…Nhìn nhận cuộc sống con người từ quy luật của giới tự nhiên, Tô Thức với đoạn trong bài “Thủy điệu ca đầu” nói trên đã nhắc tới một nỗi buồn lớn của nhân sinh – nỗi buồn ly biệt. Quả thật sau nỗi khổ sinh lão bịnh tử, điều làm cho người đời bận tâm nhiều hơn cả có lẽ là những cuộc chia tay, những cuộc chia tay nhiều khi mang mùi vị đắng cay tới mức khiến họ phải xếp nỗi buồn sinh ly ngay sau niềm đau tử biệt. Hiện thực thế nhân ấy cũng tràn vào tác phẩm của các Thi Tăng đời Đường, nhưng đáng nói là nhiều khi như một minh chứng cho tôn chỉ vạn sự giai không, kết hợp ý đạo với tình đời ở đây lại làm nên một biệt sắc trong thơ văn của những người coi cuộc sống là phù du, nhân sinh là ảo ảnh.
Sư Pháp Chiếu có bài thơ Tống Thiền sư quy Tân La như sau:
Vạn lý quy hương lộ
Tùy duyên bất toán trình
Đăng sơn bách nạp tệ
Quá hải nhất bôi khinh
Dạ túc y vân sắc
Trần nhai tựu thủy thanh
Hà niên trì bối diệp
Khước đáo Hán gia thành?
(Muôn dặm về quê cũ
Lâu mau phó chữ duyên
Lên non áo rách lối
Qua bể chén đưa thuyền
Ngủ giữa màu mây kết
Ăn trong tiếng suối rền
Năm nào kinh lá bối
Lại chở tới Trung Nguyên?)
Đưa người đồng đạo Triều Tiên về lại nước cũ Tân La, sư Pháp Chiếu cũng bộc lộ tình lưu luyến, lòng mến thương qua hai câu thơ cuối. Nhưng bài thơ tuyệt nhiên không có nỗi đau thương, không có lời oán hận, mà ngược lại, lại vẽ ra tư thái ung dung thanh thản của một bậc cao Tăng trên đường trở lại quê xưa. Nẻo thiên sơn vạn thủy, cảnh ăn bụi ngủ bờ không bận lòng cả người đi lẫn kẻ ở, bởi đi lâu hay mau, gặp lành hay dữ thì cả hai đều quan niệm là tùy duyên. Cuộc tiển đưa không phải không nặng tình, song thái độ tùy duyên được khẳng định ngay từ đầu bài thơ đã mở ra cho mối tình đồng đạo ở đây một không gian biệt ly vượt khỏi những tiếc thương, buồn đau thế tục. Chính vì vậy mà nói cho cùng thì việc nhà sư Tân La kia có trở lại đất Trung Hoa và tái ngộ sư Pháp Chiếu hay không cũng chẳng phải là điều làm hai người trăn trở, bởi trở lại hay không trở lại, tái ngộ hay không tái ngộ thì cũng đều vì đạo pháp, bởi nhân duyên…
Đầu niên hiệu Chí Đức (756 – 758) vương tử nước Tân La là Kim Địa Tạng vượt bể tới Trung Hoa, vào ẩn cư tu hành trong núi Cửu Hoa, có một tiểu đồng người Trung Quốc theo hầu hạ. Sau người tiểu đồng xin về, sư làm bài Tống đồng tử hạ sơn rằng:
Không môn tich mịch nhữ tư gia
Lễ biệt vân phòng hạ Cửu Hoa
Ưu hướng trúc lan ky (kỵ) trúc mã
Lãn ư kim địa tụ kim sa
Thiên bình giãn để hưu chiêu nguyệt
Phanh dánh âu trung bãi lộng hoa
Hảo khứ bất tu tần hạ lệ
Lão tăng tương bạn hữu yên hà
(Vắng vẻ thiền môn chú nhớ nhà
Lạy chào sư phụ xuống non Hoa
Ngựa tre tơ tưởng niềm nhân thế
Cửa Phật lơ là chuyện xuất gia
Trăng cạn đáy khe thôi múc gánh
Hoa sôi trong ấm hết pha trà
Lên đường khỏe mạnh, đừng rơi lệ
Mây khói cùng sư vẫn bạn mà)
Khác với sư Pháp Chiếu chia tay với một người trong cửa Thiền, ở đây sư Kim Địa Tạng chia tay với một người rời bỏ cuộc sống tu hành trở về cùng thế tục. Cho nên trong bài thơ có đến hai cuộc chia tay: cuộc chia tay giữa người tiểu đồng với lý tưởng tu hành lồng trong cuộc chia tay giữa chú ta cùng tác giả. Nhưng mang tấm lòng về lại với đời thường, người tiểu đồng kia cũng lập tức phát sinh tục niệm với những giọt lệ thế nhân trong giờ ly biệt. Thái độ hồn hậu trong lời an ủi của sư Kim Địa Tạng ở hai câu cuối rõ ra tấm lòng bao dung của một vị cao tăng đắc đạo, song chính vì vậy mà ở đây lại xuất hiện một nghịch lý trong cái thế song hành tương phản: kẻ trở về với gia đình như hằng mong ước dường như lại thấy mình mất mát nên rơi nước mắt, còn người ở lại lẻ loi trong cô tịch vẫn thản nhiên thấy mình còn đủ cả người quen bạn cũ giữa cảnh yên hà trên núi Cửu Hoa…
Nhân hữu bi hoan ly hợp… Những người trong cửa Thiền cũng có lúc phải chia tay và cũng đều cảm xúc lúc chia tay, nhưng họ nhìn nhận hay cố gắng nhìn nhận những cảm xúc ấy bằng một con mắt thản nhiên, hay nói đúng hơn, cố gắng đồng quy những xử cảnh, nhất hóa những cảm xúc ấy vào với nhịp điệu hữu sinh hữu diệt thường hằng của dòng đời vô tận vô cùng miên viễn. Trên đường hướng này mà vào một ngày cuối xuân tiển bạn, sư Vô Muộn đã viết bài Mộ xuân tống nhân:
Chiết liễu đình biên thủ trụng huề
Giang yên đạm đạm thảo thê thê
Đỗ quyên bất cố ly nhân ý
Cảnh hướng lạc hoa chi thượng đề
(Vịn liễu giơ tay mãi cạnh đình
Khói sông nhàn nhạt cỏ xanh xanh
Đỗ quyên chẳng nghĩ người ly biệt
Lại cứ kêu hoa rụng dưới cành)
Bài thơ như một bức tranh ở đó một khoảnh khắc của cuộc tiển đưa được tác giả khắc họa trong một giây phút ngưng thần: người tiển giơ tay lần thứ hai mà chưa nỡ bẻ cành liễu tặng người đi, giơ tay bẻ liễu mà mắt nhìn ra bờ sông xa tít tắp cỏ xanh và nhạt nhòa khói sóng, trong khi tai nghe tiếng chim cuốc kêu ran dưới gốc dương tả tơi hoa rụng còn tâm tư thì liên tưởng tới việc tạo vật vô tình. Ở đây thi pháp Đường thi với tâm thức Thiền môn đã được kết hợp một cách tài tình: người cứ chia tay còn cuốc cứ kêu xuân chẳng cần biết tới mối tình ly biệt, chim đầu hạ không kêu cho hoa cuối xuân song mối ly tình lại gắn tiếng chim hạ kêu với cảnh hoa xuân rụng, mà mối liên hệ chim kêu – hoa rụng kia tự nó lại hàm chứa sự tiếp nối xuân – hạ tự nhiên của đất trời tạo vật, cũng giống như đời người kết hợp rồi tan…
Nguyệt hữu âm tịch viên khuyết… Dĩ nhiên, thông thường thì cuộc chia tay nào cũng có kẻ ở người đi, và trong ba bài thơ trên thì ba nhà sư Pháp Chiếu, Kim Địa Tạng và Vô Muộn đều đóng vai trò kẻ tiễn. Trong một vai trò ngược lại, sư Thương Hạo làm bài Lưu biệt Gia Hưng tri kỷ để từ giả bạn bè trước khi rời chùa Đông Lâm:
Nhất tọa Đông Lâm tự
Tùng lai vị hạ san
Bất nhân tầm trưởng giả
Vô sự đáo nhân gian
Túc vũ sầu vi khách
Hàn cầm tán vị hoàn
Không hoài cựu sơn nguyệt
Đồng tử tụng kinh nhàn
(Một bận lên chùa học
Hôm nay mới hạ san
Chẳng mong tìm trưởng giả
Bởi rảnh tới nhân gian
Mưa tới cho buồn khách
Chim côi chửa họp đàn
Nhớ hoài trăng núi cũ
Lúc nhỏ tụng kinh nhàn)
Thông thường thì trong những cuộc chia tay người đi vẫn là kẻ mang tâm tư bị xáo trộn nhiều hơn, nên ở đây tâm tình của sư Thương Hạo cũng bị xáo động trước khi chính thức bước vào cảnh sống của một thiền sư vân du hành đạo. Đáng chú ý là ông lại tự cho rằng mình rời chùa Đông Lâm không phải là để tìm những người trưởng giả có thiện duyên nhằm hoằng dương Phật pháp, mà chỉ vì nhàn rỗi nên bước vào chốn nhân gian. Song người ta lại thấy ông dự cảm về nỗi buồn làm khách trên đường giữa đêm mưa đồng thời trăn trở cảnh bầy chim lạnh bay tan trong một liên tưởng thân côi vắng bạn. Và một cách tự nhiên ông cũng theo hoài niệm trở về dĩ vãng, ở đó dưới vầng trăng lung linh màu kỉ niệm, ông và bạn bè còn là những tiểu đồng chuyên cầu kinh kệ trong một tâm trạng vô lo…
Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì bài thơ của sư Thương Hạo chẳng có gì đáng gọi là thơ Thiền. Nó mang một cấu trúc chìm riêng với đầu mối nằm ở sự liên hệ giữa câu 4 và câu 8. Tác giả xuống núi vì nhàn rỗi và nhớ mãi những ngày xưa nhàn rỗi! Điểm bất thường nếu không nói là phi lý này đòi hỏi phải được giải thích, và chỉ có thể giải thích nó trên cơ sở một cách giải mã khác, một hướng tiếp cận – cách nhận thức khác đối với chữ nghĩa bài thơ. Từ giã “cảnh sống nhàn ngày cũ” để bước vào “cuộc tiêu dao trong cảnh sống không nhàn”, sư Thương Hạo đã mang tấm lòng nhà – đạo tâm nó giúp ông không chỉ nhìn thấy nơi vầng trăng một vầng trăng nữa. Và trên lằn ranh giữa hai cảnh sống mà cũng là hai thế giới nhận thức – ứng xử này, ông đã hiểu rằng cuộc chia tay với các bạn tri kỷ ở chùa Đông Lâm thực ra cũng là cuộc chia tay với chính mình trong quá khứ. Cho nên vầng trăng trong hoài niệm của sư Thương Hạo không phải là vầng trăng tự nhiên với những tỏ mờ tròn khuyết như trong bài Thủy điệu ca đầu của Tô Thức mà là một vầng trăng biểu kiến, nó vằng vặc mãi ánh sáng an nhiên trầm mặc tỏa ra từ một tấm lòng phá chấp đã hòa vào cảnh giới của không gian tịch diệt vô sinh…
Đưa người đi, sư Pháp Chiếu nói “lâu mau phó chữ duyên”, sư Kim Địa Tạng nói “lên đường khỏe mạnh, đừng rơi lệ”, sư Vô Muộn nói “đỗ quyên chẳng nghĩ người ly biệt”. Từ biệt bạn, sư Thương Hạo nói “Nhớ hoài trăng núi cũ”. Cả bốn người đều hướng tới một bản chất sau hiện tượng, một quy luật trong khoảnh khắc của cuộc đời và nhận thức để ứng xử. Có lẽ đi hay ở, tan hay hợp đối với nhà Phật đều là chuyện nhân duyên…
C.T.T