, tạo nên một trong những phần hồn quan trọng của di tích Huế”.

Thơ viết trên nền pháp lam ở bên ngoài điện Thái Hoà.
Thơ viết trên nền pháp lam ở bên ngoài điện Thái Hoà.

Khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung cho thấy những giá trị độc đáo về mặt hình thức của hệ thống văn tự Hán – Nôm trên quần thể di tích Huế. Trước hết là thư pháp Việt, gồm nét chữ đẹp nhất của các đại thần do vua tuyển chọn, với đầy đủ các kiểu chữ chân, thảo, triện, lệ. Thứ đến là chất liệu đa dạng: Khảm xà cừ, khắc chìm, chạm nổi trên các liên ba rồi sơn son, thếp vàng; viết trên nền pháp lam; đắp ngoã sành sứ… Có nhiều bài thơ như “Vũ trung sơn thuỷ” (Cảnh trong mưa) và “Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở Phước Viên) của Vua Thiệu Trị là đỉnh cao về nghệ thuật và hình thức thể hiện. Mỗi bài có 54 chữ, không trình bày theo lối thường mà được viết thành 5 vòng tròn theo lối đồng tâm, nhìn vào như một trận đồ bát quái, mỗi vòng tròn có một số chữ, ứng với mỗi bài thơ thất ngôn bát cú và mỗi bài biến hoá thành tất cả… 64 bài thơ khác!

***

Làm gì để “ký ức thế giới” trước hết phải là ký ức của người Việt? Câu hỏi đó luôn ám ảnh tôi kể từ ngày Trung tâm BTDTCĐ Huế công bố thông tin về việc lập hồ sơ cho hệ thống văn tự Hán – Nôm trên quần thể di tích Huế. Trong Festival Huế 2012, khai mạc vào tháng 4 tới đây, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ tổ chức một lễ hội sân khấu hoá trên sông Hương với chủ đề “Thiên hạ thái bình”. Chất liệu chính làm kịch bản cho lễ hội này là những bài thơ khắc trên điện Thái Hoà có nội dung đề cập đến chủ quyền đất nước, thái bình thịnh trị…

Đó cũng là một cách “tạo” ký ức cho người Việt, nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn còn quá ít. Chợt nhớ một thắc mắc của một người nghiên cứu Hán – Nôm ở Huế – ông Phan Anh Dũng – với tôi cách đây không lâu: “Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, hiện họ vẫn dạy một số lượng chữ Hán cơ bản cho học sinh (độ vài ngàn chữ) để học sinh không bị tách rời quá xa với các truyền thống văn hoá dân tộc. Có thấy chướng không khi người dân, hướng dẫn viên du lịch ở Huế lại không đọc được chữ viết trên các di tích, trong khi khách du lịch người Hàn, người Nhật có thể đọc và hiểu được?”.

Vâng, chính “ký ức thế giới” đã đặt lại vấn đề “ký ức Việt”.

 

Theo Hoàng Văn Minh (Báo Lao Động)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here