Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nhìn lại hơn 700 năm Phật giáo Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế

Nhìn lại hơn 700 năm Phật giáo Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế

141
0

Thì vùng đất Thuận Hóa của tổ quốc Đại Việt từ đó đã có một vai trò rất to lớn trong quá trình phát triển của dân tộc. Vùng đất nầy càng quan trọng hơn khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm năm 1558, và đặc biệt khi vua Quang Trung chọn làm nơi lên ngôi Hoàng đế, trước lúc tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân viễn chinh của Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu. Đến thời vua Gia Long Phú Xuân lại được chọn làm kinh đô cho một nước Việt Nam thống nhất trải dài từ Bắc vào Nam như ta đã có hiện nay.

Tượng thờ công chúa Huyền Trân tại đền thờ Huyền Trân

Trong 700 năm tồn tại và phát triển Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế, Phật giáo bằng cách hội nhập và hoà đồng cùng với dân tộc, đã góp phần tạo lên một tiềm lực tinh thần cho vua quan và dân chúng nương tựa qua nhiều triều đại.Tính chất dung hoá và thích ứng do Phật giáo cống hiến và nhuần thấm đã làm cho con người Huế vừa uy tín, vừa uy dũng mà vừa hiếu hoà. Phật giáo thực sự là điểm tựa chính trong công cuộc hình thành vùng đất nầy.

Từ khi hình thành cõi đát Thuận Hóa đầu tiên vào tháng giêng năm Đinh Mùi (1307), bằng việc đổi hai châu Ô và Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Thì ba nhân vật có công lao lại chính là ba người Phật tử có tên tuổi trong lịch sử của buổi đầu khai mở cõi Thuận Hóa đó là vua Trần Nhân Tông cùng người con gái thân yêu là Huyền Trân Công chúa và Đoàn Nhữ Hài, người đầu tiên đến tiếp quản vùng đất mới. Cũng từ ba vị Phật tử nầy dấu ấn Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu ươm mần nảy nở trên vùng đất mới Thuận Hoá.

Chùa Thiên Mụ

Chính nền văn hóa Phật giáo Việt Nam xây dựng một ngàn năm trước đó đã giúp cho họ vượt lên những khó khăn nơi vùng đát "Ô châu ác địa này", vượt qua được nạn phân biệt Hoa Di, Trung nguyên và mọi Mường. Nền văn hóa Phật giáo thời Trần bộc lộ một tính nhân văn hết sức sâu sắc, đã khẳng định mọi con người đều bình đẳng, đều có quyền sống thương yêu và hạnh phúc. Xuất phát từ cái nhìn bình đẳng của Phật giáo đó đã giúp cho vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, nhà ngoại giao đầy chiến lược Trần Khắc Chung và Văn Túc Vương Trần Đạo Tải đi đến một quyết định đổi công chúa Huyền Trần lấy hai châu Ô, Lý có lợi cho dân tộc và con cháu muôn đời sau.

Mặc dầu vậy, vùng đất nầy vẫn được xem là "Ô châu ác địa", dân Đại Việt vào định cư chưa nhiều, mà dân Chiêm Thành thì cũng chưa bỏ đi hết. Trải qua nhiều triều đại nhà Hồ(1400-1428) tiếp đến thời bị nhà Minh đô hộ gần 20 năm (1411-1428) số dân Hoá châu có tăng lên, nhưng tín ngưỡng tôn giáo thì rất tạp đa. Mãi cho tới năm 1428, vua Lê Thái Tổ nhận ra được Hoá châu là nơi trọng trấn, đặt hai chức: Lộ Tổng quản và Lộ Tri phủ, bổ quan trọng thần tới trấn nhậm chống lại quân Chiêm Thành thường xuyên đánh phá khiến lòng dân không yên. Đến năm Đinh Hợi(1528)sự thay đổi nội chính Lê-Mạc, Mạc Đăng Dung sai em là Tín Vương-Mạc Quyền vào trông coi đạo Thuận Hoá, làm cho Thuận Hoá thêm nhiều phen rối rắm. Phật giáo Thuận Hoá trong thời điểm nầy hoằng hoá dưới cái bóng của tín ngưỡng dân gian theo kiểu"đất vua chùa làng" và thần thánh hoá nhằm làm yên lòng dân chúng.

700 năm sau, người Huế vẫn một lòng với Phật

Sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào cát cứ vùng Thuận Hoá năm 1558 mang theo trong mình dòng máu của người Phật tử đất Bắc vừa để chăm lo phát triển kinh tế cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc, pháp luật nghiêm minh vừa cai trị rất khoan hoà…nên dân chúng được yên ổn, sống thái bình thịnh vượng. Chúa cũng đã chăm lo cho Phật giáo phát triển: xây dựng và trùng tu nhiều chùa như chùa Thiên Mụ năm 1601 với câu chuyện thiêng:"Bà lão linh thiêng ở trên trời" để vỗ an dâng chúng. Chúa cũng đã có nhiều công tác Phật sự khác gắn liền với chính sách an dân. Theo sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí của Nguyễn Khoa Chiêm  "Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ 3 (1602) thượng tuần tháng 7. bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung nguyên ngày rằm tháng 7 bèn ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc; tế độ chúng sanh, giúp người cứu khổ công đức vẹn thành". Cũng theo sách nầy, năm 1604 chúa Tiên Nguyễn Hoàng lại cho tổ chức đại lễ Phật đản tại chùa ở làng Triêm Ân mời sư đứng ra lập đàn "Đại pháp"  rất được lòng dân. Đối với chúa Tiên Nguyễn Hoàng rõ ràng Phật giáo là nơi nượng tựa tinh thần cho công trình lập quốc, đồng thời cũng là phương tiện cai trị đất nước. Vì thế, dưới thời chúa Tiên, Phật giáo Phú Xuân rất thịnh vượng.

"Phật đình nào khác vương đình,
Ngũ vân tán lớn, cảnh tinh thoại tường"
   (Tư Dung Vãng-Đào Duy Từ)

Tiếp theo, chúa Sãi-Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635); chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần (1648-1687); chúa Nghĩa-Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) Minh Vương-Nguyễn Phúc Châu (1691-1725); Ninh Vương-Nguyễn Phúc Trú (1725-1738); Võ Vương-Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đều noi theo truyền thống cha ông minh là chúa Tiên lấy Phật giáo làm chủ đạo trong công cuộc cai trị và mở mang bờ cõi nhằm bình định đất nước và an dân.

Đặc biệt, Minh Vương-Nguyễn Phúc Châu hiệu là Hưng Long cư sĩ (đời thứ 30 phái thiền Tào Động). Chúa rất mộ đạo Phật, hết lòng hộ trì Phật pháp và cũng siêng năng tham vấn học hỏi Phật pháp để trị vì đất nước. Việc chúa cho mời Hoà thượng Thạch Liêm-Thích Đại Sán sang Việt Nam vào năm 1695 để tham cầu học hỏi về Phật pháp và đường lối trị quốc an dân là một minh chứng hùng hồn cho sự ảnh hưởng của Phật giáo ở thời kỳ nầy. Nhiều cao tăng, đã về đây hoằng hoá như Thiền sư Minh Châu Hương Hải; tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch, tổ sư Minh Hoằng-Tử Dung; tổ sư Thiệt Diệu-Liễu Quán; tổ sư Giác Phong; thiền sư Từ Lâm; thiền sư Trung Đình; thiền sư Huyền Khê…và lúc ấy vùng đất "Lâm Lộc" (gồm các phường xã ngày nay là Trường An, Thuỷ Xuân, An Cựu…) ở phía Tây Nam sông Hương đối diện kinh thành Phú Xuân trở thành rừng thiền. Nhiều am thất, nhiều lối mòn do các thiền sư hành cước ngày ấy nay đã trở thành nhiều ngôi tổ đình danh tiếng như Thiền Tôn; Từ Đàm; Từ Lâm, Tây Thiên, Thuyền Lâm, Báo Quốc…các thiền sư là những tổ khai sơn và đồng thời cũng là những người khai canh ra vùng đất nầy, những con đường mòn đã trở thành những con đường cái quan và thậm chí vua Gia Long thấy được đây là vùng đất của sự giao hoà giữa Thiên-Địa-Nhân mà lập ra đàn tế trời (đàn Nam Giao). Thuận Hoá-Phú Xuân được gọi là Thiền kinh của Phật giáo phát xuất từ đây. Và cũng từ đây, Phật giáo Phú Xuân mới có tổ chức quy mô, có giới đàn (tại chùa Thiền Lâm năm Ất Hợi, 1695 có 4.000 giới tử thọ giới) truyền trao giới pháp…

Cho nên hàng vạn người đã tham gia các lễ hội lớn của Phật giáo Huế

Sự đời thịnh rồi lại suy, chỉ trong vòng 25 năn mà có quá nhiều biến động, Phật giáo Huế đến giai đoạn nầy đã suy yếu, một mặt do sư tăng trong giai đoạn nầy chỉ chăm lo phù phép bùa chú mà không chú tâm đến hoằng hoá độ sanh, một mặt do quân của chúa Trịnh xâm chiếm đóng (1775) thi nhau tàn phá chùa chiền, rồi đến thời Tây Sơn cai trị (1786-1801) với chính sách hẹp hòi của vua Quang Trung đối với Phật giáo nên chùa chiền bị tịch thu làm công sơ, sư tăng bị giải tán.

Nhà Nguyễn phục quốc, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802-1819), vua hộ trì Phật pháp như một sự "đền ơn đáp nghĩa" thì Phật giáo mới được chấn hưng, nhiều chùa chiền được hoàng triều cho trùng tu các đời vua tiếp theo Minh Mạng, và nhất là Vua Thiệu Trị (1841-1847) một vị vua Phật tử thuần thành đã hộ trì Phật pháp, dựng chùa xây tháp và trị quốc an dân theo tư tưởng nhà Phật.

Đến thời vua Tự Đức (1848-1883) thì đất nước thật sự lâm vào nguy cơ bị xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, mà điển hình nhất là cuộc khởi nghĩa vào năm Bính Dần, 1866. Cuộc khởi nghĩa này coi như tỏ rõ thái độ của một bộ phận Phật giáo trước nguy cơ mất nước. Cuộc khởi nghĩa do ba anh em họ Đoàn là Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tương Trực cùng với trụ trì chùa Thiên Phước là nhà sư Nguyễn Văn Quí đứng ra lãnh đạo lấy chùa Pháp Vũ (chùa Khoai) xã Thuỷ Xuân làm căn cứ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, bị dìm trong biển máu. Thiền sư Nguyễn Văn Quí đã cùng những người yêu nước Đoàn Trưng, Đoàn Trực bị vua Tự Đức xử lăng trì, tức xẻo từng miếng thịt cho đến khi chết, chùa Khoai bị san bằng thành bình địa.

Cuộc khởi nghĩa năm 1866 đã thất bại, không cứu được đất nước ra khỏi họa ngoại xâm. Nhưng những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từ Đoàn Trưng cho đến nhà sư Nguyễn Văn Quí đã bộc lộ được hết một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Phật giáo khi đất nước nguy vong thì mọi người đều có trách nhiệm ra cứu giúp.

Và 7 đóa sen vàng lung linh trên sông Hương trong dịp đại lễ Phật đản PL.2552-2008
cũng chính là 700 năm người Huế dâng lên Đức Phật

Cho tới những năm đầu thế kỷ 20, Phật giáo Huế đã rầm rộ tham gia vào sự nghiệp cứu nước. Nhưng cũng vào những năm đầu thế kỷ 20 này thì xu thế phát triển của thế giới cũng như đất nước ta đang bước qua một bước ngoặt mới. Sự nghiệp cứu nước đòi hỏi phải có những thay đổi về sách lược thực hiện. Những người lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ này đã nhận thấy điều ấy. Chính đây là khởi điểm sự ra đời của phong trào thường được mệnh danh là chấn hưng Phật giáo vào đầu những năm 30 với những hội đoàn Phật giáo như Lưỡng Xuyên Phật học hội, Bắc Kỳ Phật học hội và ở Huế là An Nam Phật học hội cũng ra đời có những đóng góp to lớn không những cho sự nghiệp vận động Phật giáo mà còn đối với cả lịch sử của vùng đất xứ Huế vào thời điểm đó nữa, mà cuộc đấu tranh bất bạo động năm 1963 nhằm chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá Phật giáo là một điển hình…

Ngày nay, đứng ở vị trí sau hơn 700 năm mà nhìn lại không ai khác, không tôn giáo nào khác, Phật giáo chính là gia sản để bình ổn và xây dựng nên nếp sống của con người Huế nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung…

Trí Năng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here