Trang chủ Phật giáo khắp nơi Những câu chuyện về máy niệm Phật

Những câu chuyện về máy niệm Phật

136
0

Nơi tôi sinh sống được xếp vào vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên điều kiện tiếp xúc với những phương tiện hiện đại dĩ nhiên không thể thuận tiện bằng nơi phố thị, ngay cả trong sinh hoạt, học hỏi đạo pháp cũng có nhiều trở ngại, lệ thuộc vào sự hảo tâm của những bạn đạo trên thành phố.

Khi nhận được những tài liệu, kinh sách, băng đĩa nhiều khi đã được phát hành rất lâu nhưng chúng tôi vẫn rất quý trọng, chuyền tay nhau mà nghe, coi. Lắm khi cảm thấy thiệt thòi nhưng đâu biết phải làm sao. Những Phật tử may mắn được gần gũi với quý thầy đức cao trọng vọng, các chùa lớn trên thành phố có lẽ kiếp trước đã có công phu tu tập sâu dày hơn chúng tôi. Đó là nói về kinh sách, băng đĩa, còn về pháp khí cũng vậy, phải đi thỉnh ở xa mới có, và đặc biệt máy niệm Phật thì rất hiếm.

Do ít có nên mỗi khi nghe tin chùa nào có tặng máy niệm Phật, những người chưa có máy thường tìm đến chùa đó để thỉnh, song đa phần đều đến trễ, đã “hết hàng”. Có lần nghe một chùa ở huyện kế bên có tặng máy niệm Phật, tôi điện báo cho một người bạn đạo hay tin vì ông ấy mong có được một cái máy niệm Phật đã lâu. Dù tức tốc đi liền nhưng ông bạn đạo tám mươi tuổi của tôi vẫn đến trễ, chẳng còn cái nào. Tiếc công vượt mười mấy cây số mà chẳng được gì, ông ta ngần ngừ chưa chịu về, sư cô trụ trì đành lấy cái máy niệm Phật cuối cùng, định để dành cho mình trao cho ông ấy. Mừng quá, ông ta cám ơn cô trụ trì rối rít rồi mang máy về. Không ngờ hai hôm sau ông ta điện cho tôi đòi đem trả máy niệm Phật đã xin, tôi ngạc nhiên hỏi vì sao, ông ta trả lời: Mình rặt là dân Nam Bộ mà tặng máy niệm Phật của thầy miền ngoài tụng, khó nghe quá trời!

Tuy quý hiếm là vậy, nhưng ngay chính trong những người Phật tử lại có nhiều cách ứng xử khác nhau đối với máy niệm Phật. Tôi còn nhớ có lần được một bạn đồng tu giao cho tôi năm máy niệm Phật. Tôi đem tặng cho bốn Phật tử muốn có máy niệm Phật từ lâu, còn một cái tôi gởi tặng cho chị dâu ở thành phố. Bất ngờ, nửa tháng sau chị ấy gởi trả lại máy niệm Phật cho tôi với lý do chồng chị ấy “hù” rằng máy niệm Phật chỉ để phục vụ cho người chết, lúc đang lễ tang người ta đặt máy niệm Phật trước quan tài, sau đám lại để lên bàn thờ suốt 49 ngày đêm, do đó nếu mang máy niệm Phật về nhà, coi chừng phải lên bàn thờ ngồi. Thế là chị ấy sợ quá, cương quyết trả máy lại, dù tôi có giải thích thế nào cũng không nghe. Âu cũng là nghiệp duyên!

Đứa cháu gái con của người chị thứ ba của tôi nghe chị dâu tôi trả lại máy liền hỏi xin. Cháu ấy là giáo viên cấp ba, cháu bảo: Đêm khó ngủ mở máy niệm Phật là ngủ rất ngon, lúc trước cháu có một cái nhưng nghe riết nên hư rồi. Tôi thầm nghĩ: Trời đất ơi, máy niệm Phật lại dùng làm vật ru ngủ, mà thôi hổng sao, miễn chịu nghe niệm Phật là tốt rồi, lần lần chủng tử Phật sẽ phát sinh qua những lần nghe để ngủ đó.

Có một lần, tôi mang máy niệm Phật tặng cho một Phật tử tuổi đã cao, bà Phật tử này có những thành tích tu đáng nể. Dù đã trên tám mươi lăm tuổi nhưng bà thường xuyên tàng tàng lội bộ tám cây số đi và về để đến chùa cúng lạy Phật, chỉ trừ khi nào bị bệnh nặng hoặc mưa gió bà mới không đi. Tình cờ khi tôi đến nhà bà ấy lúc chồng của bà bệnh nặng đang hấp hối, sau một hồi chuyện vãn với gia đình, tôi lấy máy niệm Phật ra đưa cho bà và nói: Tôi đem tặng cho bà máy niệm Phật này để nghe hàng ngày, nhưng trước mắt do ông nhà yếu nên bà cho ông ấy mượn nghe trước ít ngày. Bà ấy hết sức vui mừng nhận máy, tôi chỉ cho bà cách sử dụng xong liền mở máy đem để lên đầu nằm của chồng bà ấy rồi từ giã ra về. Sáng hôm sau tôi trở lại thăm thì thấy chồng của bà ấy đang thở lấy hơi lên, rất nguy kịch. Con cháu tụ chung quanh nói chuyện thì thào chờ ông tắt thở, không thấy người nào niệm Phật trợ niệm cho ông ấy. Tôi nhắc họ nên niệm Phật A Di Đà để Phật tiếp dẫn hương hồn của ông về Tây phương Cực lạc. Có vài người nghe lời niệm được một lát thì thôi, bỏ đi làm chuyện khác. Có lẽ những người này ít đi chùa nên ngại niệm Phật, dù niệm hỗ trợ cho chính thân nhân của họ. Chợt nhớ tới máy niệm Phật đem vào đêm qua, tôi hỏi họ sao không mở máy cho ông cụ nghe, một người con của bà ấy trả lời: Hồi hôm để máy niệm Phật đến nửa khuya thì má con qua lấy lại không cho ba con mượn nghe nữa. Má con nói chú cho má thì để má nghe, cho ba bây mượn bấy nhiêu là đủ rồi, rủi đêm nay ổng hổng chết mà má chết thì sao! Tôi nghe vừa buồn cười vừa thấm thía câu nói của bà ấy, tuy mộc mạc nhưng sâu sắc, đâu có ai chắc mình sống được đến ngày mai, nhất là ở cái tuổi trên “thất thập cổ lai hy”. Tôi lại thấy tâm đắc lời Phật dạy khi bước vào cõi tử, nghiệp của ai nấy chịu, chẳng ai gánh thay cho ai được cả. Lúc còn trẻ thì ân ân ái ái, lưu luyến chẳng rời, đến lúc già chết thì đường ai nấy đi, đâu giúp nhau được gì. 

Sau đám tang, thỉnh thoảng tôi ghé thăm và rất mừng vì cách sử dụng tích cực máy niệm Phật của bà ấy. Có lần chính mắt tôi thấy bà thắp nhang trước bàn Phật, xá ba xá, mở máy niệm Phật lên bà đứng ngay ngắn chắp tay niệm Phật lớn tiếng theo máy cho tới lúc tàn hết cây nhang. Người con trai út của bà ấy nói: Từ ngày có máy niệm Phật đến nay, ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ tối là má con đốt nhang xá Phật, mở máy rồi đứng niệm theo, tàn hết cây nhang mới nghỉ. Mà có nghỉ luôn đâu, khi vô mùng bà lại mở tiếp tới sáng, lại mở lớn tiếng nữa chứ, báo hại lúc đầu con ngủ không được. Ban ngày đi làm về mệt, tối lại cứ chập chờn A Di Đà Phật… A Di Đà Phật, sáng dậy muốn không nổi. Kêu má con vặn nhỏ lại, bà trả lời nhà của tao, tao muốn vặn bao nhiêu thì vặn, phải chịu thua bà, con lấy gòn nhét hai lỗ tai là xong. Bây giờ nghe riết cũng quen, tối không nghe lại thấy thiếu thiếu gì đó… Tôi hỏi bà ấy sao không ngồi cho đỡ mỏi, bà ấy bảo đứng cho trang nghiêm. Mà bà ấy đâu có khỏe mạnh gì, mắc bệnh ung thư cách nay đã năm năm, đã uống thuốc hóa chất để duy trì, năm ngoái tái khám, bác sĩ bảo đã di căn vào hạch bạch huyết trong ổ bụng, không biết bà chịu đựng được bao lâu nữa, sức khỏe giảm nhưng tôi thấy càng ngày bà càng tinh tấn hơn. Có lẽ bà biết thời gian sống của bà còn ngắn ngủi nên nỗ lực tu.

Lại có một bà hàng xóm đã bảy mươi tuổi nhưng không có nổi một cái nhà lành lặn để ở, trên nóc thì phủ bạt, dưới mái nhà thì căng ni lông để hứng nước cứ tuôn thành dòng khi mưa tới. Bà ấy có hai đứa con, đứa con gái lấy chồng xa, lại nghèo quá không giúp đỡ được gì, còn đứa con trai cũng đã lấy vợ, kinh tế khá hơn nhưng không hề giúp mẹ một đồng để mua gạo hay thuốc thang. Bà tự kiếm sống bằng cách đến những nhà vườn có trồng chuối xin những cọng lá chuối khô đem về đan võng để bỏ mối; khi mưa nhiều không có lá chuối khô, bà đi lãnh hạt điều về cạo vỏ gia công, làm còng cả lưng mới mua nổi lon gạo ăn. Nhà của bà cất nhờ trên đất thằng em út, không may thằng em bị ung thư hạch lăn ra chết; chồng chết chưa giáp năm, cô vợ kiếm chuyện đuổi bà ra khỏi đất của chồng mình để lại, chỉ cho bà ở nhờ nửa năm nữa mà thôi. Một lần đến nhà nghe bà than mà não lòng, muốn giúp mà chẳng biết giúp làm sao, chợt tôi nhìn trên vách thấy treo một xâu chuỗi hạt bồ-đề, tôi hỏi vì sao bà có, bà ấy bảo lúc còn trẻ bà có tham gia sinh hoạt Phật tử nên mới có xâu chuỗi đó.

Tôi hỏi sao bà là Phật tử mà không thờ Phật, bà ấy trả lời nhà dột nát hết lấy chỗ đâu mà thờ. Tôi bàn với bà ấy: Đã là Phật tử muốn hết khổ bà nên niệm Phật thường xuyên và cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm phù trợ, nếu tụng được chú Đại bi càng nhanh được phước. Bà ấy bảo lúc trẻ bà thuộc chú Đại bi nhưng đã quên hết rồi, mắt mũi kèm nhèm lại hay quên, bây giờ mà học lại chắc khó thuộc nổi. Tôi bèn gởi một đứa cháu mua giúp tôi một máy niệm Phật có tụng chú Đại bi tặng bà ấy và căn dặn nên thường xuyên tụng niệm theo máy. Bà ấy thực hiện theo sự chỉ dẫn của tôi một cách nhiệt thành. Khoảng sáu tháng sau, đứa em gái ruột của bà ấy mua đất cất nhà, kêu cho bà cất nhà trên đất của cô ấy, đồng thời nhà nước trao cho bà một suất tiền để cất nhà tình thương. Khi chuẩn bị cất nhà thì đứa con trai bỗng thay tâm đổi ý, góp thêm tiền cho bà cất hẳn một căn nhà khang trang. Bây giờ bà đã có cuộc sống ổn định, hàng tháng bà được lãnh tiền trợ cấp từ tiền tử tuất của chồng là liệt sĩ (qua bao nhiêu năm vất vả xác minh mới được), đã có nơi thờ Phật trang nghiêm, hàng ngày bà vẫn lao động kiếm sống nhưng lúc nào cũng mở máy niệm Phật và niệm theo.

Riêng phần tôi, máy niệm Phật đã hỗ trợ rất nhiều trên đường tu học của bản thân. Nhờ niệm Phật lâu năm, tôi có thể khởi tâm niệm là niệm, khởi tâm nghỉ niệm là nghỉ nhưng những lúc lao động nặng nhọc phải dồn tâm sức vào công việc thì máy niệm Phật giúp tôi niệm theo nó không ngừng. Bọc kín trong túi ni-lông, máy niệm Phật suốt ngày theo tôi ngoài đồng áng, là một người bạn duy nhất theo sát tôi trong những lúc vất vả lao động. Máy niệm Phật lại giúp tôi thực hành bố thí pháp theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca.

Cám ơn người đã sáng tạo ra máy niệm Phật, cám ơn những người phát tâm tặng máy niệm Phật, cám ơn những người đã nhận máy niệm Phật của tôi (dù chỉ nhận để “dễ ngủ”).

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here