Ô nhiễm môi trường trầm trọng, hiện tượng biến đổi khí hậu tạo nên những thảm họa thiên tai khốc liệt – động đất ở Nepal, chiến tranh vẫn diễn ra đây đó, làn sóng di cư làm rúng động toàn cầu, khủng bố ở Paris – cảnh báo về sự mất nhân tính trong con người, thực phẩm biến đổi gien, ô nhiễm đe dọa sự sống… Những hình ảnh đau thương xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo đã chạm vào trái tim hàng tỷ người trên thế giới, khiến họ thổn thức xen lẫn sự lo âu về tương lai của nhân loại trên hành tinh này.
Thế giới vật chất càng phát triển dường như càng làm cho con người mất đi sự tự chủ, hạnh phúc bị lệ thuộc vào các tiện ích, điều kiện vật chất, ít từ ái và thiếu sự an ổn.
Mỗi người sinh ra ai cũng muốn có hạnh phúc, cố gắng làm mọi việc để có được hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc của mỗi người thường không giống nhau, tùy quan niệm, nhận thức, cái nhìn về cuộc đời như thế nào. Do đó, ý nghĩa hạnh phúc thật đa dạng, đôi khi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của người này lại làm người khác khổ đau.
Chính vì như vậy, cùng với sự thiếu kỷ luật tự giác, nên chúng ta chứ không phải một ai khác, hay một lực lượng siêu nhiên nào khác đã làm cho thế giới của chúng ta trở nên bất an, môi trường bị ô nhiễm, bệnh dịch phát sinh, tai nạn thảm khốc tiếp diễn… Nói cách khác, chính lòng tham lam, ích kỷ của con người đã làm nên những bức tranh màu xám như đã nói.
Với đạo Phật, cuộc đời là duyên sinh. Chúng ta không thể có được hạnh phúc trọn vẹn, an lạc thực sự khi có những suy nghĩ, lời nói và hành động gây khổ đau, tổn hại cho người khác và cho môi trường xã hội.
Nhận thức duyên sinh làm nên căn bản trong mọi ứng xử có trách nhiệm với chính cá nhân mỗi người, với cộng đồng và thế giới.
Cái nhìn ấy cũng là căn bản cho nền tảng đạo đức thiện lành – cần thiết cho cuộc đời mà Đức Phật đã nhấn mạnh qua nhiều bài thuyết pháp sau khi Ngài thành đạo, chuyển pháp luân, được kết tập trong Tam tạng kinh điển một cách thống nhất.
Chính đặc tính đó đã làm nên sự khác biệt của Phật giáo mà các nhà khoa học đã ca ngợi, khẳng định là “vượt lên cả tôn giáo”, đạo đức vượt ngoài quan niệm tôn giáo thông thường trong tín lý của người Tây phương.
Người có nhận thức duyên sinh là người luôn tích cực và năng động, sáng tạo và không bị thối chí, chán nản, bế tắc trong mọi hoàn cảnh dù có bi đát, xấu tệ đến đâu. Cái này sinh – cái kia sinh, cái này diệt – cái kia diệt…, lúc nào cũng là thời điểm bắt đầu, là cơ hội cho mỗi người kiến tạo thực tại, cải thiện hiện tại và dựng xây tương lai.
Thích Tâm Hải