Vô ngã tức Đại Bi.
Do nhân duyên nào các pháp đồng thời hiện khởi, tương y tương quan toàn diện, hỗ tương nhiếp nhập, nhân và quả kết dệt lẫn nhau khắp mọi nơi, tạo thành một toàn thể toàn vẹn không có một sự thể đơn độc cô lập nào cả?
Trừng Quán, một đệ tử nổi tiếng của Pháp Tạng và được truy tặng là tổ thứ tư của Hoa nghiêm tông, nêu ra mười nhân để minh chứng Pháp giới vô ngại một cách tổng quát :
(1) Vì vạn pháp do tâm sanh.
(2) Vì tất cả pháp đều vô tự tính.
(3) Vì lý duyên khởi chỉ cho sự tương y tương quan.
(4) Vì tất cả đều có chung Pháp tánh hay Phật tánh.
(5) Vì thế giới hiện tượng là như huyễn mộng.
(6) Vì các pháp hiện hành trong vũ trụ được coi như ảnh tượng.
(7) Vì sự giác ngộ của Phật là do tích cực tu tập vô hạn căn nhân của hiện khởi.
(8) Vì sự giác ngộ của Phật là tối thượng và tuyệt đối.
(9) Vì tác dụng thiền định thâm áo của Phật nên thế giới chuyển hóa như ý muốn của Ngài.
(10) Do thần lực siêu nhiên và giải thoát bất khả tư nghì của Như Lai nên sự chuyển hóa thế giới là tự tại.
Trên phương diện triết học, sáu nhân đầu giải thích tại sao Pháp giới là thế, còn về mặt tu dưỡng thời bốn nhân sau mô tả làm thế nào để chứng nghiệm thế giới tuệ giác của Phật. Về nhân duyên tạo lập Pháp giới, kinh Hoa nghiêm nói rất rõ: “Chư Phật tử ! Lược nói do mười thứ nhân duyên mà tất cả thế giới hải đã thành, hiện thành, và sẽ thành [Thế giới hải có nghĩa là Vũ trụ hay Pháp giới]. Chính là do vì thần lực của Như Lai, vì duyên khởi pháp là pháp tự nhiên như vậy, vì hạnh nghiệp của tất cả chúng sanh, vì chỗ sở đắc của tất cả Bồ tát thành nhất thiết trí, vì các chúng sanh và chư Bồ tát đồng chứa nhóm thiện căn, vì nguyện lực nghiêm tịnh Phật độ của chư Bồ tát, vì hạnh nguyện thành tựu bất thối của chư Bồ tát, vì thắng giải tự tại thanh tịnh của chư Bồ tát, vì chỗ lưu xuất do thiện căn của chư Như Lai và thế lực tự tại lúc chư Phật thành đạo, vì nguyện lực tự tại của Phổ Hiền Bồ tát. Chư Phật tử! Đó là lược nói mười thứ nhân duyên. Nếu rộng nói thời lượng số nhân duyên nhiều như số vi trần trong một thế giới hải.” (Phẩm 4: Thế giới thành tựu).
Vậy Pháp giới chỉ có thể chứng được bằng công năng tập định chứ không qua trung gian khái niệm do kết quả của trí năng suy luận hay do trí tưởng tượng bày vẽ. Về công hạnh tu tập như thế nào mới chiêm ngưỡng được đức Thế tôn và thấy hiểu được cảnh giới tráng lệ Hoa nghiêm, Phẩm 1: Thế chủ diệu nghiêm, có câu: “Cả những chúng hội này đều đã rời tất cả tâm cấu nhiễm phiền não và những tập khí thừa, xô ngã tòa núi trọng chướng, được thấy Phật không bị trệ ngại”.
Trong số các trọng chướng làm phát sinh phiền não, mê vọng, đau khổ, làm hại thiện tâm, và ngăn bít Thánh đạo, đứng hàng đầu là ngã chấp. “Chấp lấy ngã thường tìm có không, suy xét bất chánh, khởi vọng hạnh, làm đạo tà, nghiệp tội, nghiệp phước, nghiệp bất động tích tập thêm lớn.
Ở trong các nghiệp hành trồng hột giống tâm hữu lậu hữu thủ, lại khởi hậu hữu: sanh và lão tử. Chính là: nghiệp làm đồng ruộng, thức làm hột giống, vô minh che rợp, nước ái thấm nhuần, ngã mạn tưới bón, lưới chấp kiến thêm lớn, mọc mầm danh sắc, danh sắc thêm lớn nẩy chồi ngũ căn, các căn đối nhau sanh ra xúc, xúc đối sanh có thọ, sau khi thọ rồi mong cầu sanh có ái, ái tăng thêm sanh ra thủ, thêm lớn thủ sanh ra hữu, đã sanh hữu thời ở trong các loài khởi thân ngũ uẩn gọi là sanh, suy biến gọi là lão, chết mất gọi là tử. … Lúc tử ly biệt, ngu mê tham luyến trong lòng phiền muộn là sầu. Rơi lệ than thở là thán. Tại năm căn là khổ. Tại ý tưởng là ưu. Ưu khổ càng nhiều là não. Như thế thời chỉ có cây khổ tăng trưởng, trọn không ngã không ngã sở, không tác giả, không thọ giả. … Đại Bồ tát dùng mười tướng quán các duyên khởi biết là vô ngã, vô nhơn, vô thọ mạng, tự tính không, chẳng có tác giả, không có thọ giả, liền được môn Không giải thoát hiện tiền.” (Phẩm 26: Thập địa).
Để giải thích ngã chấp, Hòa thượng Thích Thiện Siêu viết trong bài Lý duyên khởi: “Không hiểu được định lý duyên khởi thời tự thấy rằng ta có một bản ngã, một bản ngã cá biệt, một bản ngã đáng tôn trọng, một bản ngã đáng quý báu, một bản ngã hơn tất cả ngã khác. … Có ảo tưởng bản ngã, có nghĩa là tự thấy mình khác với cái khác, tự thấy mình khác với người khác. Khi đã thấy mình khác với người khác, khác với cái khác, mới khởi lên tham, sân, si. Nếu thấy tất cả vạn pháp cùng với mình, mình cùng với tất cả vạn pháp, trùng trùng trong một pháp giới tánh bình đẳng duyên khởi, thời làm gì có tham, sân, si, vì chẳng có năng mà cũng chẳng có sở. Chỉ do tự thấy mình khác với sự vật, mình khác với cái khác, mới mong đem cái khác về cho mình; chứ khi tự thấy mình với cái khác hòa đồng nhất thể trong một nhịp nhàng tương quan chằng chịt lẫn nhau, thời tự nhiên tánh tri kiến hư vọng thấy rằng mình có bản ngã riêng biệt bị tiêu diệt.”
Trên phương diện tích cực, vô ngã chính là đại bi. Bởi vì khi chấp ngã hết thời đại bi tâm hiển lộ không bờ bến. Thiền định về tâm Bi là nhằm thực hiện tánh cách bình đẳng giữa mình và người khác và cũng đặt mình trong kẻ khác. Giải thoát trong lòng tay, Pabongka Rinpoche, Thích Nữ Trí Hải dịch, trong phần nói về phép luyện tâm bồ đề bằng cách trao đổi địa vị mình với người, đã đề cập năm phép quán: quán mình người bình đẳng, quán những lỗi lầm phát xuất từ ngã ái, quán những lợi ích do sự thương mến người khác, quán thực sự về trao đổi địa vị mình với người, và cuối cùng, quán về Cho để xây dựng đại từ, và Nhận để xây dựng đại bi. Trong khi thực hành như vậy hành giả mất dần ý niệm về cái ta và không còn thấy sự khác biệt giữa mình và người khác. Người thực hiện tâm Bi đến mức cùng tột thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái tâm vị tha tự nhiên tràn đầy vô hạn, mở rộng lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.
Vật lý gia David Bohm, đồng sự của Einstein và bạn thân của Krishnamurti đã ví ngã như nguyên tử (atom). Đúng hơn, Bohm ví nguyên tử như người suy tưởng (thinker). Nên biết rằng nguyên tử không phải là một thực thể. Đó là danh xưng của một xuất hiện tánh khi hội đủ một số điều kiện. Sự dính kết các hạt âm điện tử, dương điện tử, và trung hòa tử lại với nhau để tạo thành nguyên tử cần đến một số năng lượng liên kết (binding energy) rất lớn. Người suy tưởng giống như nguyên tử đang sử dụng năng lượng liên kết ra công sức dính kết các hạt lại với nhau. Chính số năng lượng liên kết rất lớn ấy đã phát sinh và bảo tồn “người suy tưởng” (tức nguyên tử) và duy trì nơi người suy tưởng cái ảo tưởng rằng mình là một hiện thực bền vững, tối giản, và độc lập riêng biệt. Cái dụng của năng lượng liên kết như vậy là bị kiềm chế hạn định trong sự chấp trì một ảo tưởng và chủ trì một kiến thức hư tưởng. Nó nuôi dưỡng phiền não tạng là chướng hoặc do vô minh tập khí, tập quán, và tập tục ung đúc hợp thành. Tư tưởng của “người suy tưởng” ví như cái nhìn bị vật chất ngăn bít tù hãm trong một khung tâm ba thứ nguyên (3-dimensional mind).
Khi nguyên tử phân tán vỡ nát trong máy gia tốc hạt nhân (atomic accelerator), thời vô số năng lượng liên kết bị kiềm chế bấy lâu được giải tỏa. Cũng vậy, nhờ “phát tâm rộng lớn như hư không giới, khởi tâm vô ngại, bỏ tất cả cõi, rời tất cả chấp, tâm vô ngại đi trong tất cả pháp vô ngại, tâm vô ngại vào khắp tất cả thập phương, tâm thanh tịnh vào cảnh giới của nhất thiết trí”, “người suy tưởng” bị tiêu diệt, ngã chấp hoàn toàn tan vỡ. Năng lượng được giải tỏa chính là lực đại từ bi, viên dung vô ngại, có vô hạn thứ nguyên (infinite dimensionality), là căn nhân của hiện khởi trong sự giác ngộ của Phật được đề cập trong nhân thứ bảy trên đây. Đó là một thứ năng lực điện quang khai hiển “trí huệ của đức Như Lai, vô lượng vô ngại, có thể lợi ích khắp tất cả chúng sanh, đầy đủ ở trong thân chúng sanh. Chỉ vì hàng phàm phu vọng tưởng chấp trước nên chẳng biết chẳng hay, chẳng được lợi ích”.
Bohm và Krishnamurti gọi thí nghiệm nghiền nát nguyên tử là “tỉnh thức” (awareness). Quá trình phá nát ngã chấp dẫn thức trực tiếp cảm giác năng lực điện quang được giải tỏa và thực chứng bản tánh của vũ trụ (Pháp giới) là biển đại bi, một biển rộng lớn vô biên tràn đầy vô lượng năng lực tình thương. Theo thuật ngữ Hoa nghiêm, tâm bình đẳng nơi tất cả thân chúng sanh và nơi tất cả pháp được gọi là mầm giống của hỗ nhập và là bản tánh hỗ tức của Pháp giới.
Hỗ tức hỗ nhập.
Xét về toàn thể tiến trình duyên khởi của vạn hữu, thời Pháp giới được thành lập tựa trên hai nguyên lý, nguyên lý hỗ tức (mutual identity), và nguyên lý hỗ nhập (mutual penetration). “Hỗ tức” phô diễn ý nghĩa của câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong Tâm kinh. “Hỗ nhập” tương ứng với nguyên lý duyên khởi theo đó không có sự vật nào hiện hữu độc lập, có sẵn định tánh nơi bản thể của nó, và mọi vật đồng thời hiện khởi, nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cái này không chướng ngại sự hiện hữu và hoạt động của những cái kia. “Hỗ nhập” vẽ ra ba công thức: đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, và đồng thời hỗ dung để thuyết minh lý duyên khởi.
Theo triết gia Alfred North Whitehead, các nhà khoa học thường phân chia hiện thực thành loại riêng biệt để thiết lập những bảng phân hạng khoa học. Chẳng hạn, phân hạng vạn vật phát sinh thành nhiều loại: người, động vật, thực vật, tế bào sống, vô cơ thô, và lượng tử vi tế. Đó là một việc làm rất cần thiết đối với phương pháp khoa học, nhưng rất nguy hiểm đối với triết học, bởi vì sự phân hạng như vậy ngăn cản không cho thấy trên thực tế các hiện thực được phân thành loại khác nhau không hẳn hoàn toàn khác biệt nhau. Mỗi loại đều có bóng dáng của nó dự phần trong các loại hiện thực khác. Các nhà khoa học quả đã tìm cách phân chia một toàn thể vị phân hóa, cái thực tại không thể phân chia, nhằm thực hiện những mục đích riêng tư và hạn định. Nguy hiểm là vì phân chia ra nhiều diện như vậy thời mỗi khi diện này được hiển bày, diện khác tất bị che khuất.
Con người thường đứng trên quan điểm cá biệt mà nhìn vào sự vật, do đó luôn luôn thiên vị và độc đoán, không thể nào có được cái nhãn quan viên dung khi nhìn vào thực tại. Nếu thông đạt lý đồng thời câu khởi thời một mặt bớt thiên vị và hẹp hòi, và mặt khác tâm trở nên quảng đại không còn bị ngã chấp trói buộc và cảm giác về sự hữu hạn chế ngự. Vả lại, một khi chỉ nhìn thấy sự vật theo quan điểm hẹp hòi cá nhân thời không thể nào hay biết đến vô số khuynh hướng, khả năng, và tiềm lực hiện khởi hàm chứa trong sự vật.
Một sự vật hiện hữu là hiện hữu cùng với và hỗ tương giao thiệp với mỗi mỗi sự vật khác. Có bao nhiêu sự vật trong vũ trụ thời sự vật ấy có bấy nhiêu mối quan hệ. Mỗi quan hệ biểu hiện một hình tướng, hay một phẩm tính. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, ý nghĩa về sự hiện hữu của một sự vật bị giới hạn trong khung ý niệm và phương cách diễn đạt riêng biệt của cá nhân hay cộng đồng liên hệ. Vì vậy định nghĩa và danh xưng của sự vật không thoát khỏi giới hạn của thời gian và không gian, không bao hàm hết thảy mọi quan hệ của sự vật mà chỉ nói lên một số hạn định hình tướng hay phẩm tính của sự vật tại một nơi nhất định vào một thời nhất định. Như thế, sự vật hay hiện tượng được nói đến thường ngày không phải thực tại mà là những khái niệm do vọng tưởng phân biệt thi thiết. Theo thuật ngữ Bát nhã, đó là danh tự giả tướng.
Trong mười nhân khởi Pháp giới vô ngại trùng trùng vô tận nêu ra ở trên, nhân thứ sáu: “Vì các pháp hiện hành trong vũ trụ được coi như ảnh tượng” làm sáng tỏ lý đồng thời câu khởi và lý đồng thời hỗ dung. Truyện kể lại khi nữ hoàng Vũ Tắc Thiên bày tỏ sự muốn hiểu biết một cách cụ thể thế nào là cái nhìn viên dung vô ngại, ngài Pháp Tạng thực hiện thí nghiệm vật lý sau đây để giải thích hiện tượng “hỗ tức hỗ nhập”.
Ngài cho đặt mặt kính khắp nơi trong một căn phòng, trên trần và sàn nhà, trên bốn vách tường bao quanh, và cả bốn góc phòng. Ngay chính giữa phòng, Ngài đốt một ngọn nến để sát bên cạnh một tượng Phật. Nữ hoàng kinh ngạc không tả xiết nhận ra ngay rằng hình ảnh của hết thảy mọi mặt kính cùng với hình ảnh của tượng Phật phản chiếu trong tất cả và mỗi một mặt kính. Và trong tất cả và mỗi một hình ảnh phản chiếu trong bất cứ mặt kính nào cũng tìm thấy được hết thảy mọi hình ảnh phản chiếu trong tất cả mặt kính khác cùng với hình phản chiếu của tượng Phật. Thí nghiệm này chứng minh lý hỗ nhiếp và hỗ dung và làm sáng tỏ lẽ mầu nhiệm về thế giới trùng trùng vô tận. Lý đồng thời câu khởi thật quá hiển nhiên nên không cần phải giải thích.
Ngài Pháp Tạng lấy trong tay áo ra một quả cầu thủy tinh nhỏ, đặt trên lòng tay, rồi nói: “Trong quả cầu nhỏ bé này, hiện ra tất cả mặt kính cùng với hết thảy phản chiếu. Đây là một thí dụ về cái nhỏ chứa cái lớn và cái lớn chứa cái nhỏ. Thí dụ này chứng minh tánh vô ngại của kích thước lớn nhỏ hay là của không gian. Nó không chứng minh được tánh vô ngại của thời gian, quá khứ dung nhiếp tương lai và tương lai dung nhiếp quá khứ, vì đây là một thí nghiệm tĩnh, thiếu tánh cách động của thời gian. Không thể nào với phương tiện thông thường ta có thể trưng dẫn bằng chứng cụ thể về thời gian vô ngại, hay thời gian và không gian vô ngại. Muốn chứng nghiệm một hiện tượng như thế phải có một mức độ nhận thức khác.”
Ảnh phản chiếu trên gương được dùng để trình bày ba lý do về Pháp giới vô ngại. Một, vì mọi sự vật đều là ảnh tượng nên không thật có. Chúng không tự hữu nên tùy thuộc vật thể khác. Bởi thế mà nói tánh Không bàng bạc khắp nơi. Không đây là Như huyễn Không. Hai, vô lượng số ảnh tượng đồng loạt phát khởi do mặt gương đồng thời phản chiếu. Điều này làm sáng tỏ lý đồng thời đốn khởi. Ba, mỗi mỗi sự vật đồng thời vừa là gương phản chiếu vì nó phản chiếu tất cả sự vật, vừa là ảnh tượng vì đồng thời nó được tất cả sự vật khác phản chiếu. Do đó mà lý đồng thời hỗ nhiếp được minh chứng.
Hai lý đồng thời đốn khởi và đồng thời hỗ nhiếp cũng được minh giải bằng ẩn dụ gọi là Hải ấn tam muội hay Hải kính tam muội. Thuật ngữ Hoa nghiêm “Hải ấn” hay “Hải kính” biểu tượng Phật tâm, biển tâm thanh tịnh. Do gió cảnh thổi nên sóng thức nổi dậy. Người đạt được ngoại cảnh vốn không thời biển tâm tự vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thời việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thời mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng. Đó là “cái gương pha lê tên là năng chiếu, gương này trong sạch sáng suốt, lớn vô lượng vô biên bằng mười thế giới. Trong các quốc độ, tất cả hình tượng của núi sông, của mọi loài, nhẫn đến ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục đều hiện trong gương đó” (Phẩm 35: Như Lai tùy hảo).
Phật tâm, còn gọi là tâm Chân như, chỉ cho bản thể chơn tâm lìa các vọng niệm. Tâm này sẵn có trong tất cả chúng sanh. Tâm chúng sanh và tâm Phật hỗ tức hỗ nhập, phản chiếu lẫn nhau một cách kỳ diệu. Điều này được ngài Trừng Quán giải thích bằng thí dụ sau đây.
Một Đạo sư giảng pháp cho đệ tử trong một căn phòng có treo một tấm kính. Tấm kính, Đạo sư, và người đệ tử biểu tượng theo thứ tự, tâm Chân như, đức Phật, và con người. Tấm kính phản chiếu hình ảnh hai nhân vật đối diện, một đang thuyết pháp, và một đang lắng tai nghe. Để mô tả các mối quan hệ giữa các thành phần tham dự ta có thể nói hoặc là vị Đạo sư ở trong tấm kính của người đệ tử đang thuyết pháp cho người đệ tử ở trong tấm kính của Đạo sư, hoặc là người đệ tử ở trong tấm kính của vị Đạo sư đang lắng tai nghe Pháp do Đạo sư ở trong tấm kính của người đệ tử thuyết giảng. Như vậy, khi đức Phật thuyết pháp cho thính chúng, đó không phải là một mối liên hệ hai chiều giữa người nói và người nghe. Đó là một mối liên hệ bốn chiều, đức Phật ở trong tâm người nghe giảng pháp cho người ở trong tâm Phật và người ở trong tâm Phật nghe lời thuyết giảng của đức Phật ở trong tâm người nghe.
Viên giáo kiến.
Đứng trên quan điểm viên dung, “hỗ nhập” hay “đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, và đồng thời hỗ dung” miêu tả tính cách tương quan vô tận và vô ngại. “Hỗ tức” miêu tả tính cách không phân biệt, không sai khác của vạn hữu. Hoa nghiêm ngũ giáo chỉ quan của Đỗ Thuận giảng dạy phép tu Chỉ Quán theo lý Viên Dung giúp ta hiểu rõ thêm hai nguyên lý hỗ nhập và hỗ tức này. Trong đó có đoạn đề cập ba phương pháp chứng nhập Chân như, thấy rõ Chân như là ly danh tự tướng (không có danh tự để gọi), ly ngôn thuyết tướng (không có lời nói để luận bàn), và ly tâm duyên tướng (không thể dùng tâm để suy nghĩ được).
Phương pháp thứ ba nhằm chứng minh các pháp vượt ngoài hết thảy ngôn thuyết và tư duy thông tục. Hai cách để thực hiện: đoạn hoặc và chứng chân. Cách đầu, đoạn hoặc, được áp dụng như sau.
Hỏi : Các pháp duyên khởi là có?
Trả lời : Không, các pháp duyên khởi không có. Chúng đồng nhất với tánh Không; hết thảy mọi pháp duyên khởi đều vô tự tính nên Không.
Hỏi : Vậy các pháp duyên khởi là không?
Trả lời : Không, chúng có. Bởi vì các pháp do quan hệ phát sinh đã có từ vô thỉ. Nếu không thời câu hỏi vừa rồi không thể đặt ra.
Hỏi : Như thế, chúng là cả hai, có và không?
Trả lời : Không, bởi vì Không và có hỗ tương nhiếp nhập thành một. Trong cảnh giới Không và có hỗ tương nhiếp nhập tất cả các pháp duyên khởi đều không sai khác. Không mảy may dấu vết phân hai. Điều này có thể minh chứng bằng ẩn dụ đồ trang sức bằng vàng và vàng dùng làm chất liệu cho đồ trang sức.
Hỏi : Vậy chúng chẳng phải không chẳng phải có?
Trả lời : Không, bởi vì cả hai, có và Không, cùng có một lúc, một chỗ (câu hữu) mà không trở ngại lẫn nhau. Đó là do sự hỗ tương nhiếp nhập mà các pháp duyên khởi đồng thời câu khởi.
Hỏi : Như thế, rốt cuộc tất cả chúng rõ ràng là không?
Trả lời : Không, do có và Không hỗ tương nhiếp nhập nên cả hai đều biến mất. Các pháp đều Không khi nhìn từ quan điểm Tánh Không phủ định sự hiện hữu; chúng hiện hữu khi nhìn từ quan điểm Có phủ định tánh Không. Nhìn từ hai quan điểm đồng thời phủ định thời cả hai diện, có và Không, đều biến mất. Nhìn từ hai quan điểm hỗ tương câu khởi thời cả hai diện, có và Không, đều hiện có.
Điều đáng lưu ý ở đây là không cần biết đến sự thay đổi lập trường và cách đặt câu hỏi, Hoa nghiêm vẫn một mực giữ lập trường “đoạn hoặc”, nhất thiết phủ định trong mọi câu trả lời! Lý do: Mọi quan điểm đều là kiến tư hoặc hay phiến diện, lộ bày mặt này nhưng che lấp mặt khác.
Bây giờ hãy đọc đoạn kế tiếp nói về cách thực hiện chứng nhập Chân như bằng “chứng chân”. Các câu hỏi vẫn như trước, không thay đổi, nhưng các câu trả lời lần này hoàn toàn trái nghịch với lần trước, luôn luôn xác quyết khẳng định.
Hỏi : Các pháp duyên khởi là có ?
Trả lời : Phải, bởi vì giả hữu là không phải phi hữu.
Hỏi : Vậy các pháp duyên khởi là không ?
Trả lời : Phải, bởi vì chúng vô tự tính nên Không.
Hỏi: Như thế, chúng là cả hai, có và không ?
Trả lời : Phải, bởi vì có và không không trở ngại lẫn nhau, cái này không che lấp cái kia.
Hỏi : Vậy chúng chẳng phải không chẳng phải có ?
Trả lời: Phải, bởi vì có và không hỗ tương phủ định nên cả hai đều bị loại trừ. Tóm lại, chính do duyên khởi mà vạn pháp hiện hữu; chính do duyên khởi mà vạn pháp không hiện hữu; chính do duyên khởi vạn pháp chẳng những hiện hữu mà còn là không hiện hữu; và chính do duyên khởi mà vạn pháp chẳng phải hữu chẳng phải phi hữu. Cùng một lối diễn tả như vậy, một là một, một là không một, một là cả hai, một và không một, và một chẳng phải một chẳng phải không một; nhiều là nhiều, nhiều là không nhiều, và là cả hai, nhiều và không nhiều, và chẳng phải nhiều chẳng phải không nhiều. Như thế, vạn pháp là nhiều; vạn pháp là một; vạn pháp là cả hai, nhiều và một; và vạn pháp chẳng phải nhiều chẳng phải một. Tứ cú về đồng nhất và dị biệt cũng theo mẫu hình lý luận tương tợ. “Đoạn” và “chứng” hỗ tương nhiếp nhập viên dung vô ngại, được như vậy là do tự thể của duyên khởi hoàn toàn giải thoát khỏi mọi trói buộc.
Theo đoạn văn vừa kể, tinh thần và cốt lõi của giáo lý Hoa nghiêm tìm thấy ngay trong những cách trả lời khác nhau đối với những câu hỏi giống nhau, phải, không phải, cả phải và không phải, và chẳng phải phải chẳng phải không phải. Rõ ràng mỗi khi câu hỏi qui chiếu phạm trù A, thời câu trả lời qui chiếu phạm trù B. Khung ý niệm chuyển đổi khi cần phải trả lời cùng một câu hỏi hay một câu hỏi đồng loại. Như thế có hợp lý hay không? Nếu người trả lời bị trói buộc ở trong một cảnh giới nhất định, thời trả lời như vậy là sai lạc. Nhưng nếu người đó tự tại vô ngại, không bị ràng buộc vào bất cứ cảnh giới nào, thời các cách trả lời dầu đối nghịch nhau vẫn xem như không phạm lỗi.
Thật vậy, bảo rằng lỗi lầm, tức là lỗi lầm đối với quan điểm phát xuất từ một khung ý niệm nào đó có sẵn. Thoát khỏi mọi khung ý niệm do ngã kiến thời mới có thể thông đạt Viên giáo, giáo lý căn cứ trên hai nguyên lý hỗ tức và hỗ nhập. “Nếu đến ngay nơi Viên giáo để nói thời một chướng tức là tất cả chướng, đoạn một tức là đoạn tất cả. Chính vì hễ một chỗ niệm mê thời cả pháp giới đều mê, mà hễ trong lúc một hoặc đoạn bằng cách đúng tánh, thời tất cả hoặc đều đoạn ráo. Bởi vì số một với số tất cả lẫn nhau làm duyên để sanh khởi; hễ một pháp xứng tánh, thời lan khắp tất cả pháp, vì tướng nó chẳng hoại, nên chẳng ngại đoạn riêng dùng cái riêng để trùm cái chung.” (Hoa Nghiêm nguyên nhân luận. Tông Mật, Thích Khánh Anh dịch).
Câu chuyện Thiền sau đây có ý nghĩa tương tợ: Mã Tổ trắc nghiệm Đại Mai, trích từ “Thỏng tay vào chợ” của Tuệ Sỹ.
“Mã Tổ nghe Đại Mai lên núi ở, bèn sai một người đến thăm dò, Tăng đến hỏi Đại Mai: “Hòa thượng gặp Mã Tổ được cái gì mà về ở núi này?”
Sư đáp: “Mã Tổ nói với tôi “Tức tâm tức Phật” tôi bèn ở núi này.”
Vị Tăng thưa: “Gần đây Mã Tổ nói “Phi tâm phi Phật”.
Đại Mai nói: “Ông già mê hoặc người chưa lúc nào nghỉ. Mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm tức Phật.”
Vị Tăng trở về thưa lại Mã Tổ những lời sư nói. Mã Tổ bảo với đại chúng: “Trái Mai (me) đã chín rồi”.
Điểm đáng ghi trong câu chuyện này là đối với người có trí viên dung vô ngại thời dù nói ngược nói xuôi, nói phải nói quấy, không có gì là sai trái chướng ngại. Mọi chuyện đều là những thể hiện nhiệm mầu dung nhiếp của cuộc sống. Đại Mai đã thể hiện trong cuộc sống tự tại thong dong của chính mình khi được Mã Tổ trắc nghiệm.
Vào lúc đầu đi tìm hiểu giáo lý Hoa nghiêm hai câu hỏi sau đây thường được đặt ra. Một, Viên giáo kiến của Hoa nghiêm có trái nghịch với những qui luật cơ bản của logic hay không? Hai, làm thế nào một thứ triết lý về toàn thể tính của tất cả hiện hữu như lý Viên dung có thể dẫn đến sự thành tựu một trật tự, xã hội, đạo đức, tâm linh, …?
Để giải đáp thắc mắc thứ nhất, tưởng nên biết rằng theo luận lý hình thức, nếu một mệnh đề và mệnh đề phủ định nó được đồng thời chấp nhận làm tiền đề của luận pháp thời suy diễn bất cứ mệnh đề nào thành đoán án cũng đúng cả. Viên giáo kiến là hệ luận tự nhiên của quan hệ hỗ tức giữa Có và Không, giữa Hữu và Phi hữu, bởi vậy cho nên theo luận lý hình thức, Viên giáo kiến đúng trên phương diện diễn dịch. Mặt khác, bằng vào những kinh nghiệm tu chứng thời Viên giáo kiến chân thật. Mọi sự bất nhất bất đồng trong cảnh giới này có thể trở thành nhất quán hòa đồng trong cảnh giới khác.
Thắc mắc thứ hai là theo Viên giáo mọi phát biểu đều có thể đồng thời được chấp nhận và không được chấp nhận, thử hỏi làm thế nào một phát biểu như vậy có thể thi thiết một nguyên lý hay trật tự? Câu trả lời là vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận một phát biểu tùy thuộc trạng huống hay cảnh giới. Một nguyên lý hay trật tự chỉ đúng và có hiệu năng trong một cảnh giới nào đó mà thôi. Đối với cảnh giới khác, nó có thể không còn đúng và mất hết hiệu năng tác dụng.Thường trật tự thiết lập trong những cảnh giới mức phức tạp thấp không ứng nghiệm đối với những cảnh giới mức phức tạp cao, cho nên mới phát sinh những trật tự mới tuy có công năng thích hợp với những cảnh giới phức tạp nhiều hơn thế mà vẫn còn hàm dung chứ không khiển trừ trật tự có trước. Đó là sự thật hiển nhiên trong mọi ngành khoa học, xã hội học, đạo đức học, v..v… Chẳng hạn, trong vật lý học, thuyết tương đối, cơ học lượng tử, và cơ học cổ điển đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, đồng thời hỗ dung. Chúng không ngăn ngại nhau. Trật tự nào vận dụng lợi ích trong cảnh giới tương hợp với trật tự đó. Thuyết tương đối rất cần thiết để mô tả những chuyển động có tốc độ lớn gần bằng tốc độ ánh sáng. Cơ học cổ điển được sử dụng để mô tả những chuyển động thấy trong đời sống hằng ngày. Cơ học lượng tử đúng và hiệu nghiệm trong thế giới hiện tượng vi mô mà thôi. Viên giáo kiến không loại bỏ hay gây trở ngại bất kỳ một trật tự nào trong bất cứ cảnh giới nào. Nhìn trên quan điểm viên dung, mọi bất nhất và bất đồng trở thành vô ngại và nhất quán. Đó là hành tướng của hai nguyên lý, hỗ nhập và hỗ tức.
Một nguyên lý căn bản của khoa học là “chư hành vô thường”. Tính cách vô thường của thế giới hiện tượng là do vạn hữu hỗ tương tác dụng. Khoa học không xét tương quan nhân quả giữa vạn hữu theo phương diện tự thể, nghĩa là không nói sự thể này đã sinh sự thể kia ra thế nào, mà chỉ xét theo phương diện tác động, nghĩa là sự tương tác giữa các sự thể. Tương tác còn gọi là lực được phân chia thành bốn loại: trọng lực tức tương tác giữa các trọng khối, điện từ lực tức tương tác giữa các điện tích (charges), lực hạt nhân yếu tức nguyên nhân phân rã neutron thành proton và electron ở bên trong hạt nhân, và lực hạt nhân mạnh tức nguyên nhân dính chặt neutron và proton ở bên trong hạt nhân.
Một nguyên lý căn bản khác của khoa học là nguyên lý Thực tại nhất thể. Trong trường hợp sử dụng thuyết tương đối của Einstein, thời theo một định lý toán của Roger Penrose và Stephen Hawking, vũ trụ hiện khởi từ một dị điểm (singularity). Thuyết này thường được gọi là thuyết Bùng nổ (Big Bang). Nhưng thuyết này mới giải quyết vấn đề được một nửa mà thôi, vì thuyết tương đối không đủ khả năng mô tả cái điểm nguyên thủy của vũ trụ. Bởi vậy, Stephen Hawking tìm cách phối hợp thuyết tương đối với cơ học lượng tử và thành công chứng minh bằng toán học rằng vạn hữu hiện khởi không phải từ một dị điểm mà từ một thực tại nhất thể, vô thỉ vô chung, không biên giới, đồng nhất, không có dị điểm, không sai biệt, nghĩa là không có hạt cơ bản nào để phân biệt. Cái thực tại nhất thể này không sai khác Pháp giới Hoa nghiêm, nên có thể gọi là Pháp giới Khoa học. Nguyên lý Thực tại nhất thể hướng mọi nỗ lực nghiên cứu và thực nghiệm vật lý vào những công trình tổng hợp bốn loại lực tương tác nói trên thành một lực duy nhất. Steven Weinberg (1967) và Abdus Salam (1968) thành công tổng hợp điện từ lực và lực hạt nhân yếu. Trên lý thuyết, đó là hai mặt tác dụng của lực tổng hợp gọi là lực điện yếu (electroweak interaction). Đến năm 1970, các điều dự đoán của lý thuyết được thử nghiệm đúng nên hai nhà vật lý học này được giải Nobel Vật lý năm 1979. Vũ trụ bùng dãn là nguyên nhân làm nhiệt độ giảm bớt và đến một mức nào đó (độ chừng "10 lũy thừa 15" K, "10 lũy thừa -10" giây sau khi điểm nguyên thủy bùng dãn) hai lực ấy khởi xuất sai biệt từ một tương tác gọi là lực điện yếu. Lực này hiện khởi sai biệt với lực hạt nhân mạnh ở vào nhiệt độ cao hơn, độ chừng "10 lũy thừa 18" K, "10 lũy thừa -35" giây sau bùng dãn. Đến nay sự tổng hợp hai lực điện yếu và lực hạt nhân mạnh chưa đạt được kết quả nào đáng kể, tại vì trong thực tế không thể thực hiện các cuộc thử nghiệm ở vào nhiệt độ quá lớn, lớn hơn "10 lũy thừa 18" K. Tuy vậy mọi nỗ lực vẫn được tiếp tục nhằm khám phá những lý thuyết thâu nhiếp tất cả ba lực: lực điện yếu, lực hạt nhân mạnh, và trọng lực thành Một hầu tìm hiểu những nhân duyên hiện khởi của thế giới hiện tượng. Như vậy, theo thuật ngữ Phật giáo, mục đích của vũ trụ học là nhằm tìm hiểu lý chân không vô ngại và lý hữu hóa duyên sanh của vạn pháp.
HD-N.V.H