Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Như ngọn gió lành

Như ngọn gió lành

202
0

Có thể chuyện bài vở, viết lách làm cho tôi ban đầu được gần Thầy. Hồi đó, tôi chưa viết gì, trong khi Thầy đã cho tôi đọc những bài của Thầy về cảm nhận đạo Phật đôi chút mượt mà, và Thầy rất thích những sách, những bài của một người thân trong gia đình tôi. Tôi không ngờ, trong chuyện trò thân mật, ngoài chuyện đạo, Thầy nhớ biết bao nhiêu chuyện đời, chuyện xưa, chuyện học hành, thơ văn.

Ngoài cuộc sống tu hành, hoằng pháp, đã từ lâu, trước năm 1975, Thầy đóng góp công sức vào hoạt động y tế và từ thiện của giáo hội, một hoạt động có quan hệ với các y bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Huế. Thầy rất trân trọng bác sĩ giám đốc T.K.Kh, vì tinh thần phục vụ tận tụy bệnh nhân. Thầy cho tôi biết vị bác sĩ giám đốc đến với đạo Phật hết sức đặc biệt: Trong một lần đi nhận dụng cụ y tế và thuốc men ở Đà Nẵng (Thầy có cho tôi xem giấy báo nhận hàng), bác sĩ giám đốc và Thầy cùng đi trên một chiếc xe có tài xế lái. Chiến tranh lúc đó là ác liệt, đặc biệt ở địa bàn rừng núi. Trời đã chiều, khi xe đổ đèo Hải Vân thì đứt thắng, lao xuống dốc. Mọi người hốt hoảng, Thầy đề nghị bình tĩnh, nhất tâm niệm danh hiệu Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau đó, không ai biết gì nữa. Một hồi, mọi người lóp ngóp dậy, ai cũng an toàn, trong khi chiếc xe va vào triền núi. Khi hoàn hồn, chính vị bác sĩ đã kể lại: Ông cũng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng cả đời chưa bao giờ tin, chưa bao giờ niệm, cho nên cũng không nhớ đã niệm như thế nào. Thế rồi bác sĩ chỉ thấy ánh hào quang sáng lên, đến khi tỉnh lại thì nhận ra mình thoát nạn. Nhưng tai qua nạn khỏi thì nổi lo hiển nhiên đến, khi trời càng về chiều thì càng tăng: xe cộ lúc này đã vắng, e phải ở lại lưng đèo giữa đêm đầy bất an. Mọi người lại chỉ biết niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm. Như có phép mầu, một chiếc xe lên dốc từ phía Đà Nẵng, thấy xe bị nạn, đã chở những người trong đoàn về Đà Nẵng. Theo lời Thầy kể lại cho tôi, chính tài xế xe kia có linh tính thôi thúc phải lên đèo vào lúc trời đã chiều, thì ra gặp xe bị tai nạn.

Từ biến cố đó, bác sĩ giám đốc nguyện theo Phật và chính Thầy tổ chức lễ quy y cho bác sĩ tại một ngôi tổ đình lớn ở Huế. Như để thể hiện tâm Phật tại nơi làm việc, Bác sĩ đã cho trồng một cây bồ đề trong sân bệnh viện, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa tạo bóng mát. Chính từ thời bác sĩ T.K.Kh làm giám đốc, bệnh viện mới có bóng dáng quý ni cô giúp chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo hoặc không nơi nương tựa, an ủi và động viên tinh thần cho những số phận không may. Quý ni cô đã được ngành y tế thời đó tổ chức các khóa học về điều dưỡng để thực hiện hạnh nguyện cứu khổ của mình.

Có ai ngờ rằng chỉ một câu niệm: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” đã làm chuyển biến tâm linh của bác sĩ giám đốc, làm cho người trí thức không biết gì về đạo Phật trở thành một Phật tử, để từ đó, người Phật tử giám đốc kia càng đem nhiều lợi lạc cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, về thể chất và tinh thần. Có điều chắc chắn bác sĩ đã có thiện nghiệp gặp được Thầy, để được niệm danh hiệu Bồ tát cứu khổ cứu nạn…

Lại cũng có người đã được may mắn gặp Thầy, ở cuối đời. Một bà từ nhỏ, tứ cố vô thân, ngoại hình không chút sáng sủa, không biết gốc gác như thế nào, không bà con quen biết, làm người giúp việc trong một gia đình công chức. Trãi qua bao biến động của thời cuộc, gia đình vào Sài Gòn, rồi phân ly, người mất đi vì già yếu, người phải đi tìm đất sống, bà cũng đi làm công, chuyển từ nhà này qua nhà nọ; nhưng chưa được mười năm thì đau ốm, tay chân chậm chạp, bơ vơ giữa đất Sài Gòn, cuối cùng, bà tìm đường ra Huế, may được một gia đình Phật tử cưu mang cho đến cuối đời. Gia đình này cũng có thiện duyên được gặp Thầy, được đi theo Thầy làm y tế và từ thiện, và thế là, qua gia đình này, Thầy đã quan tâm giúp đỡ, khám bệnh và liên hệ cơ quan từ thiện cấp xe lăn. Thầy nói với mọi người trong nhà: “Bà là mẹ của Thầy đó!”, và Thầy đã thể hiện như lời nói, nhất là Thầy đã chăm lo khi bà lâm chung, sau đó nhập liệm, hộ niệm, đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng và cũng đã cúng thất tuần cho bà chu đáo.

Thầy lo lắng nhiều cho xã hội trong khi chùa của Thầy đơn sơ, nội thất bình thường. Tôi chỉ chú ý bức ảnh khá to treo trên tường của một vị tỳ kheo toát lên tinh thần bất bạo động và đức vô úy trong những lúc gian nan. Bề ngoài Thầy có vẻ sống đơn giản, không chú trọng nhiều về hình thức, nhưng không phải bao giờ cũng thế. Những buổi lễ tại chùa như Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo, Thầy cho thiết trí bàn thờ ngoài sân lộng lẫy, trang nghiêm, và Thầy chuẩn bị bài thuyết pháp rất kỷ lưỡng, in ấn rất đàng hoàng. Vào lúc đó, Thầy cho in giấy mời rất chỉnh và đẹp.

Từ duyên hạnh ngộ, tôi thường đến thăm Thầy, vấn an Thầy và bao giờ Thầy cũng vui vẻ, tươi cười, chuyện trò sảng khoái. Thỉnh thoảng Thầy điện thoại mời tôi về chùa, cũng chẳng có chuyện gì quan trọng. Tình cảm của  thầy khiến tôi phải nán lại khá lâu, và lần nào Thầy cũng mời tôi ở lại dùng cơm, một điều tôi rất áy náy khi chùa của Thầy thì không mấy ai, đệ tử của Thầy thì đi học. Nhưng được thọ trai với Thầy thì rất vui, ngồi vào bàn chỉ có Thầy, tôi, và một chú đệ tử của Thầy. Thầy dùng bữa rất ít, chỉ thích trò chuyện. Có khi Thầy dành cho tôi ưu ái đặc biệt, như trong một lần cúng quá đường mùa an cư kiết hạ, Thầy mời tôi đến dự và cho tôi một dịp học tập “thâm nhập thực tế”. Thầy cẩn thận sắp cho tôi một vị trí riêng, và lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến đầy đủ cảnh chư tăng thọ trai trong chánh niệm, hơn thế nữa, được sống trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh của buổi cúng quá đường, từ khi bắt đầu lễ cho đến khi kinh hành, tôi đi sau quý thầy, lễ Phật và hồi hướng công đức.

Thầy đặc biệt lo lắng việc học tập ngoài đời của đệ tử, hơn cả cha mẹ. Thầy ưu tư làm sao có được một đệ tử đỗ vào Đại học Y khoa để sau khi tốt nghiệp, sẽ làm việc cho các cơ sở khám chữa bệnh của Phật giáo. Mong ước này không thực hiện được, thì Thầy hạ xuống một bậc thấp hơn: không được đại học Y khoa, thì đỗ vào đại học nào khác cũng được, cho nên Thầy lo lắng sách vở, máy vi tính, cho đệ tử đi học luyện thi. Thầy tạo điều kiện về thời gian để cho đệ tử tập trung việc học; đến gần kỳ thi, Thầy tự làm những việc tạp dịch thay cho đệ tử.

Nhưng cuộc đời thật kỳ lạ: nếu đệ tử thầy nuôi không đáp ứng kỳ vọng của Thầy thì lại có một nữ sinh viên Y khoa gần ra trường, người Quảng Ngãi, nhỏ nhắn, vốn ở trong một gia đình không theo đạo Phật, có cơ duyên đi theo Thầy làm công tác y tế và từ thiện, cảm thương số phận của đồng bào nghèo, và cảm phục hạnh nguyện giúp đời của Thầy, đã trở thành đệ tử của Thầy, thường xuyên đến chùa, lạy Phật. Trong những năm cuối đời, những lúc Thầy trở bệnh, người Phật tử này đã luôn túc trực bên Thầy. Có lúc bệnh tình có vẻ thuyên giảm, Thầy nhờ cô đệ tử nhắn tin cho tôi. Vị thượng tọa nằm trên chiếc giường nhỏ, trong căn phòng hẹp, mái thấp, xung quanh chỉ thấy sách; không sao, Thầy vẫn cứ vui, cứ cười.

Cũng như thế, cuộc đời cũng có thừa trừ: chùa có ít chúng điệu, thì ngược lại, chùa có rất đông Phật tử. Những dịp chùa kỵ Tổ hoặc những dip đại lễ thì chùa rất đông vui, sân chùa trở nên chật với nhiều người, già trẻ lớn bé, đến từ nhiều địa bàn khác nhau, kể cả những bộ y phục nâu của các Phật tử từ Nghệ An. Thầy chu đáo đi qua tất cả các bàn, chào hỏi mọi người rất thân tình.

Thầy đã sống chung với bệnh cũng đã nhiều năm rồi, vẫn làm trụ trì ngôi chùa, vẫn điều hành cơ sở khám chữa bệnh từ thiện, vẫn không quản nắng mưa đi làm công tác thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa, vẫn có chức vụ trong Hội Chữ Thập Đỏ của Tỉnh, cũng như Thầy vẫn xuất hiện bên Gia đình Phật tử, kể chuyện Phật trong vòng dây thân ái của các em áo lam,… Đã đến lúc Thầy phải đoạn thân tứ đại để đi xa… Tôi đành bùi ngùi tiễn đưa Thầy, Thầy thân kính của tôi, nhưng tôi phải chiêm nghiệm lời Phật dạy, tất cả đều vô thường, Thầy chỉ là người đi trước. Cũng đã gần sáu năm Thầy đi xa, mỗi khi nhớ về Thầy, tươi cười dang nắng ban trưa, tôi cảm nhận một ngọn gió mát lành.

C.H.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here