Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Nhớ “Thầy mù chùa Kim Đài”

Nhớ “Thầy mù chùa Kim Đài”

156
0

Người giữ chùa trong mưa bom bão đạn:

Chùa Kim Đài, một ngôi chùa cổ do thiền sư Đại Sum khai sơn vào năm 1748, tại thôn Châu Chữ, xã Thuỷ Bằng, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam. Đây là vùng “sơn cùng thủy tận” của vùng đất Lâm Lộc dưới thời trị vì của các chúa và vua nhà Nguyễn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ, chùa Kim Đài, nằm trong vùng căn cứ quan trọng của huyện Hương Trà và thành phố Huế nên để tồn tại được cho đến ngày hôm nay là cả một chặng đường dài đầy “mưu kế” của chư vị Tổ đức xưa. Và người có công lao lớn nhất trong việc gìn giữ ngôi chùa từ thời “mưa bom bão đạn” cho đến khi “hòa bình lập lại” là một vị thầy có hoàn cảnh rất đặc biệt.

Vị thầy mà từ trong những năm còn hành điệu cách đây đã hơn 20 năm chúng tôi đã được nghe nhiều người kể về “Thầy” như những câu chuyện trong giai thoại thiền môn xứ Huế, nên hồi đó, chúng tôi rất ao ước được tận mắt nhìn “Thầy”.

Tình cờ, một lần lâu lắm rồi, cách đây cũng đã hơn 10 năm trong một chuyến đi chơi núi, chúng tôi đi vào một ngôi chùa nhỏ nằm ẩn giữa cây rừng thâm u. Và trong ngôi nhà cấp 4 toành toàng, một vị thầy già dáng người lọm khọm, đang ngồi “nhìn” đăm đăm vào khoảng trời sâu thẳm.

Khi chúng tôi bước vào, thầy lên tiếng chào “A Di Đà Phật”. Tôi cũng đáp lễ chào theo “A Di Đà Phật, bạch thầy”. Và khi vị Đạo hữu đi cùng chúng tôi vái nói lời chào thầy thì thầy mừng rỡ “ôi! Thầy Thái, làm chi lâu năm rứa chừ mới lên thăm thầy mù chùa Kim Đài ni hè”. Tôi mới té ra đây chính là “Thầy mù chùa Kim Đài” có Pháp tự là Thích Từ Duyên mà tôi đã ao ước gặp thầy từ rất lâu hồi còn hành điệu.

Thầy ơi! "nhờ đui mới giữ được đạo nhà…":

Ấn tượng đầu tiên tôi gặp “Thầy” là trông thầy rất khác so với quý thầy đang tu hành trong những ngôi chùa Huế. “Thầy mù chùa Kim Đài” rất lùi xùi, khắc khổ, và trông rất ốm yếu. Thầy có một hoàng cảnh rất đặc biệt, thầy bị mù cả hai con mắt, nhưng lại sống có một mình trên một ngôi chùa núi vắng vẻ ít khách thập phương qua lại.

Nói chuyện với chúng tôi, thầy kể “khổ lắm thầy ơi, tui vâng lời quý Ôn dạy, chỉ có tui mù lòa lên đây ở mới không bị các bên liên quan đến cuộc chiến nghi ngờ “chỉ điểm” mới cho tui yên ở đây tu hành, giữ gìn duy trì ngôi chùa của chư Tổ đã dày công sáng lập lên. Nhớ cái ngày còn chiến tranh, vùng nầy là vùng “cách mạng” nên địch và ta cứ bắn nhau liên tục, ngày thì lính Pháp, lính Mỹ hành quân lùng sục, bọn chúng vô đây xì lô xì la dọa nạt, đòi bắt, đòi bắn tui không biết bao nhiêu lần, tui nói tui mù lòa không chộ chi hết, không biết chi hết, chỉ biết tụng kinh niệm Phật đừng bắn tui mà tội, thế là bọn chúng cho qua. Còn đêm đêm thì các chú bộ đội vào thăm, xin ngủ nhờ mình cũng phải đón tiếp nhưng run lắm, sợ mấy anh chàng “chỉ điểm” nói mình nuôi Việt Cộng thì Mỹ lên hắn bắn chết. Thực tình là chỉ có nhờ Phật nhờ Tổ gia hộ chứ thực ra tui nghĩ, sống trong vùng nầy hồi đó nếu không phải là Việt Cộng, không phải là lính Pháp, lính Mỹ thì mù cũng…bị bắn." rồi thầy cười nói như than thân "Thầy ơi! nhờ đui mới giữ được đạo nhà!!!”

Chúng tôi tò mò “vậy thầy mù lòa, mà dân làng ở đây hồi đó thì đi tản cư hết, thầy lấy chi mà ăn để sống”. Thầy nói “thì nhờ các Đạo hữu Phật tử ở dưới phố vài tuần bới cơm bới gạo lên giúp tui, với lại tui cũng phải tự lò mò trồng sắn, trồng khoai để ăn chứ, nói chung là cực lắm, nhưng nhớ lời quý Ôn dạy mà phải nghiến răng chịu đựng, tụng kinh tụng kệ cầu Phật cầu Tổ gia hộ để giữ gìn ngôi chùa”.

Sau gần 5 năm chúng tôi lên thăm “Thầy mù chùa Kim Đài” lần 2, vừa vào đến chùa, tôi vái chào “bạch thầy…!” thì thầy liên vui mừng nhận ra ngay “dạ thầy Trí Năng, lâu ngày dữ hi”. Tôi hoảng hồn, tại sao thầy mù, không thể thấy tôi, mà sau gần 5 năm thầy vẫn nhận ra, điều đó làm cho chúng tôi thật cảm động. Nhớ lại những câu chuyện "giai thoại thầy mù chùa Kim Đài”  mọi người kể hồi còn hành điệu mà thương thầy quá. Nhìn thầy tay run run chế trà rồi pha trà mời chúng tôi uống mà cảm phục vô cùng.

Sáng lên trong tâm thức nhiều người:

Bặc đi khoảng gần 5 năm, vừa rồi nhân chuyến đi tìm lại dấu vết những ngôi tháp của chư Tổ xưa, chúng tôi ghé vào thăm Thầy thì được biết “Thầy mù chùa Kim Đài” đã về với Phật với Tổ từ ngày 26 tháng 9 năm ngoái (tức năm Kỷ Sửu-2009) một cách rất lặng lẽ. Người ta nói đám tang của thầy được tổ chức rất âm thầm, không tàng lộng rình rang…

Thế là, một đời người sống trong cảnh mù lòa đen tối, nhưng Thầy đã đi vào cõi "U Minh" bằng ánh sáng của chân tâm và chiếu rọi trong sau thẳm tâm thức của nhiều người. Nhìn ngôi chùa Kim Đài ngày nay đã sáng lên, quang rạng hơn lên, và đang có kế hoạch để đại trùng tu mà nhớ nao lòng vị thầy mù lòa kham khổ nhưng đầy nghị lực quá…

Thắp nén hương đảnh lễ thầy mà lòng thấy bồi hồi quá. Nhân cách của thầy là một minh chứng sống động về một người kiên trinh “hộ trì Đạo pháp”. Cuộc đời dù nghiệt ngã, chiến tranh dù có loạn lạc hiểm nguy, nhưng vì Phật, vì Tổ, vì Đạo Pháp thầy vẫn kham khổ chịu đựng vượt qua số phận nghiệt ngã để đứng vững trước sóng gió, kiên định giữ gìn ngôi phạm vũ, giữ gìn một tiểu mạch của mạng mạch đạo pháp. Nhân cách cao đẹp của Thầy đã làm tôi cảm động sâu sắc. 

Nhận lời mời ngày 25 tháng 9 năm Canh Dần nhớ lên dự lễ giỗ đầu “Thầy mù chùa Kim Đài” từ Đại đức Thích Nguyên Đạt, vị đương kim Trú Trì chùa Kim Đài, nhưng rồi vẫn còn thiếu một chút duyên mà đành phải lỡ hẹn với “thầy mù”. Giờ ngồi viết muộn một vài dòng gọi là chút lòng thành tưởng niệm thầy. Nhớ mấy câu thơ của cụ Đồ Chiểu xưa "Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ…" mà bồi hồi nhớ thương thầy quá, "Thầy mù" ơi!

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here