Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Nhật ký hành trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt

Nhật ký hành trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt

128
0

Khi chúng con khởi hành đi cứu trợ bão lũ tại tỉnh Quảng Bình vào ngày 15.10.2013, thì đó cũng là ngày cơn bão số 11 đổ ập vào thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam . Vì vậy chúng con mong làm sao mình có được thêm tịnh tài để đi cứu trợ cho các địa phương nghèo ở Quảng Nam đang gặp nạn.

Ngày thứ nhất: Thứ ba, ngày 22.10.2013

Chúng con cứu trợ xong tại tỉnh Quảng Bình thì còn lại được vài chục triệu. Quá ít ỏi, nhưng chúng con quyết tâm đi cho đến khi hết số tiền thì thôi, và vẫn hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự tài trợ từ những tấm lòng bác ái. Vì lần này tiền ít, nên chúng con quyết định đi theo kiểu sẽ đến từng thôn, và chỉ có thể giúp đỡ những ngôi nhà nào bị sập. Những nhà bị tốc mái hay hư hại khác thì đành gác lại không thăm. (Bụt Tổ gia hộ, sau đó chúng con được sự yểm trợ rất lớn từ tổ chức Mắt thương nhìn cuộc đời (Eyes of Compassion Relief Org. – Canada), nên có thể đi thêm, phát quà thêm cho nhiều trường hợp nữa. Chúng con vô cùng cảm kích tổ chức EOCRO đã tin tưởng  uỷ thác cho chúng con một số tiền lớn đến 200 triệu đồng Việt Nam để cứu trợ cho đồng bào mình trong khổ nạn.)

Vì vậy sau khi có được đầy đủ thông tin của các bạn cư sĩ thuộc tăng thân Mây Thong Dong khảo sát ở địa phương thì chúng con lên đường rời Huế lúc 3 giờ chiều ngày 22.10.2013.

Xe đến bến xe Đà Nẵng lúc  17:30, chúng con gặp anh Uy (tình nguyện viên khảo sát giùm chúng con) và được anh chia sẻ những thông tin về những gia đình thiệt hại mà anh đã đích thân đến xem và ghi nhận trong mấy ngày qua.

Sau đó chúng con rời Đà Nẵng về Hội An, 19:05 là tới nơi. Chúng con nghỉ tại nhà của mẹ Sư cô Tạng Nghiêm. Tối đó có một số anh chị cư sĩ đến chơi, trong đó có anh Hùng đã hoan hỉ ủng hộ cho chiếc xe 4 chỗ chở đoàn đi, và một anh gửi một ít tịnh tài để tham gia chương trình. Những con người hào hiệp đó làm cho chúng con có thêm niềm vui để tin tưởng vào một chuyến đi sẽ có nhiều thuận lợi.

Ngày thứ hai: Thứ tư, ngày 23.10.2013

Chúng con bắt đầu cuộc hành trình vào lúc 7:20 sáng, chương trình là sẽ đi đến xã Điện Ngọc vào buổi sáng và đến khu Cửa Đại vào buổi chiều. Khởi hành có 1 chiếc xe 4 chỗ, và 1 chiếc xe 16 chỗ (chúng con định chỉ thuê thêm xe 7 chỗ nhưng thuê không được xe). Chúng con mang theo nhiều quần áo để tặng bà con. Trong chuyến đi này, ngoài Quý Thầy và Sư Cô trong chuyến đi cứu trợ Quảng Bình thì có thêm thầy Pháp Căn thuộc Tổ Đình Từ Hiếu và sư cô thuộc ni xá Diệu Trạm tham gia.

8:00 tới xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ), xe 4 chỗ bị hư, chạy vào xã không được, thành ra tất cả mọi người dồn qua chiếc xe 16 chỗ. Mọi người cùng cười với nhau, đúng là Bụt Tổ sắp xếp.

Thôn Giang Tắc, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Thôn đầu tiên chúng con đến là thôn Giang Tắc, tại đây, ngoài bạn Uy tình nguyện viên cho chương trình, còn có chú Huỳnh Dũng giúp dẫn đường cho chúng con.

Tại đây chúng con đến cứu trợ cho 10 ngôi nhà bị sập. Có một điểm chung là các ngôi nhà này đều là những ngôi nhà nhỏ, chủ hộ quá nghèo khó nên chỉ xây nhà cấp 4, không có trụ bê tông cốt thép, nên bão đến thì sập ngay. Cũng may là vì có thông tin báo bão kịp thời nên bà con thấy tình hình nguy cấp thì chạy khỏi nhà đến trú ẩn ở chỗ khác nên không có ai thiệt mạng.

Ngôi nhà đầu tiên chúng con đến thăm là nhà của anh Lê Minh Đức. Nhà nghèo, vợ chồng làm công nhân, có 3 con, đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa út 2 tuổi, đều đang đi học. Khi chúng con đến thăm nhà thì “ngôi nhà” chỉ còn là một đống đổ nát, vợ chồng phải che tạm cái chái bằng mấy tấm tôn.

Khi chúng con bước vô chái, chỉ thấy có chiếc giường, một cái bàn cũ và 2 quyển sách. Một cô cư sĩ tình nguyện viên của đoàn kêu lên: “Ồ, đó là Thánh kinh, họ còn cứu được quyển Thánh kinh! Nhà này theo đạo Thiên Chúa!” Một cô khác nói: “Đạo nào cũng được, mình cứu trợ hết! Đạo Bụt mình không phân biệt đạo nào!” Chúng con nghe vậy rất vui mừng, vậy mới là chân tinh thần vô tướng của đạo Bụt.

Ở đây thực sự là một ngôi nhà trống trơn với đúng nghĩa của nó, không có tài sản gì giá trị. Kế bên là ngôi nhà của người em trai tên Lê Minh Hải, không hơn cái chòi là mấy, nhưng may mắn chỉ bị tốc mái chứ không bị sập, có lẽ nhờ nhà của người anh gánh bão hết. Chúng con gửi tặng gia đình anh Lê Minh Đức mấy bộ quần áo, một phong bì 3 triệu đồng để giúp phần nào tiền mua sắm vật liệu xây lại nhà. Nhà anh Lê Minh Hải không nằm trong chương trình cứu trợ chúng con đề ra, nhưng thấy tội quá, nên chúng con gửi tặng phong bì 500.000 đ. Chẳng thấm vào đâu, nhưng cũng mang lại được niềm vui trên khuôn mặt khắc khổ của hai anh em. Được biết, từ lúc bị bão, nhà nước chưa hỗ trợ cho nhà hai anh Đức và Hải, hiện nay tiền học của các cháu gia đình chưa có để đóng.

 

Tạm biệt gia đình anh, chúng con đi tiếp các địa chỉ khác. Nhà nào cũng giống nhau, chỉ là những đống đổ nát sau cơn bão. Tuy bão không ảnh hưởng trên diện rộng toàn địa phương, nhưng mỗi số phận, mỗi cảnh nhà gặp nạn thì đều bi đát như nhau. Nhà sập, của nả không có chi. Gia đình vốn đã nghèo nay lại màn trời chiếu đất. Chưa kể có những trường hợp đặc biệt, không có khả năng lao động, khổ chồng thêm khổ.

Hiện nay, có người thì che tạm mấy tấm tôn cũ, hoặc che bạt ở tạm ở hông nhà, hoặc ở nhờ nhà mẹ, nhà thờ họ, tội nghiệp hơn, có gia đình phải ngủ tạm trong… nhà vệ sinh (!).

Là con của Bụt, chúng con đi đâu cũng có chỗ ở, dù không nơi nào là nhà mình. Thương thay cho những người có nhà nhưng nay phải lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Trong cuộc sống, có nhiều khi ngày nào báo, đài cũng đưa tin chiến tranh, thiên tai ở khắp nơi, nghe riết thành quen. Đôi khi mình thấy mình trở nên vô cảm với những tin tức đó. Lần này, nhờ tiếp xúc trực tiếp những cảnh khổ mà chúng con được đánh thức hạt giống của tình thương, của sự đồng cảm với những đồng bào đang trong khổ nạn. Chúng con đặt mình ở vị trí những người đó, người già, phụ nữ, trẻ con, và cả những thanh niên nghèo, trong một đêm gió bão lạnh giá, chứng kiến ngôi nhà mà mình chắt chiu dành dụm để xây nên từ từ sụm xuống. Trời đất lạnh lẽo mà lòng người càng tê tái. Rồi đây, lấy gì để xây sửa nhà, để sinh nhai, hoặc giả lại tiếp tục nợ nần thêm nhiều năm tháng nữa.

Có những gia đình như nhà của chị Nguyễn Thị Ánh Phước (32 tuổi) mà có đến 5 con, đứa lớn nhất 12 tuổi, con út mới 5 tháng. Hoặc như nhà của anh Ngô Văn Liệt (35 tuổi), có 3 con nhỏ mà vợ bán rau hành, chồng thất nghiệp ở nhà nuôi con.

Có một số nhà đã được một số đơn vị từ thiện đến thăm, có đơn vị cho mì gói, có chỗ cho chút ít tiền để hỗ trợ đời sống.

Vào lúc 10 giờ kém 5 phút, chúng con thăm và tặng phong bì tiền xong cho 10 gia đình, mỗi gia đình 3 triệu; và thêm 1 trường hợp ngoại lệ của anh Lê Minh Hải là 500.000 đồng.

Chúng con tiếp tục đến thôn Viêm Đông.

Thôn Viêm Đông, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tại đây chúng con đi thăm và trao tiền cho 6 trường hợp.

Nhà đầu tiên chúng con đến là nhà của cô Phan Thị Mẹo, 55 tuổi. Cô bị hỏng một mắt, người gầy yếu, mất sức lao động, mà còn phải nuôi con. Nhà bị sập hết.

Rồi đến nhà của chị Đặng Thị Dung, 40 tuổi, làm công nhân, lương tháng được 2 triệu rưỡi. Chồng chị thất nghiệp. Vợ chồng có 2 con nhỏ. Cách đây 8 năm, vay mấy chục triệu để xây ngôi nhà nhỏ, cho đến nay nợ thì trả chưa xong mà nhà lại bị sụp mất. Nhà nước thì chưa hỗ trợ gì.

Các nhà khác cũng 2 đến 4 con nhỏ, đều nghèo, bán rau hành, làm công nhân hoặc làm ruộng.

Chỉ có một trường hợp nhà của chị Huy tuy nhà sập nhưng cũng có chút vật dụng tiện nghi còn cứu lại được, vẫn tiếp tục bán quán và ở nhờ nhà mẹ, là trường hợp ít khổ hơn các nhà khác, nên chúng con hỗ trợ 2 triệu đồng. Còn các trường hợp kia đều hỗ trợ 3 triệu đồng.

Thôn Viêm Minh, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Lúc 11:00, chúng con đến Thôn Viêm Minh. Ở đây chúng con gặp mấy bác Trưởng rất nhiệt tình, dẫn chúng con đến những hộ gia đình bị sập nhà. Ở thôn này có những trường hợp rất đáng thương.

Như trường hợp của bà Đặng Thị Xô, nhà bà không sập mà chỉ bị tốc mái. Nhưng bác Trưởng thôn tha thiết xin chúng con lưu tâm giúp đỡ. Vì bà bị bệnh thần kinh, ngơ   ngơ ngác ngác; có một con trai cũng bị di truyền như mẹ mà nhẹ hơn. Hàng ngày bà giữ bò cho bà con trong thôn. Ai cho gì thì ăn nấy, mẹ con không biết nấu nướng gì cả. Cả hai hiện đang lưu trú trong ngôi nhà tình thương của nhà nước xây cho. Nhưng qua cơn bão số 6 rồi đến cơn bão số 11, ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng. Còn người con trai khi sửa nhà sau cơn bão số 6 thì bị thương nặng. Hiện nay trong thôn ai cũng đang gặp khó khăn do cơn bão, nên cũng không giúp được gì nhiều. Vì vậy chúng con quyết định cũng hỗ trợ cho gia đình bà một suất 3 triệu đồng. Nhìn ánh mắt thất thần của hai mẹ con bà, chúng con không biết bà có cảm nhận được tình thương mà chúng con mang đến cho mẹ con bà hay không.

Rồi có trường hợp của anh Lê Hữu Trung, vợ bỏ, một mình gà trống nuôi 3 con. Con lớn 14 tuổi, con út mới học mẫu giáo. Nay nhà sập, anh đang ở nhờ nhà mẹ ruột gần đó. Hàng ngày anh kiếm tiền nuôi con bằng nghề chạy xe thồ, bữa có bữa không.

Đến 11:50, chúng con thăm xong thôn Viêm Minh, và đi đến thôn Hà Dừa.

Thôn Hà Dừa, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tại đây chúng con được cô Phan Thị Hải dẫn chúng con đi thăm các ngôi nhà sập cần được trợ giúp. Cô cho biết thôn bị mất điện mới có lại 3 ngày nay. Tại đây, chúng con đi thăm và trao tiền cho 4 hộ gia đình bị sập nhà.

Trong đó, có gia đình anh Nguyễn Văn Bình, hai vợ chồng có 4 người con. Bão vô làm sập nhà hết. Nhà rất khó khăn. Khi đoàn chúng con đến thăm thì thấy bé gái không mặc áo, thương quá, chúng con vội tìm quần áo trong những bộ đồ đang tặng cho mặc. Chúng con chụp hình bé gái khi chưa mặc áo, định sẽ chia sẻ cho bà con xem để cảm thông cho hoàn cảnh những người khốn khổ. Nhưng đôi mắt bé nhìn có cái gì đó khiến chúng con thấy không nỡ đưa hình ảnh đó lên. Nó là sự mặc cảm, nỗi buồn lo, sự thẹn thùng. Hai tay bé ôm lấy thân hình mảnh dẻ như muốn che hết thân mình trước ống kính máy ảnh.

Trong 4 trường hợp này, có 1 trường hợp chúng con giúp đỡ 2 triệu đồng vì hoàn cảnh ít khó khăn hơn các trường hợp khác. Còn lại mỗi hộ gia đình đều nhận 3 triệu đồng.

Lúc 12 giờ 20 phút, chúng con thăm hết các gia đình ở Thôn Hà Dừa.

Trên đường về nhà, chúng con nhận được tin đã có tiền tài trợ tiếp tục cho chương trình cứu trợ tại Quảng Nam . (là số tiền do tổ chức Mắt thương nhìn cuộc đời (Eyes of Compassion Org. – Canada ) tài trợ mà chúng con đã chia sẻ ở trên). Hạnh phúc quá, ai cũng cười hớn hở, làm như chính mình được quà. Chúng con lập tức gọi điện ngay để đặt hàng, quà để có thể tặng cho nhiều bà con nghèo qua cơn đói kém.

Trong suốt buổi sáng, cùng đi với chúng con có em Uy là tình nguyện viên cư sĩ thuộc tăng thân Mây Thong Dong, và cô Nga là vị cư sĩ tiếp hiện ở Quảng Nam . Cứ mỗi lần nhìn thấy nhà nào khổ quá là cô Nga lại bỏ thêm một phong bì nữa phụ với đoàn tặng cho người nghèo. Cô Thu, mẹ của sư cô Tạng Nghiêm cũng có mặt và yểm trợ cho đoàn việc ăn uống, để chúng con có thể tập trung làm việc cứu trợ mà thôi.

Những hình ảnh ấy làm chúng con nhớ đến Bác Đính và Mẹ Diệu Hiền đã đồng hành với chúng con trên chặng đường Quảng Bình. Hai mái đầu bạc phơ luôn nhanh nhẹn phụ giúp chúng con trong việc cứu trợ. Chúng con nhớ nụ cười và dáng vẻ dong dỏng cao của bác Đính. Chúng con nhớ mẹ Diệu Hiền vẫn tươi cười đứng phụ phát quà, trong lúc đôi chân mẹ sưng húp lên vì bệnh ở chân mẹ không cho phép đi lại nhiều hay đứng lâu.

Và cả những anh tài xế xe 16 chỗ, xe tải chở hàng đều rất hết lòng với đoàn, với công việc thiện nguyện.

Tất cả những hình ảnh ấy làm chúng con biết ơn vô bờ, và chính là niềm động lực cho chúng con trên con đường phụng sự.

Thôn Cồn Nhàn, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An,  tỉnh Quảng Nam

Buổi chiều, chúng con đi rút tiền chuyển khoản rồi khởi hành đi đến thôn Cồn Nhàn vào lúc 15:00.

Thôn này do anh Hùng cư sĩ địa phương giới thiệu cho chúng con, ở đây có rất nhiều trường hợp quá nghèo, nhà cửa còn tệ hơn nhà cấp 4, nên bão đến là sập ngay. Vì vậy, mang đến cho bà con tiền cứu trợ của chương trình, chúng con mong bà con có thể sử dụng món tiền ấy để làm vốn làm ăn hoặc để góp vào tiền xây nhà cho đỡ cơ cực. Câu hỏi lớn trong lòng chúng con là không biết có cách nào để họ có thể thay đổi cuộc đời, khi nhìn thấy cái nghèo dường như là cái gì rất chắc chắn phủ vây đời họ.

Nhà đầu tiên chúng con đến là nhà của chị Phạm Thị Thanh Châu, chồng đẩy xe bánh kẹo bán ở các trường học, vợ làm phục vụ buồng cho nhà nghỉ. Hai vợ chồng với một đứa con ở trong một túp lều tranh đúng nghĩa. Nên chỉ cần bão đến là thổi bay ngay. Chúng con đến thăm, nhìn thấy những sợi dây cước mới dùng để cột lại nhà mà lắc đầu, nếu bão tới, chắc chắn sẽ sụp tiếp.

Rồi chúng con đến thăm bà Lê Thị Phước, 64 tuổi. Tình cảnh rất đáng thương, chỉ có 2 vợ chồng già yếu, làm nghề biển nhưng thu nhập không bao nhiêu. Vợ chồng có mái nhà lá trên một nền đất bé tí, bão vào là sập liền. Thấy hoàn cảnh như vậy, chúng con bàn với nhau hỗ trợ cho gia đình bà 5 triệu đồng. Đi cùng chúng con có anh Ký thôn trưởng, anh cũng đại diện thôn gửi thêm phong bì cho bà và dặn đi dặn lại là ráng xây lại cái nhà cho đàng hoàng để đừng phụ lòng Quý Thầy, Quý Sư Cô từ xa tới thăm. Chúng con thầm băn khoăn, nếu bà dùng số tiền đó xây nhà thì nghèo vẫn hoàn nghèo, còn nợ thêm nữa nếu muốn xây nhà gạch. Còn nếu dùng làm vốn làm ăn, kiếm một nghề nhẹ nhàng hơn cho tuổi già, thì lại không có tiền cất lại nhà. Nghèo như vợ chồng bà, mượn nợ không biết được bao nhiêu, có ai cho mượn không.

Sau đó chúng con lại đến thăm một gia đình khác, của chú Nguyễn Tấn Một, năm nay 40 tuổi. Hai vợ chồng có 4 con. Nhà nghèo ở trên đất của cha chồng cho (chưa làm được sổ đỏ) nhưng vẫn ráng cho con ăn học. Con lớn nhất mới học xong lớp 12, con nhỏ nhất mới 7 tuổi. Vợ thất nghiệp, chồng sống bằng nghề đi biển tháng có tháng không. Khi chúng con đến thăm thì chỉ thấy trên nền nhà ngổn ngang quần áo, lưới cá, và cả một đống bông gòn cũ ẩm ướt vón cục đang được phơi để chờ khô đem nhồi vào gối lại. Hỏi ra mới biết là cơn bão đi kèm với nước biển dâng lên ngập nhà, gối mền cũng bị ướt hết. Người vợ quê ở Đà Nẵng, nghèo từ lúc chưa chồng cho tới  lúc có con. Chúng con hỏi những tháng không được mùa cá thì làm gì, chị trả lời những tháng đó sống bằng vay mượn bà con vạn chài. Ở đây ai cũng nghèo hết, nhưng sống được nhờ tình nghĩa. Khi người này có thì cho người kia vay mượn đỡ, rồi tới khi mình túng thiếu thì vay mượn lại. Chị nói với chúng con một câu làm chúng con rất cảm động, là thà có một chén cháo mà chia ra cho nhau chứ mình ăn riêng, người khác không có ăn thì coi không được.

Có lẽ ý thức đùm bọc nhau đó khiến cho người Việt mình dù nghèo mấy vẫn sinh tồn được. Thấy chúng con cho quà nhà chị, một cụ tên Ngô Thị Ba qua thăm và nói giúp thêm rằng khi thấy nhà chị sụp thì cụ thương quá nên bật khóc. Vậy đó, mà nhà cụ, thì có khá hơn bao nhiêu. Cụ kể, nhà ở Cù Lao Chàm, những năm trước bị bão sụp, mà không ai giúp. Nay cụ sống nhờ trong chùa, chỉ tới ngày cúng giỗ thì về thăm mồ mả.

Trong lúc đi vào thôn, chúng con đi ngang qua những nhà tội nghiệp quá, mà không có trong danh sách. Nên cầm lòng không đậu, chúng con ghé vào thăm.

Có nhà của bà Phạm Thị Ngơi, 53 tuổi, sống với mẹ già 85 tuổi. Bà Ngơi có 4 con nhưng đều ở xa. Giờ lớn tuổi, sức khỏe yếu, trong làng ai nhờ gì thì làm nấy để mẹ con sống qua ngày, đau không có tiền uống thuốc. Bà Ngơi kể mà rơm rớm nước mắt. Vậy là chúng con lại phát sinh thêm một phần quà.

Rồi đến cô Trần Thị Nga, nhà nghèo mà mới có con nhỏ, lại thêm 2 đứa sinh đôi. Rồi nhà cô Nguyễn Thị Vân, nhà sập, phải ở nhà vệ sinh. Hay cô Phan Thị Hiền, bị tàn tật, chân không đi lại được, ở nhà tình nghĩa với con, mà nhà thì xuống cấp trầm trọng. Thế là chúng con lại không thể cầm lòng.

Lại thêm nhà anh Lê Văn Dũng, nhà sập nát tan, chưa được nhà nước cứu trợ, chồng làm thuê, vợ thì thất nghiệp, không có hướng làm ăn. Chúng con bỏ bao thư 4 triệu đồng.

Kết thúc buổi chiều cứu trợ, chúng con ra về với tâm trạng hoan hỉ, vì thấy khi mình đến tận nơi, đã có thể giúp được thêm những trường hợp thực sự khó khăn, nằm ngoài danh sách. Và dựa trên thực tế, chúng con hỗ trợ ngoài những suất 3 triệu, thì trong chiều nay có 1 suất 1 triệu, 1 suất 2 triệu, 1 suất 5 triệu và 1 suất 4 triệu, tùy theo hoàn cảnh.
 
Ngày thứ ba: Thứ năm, ngày 24.10.2013

Xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Vào lúc 7:15, chúng con khởi hành đến Chùa Lầu, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc 8:50 chúng con đến nơi, vì Thầy Trụ Trì có việc chưa về nên chúng con đợi Thầy. Thầy về, sau khi thăm hỏi, Thầy giới thiệu bác Trưởng ban hộ tự dẫn đường cho chúng con và cho chúng con mượn xe gắn máy để chạy lòng vòng trong xã, đến những nhà mà nhà chùa thấy cần hỗ trợ.

Trong 4 nhà chúng con đi thăm, có 2 nhà không khó khăn nhiều bằng các nhà kia, chúng con hỗ trợ một nhà 1 triệu đồng, và 1 nhà 500.000 đ.

Ngoài ra, có một nhà được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Trường hợp đáng thương nhất là ở gia đình bà Ngô Thị Tục. Năm nay bà 55 tuổi. Hàng ngày bà sống bằng nghề nông, mò ốc, hến… Bà có hai con trai sinh đôi là Trương Văn Định và Trương Văn Tự. Chú Trương Văn Định đang xây nhà chưa xong thì qua đời. Vợ chú Trương Văn Định bỏ nhà đi, để lại con 18 tháng tuổi cho bà nội nuôi. Căn nhà được chuyển giao cho chú Trương Văn Tự. Nhà vẫn còn chưa xây dựng xong, thì bão tới làm cho trở nên xuống cấp. Chúng con hỗ trợ cho bà Ngô Thị Tục 2 triệu để lo cho cháu, và hỗ trợ cho chú Trương Văn Tự 3 triệu để góp tiền sửa nhà.

Đến 10:00, chúng con thăm xong 4 nhà,  Sau đó chúng con về lại chùa, được Thầy Trụ Trì giữ lại dùng cơm trưa.

11:40 chúng con rời Chùa Lầu với rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về tấm thịnh tình của Thầy Trụ Trì dành cho đoàn.

Xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Lúc 12:25 chúng con tới xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam . Chúng con hẹn xe tải chở quà và bà con trong xã lúc 14:00, thành ra tới nơi chưa có ai. Các bác trong xã rất dễ thương, tiếp đón chúng con nhiệt tình và sốt sắng phụ chúng con treo băng-rôn “Mắt thương nhìn cuộc đời” (Eyes of Compassion Relief ORG – Canada). Chúng con rất hoan hỉ, nếu đi đâu cũng được mọi người yểm trợ như thế thì hay quá.

Trong trao đổi với các Chú các Bác, chúng con được biết ở đây có 16 nhà sập, 18 nhà tốc mái 100%, 28 nhà tốc mái 50 – 70% (cũng giống như thông tin tiền trạm mà chúng con đã có).

Bà con đến lai rai, trong lúc chờ đợi, chúng con thăm hỏi và cùng bà con hát một chút. Lúc 14:20 chúng con bắt đầu phát quà và phong bì tiền.

Trong lúc con đang đứng một góc để chụp hình thì có bà Phạm Thị Diệp đến gặp con, gửi lời cảm ơn đoàn, và chia sẻ nỗi khổ tâm của bà. Bà cho biết nhà bà chỉ có hai mẹ con, con gái bà nay 35 tuổi bị tâm thần thường hay quậy phá trong nhà. Bà làm nghề mua bán ve chai, trồng trọt chút đỉnh trên mảnh đất rộng mấy chục thước vuông. Nhìn thấy chúng con là những người trẻ trạc tuổi con bà, có thể đi khắp nơi làm việc thiện, bà nghĩ tới con gái mà buồn cho con, tủi thân bà. Nhìn những giọt lệ lăn dài trên má bà, chúng con rất xúc động, biết rằng mình chỉ có thể gửi đến bà chút quà mọn với đôi lời an ủi. Dẫu biết ai cũng chịu nghiệp lực của chính mình, nhưng những đau khổ do nghiệp báo mang lại thật là nặng nề quá.

Bà Phạm Thị Sáu cũng đến cảm ơn, bà cười phô đôi hàm răng đen rất “Việt”. Bà kể chồng bà là liệt sĩ, bà bị thương tật nhiều trong chiến tranh, có 2 con đều bị chất độc màu da cam cả. Nay đã 68 tuổi rồi, mà vẫn còn phải lo lắng cho con.

Ở đây chúng con phát 50 phần, 1 phần phát sinh, hầu hết là người già. Đến 14:50 thì xong.

Xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

14:55 chúng con lên đường đến xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam .

Tại đây chú Trưởng cho biết xã Điện Dương là một trong những xã đông dân nhất tỉnh, có 17.000 người. Từ lúc bị bão đến nay đã có 7 đoàn đến cứu trợ, nhờ có đài truyền hình đến đưa tin và quay phim tại địa phương. Dù ảnh hưởng của cơn bão số 11 lên bà con cũng gây khó khăn nhiều, nhưng xã cũng quyên góp để đi cứu trợ đồng bào thiên tai ở Quảng Bình, để thực hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt.

Tại đây, chúng con trao 300 phần quà và phong bì tiền, thêm 1 phần phát sinh cho một cụ bà không có tên trong danh sách. Trong những người đến nhận quà, có đủ thành phần, người già, phụ nữ, trẻ con, và cả thương binh phải đi xe lăn đến nhận.

Lúc 16:00, buổi phát quà kết thúc. Chúng con trở về sau một ngày làm việc hết lòng.
 
Ngày thứ tư: Thứ sáu, ngày 25.10.2013

Xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Sáng hôm nay, chúng con đi đến địa phương xa xôi vùng núi phía bắc của Tỉnh Quảng Nam . Chúng con khởi hành lúc 7:00. Trên đường, vừa qua Thị trấn Ái Nghĩa là đoạn đường nhỏ khó đi. Đến xã Đại Đồng thì đường bị sình lầy kéo dài cho tới xã Đại Lãnh, xe bị dằn xóc liên tục. Tội nghiệp quý sư cô bị say xe. (Về sau khi tới chùa Hoa Yên, chúng con được Sư Cô Trụ Trì cho biết ở vùng này hiện nay giao thông đi lại bị sình lầy thường xuyên, khi mưa gió bão lũ lại càng khó đi, thường muốn xuống các huyện thị trung tâm của tỉnh phải dùng xe máy đi phà qua sông.)

Dọc đường chúng con thấy có nhiều vườn chuối ngã nghiêng, cả bụi tre cũng ngã. Hợp lưu sông Thu Bồn – Vu Gia dọc bên trái đường đi không trong xanh như ngày thường các dòng sông miền Trung vẫn thế, nước đỏ như màu nước sông Hồng.

Qua làng Hà Dục Bắc thì tới xã Đại Lãnh. Chúng con tới chùa Hoa Yên vào lúc 9:00. Bà con đã đợi ở đây từ sớm. Tới nơi, chúng con chia hai nhóm, một nhóm sắp xếp quà, một nhóm trò chuyện thăm hỏi bà con. Được sự yểm trợ dễ thương của Sư Cô Trụ Trì, chúng con chia sẻ đôi điều về niềm hạnh phúc khi còn có các giác quan tốt, khi còn thở, v.v… và mời bà con hát cùng chúng con vài bài thiền ca. Những khuôn mặt già nhăn nheo hay những khuôn mặt trẻ chất phác đều thư giãn ra, nở những nụ cười vui tươi làm chúng con ấm lòng.

Tại điểm cứu trợ này có rất nhiều người già, nhiều người trên 70, 80 tuổi. Có những cụ đã trên 80 tuổi mà ở một mình, tự nấu ăn lấy, rất tội nghiệp. Bão vô làm nhà tốc mái, nhiều người chưa có điều kiện lợp lại.

Ngoài hình ảnh những người già neo đơn, đập vào mắt chúng con còn có hình ảnh những người khuyết tật nhưng rất sốt sắng giúp việc cho chùa, có người bị câm điếc, có người bị gù lưng.

Khi con đề nghị cho con chụp hình, ban đầu cô đứng thẳng góc với máy ảnh. Con đứng xéo lại một chút thì cô cũng đổi tư thế cho vẫn thẳng góc với máy ảnh. Con cảm nhận được có sự mặc cảm về khuyết tật của mình trong hành động nhỏ đó của cô. Vậy mà sau đó chính cô lại gặp con và nói: “Sư cô chụp lại hình cho con, có cái lưng gù này, để gửi ra nước ngoài.” Nghe mà thương chi lạ.

Chúng con phát quà và tiền tới 10:20 là xong. Tại đây tổng cộng chúng con phát 200 phần theo danh sách và 1 phần phát sinh. Chúng con dùng cơm tại chùa rồi đi.

Hội người mù huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam

11:15 chúng con lên đường tới văn phòng Hội người mù huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam . Chúng con đến nơi sớm hơn giờ hẹn nhưng những người mù đã có mặt đầy đủ.

Người mắt sáng khi gặp bão đã khó khăn thì người khiếm thị càng khó khăn. Khi con hỏi thăm, một chú chia sẻ rằng nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ chú già yếu còn chú thì tật nguyền. Chú sống nhờ tham gia Hội người mù, được học và làm nghề xoa bóp, bấm huyệt và bán hàng rong. Những lúc trời khô ráo thì dễ kiếm tiền hơn khi mưa gió. Khi bão tới làm tốc mái nhà, thì nhờ bà con thương tình lợp lại mái giùm. Thật là càng đi càng thấy nhiều cảnh khổ khác nhau, và chúng con càng thấy mình quá may mắn trong cuộc đời.

Lúc 13:00, chúng con phát xong 46 suất quà và phong bì tiền, cộng thêm 4 suất phát sinh ngoài danh sách.

Trên đường trở về, ai cũng thấy nhẹ nhàng vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà tăng thân và quý thí chủ xa gần giao phó, trong đó đặc biệt là Tổ chức thiện nguyện Mắt thương nhìn cuộc đời (Eyes of Compassion Org. – Canada) là đơn vị đã tài trợ cho chúng con phần lớn số tịnh tài cho chuyến cứu trợ tại Tỉnh Quảng Nam này.

Và trong lòng chúng con bắt đầu hướng về Hà Tĩnh, vùng đất đang chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 11 và trận lũ lụt sau đó. Đoàn của chúng con có những lúc cảm thấy rất mệt tưởng là mình không đi nổi nữa. Nhưng rồi nghe thấy đồng bào Hà Tĩnh đang gặp nạn, thì tình thương lại cho chúng con thêm sức mạnh. Chúng con lại sẵn sàng chờ đợi những tấm lòng từ bi ủy thác cho chúng con mang quà và tịnh tài đến giúp đỡ bà con vùng bão lũ. Những tình nguyện viên mà chúng con liên lạc được cũng đã tiến hành khảo sát những địa phương cần cứu cấp ở Hà Tĩnh. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Môi hở răng lạnh”, “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, truyền thống đẹp đùm bọc lẫn nhau khi khó khăn của người Việt có lẽ chính là nét đẹp đã khiến cho dân tộc ta luôn đứng vững trong những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử.

Chúng con xin thành tâm tri ân tất cả những vị ân nhân đã từ bi phát tâm cúng dường tịnh tài để cứu người, công đức ấy dù được nêu tên hay không, cũng đã trở thành phước đức vô lượng của Chư Liệt Vị. Rất nhiều hoa trái của niềm vui đã mọc lên giữa những vùng bão lũ, là nhờ ơn đức của chư vị, và chúng con cũng đã rất hạnh phúc được thay mặt chư vị đến với bà con, mang theo những món quà có ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính trong lúc thiên tai, cũng là lúc chúng ta nhận ra nhân tâm ấm áp. Sự an ủi, niềm vui của những người khốn khổ mà chúng ta khơi dậy được chính là tịnh độ trong tâm mà cả người cho và người nhận cùng được hưởng.

Chúng con kính chúc tất cả có thêm nhiều sức khỏe và vạn sự hanh thông, để lại có thêm nhiều điều kiện để cứu người, giúp đời. Thành kính nguyện cầu cho bà con vùng bão lũ sớm vượt qua khổ nạn, đời sống an vui, cầu mong cho đất nước luôn được thái bình.

Chúng con ni chúng Long Thành kính cẩn tri ân!
Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát!
Nam mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát!
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát!
Dưới đây là những địa danh mà quý Thầy, quý Sư Cô đã đến gởi món quà tình thương của Chư Liệt Vị. Mỗi phần quà trị giá 385.000đ trong đó 185.000đ là phẩm vật và 200.000đ tiền mặt. Ngoài ra các thầy, Sư Cô còn để ra 100.000.000đ (100 triệu) để đến tận nơi những gia đình thật sự rất nghèo khó, tùy theo hoàn cảnh mà gởi thêm cho các gia đình đó 1 hoặc 2 triệu đồng.

CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO TRONG VÙNG BÃO LŨ – QUẢNG BÌNH
Được thực hiện vào ngày 15/10/2013

*HUYỆN BỐ TRẠCH:

1-Xã Phú Đinh:
Thuộc khu bán sơn địa, làm Nông nghiệp. Trồng lúa, cao su, sắn. Gồm có 765 hộ – 612 hộ bị thiệt hại trong bão. Có 2 hộ thiệt hại 75%, tai nạn trong bão: Lưu Đức Định, Nguyễn Văn Thơi. Tặng 200 phần quà.

2- Xã Thanh Trạch:
Tặng quà cho 150 phần nhà bị hư nặng (tại chùa Thanh Quang )

* HUYỆN QUẢNG TRẠCH:

1-Xã Quảng Văn:
Gồm 1300 hộ, 2 thôn làm ruộng 1 thôn đánh cá; 21 hộ bị hư nặng; 2 nhà bị sập hoàn toàn. Tặng 150 phần quà.

2-Xã Quảng Lộc:
1200 hộ, gồm 4 thôn, làm ruộng. 60% nhà bị hư hại. Tặng 150 phần quà.

3-Xã Quảng Phương tặng 200 phần quà.

* HUYỆN QUẢNG NINH:

1-Xã Hải Ninh:
Vùng biển dân chúng sống bằng nghề đánh bắt cá, gồm 1250 hộ, nhà hư hỏng 95%. Trường tiểu học và Mẫu Giáo bị tốc mái. Tặng 200 phần quà.

2-Xã Duy Ninh:
Gồm 6 thôn; 1750 hộ, làm nông, 2 nhà sập toàn bộ, 370 hộ bị hư hỏng. Tặng 200 phần quà.

3-Xã Hàm Ninh:
Gồm 1450 hộ, sống bằng nghề nông, thiệt hại nhà cửa, 40%, cây cối đổ gãy. Tặng 150 phần quà.
 
TỔNG CỘNG 1400 PHẦN QUÀ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here