Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nhớ tết quê xưa

Nhớ tết quê xưa

207
0

Mỗi lần đi đến vùng quê nào đó, ngắm những hàng tre bao bọc quanh làng là hình ảnh làng quê, chốn cũ lại hiện về day dứt.

Có một khoảng trời quê hương đang thu nhỏ lẩn khuất đâu đây, qua từng dấu chân tôi dẫm lên bãi cỏ đang bị xóa đi bởi những giọt mưa cuối Đông. Cũng đã có bao lần tôi về quê cũ nhìn vào mảnh vườn xưa mà ngậm ngùi.

Có lần tôi ra Phan Thiết ăn tết cùng bạn bè, dù biển ở đây sang trọng hơn tôi lại nhớ đến làng biển quê ngoại tôi ở Vinh Xuân bên kia phá. Những đứa bé trên đồi cát Mũi Né chạy đuổi theo những con còng như hình ảnh những đứa con trai con gái làng rủ nhau ra biển xúc cát đãi sạch rồi phơi khô để đến sau rằm là mang lên phố bán cho người ta thay bát nhang. Cái hình dáng liêu xiêu của những người đàn bà gánh muối đi trên đường sao giống mấy dì mấy mợ ở làng của tôi đến lạ lùng. Mỗi hình ảnh tôi bắt gặp đâu đó cứ làm tôi nhớ Huế đến day dứt. Quên sao được chuyện những ngày gần tết mẹ tôi nhặt nhạnh trong vườn dăm chục mảng cầu, vài buồng cau để gánh xuống chợ Đông Ba bán cho người ta, lấy tiền sắm Tết cho cả một gia đình.

Không hiểu bây giờ người ta còn kiêng cữ như xưa? Bởi năm nào cũng vậy. Bao nhiêu lần, bấy nhiêu năm cả ông tôi, ba tôi, mấy anh em tôi đã thức dậy sớm để xuất hành về hướng Đông mà theo lịch đó là hướng Tài Thần, có lợi cho việc làm ăn. Cả làng đa số xuất hành hướng này, thế là ai nấy đều đi về phía phố chợ. Vậy mà rồi cũng có người khá giả lên nhưng cũng có người nghèo đi. Không biết những kiêng cữ ngày Tết có ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ không? Nhưng tôi, đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi một nếp nhà như thế, dù đôi lúc chợt quên nhưng tôi vẫn cố gắng kiêng cữ nhiều điều theo cái kiểu con nhà quê thành lệ. Bây giờ lớn lên, đi nhiều, biết nhiều nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác thòm thèm khi được ăn cái bánh xoài cuối cùng trong khuôn bánh của mẹ và ui chao nhớ quá mùi hương bốc lên từ nồi bánh tét đêm giao thừa. Cái mùi không dễ mấy ai quên. Rõ ràng những mùi hương năm cũ tết xưa cứ làm tôi thương nhớ quay quắt, bởi nó gắn liền với hình ảnh những người tôi yêu thương cùng với một quê hương xa ngái…

Thỉnh thoảng gặp một người làng nào đó là chúng tôi lại đưa nhau trở về với làng xưa cảnh cũ trong trí nhớ. Như những lần về lại Kim Long tôi tìm đến bên sông nhìn xem cái bến đò tôi từng qua bên tê giờ ở nơi đâu? Trong ký ức chúng tôi, ngày tết quê nhà thiêng liêng đến không tưởng. Bây giờ có ai đó lý luận rằng đêm 30 chưa phải là tết thì tôi là người kịch liệt phản đối. Khi vào đêm trừ tịch này nhà nào cũng thức để chờ đón giao thừa, niềm vui râm ran như chùm pháo sáng bừng trên đỉnh Ngọ Môn. Đêm ấy hẳn khó ai ngủ được, còn tôi mải chập chờn với manh áo mới với phong bao lì xì.

Lũ trẻ chúng tôi chẳng đứa nào có thể quên tấm áo ngày tết mà đứa nào cũng muốn được khen là đẹp, là sang. Nhưng cũng chỉ rủ nhau ra ngoài ngõ để khoe vì ngày đầu năm, đứa nào cũng được cha mẹ dặn không nên đến nhà ai kẻo xông đất mà người ta cữ thì phiền. Tôi vui vì ngày tết nhà tôi sắm sửa nhiều, mâm mứt bánh giữa nhà bao giờ cũng đầy ắp để mời khách. Hồi đó chị em tôi chỉ được ăn bánh in, bánh nổ, bánh tét, còn mứt hay bánh măng chỉ dành đãi khách. Chỉ khi tết xong mới được thừa phần nhưng cũng phải đợi qua mồng 5 hay mồng 6. Dẫu sao chúng tôi vẫn ưa tết dài hơn để được vui chơi được chìu chuộng hơn. Tết ở làng tôi hay nhà tôi năm nào đều như thế cả.

Làm sao tôi quên được hình ảnh đông đúc, chen lấn ở mấy sòng bầu cua, bài vụ suốt ba ngày tết mà những người già trong làng bảo rằng chơi để lấy hên. Quên sao được tiếng đổ xâm hường giòn dã vang lên ở nhà cụ Cử hay ông Nghè Tân đầu ngõ. Mỗi năm cứ ngày đầu năm nhiều người giàu có trong làng rủ nhau đi chợ Gia Lạc dưới phố. Phải là người giàu có mới đi vì họ mới có tiền thuê xe kéo, đi bộ về trễ thì phiên chợ đã tan. Thú thật tôi chưa hề được đi vì ngày ấy còn bé quá. Chỉ nghe kể chợ đông ở giữa làng ven con sông Hương. Người đi bán hàng hóa là dăm mớ trầu cau, vài gói hoa bưởi hay mớ cây trái trong vườn. Người đi mua chẳng ai trả giá, cốt tìm được cái lộc đầu năm. Phiên chợ đó như một dịp để các bà, các chị có cơ hội chào hỏi nhau hoặc khoe vẻ đẹp mà quanh năm lam lũ chẳng có ai được dịp chưng diện. Tôi ao ước được một lần đi phiên chợ đó nhưng có lẽ chỉ là ao ước. Ngày Tết làng Kim Long không ai đông chợ bởi người ta quan niệm quanh năm đầu tắt mặt tối, ngày tết nghỉ ngơi để ăn tết cùng ông bà tổ tiên. Với nhiều người, thu hút nhất vẫn là hội bài chòi giữa làng. Tôi từng xem nhiều gian hàng bài chòi ở Hội An, ở chợ quê cầu ngói Thanh Toàn nhưng tôi luôn khẳng định hội bài chòi của làng tôi là vui nhất. Bởi người tham gia đều toàn người dân trong làng, diễn biến của trò chơi rất ngẫu hứng tự nhiên chứ không có một bài bản nào hết. Cũng tự nhiên như khi tôi và bao đứa trẻ khác cứ há hốc miệng ra cười trước một câu hò dí dỏm hay vui lây vì một người được trúng thưởng nào đó…

Mỗi năm tết về tôi cũng có được một cái tết tươm tất như bao người nhưng cảm giác nao nao của những năm tháng cũ cứ chòng chành trong tôi. Tôi như người đang tìm về quá khứ mà những cái tết thời thơ ấu vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi để tôi tìm về kỷ niệm với những năm tháng cũ mà hình ảnh thân thương của những người thân yêu mãi mãi là dấu thời gian. Biết bao giờ có lại được những cái tết như ngày xưa?

Theo VÕ NGỌC LAN (Tạp chí Sông Hương)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here