Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Nhật ký hành hương 6: Tu học Làng Mai – Lộc Uyển

Nhật ký hành hương 6: Tu học Làng Mai – Lộc Uyển

137
0

Im lặng hùng tráng

Từ vài ba năm trở lại, không khí tu học trong sinh hoạt đạo Phật Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, có chiều hướng rộn ràng và lan tỏa hơn bao giờ hết. Người có tín tâm “kiên cố” thì cho đó là dấu hiệu khởi sắc của một đạo Phật Việt Nam đang hồi hưng thịnh. Người có đầu óc thực dụng thì cho đó là sự đầu tư vào thế giới Tây Phương Cực Lạc của một thế hệ Chiến Tranh Việt Nam đang nối đuôi nhau về đất. Người có đầu óc thực tiễn và năng động của thế hệ tuổi trẻ đang vươn lên thì cho đó là sự gặp gỡ của ba nguồn suối thời đại: Khoa học, triết lý và môi trường truyền thông đại chúng.

Trước một hiện tượng xã hội hay tâm linh, có thể có vô số cách phỏng đoán và luận giải khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hình ảnh và sự suy diễn ngoài vỏ trái thơm chín mọng có thật nói lên được dòng nước ngọt lịm bên trong không. Thằng Bờm Việt Nam có nắm xôi và Bill Gates Hoa Kỳ có năm mươi tỷ đô la nằm trong tay chưa biết ai cười tươi và thật sự hạnh phúc hơn ai. Suối nguồn hạnh phúc thường phát khởi từ khi có một nụ cười trong tâm rỗng lặng.

Tôi hy vọng thế và khăn gói…lên đường tu học. Đây là khóa tu học thứ năm mà tôi đã được tham dự – 3 khóa trực tiếp và 2 khóa tham luận, hội luận – trong năm 2011 nầy.

Đến tu viện Lộc Uyển vào xế chiều thứ Sáu, đúng giữa thời điểm mọi người đang làm thủ tục “nhập chúng”, hai người chúng tôi được xếp vào phòng D4 thuộc một trong những dãy nhà nằm ở triền đồi cao nhất của  vùng núi đồi Lộc Uyển. Phòng có 6 người. Hai người chia nhau một “bunkbed” (giường ngủ 2 tầng). Nam nhi vốn chân cứng đá mềm ở tầng trên; nhưng nếu có lỡ tuổi già chân mềm đá cứng leo lên cầu thang ọp ẹp rớt xuống thì cũng không dễ gì mà… vãng sanh.

Đêm đầu tiên tại tu viện Lộc Uyển là một trãi nghiệm khó quên.  Trong sự im lặng an hòa của hơn 600 tu học viên gồm nhiều thành phần xã hội, chủng tộc và độ tuổi khác nhau trong thiền đường “Vô Sự”, khóa tu học 5 ngày mang tên “Mở Cửa Trái Tim” (Opening the Door of the Heart) mở đầu trong không khí xúc động, sâu lắng mà cao vời với tiếng hát thanh thoát của một bản trường ca chỉ có một câu 7 chữ: “Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm”. Ban hợp ca gồm hơn một trăm Tăng thân Làng Mai. Tất cả đều hiện ra dáng vẻ bình dị, chân phương và khoan hòa trong pháp phục màu nâu thẩm. Hầu hết tăng thân trên “sân khấu Vô Sự”còn rất trẻ. Tiếng ca hợp xướng, lĩnh xướng, bè nam, bè nữ phối hợp nhịp nhàng và uyển chuyển với nhạc đệm chỉ đơn thuần là tiếng chuông, tiếng mõ. Nhưng khi nguồn âm thanh tinh lọc của tịnh hạnh và tràn đầy năng lượng lành của an lạc và từ bi dấy lên thì những cái ngã đá cuội góc cạnh, lăn lóc đến đâu cũng sẽ mượt mà mềm lại. Đêm an lành đã đi thẳng vào lối tìm rỗng lặng của những trái tim từ những phương xa về đây đang mở cửa.

Sương đêm núi rừng Lộc Uyển nặng hạt như mưa Ngâu. Chúng tôi phải leo lên hai bậc cấp của hai tầng núi dài ngoẵng mới lên tới nhà ngủ. Một vị huynh đệ nào đó trong đám đang leo cấp thứ hai, nói với giọng tiếu lâm đầy phấn chấn từ trong bóng đêm mờ mờ: “Đây là công án thiền Lộc Uyển 2011 cho bà con sáu bảy bó. Thất thập cổ chân đau mà lơ mơ không chú tâm leo dốc, coi chừng té là xuôi tay cho mệ nuốt đó, nghe bà con!” Một thông điệp đơn giản: Thiền là chú ý tập trung tinh thần vào khoảnh khắc sống thực như tuổi già đang leo dốc núi. “Lơ mơ” là trượt té; là xuôi tay về chốn không đâu.

Về lại phòng ngủ. Bốn đạo hữu ở trên hai giường đôi kế cận chúng tôi đã về trước. Mọi người đang chuẩn bị cho sự “im lặng hùng tráng” đã được ghi đậm trên chương trình tu học sẽ bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 mỗi đêm. Tôi lẩm nhẩm cụm từ “im lặng hùng tráng” và cười lặng lẽ một mình khi đuổi theo một khái niệm riêng. Tôi lo lắng chợt nghĩ đến tiếng ngáy “hùng tráng” như sấm động của những nam nhi đại trượng phu lớn tuổi. Là một người ngủ ít vì khó ngủ kinh niên, đã có rất nhiều lần ngủ chung phòng với các huynh đệ nam nhi, tôi thường mở mắt thao láo gần như suốt đêm để nghe tiếng ngáy rất oai hùng của người khác.

Tôi hỏi anh Chương và anh Xuân nằm kế cận giường tôi về “cường độ” ngáy của hai anh và được trả lời rất mơ hồ, rằng: “Thì cũng giống như những anh em khác thôi!” Nghĩa là thiên hạ ngáy tới đâu thì ta tới đó? Trừ những người có phép thần thông phân thân “nhĩ căn tự viên thông” mới nghe được tiếng ngáy của chính mình. Còn phàm nhân ta thì vẫn một đời mãi nghe tiếng ngáy của ai kia.

Đèn tắt và đêm xuống đã lâu, tôi chong mắt đợi chờ vẫn mà vẫn chưa nghe tiếng ngáy nào cất lên từ năm vị đang an giấc… một đêm Thu! Ô hay, con người ta thường lẩm cẩm vì bị hụt hẫng từ một biến cố dẫu lành hay dữ mà mình mãi chờ nhưng không đến. Tiếng ngáy “hùng tráng” quá thường làm tôi mất ngủ đã đành. Nhưng sự đợi chờ tiếng ngáy không xảy ra cũng làm mình thao thức đến thế sao.

Đã quá nửa đêm. Núi rừng Lộc Uyển dấu kín sáu bảy trăm người ngủ say trong lòng đại ẩn. Đâu đó, có tiếng ho húng hắng của cụ già và tiếng khóc thức giấc của trẻ con. Tôi nhè nhẹ leo xuống giường và rón rén ra khỏi phòng, chỉ sợ gây tiếng động làm phiền những người đang ngủ say. Đêm không lạnh nhưng sương xuống nhiều. Sương núi hạt nặng như mưa phùn. Tôi đi ra xa khu thức ngủ, hướng về phía bìa rừng. Núi rừng không im ắng như tôi tưởng tượng. Thế giới sinh vật sống về đêm trỗi dậy. Ánh sáng của chân trời cao rộng và đá núi ẩn hiện sau những tàn cây hay chính cây cũng là ánh sáng làm núi đồi bao quanh không chìm trong bóng tối mà xuất hiện lờ mờ như một tâm ảnh mơ hồ. Tiếng những sinh vật vô danh gọi đàn, thì thầm với cây, với gió cũng là một bản trường ca vô tận. Có phải đó là lời pháp của Vô Tận Ý Bồ tát có mặt thường xuyên quanh mình không. Tôi đi lặng lẽ, cố giữ cho đầu vắng bặt những suy tư. Quả thật Lộc Uyển về đêm có một sự im lặng hùng tráng. Khi chánh niệm cũng là vô niệm thì tiếng hống trầm hùng của sư tử cũng trở thành tiếng hư không, như như bất động. Khi người hiện chính trong ta, thì thanh âm ấy cũng là vô thanh.

Sáng sớm đầu tiên dân các Làng đều dậy sớm. Khóa tu học nầy có 19 Làng. Tôi là dân Làng Nắng Hạ. Chúng tôi lại “xuống núi tham thiền” theo giờ ấn định: 5:45 am. Đại chúng sáu bảy trăm người lần lượt vào thiền trong thiền đường Vô Sự. Im lặng như tờ. Không ai biết ai. Không ai nói với ai một lời. Nhãn hiệu phù vân đã theo giày dép xếp gọn bên ngoài nên nơi đây chỉ còn là một dòng năng lượng lành đang tương tác, hòa quyện thành một là tất cả; tất cả là một. Cùng ngồi với nhau để thân tâm được về với đất – Sám pháp Địa xúc… Sitting and Touching the Earth – an lạc. Trong vùng ánh sáng nguyên sơ của một b

Từ phải sang trái: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, giáo sư Trần Kiêm Đoàn. Ảnh BXK
 

ình minh đang về với núi, có dáng ngồi tĩnh lặng của một thiền sư. Vững chãi và an hòa: Thiền sư Nhất Hạnh.

Gần một giờ định tâm và định trí trôi qua trong chánh niệm, có tiếng chuông báo hiệu giờ thiền hành: Hành Thiền quanh sườn núi. Thiền sư tĩnh lặng dẫn đầu. Cả nghìn người tĩnh lặng bước theo. Bước là bước cho bước trước bước sau tiếp nối; nơi đâu cũng là cõi đi về nên chẳng có một nơi nào để đến và một chốn nào để ra đi. Tư tưởng vắng bặt nên cũng chẳng còn gì để so và không có gì để nhớ. Đoàn thiền hành tụ hội quanh khu vườn thiền trên sườn núi. Thiền sư Nhất Hạnh ngồi lại, nhìn quanh mọi người như nhìn những giọt sương và bầu trời rỗng lặng. Thầy nâng chén trà với dáng vẻ an lạc như đồng ẩm với đại chúng ngồi quanh và chính mình, nhưng chẳng mời ai. Tiếng nói cao vời và viên mãn nhất là buông cho nó trôi vào dòng lặng lẽ để thật sống với đương niệm hiện tiền.

Tiếng chuông nhỏ trên những bàn tay nhỏ nhắn của các em bé xếp chồng nhau dưới bàn tay của sư ông Làng Mai điểm lên báo mãn giờ thiền tịnh.

 Mỗi buổi sáng mai, chúng tôi đã sống những giờ hạnh phúc và an lạc trong thinh lặng, vượt lên trên và vượt ra ngoài thế giới ngôn ngữ quy ước thánh, phàm như thế.

Bóng thiền

Trong muôn vàn khái niệm hành Thiền, có hai phạm trù được nói đến là sống và chết ngay giữa cuộc đời nầy. Vấn đề sống chết đời thường trong tín lý đạo Phật chỉ có giá trị như một sự biến tướng và chuyển hóa điều kiện vật lý của các sinh thể. Sinh ra, lớn lên, vui, buồn, yêu, ghét, bệnh, chết… là sự biến đổi hình tướng đơn giản như hít vào, thở ra. Quá trình sống chết như người thay áo; như rắn lột vỏ; như lá đổi mùa. Steve Jobs, một trong hai người kiệt xuất nhất (người kia là Bill Gates) trong lĩnh vực điện toán truyền thông thế giới, kẻ đã gắn liền với tên tuổi của Apple, đã tìm về với đạo Phật từ thuở hàn vi. Jobs đã tri ngộ với cái chết và khả năng sinh – già – bệnh – chết – sinh… như một dòng luân lưu biến thái tự nhiên. Dòng quyện quay tròn và tự tại dễ thương như mùa Thu thay lá cho mùa Xuân trổ hoa. Từ bến giang đầu, người ta nhìn về cái chết, tiến trình hoại diệt và khả năng tái sinh của chính mình bằng cảm xúc tự nhiên và lĩnh lạc như lời mời gọi của thiên thu.

Biểu tượng và đồng thời cũng là điều kiện tất yếu của sự sống là hơi thở. Người ta thường cho rằng “Thiền Làng Mai” gói trọn trong quá trình quán niệm và thực hành thở trong Chánh Niệm. Chánh niệm là hay biết trong trạng thái tỉnh thức. Thở trong trạng thái tỉnh thức là theo dõi sau mỗi hơi  thở ra, hành giả sẽ không quên… thở vào!

Nếu chỉ nói về tính tác động tích cực thì Thiền là một phương tiện tập sống cho ra sống, chết cho ra chết thực sự và nhẹ nhàng như một cuộc chơi trên trần thế; không dở dở ương ương. Thiền là trau dồi, điều phục các trạng thái tâm thiện; quay cái tâm – vốn mang bản chất hiếu động như khỉ chuyền cành, như ngựa chạy rông – vào tạm dừng bước bên trong.

Đạo Phật thường nói đến Tâm. Nhưng Tâm cụ thể và thực sự là cái gì thì khó mà nắm bắt nếu chỉ bằng khái niệm ngôn từ và chữ nghĩa đời thường. Người thì cho Tâm là trái tim (heart), là tri thức (mind), là lương tri (consciene), là tình cảm (emotion), là mọi cơ năng phát tiết nguồn sống như ngũ uẩn, lục căn…Người lại cho Tâm là sự tập trung cao độ nhất của nguồn sống. Ví như khi người nghệ sĩ dồn hết tâm lực vào màn trình diễn là Tâm của họ nằm ở động tác diễn đạt hay sáng tạo nghệ thuật. Người mê cờ bạc dồn Tâm vào cuộc đen đỏ. Bà mẹ để hết Tâm vào động thái thương con. Bởi vậy, khi tổ Huệ Khả muốn “an Tâm” hỏi Đạt Ma tổ sư thì được trả lời: “Đưa Tâm người ra đây, ta an cho…” Thấy được Tâm mới khó. Thì ra, khi thấy được Tâm thì Tâm đã an định.

Trong pháp hội giảng kinh Kim Cang tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, đức Phật khuyên ông Tu Bồ Đề và tăng chúng rằng, muốn điều phục tâm thì phải dứt bỏ hết mọi khái niệm, mọi dính mắc hình tướng đối tượng thì Tâm mới hiển lộ thật là Tâm.

Đại chúng về tu học ở Làng Mai – Lộc Uyển, ai cũng thích những giờ phút nơi đây là để sống thiền hơn là nói thiền.

Những luận đề hành thiền của Làng Mai đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Thiền Làng Mai có khuynh hướng tìm “tĩnh trong động” như thiền đi, thiền đứng, thiền nằm, thiền rửa bát lau nhà, thiền đấu trường quần thảo… Trong khi đó, thiền truyền thống có khuynh hướng tìm “động trong tĩnh” hay “tĩnh trong tĩnh”. Do vậy, người ta sẽ rất ngạc nhiên nếu một hành giả suốt đời chỉ hành thiền theo lối tịnh như lim dim ngồi kiết già dưới gốc cây bồ đề hay nhắm mắt nhìn đời trong thảo am mà không buồn nhướng mắt ngạc nhiên khi có người cổ xúy một lối hành thiền “tĩnh trong động”. Từ hơn mười năm trước, những luận đề Phật lý của thầy Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai là một hiện tượng tâm lý và triết lý tương đối mới mẽ trong sinh hoạt “truyền thống” của đạo Phật Việt Nam và thế giới.

Hôm nay là lần đầu tôi tham dự khóa tu học Làng Mai – Lộc Uyển với tâm trạng của khách hành hương, muốn được chính mình nếm trải thực tế qua những sinh hoạt “Thiền Làng Mai”.

Về lý thuyết, nếu nhìn tổng quan nội dung của sự kiến giải và suy luận về những nguyên lý và khái niệm cơ bản của đạo Phật thông qua khuynh hướng Làng Mai, người ta sẽ thấy được gì qua “40 định đề giáo lý Làng Mai” . Xin mở trang thông tin theo địa chỉ  sau: http://langmai.org/phapduong/nghe-phap-thoai-audio/khoa-dinh-de-giao-ly-lang-mai

Nếu chỉ tạm thời chia ra hai phía “bảo thủ” và “cấp tiến” không thôi thì cũng đủ sóng ba đào làm cho ngựa Kiền Trắc chồn vó rồi. Thế nhưng vẫn bể vẫn yên, nhưng sóng không lặn mà có uốn lượn rì rào. Xin đưa lời nhận định của thầy Trí Thông qua địa chỉ sau:  http://sachhiem.net/TONGIAO/tgT/TriThong.php

 Đọc hết bài nhận định của thầy Trí Thông về định đề giáo lý Làng Mai, tôi có cảm tưởng là Thầy chỉ mới đặt vấn đề và đưa ra câu hỏi với thầy Nhất Hạnh chứ chưa có phần trả lời. Sở dĩ sự phân tích và nhận định của thầy Trí Thông không minh giải được những nguyên lý cơ bản của tín lý và giáo lý đạo Phật Làng Mai vì hai phía không cùng lăng kính và không cùng mặt bằng. Giáo lý đạo Phật của Làng Mai đặt trên nền tảng Phật Pháp Ứng Dụng (Applied Buddhism) hoặc Đạo Phật Dấn Thân (Engaged Buddhism); trong lúc đó, thầy Trí Thông dựa trên nền tảng Phật Pháp Thuần Lý (Theoretical Buddhism). Thầy viết:

“Không xiển dương giáo lý Nhân Quả Nghiệp Báo, trong khi chính nhờ Nhân Quả này mà đạo Phật thật sự đem đến cho con người đạo đức và sự tiến bộ (…) Cho nên, nếu không có một luận thuyết về Luật Nhân Quả mà lại kêu gọi mọi người phải sống đạo đức thì cái đạo đức đó không có nền tảng.”

Thật ra, lý Nhân Quả Nghiệp Báo là một nguyên lý khách quan tự nhiên. Trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, vấn đề Luân Hồi và Nhân Quả đã được nói đến từ trong cổ thư Rig-Veda và Upanishad xuất hiện hơn mấy nghìn năm trước khi đạo Phật ra đời. Nhưng đức Phật là bậc chứng ngộ đầu tiên đem lý Tánh Không và Duyên Khởi để giải thích và ứng dụng thuyết Luân Hồi và Nhân Quả. Lý Nhân Quả, do đó, cần phải được nhìn qua lăng kính Ứng Dụng mới phát huy được lời Phật dạy. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, cụm từ “Ứng Dụng” rất tích cực ở đây không liên quan đến hay đồng nghĩa với khái niệm “Thực Dụng” mang tính tiêu cực mà thầy Trí Thông có nhắc đến trong bài nhận định của Thầy khi nói đến xã hội phương Tây. Tư tưởng lấy “hiện tiền lạc trú” để tìm cầu tiến tới thành tựu công hạnh tu trì là một cặp tác duyên thuộc phạm trù nhân quả mà chính đức Phật đã chứng nghiệm khi Ngài từ bỏ con đường hành xác sai lạc trong sáu năm khổ hạnh công phu.

Trong khóa tu học Làng Mai – Lộc Uyển mà tôi có tham dự và đang ghi lại những dòng nầy, trong phần giải đáp một câu hỏi nêu lên là phải chăng Làng Mai xây dựng một giáo pháp riêng, thầy Nhất Hạnh đã trả lời rằng: “Làng Mai đang làm công việc xiển dương Phật Pháp theo đúng giáo lý mà đức Phật và Tăng chúng đương thời đã hoằng dương. Ngoài ra, Làng Mai không có một giáo pháp nào riêng biệt cả.”

Lý thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo theo các định đề lý thuyết Phật học Làng Mai thường được nhắc đến dưới dạng tương tác và tương tức, không áp dụng máy móc và đơn giản như “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”!  Trong khi đó, lý Duyên Khởi áp dụng trong dân gian chứng minh theo sự tương tác của duyên nghiệp khởi tận và sinh diệt trùng trùng: “Con vua thất thế lại ra quét chùa!”

Những ngày tham gia khóa tu học nơi đây, điều tôi được học nhiều nhất không phải là những gì vời vợi quá tầm như những chuyện tham thiền, triết lý cao xa mà học từ nếp hiện thực của cuộc sống. Với tôi, cái đẹp nhất ở đây là sự đơn giản, kham nhẫn và ít lời. Có một buổi chiều, chiều thứ Bảy, bà con từ đâu dưới phố, ào ào kéo lên chùa đông hơn dự liệu. Bữa cơm chiều bị hụt. Đến tối, mì gói cũng không còn. Quý Thầy, Sư Cô làm trong bếp phải nhịn đói. Cơm thiếu, nhưng không thiếu vắng nụ cười. Bụng đói, nhưng đêm ngồi thiền không thóp lại.

Hạnh thiền

Hình thức hành Thiền được ghi trong chương trình tu học gồm có: Thiền ngồi tĩnh lặng, thiền buông thư, thiền đi, thiền làm việc. Theo phân công “thiền làm việc” thì làng Nắng Hạ và làng Cam Lộ sẽ “hành thiền” chùi rửa nhà vệ sinh và nhà tắm của tập thể cắm trại phía dưới đồi. Tôi là dân làng Nắng Hạ và thuộc hàng lão niên trưởng trong làng vì vị “phó niên trưởng” trong làng Nắng Hạ tuổi mới 40! Tôi được cô Susie toán trưởng vệ sinh phân việc chùi 3 phòng tắm Nam. Cô Mỹ da trắng nầy không có tinh thần “kính lão đắc thọ” của dân ta nên thẳng tay cắt việc cho tôi. Nhớ lời Mẹ dặn: “Đói mới chết chớ việc làm la lết cũng xong!” tôi hăng hái vào… thiền làm việc. Trước khi dân Làng chia tay lên đường làm nhiệm vụ khoảng một tiếng đồng hồ, cô Susie ra lệnh bằng tiếng Việt ba rọi: “Chán nện!” Nghĩa là chúng tôi phải làm việc trong Chánh Niệm. Thiền làm việc mà!

Tôi mang bao tay. Tay trái cầm khăn lau, tay phải cầm bình xà phòng bước vào mục tiêu chiến đấu. Đầu tôi miên man “chán nện” như lời cô bé Mỹ nhắc nhở nên giữ môi cắn thẻ, giữ động tác tay chân chầm chậm, thanh thoát như… thiền. Thành phần cắm trại tu học hầu hết là thành phần trẻ, xông xáo, trách nhiệm nên khu lều trại lưng đồi, ngoài trời trở thành khách sạn ngàn sao hơn là xóm nhà lá. Tôi mở cửa phòng tắm thứ nhất bước vào. Nhìn quanh ba bức tường phòng tắm không một vết bẩn. Sàn và cửa sạch trơn. Bước sang phòng 2, phòng 3 tình trạng cũng sạch như thế. Tôi có cảm giác thân thương như đang vào lau phòng tắm của con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại rất ngoan của mình. Khi cảm giác nhẹ nhàng và lòng tôn trọng nhau dấy lên, động lực tương tức và cái Tâm ái hòa xuất hiện. Tôi vẫn đi quanh, chùi khô mấy giọt nước còn đọng lại với cảm giác an lạc và tĩnh lặng không khác gì lúc ngồi thiền buổi sáng.

Trời đã trưa, xếp lại chỗ cũ những dụng cụ chùi nhà tắm, tôi mỉm cười một mình và nhớ trưa nay mình có cuộc hẹn ăn cơm trưa với thầy Nhất Hạnh ở tịnh xá của Thầy bên cạnh khu lều trại mà tôi đang thực hành Thiền Làm Việc. Tôi liên tưởng đến hình ảnh “rất thiền” của vị Thầy vá chiếc áo tràng nâu 70 năm trước cho thầy Nhất Hạnh thọ giới lần đầu mà Thầy đã ghi lại trong tập truyện đầu tay là Tình Người với bút danh Tâm Quán:

“Các chú có nghe trong Kinh dạy rằng ngày xưa có một vị đại đệ tử của Phật chỉ nhờ khâu y mà chứng ngộ không? Để Thầy nói cho nghe. Vị đại để tử ấy thường tìm sự thích thú an lạc trong việc vá lại những chiếc y đã rách, vá lại cho mình và cho những bạn đồng tu. Mỗi khi đâm qua một mũi kim, ngài làm phát sinh một tâm niệm lành, một tâm niệm giải thoát. Cho đến một ngày kia, khi mũi kim vừa thấu qua làn vẩi, ngài liền thấu suốt được một pháp môn thâm diệu, và trong sáu mũi liên tiếp, ngài chứng được lục thông.”

Chính tác phẩm Ánh Đạo Vàng của anh Võ Đình Cường và truyện ngắn Chiếc Áo Tràng Nâu đã chinh phục trái tim nhỏ bé của tôi từ thuở học trò.

Buổi trưa, lúc ngồi ăn trưa với thầy Nhất Hạnh, sư cô Chân Không, nhà  văn Doãn Quốc Sỹ, nhà thơ Bạch Xuân Khỏe và các bạn đạo, gã học trò – nay đã 65 tuổi – trong tôi thấy chiếc áo tràng nâu trên mình thầy Nhất Hạnh vẫn là chiếc áo cũ trong Tình Người của chú Tâm Quán ngày xưa.  Sau 70 năm, kể từ ngày xuất gia năm 16 tuổi, thầy Nhất Hạnh đã làm được quá nhiều việc cho một đời người. Với hơn 100 tác phẩm mà gần một nửa là tiếng Anh, thầy Nhất Hạnh được thế giới Phật học phương Tây xem là nhân vật số 2 sau đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng và đứng vào hàng 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất về mặt văn hóa và tâm linh của thế giới. Đạt tới tầm cỡ thời đại toàn cầu đâu có đơn giản chỉ là chuyện thời gian dài hay ngắn sống cho đạo và đời.

Giữa cõi vô thường, bùi ngùi chia tay với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đang giữa tuổi mùa Thu 88, và thầy Nhất Hạnh – 86 – mà nghĩ tới cơ hội gặp lại thật mong manh.

Cảm giác nao nao mất còn làm tôi tự hỏi, có chăng “đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. Đối diện với hoàn cảnh mà lòng hoàn toàn lặng lẽ dửng dưng là coi như đã ngộ lý thiền theo lối nhìn của phái Trúc Lâm. Nhưng Tuệ Trung Thượng Sỹ, một thiền sư tại gia đầu tiên trong văn hóa Phật Việt, đã đập vỡ mọi khái niệm, định kiến về đạo về đời:

Nguyên thủy không tâm không có đạo,

Có đạo rồi thì không thể không tâm.

Tâm, đạo khởi nguồn từ rỗng lặng,

Biết nơi nao không, có để truy tầm.

(Bổn vô tâm vô đạo,

Hữu đạo bất vô tâm.

Tâm, đạo nguyên hư tịch,

Hà xứ cánh truy tầm.)

Dây thân ái

Lan man chi địa rồi cũng quay về. Quay về để chuẩn bị chia tay. Người ta hỏi nhau: Theo anh, theo chị thì cái gì trong khóa tu học để lại dấu ấn sâu đậm nhất khi trở về?

Khóa Tu Học, thường được dịch ra tiếng Anh là “retreat”. Mà “retreat” trong xã hội Âu, Mỹ có ý nghĩa là “một đợt tổ chức sinh hoạt ngoại khóa có tổ chức để bước ra ngoài công việc làm chuyên môn thường ngày giúp người tham dự thư giãn và bồi dưỡng lại năng lực thân tâm”.

Khái niệm và nội dung “tu học”của chúng ta thường gần với hình thức huấn luyện (training) và hội nghị (conference) hơn. Do đó, nhiều khóa tu học được bố trí dày đặc những bài giảng giáo khoa đầy lý luận khô khan và những bài tham luận nặng nề lý thuyết. Một hình thức “tu học để huấn luyện” như thế sẽ làm cho các tham dự viên mệt mỏi và không còn háo hức đợi chờ cho những hứa hẹn lần sau.

Nghệ thuật và kỹ thuật tổ chức tu học Làng Mai mà tôi được tham dự lần đầu rất đạt tiêu chuẩn “chính quy” của một đợt “retreat” điển hình của xã hội phương Tây thời hiện đại nhưng lại không xa rời khung cảnh văn hóa và đạo Phật Việt Nam.

Dấu ấn để lại sâu đậm nhất trong tôi là sự hiện diện khá đông đảo của giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại, vốn ngày càng thờ ơ với những hình thức lễ nghi, tôn giáo. Trong chương trình giải đáp thắc mắc của thầy Nhất Hạnh  với đại chúng có 20 lượt người lên đặt câu hỏi thì đã có 18 người tuổi trẻ.

Dấu ấn sâu đậm tương tự là nếp sinh hoạt Tăng Đoàn của Tăng thân Làng Mai – Lộc Uyển. Truyền thống Tăng Đoàn đang dần vắng bóng và có dấu hiệu ngày một cạn kiệt trong nếp sinh hoạt của đạo Phật Việt Nam tại nước ngoài nói chung. Tập thể Tăng thân Làng Mai hầu hết là những tăng ni sinh còn rất trẻ. Hình ảnh đặc biệt gây xúc động sâu xa hơn cả là sự có mặt của gần một trăm Tăng thân “sư cô, sư chú” nguyên xuất thân từ tu viện Bát Nhã – Lâm Đồng vừa mới sang.

Được biết sau vụ biến động chùa Bát Nhã xảy ra vào mùa Đông 2008 với khoảng 400 Tăng thân Làng Mai bị trục xuất ra khỏi chùa. Trước biến cố tôn giáo đã gây xúc động trên toàn thế giới nầy, các Tăng thân Bát Nhã – Làng Mai phải vận dụng “tùy nghi phương tiện” mà tu hành. Sau 3 năm vẫn giữ được tâm bồ đề không thối chuyển, ngày nay, hầu hết số Tăng thân Bát Nhã – Làng Mai đã được ra các nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đức, Thái Lan… chấp nhận cho định cư để tiếp tục con đường tu hành. Nhìn các Tăng thân trẻ tuổi cùng thiền định trong thiền đường Vô Sự, thanh thoát đồng ca nhạc thiền hay chơn chất mà thân tình phục vụ đại chúng khóa tu học với nụ cười an lạc…; và, với tiếng xưng “Con” đầy khiêm cung phảng phất hương vị ái ngữ không chấp ngã của đạo Phật, tôi bỗng liên tưởng đến những bãi sa bồi nằm lặng lẽ trên đại dương. Dù trãi qua bao gian nan sóng gió; dù hứng chịu những vùi dập bất công của tai trời ách nước nhưng những hạt cát vàng vẫn còn nguyên tinh thể mà tìm đến nhau lóng lánh dưới ánh mặt trời.

Đó là hình ảnh đạo Phật của chúng ta và đạo Phật trong lòng nhân thế. Thiếu từ bi, hỷ xã và trí tuệ đích thực, cuộc sống còn tới giờ thứ 25 đã là khó; nói chi đến 25 thế kỷ mà sen vẫn còn thơm, vẫn tinh tươm nở đượm trong bùn.

    Đại Ẩn Sơn Lộc Uyển Tự – Escondido, California, Thu 2011

                                                                             Trần Kiêm Đoàn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here