Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Nhân lễ giổ Tổ Minh Hoằng Tử Dung (Rằm tháng 11 âm...

Nhân lễ giổ Tổ Minh Hoằng Tử Dung (Rằm tháng 11 âm lịch hàng năm)

146
0

Đây là vị tổ sư không những khai sơn ra chùa Ấn Tôn Từ Đàm mà xét cho cùng còn là vị Sơ Tổ của Thiền phái Tử Dung – Liễu Quán ở Huế và cả Đàng Trong .

Nhưng, về tiểu sử của Tổ thì sử sách Phật giáo cũng như Việt Nam ta xưa nay không có quyển nào ghi chép rõ ràng; thậm chí một dòng bi ký cho thật chính xác khắc trên đá cũng không có.

Trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược (1942), đã được in lại nhiều lần; Hoà Thượng Thích Mật Thể cho rằng: Tổ Minh Hoằng Tử Dung qua Thuận Hóa một lần với Ngài Thạch Liêm vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) để ngồi trên ghế Thập Sư ở giới đàn  chùa Thiên Mụ; sau giới đàn này Ngài ra lập chùa Ấn Tôn. Đoạn này, rất cần đến sự đính chính: Thứ nhất, Ngài Thạch Liêm qua Thuận Hóa năm Ất Hợi (1695) đời Nguyễn Phúc Chu, chứ không phải qua vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái. Thứ hai đại giới đàn năm Ất Hợi (1695) mở tại chùa Thiền Lâm chứ nhất định không phải là ở chùa Thiên Mụ.

Cũng trong sách nói trên, Hoà Thượng Thích Mật Thể đã dịch câu này trong văn bia: “Nhâm Thìn hạ, Hòa thượng lai quảng tấn toàn viện” thành ra như thế này: “Năm Nhâm Thìn (1712) mùa hạ, Hòa thượng vào Quảng Nam dự lễ Toàn Viện” (?) (Sđd tr.202). Theo nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm thì có lẽ Hoà Thượng Thích Mật Thể đã theo bản Pháp văn của Louis Sogny trong bài Le premier Annamite… ở B.A.V.H., số 3 năm 1928. Và cũng theo Hà Xuân Liêm thì thực ra câu ấy muôn nói rằng mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), lễ an cư kiết hạ đựợc tổ chức rất quy mô ở Thiền Lâm thiền viện thuộc vùng đất rất rộng trước mặt chùa Từ Đàm hiện nay; có thể chư Tăng ở Thuận Hóa – Quảng Nam vân tập về đây và toàn viện đã cung thỉnh Ngài Tử Dung ở Ấn Tôn gần đó đến làm Thiền chủ…

Tăng, Ni, Phật tử về dự lễ giỗ tổ vào ngày Rằm tháng 11 âm lịch hàng năm

Những tài liệu cổ khác có nhắc đến Tổ sư Minh Hoằng Tử Dung chỉ thấy trong Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Chùa Từ Đàm: ở trên gò ấp Bình An. Tương truyền chùa do Tử Thông Hòa Thượng dựng, lại có tên chùa Ấn Tôn”. Lời ghi chép quá đơn sơ ngắn gọn, lại có phần sai nữa. Ngài là Tử Dung chứ không phải là Tử Thông như sách đã viết.

Tại chùa Chúc Thánh – Quảng Nam, có tấm bia đá có nhắc đến Tổ 1 câu: “Người Đại Thanh, qua An Nam, trác tích Thuận Hóa, lập chùa Ấn Tôn” cũng quá ngắn gọnầm còn lại rất mơ hồ nữa.

Một sự may mắn là tại chùa núi Phụng Sơn ở phủ Bình Khang còn có một bản Chánh pháp nhãn tạng khắc vào giữa tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), và trong quyển Liệt Tổ thiền truyện (Hiện Thư viện chùa Từ Đàm- Huế tàng bản) của Ngài Bổn Quả Khoáng Viên khắc tại Trung Quốc, về sau các Thiền sư ở Thuận Hóa trùng khắc và tục biên; một bản Chánh Pháp nhãn tạng của Ngài Chơn Kim Pháp Lâm soạn năm 1889 (Hiện chùa Viên Thông – Huế tàng bản)  đã giúp chúng ta biết được các chi tiết sau:

Vào cuối đời Minh, tông Lâm Tế rất long thịnh ở Thiên Đồng Sơn và Khánh Sơn. Tại Thiên Đồng Sơn có phái Thiên Đồng Viên Ngộ; từ chùa Thiên Đồng có Ngài Thông Thiên được phong làm Quốc sư hiệu là Hoằng Giác gọi là Quốc sư Thông Thiên Hoằng Giác, ở vào đời thứ 31 dòng Lâm Tế. Ngài này truyền thừa theo Kệ của Ngài Vạn Phong Thời Ủy; chúng tôi tạm gọi là “Kệ chùa Thiên Đồng”:

Tổ Đạo Giới Định Tông,
Phương Quảng Chứng Viên Thông,
Hạnh Siêu Minh Thật Tế,
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.

Đồng thời Ngài cũng biệt xuất Kệ và khai sơn chùa Thiên Khai. Kệ của Ngài là: Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ tông…; cũng đồng thời Ngài tự đổi Pháp húy thành Đạo Mẫn Mộc Trần; đó là Kệ chùa Thiên Khai. Ngài viên tịch vào triều Lê, không rõ năm nào chỉ thấy ghi ngày 16 tháng 11.

Ngày nay, Tăng chúng chùa Từ Đàm Huế căn cứ vào đó tổ chức giỗ tổ vào ngày Rằm tháng 11 âm lịch hàng năm để cùng chư tôn đức Tăng, Ni và đạo hữu Phật tử khắp nơi vân tập về ngôi chùa Từ Đàm lịch sử  đảnh lễ giác linh tổ sư và niệm ân sâu sắc vị tổ sư không những đã khai sơn ra một ngôi tổ đình danh tiếng mà còn là nguồn cơn của dòng thiền Liễu Quán phát triển ngày càng thịnh vượng trong lịch sử truyền thừa pháp phái của Phật giáo Việt Nam.

N.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here