Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sớm gieo vào tâm trí tôi ...

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sớm gieo vào tâm trí tôi niềm tin “vào mộng đẹp ngày mai”

170
0

Niên khóa 1954-1955, tôi học Đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường Tư thục Tây Hồ sau chuyển qua học trường Tư thục Nguyễn Công Trứ (Đà Nẵng). Ở cả hai trường nầy tôi đều được học nhạc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Trong lớp Đệ thất có hai chị em Công huyền TN thị Nhạn và Vĩnh Khôi có nhà ở đường Lê Lợi gần nhà tôi ở đường Gambetta (sau đổi DuyTân, nay là Nguyễn Chí Thanh). Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là cậu ruột của hai bạn. Tôi hay sang chơi nhà hai bạn và thường gặp ông ở đó. Vì thế, tôi vừa là học trò vừa được xem như cháu của ông. 

Nhạc sĩ vừa từ vùng kháng chiến Bình Định ra, trẻ, đẹp trai, tài hoa, là mẫu người lý tưởng đối với chúng tôi lúc ấy. Vào những ngày nghỉ học, túp nhà tranh của ông ở Cầu Vồng, gần phía ngoài tường thành sân vận động Chi Lăng, luôn có “khách” học trò. Cô Huệ – vợ  ông ít nói, còn rất trẻ, không lớn hơn đám học trò của ông bao nhiêu. Nhà chật, khách đông, đàn địch hát hỏng ồn ào nhưng không bao giờ  thấy bà khó chịu cả. Các bạn gái của tôi thường giúp chơi với em Điểm – con gái đầu lòng rất xin xắn của ông bà. Ngoài chuyện học nhạc, chúng tôi còn thích nghe ông kể chuyện học hành, làm văn nghệ trong “vùng tự do” Bình Định Quảng Ngãi.

NS Phạm Thế Mỹ,  thời mới chơi nhạc ở Đà Nẵng  Ảnh TL của gia đình

Hồi nhỏ sống trong rừng Túy Sơn (Cây số 12/Đà Lạt), ban đêm thỉnh thoảng tôi được tiếp xúc với cán bộ Việt Minh. Tôi rất phục những trí thức kháng chiến. Đến sau Hiệp định Genève 1954,  tôi rất có cảm tình đối với những người ở vùng kháng chiến về. Được học nhạc với nhạc sĩ  Phạm Thế Mỹ, tôi có dịp được thể hiện những tình cảm ấy .

Trong những lúc thân tình, ông kể chuyện ông phục vụ trong Đoàn Văn nghệ Liên khu V. Ông đã sáng tác nhạc, bài Nắng lên xóm nghèo của ông được thính giả trong vùng tự do rất thích. Ông từng được Giải thưởng Phạm Văn Đồng. Trong túp nhà tranh ở Cầu Vồng, tôi được học với ông bài hát ấy.

Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến
Đôi bướm vàng nhẩn nhơ khi quyến luyến và
Cô gái làng ngẩn ngơ một tình duyên

Bên luống cày đời vui đang nở hoa
ôi ảo mộng đầu tươi sao đẹp quá
Chân bước về tìm vui đan mái lá và
Nghe tiếng hò hát đưa duyên mặn mà
Em bé thơ ơi, trên mình trâu nắng em ước mộng điều gì
Cô hái dâu ơi, bên dòng sông vắng cô có buồn người đi
Trên đường về quê hương,
Nghe dạt dào tình thương
Cánh chim giang hồ vẫn trôi giữa đời
Bước chân lãng du ơi chỉ mộng thôi

Đây bóng dừa xanh xanh tôi mến thương
Chim trắng về em vui reo ngàn hướng
Kìa cổng làng hàng cao nghiêng nắng xuống
Đàn em bé đùa hát ca quên sầu thương

No ấm về tình ta thêm thắm tươi
Bông lúa vàng nhờ tay anh cày xới
Đây nắng đẹp miền quê thêm sáng chói
Bừng lên xóm nghèo ấm êm bao cuộc đời

Nắng sớm lên soi tươi sáng chân trời chào niềm vui mới
Xóm nghèo ơi 

Bài hát được soạn theo điệu Boléro bình dân, vui tươi, nhún nhẩy, dễ hát. Lời nhạc trong sáng, thể hiện sự thanh bình vừa được lập lại sau bao năm chiến tranh. Bài Nắng lên xóm nghèo rất hợp với tâm hồn nhà quê mới lên thành phố của tôi. Trong một bài giảng nói về vai trò của âm nhạc trong đời sống tình cảm của tuổi trẻ, ông dẫn chứng bài Tình Ca mới ra đời của Phạm Duy. Ông bảo rằng đây là bài hát về tình tự dân tộc hay nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Bài hát có 3 lời. Lời một “yêu tiếng nói”, lời hai “yêu đất nước” và lời ba “yêu con người”. Tiếng nói đọng lại thành ca dao, thành Truyện Kiều; đất nước có lịch sử mở nước vào tận Cà Mâu, có ba con sông tiêu biểu cho cái đầu (sông Hồng trí tuệ), trái tim (sông Hương) và cái dạ dày (sông Cửu Long); Yêu người Việt Nam tiêu biểu là bác nông phu với bà mẹ quê và em bé chăn trâu mặc áo nâu sồng, và những anh hùng trong lịch sử. Tất cả những tinh túy tiêu biểu nhất của dân tộc Việt được chuyển tải qua một giai điệu âm nhạc trong sáng đượm màu dân ca tuyệt đẹp. Tôi không có khiếu hát nên thường xem ba lời nhạc Tình Ca như ba bài thơ. Sau nầy, mỗi lần gặp lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tôi nhắc lại bài giảng cũ, ông rất vui và thoáng một chút tự hào là hơn năm mươi năm trước ông đã đánh giá đúng giá trị của bài Tinh Ca của Phạm Duy. Trong cuốn Mừng ngày trở về của nhạc sĩ Phạm Duy (Nxb Thuận Hóa.2006)  tôi đã ghi lại nhận định ấy (tr.16-17), hai nhạc sĩ cùng họ Phạm đã đọc và đều cám thấy vui. Cái tình nước trong Tình Ca của Phạm Duy được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ca ngợi đã ngấm vào từng tế bào tim gan hồn vía của tôi. Hơn nửa thế kỷ qua, những khi xuống đường tranh đấu bị dìm trong máu, bị ngồi tù, cũng như những năm kháng chiến gian khổ đói khát, ác liệt, mạng sống treo trên đầu sợi tóc, tôi vẫn “Vững tin vào mộng đẹp ngày mai” (lời Tình Ca).

Năm 1956,  tôi ra Huế. Vừa đi học, vừa đi làm gia sư kiếm sống, tôi không còn cơ hội học nhạc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nữa. Phải tám năm sau, vào khoảng trung tuần tháng 9-1964, sau khi đi vận động thành lập các Hội đồng Nhân dân Cứu quốc (HĐNDCQ) ở Nha Trang, Qui Nhơn (theo chủ trương của BS Lê Khắc Quyến – Chủ tịch HĐNDCQ Huế), trên đường về,  tôi ghé qua  Đà Nẵng gặp Tống Nhạn – bạn đồng khóa Đại học Sư phạm Huế và cùng ở trong Đoàn Sinh viên Phật tử Huế với tôi, đang giữ chức ủy viên an ninh của HĐNDCQ Đà Nẵng. Tống Nhạn chở tôi bằng xe đạp đến Hội trường Trưng Vương để gặp anh Phan Xuân Huy – Phụ khảo Đại học Khoa học Huế, đang làm Chủ tịch HĐNDCQ Đà Nẵng. Đến nơi, tôi không gặp anh Phan Xuân Huy mà lại gặp nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đang làm Phó cho anh Huy. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng tôi không thể giấu được sự ngạc nhiên về sự có mặt của ông trong cuộc đấu tranh của Phật tử và Sinh viên học sinh nầy. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe ông tỏ ra biết rõ những việc tham gia tranh đấu của tôi trong mấy năm qua ở Huế. Có lẽ ông biết qua Tống Nhạn và Vĩnh Kha – hai sinh viên cùng ở trong Đoàn Sinh viên Phật tử với tôi (?). Biết tôi khó hiểu về sự có mặt của ông, ông nói như tâm sự:

-“Mình làm Phó cho Phan Xuân Huy để giúp cho phong trào bớt tính cực đoan, bớt bạo động. Nếu để xảy ra thêm một vụ như Thanh Bồ Đức Lợi [1] như vừa rồi thì tai hại vô cùng. Nhưng mà mệt lắm. Xuân không thể hiểu hết những khó khăn của mình đâu. Phía bên nầy thì nói mình là cán bộ nằm vùng, phía bên kia thì nói mình là “xịa” tham gia phong trào để hạn chế hoạt động của phong trào. Xuân thân với Vĩnh Kha cháu mình, Xuân có thể biết mình là ai”.

Thật tình cho đến lúc đó tôi chưa biết xu hướng chính trị của ông thầy dạy nhạc tôi tám năm trước là như thế nào. Nhưng nếu nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cùng một chí hướng với Phật giáo chống độc tài tay sai Mỹ leo thang chiến tranh thì ông cùng một chí hướng với Vĩnh Kha và tôi. Nghĩ  như thế, tôi cảm thấy vui trên đường leo qua đèo Hải Vân  ra Huế.

Cuộc tranh đấu năm đó (từ 8-1964) thay được cái áo “quân phiệt” Nguyễn Khánh cho chính phủ Sài Gòn. Nhưng rồi, các chính phủ dân sự Trần Văn Hương, Phan Huy Quát trong tay tướng tá Sài Gòn cũng không đứng được. Cuối cùng chính quyền Sài Gòn lại vào tay nhóm “tướng trẻ” Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ. Chiến tranh leo thang với tốc độ mạnh hơn. Cuối tháng 3-1966, Phong trào Nhân dân tranh thủ Cách mạng nổ ra ở Đà Nẵng và Huế chống Mỹ Thiệu Kỳ. Thiệu Kỳ không vận  quân cơ động ra Đà Nẵng dọa “làm cỏ” phong trào đấu tranh. Đà Nẵng kêu cứu. Để đáp lại lời kêu cứu của Đà Nẵng, Sinh viên Huế thành lập Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế (5-4-1966) và bầu tôi Đoàn trưởng. Chúng tôi đi học quân sự cấp tốc ở trường huấn luyện Văn Thánh. Đại đội I Sinh viên Quyết tử do Trần Mậu Tý làm Đại đội trưởng, vừa “ra trường” được cử vào Đà Nẵng. Tôi ở lại Huế để tiếp tục lo huấn luyện quân sự cho Đại đội II và Đại đội III.. Vào Đà Nẵng, Đại đội I “đóng quân” tại trường Bồ Đề trên đường Quang Trung. Chính quyền Đà Nẵng ly khai với Sài Gòn phát súng cho Sinh viên. Sinh viên được vũ trang đi biểu tình trên đường phố Đà Nẵng là chuyện chưa từng có đã làm cho Quân đội Mỹ rất lo ngại. Họ vào các đồn binh đóng chặt cửa. Dân chúng Đà Nẵng và quân đội ly khai của Quân đoàn I rất vui mừng được Sinh viên Huế vào hỗ trợ tinh thần tranh đấu của họ.

Nhưng sự vui mừng ấy không được lâu.

Một buổi trưa, qua điện thoại viễn liên, tôi được anh Lý Văn Nghiên – Đại đội phó Đại đội I SVQT, gọi tôi vào Đà Nẵng gấp để giải quyết rắc rối giữa quân đội ly khai ở Đà Nẵng với Sinh viên Quyết tử Huế. Tôi vào Đà Nẵng, không gặp Nghiên. May mắn gặp được Vĩnh Kha. Vĩnh Kha đang rất nản chí cách thức lãnh đạo tranh đấu của lực lượng quân đội ly khai, đứng đầu là Đại tá Đàm Quang Yêu, Thiếu tá Tôn Thất  Trai, Thiếu tá Tôn Thất Tương. Kha bảo tôi muốn  biết chuyện SVQT Huế hoạt động ở Đà Nẵng ra sao nên gặp cậu Phạm Thế Mỹ trong “Lực Lượng Giáo Chức Tranh Thủ Dân Chủ”. Tôi gặp được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi ông vừa đến Đài phát thanh tranh đấu Đà Nẵng do hai sinh viên Phan Duy Nhân và Nguyễn Văn Phước quản ở ngay phía trên trường Bồ Đề. Ông Mỹ cho biết:

-“Trong hàng ngũ Sinh viên Quyết tử có 3 xu hướng chính trị xung đột nhau: Xu hướng Phật tử muốn giữ đấu tranh bất bạo động, xu hướng Giải phóng muốn đấu tranh chính trị, kết hợp với vũ trang; xu hướng Đại Việt, Quốc dân đảng cố lái phong trào vào vòng vừa chống Mỹ Thiệu Kỳ vừa chống Cộng, nếu lái không được thì làm bậy để Sinh viên mất uy tín bị quân ly khai mời ra khỏi Đà Nẵng. Và, xu hướng thứ ba nầy đã gây rối thành công ở Đà Nẵng. Ví dụ, có một đêm chúng cho vài ba người núp dưới hai cái thùng phuy lăn từ hai đầu đường Quang Trung  hướng về trường Bồ Đề tạo nên tiếng động rầm rầm như tiếng máy xe bọc sắt. Chúng báo động: “Thiệu Kỳ đang xua quân tấn công sinh viên” và ra lệnh sinh viên nổ súng tự vệ. Sinh viên hoảng hốt nổ súng loạn xạ, rền vang cả một góc thành phố Đà Nẵng. Sáng hôm sau, Đại tá Đàm Quang Yêu cho người xuống đòi giải giới sinh viên. Bậy quá! Bậy quá, Xuân ơi!”

Lúc đó tôi rất nhiệt tình tranh đấu chống Mỹ Thiệu Kỳ nhưng thơ ngây về chính trị. Nhận định của ông Mỹ về Sinh viên Huế lúc ấy ở Đà Nẵng rất quý đối với tôi. Tôi hỏi ý kiến ông:

-“Vậy thì….bọn em nên đối phó với tình hình nầy như thế nào?”

Ông Mỹ bảo tôi:

-“Muốn lâu dài và thành công phải trở lại tinh thần tranh đấu bất bạo động của Phật giáo!”

Nhưng rất tiếc, ý kiến của ông Mỹ giúp tôi, tôi không thực hiện được. Tinh thần vũ trang tranh đấu đã vượt qua tinh thần đấu tranh bất bạo động quá xa rồi. Chúng tôi chỉ còn cách bầu bán lại, cô lập những sinh viên cố tình làm bậy đã làm mất uy tín sinh viên (ví dụ như bầu Lý Văn Nghiên làm Đại đội trưởng Đại đội I thay thế Trần Mậu Tý mà anh em nghi là người của đảng Đại Việt) và tiếp tục có mặt ở Đà Nẵng.

Sau đó Phong trào tranh đấu bị Mỹ Thiệu Kỳ dìm trong biển máu. Tan đàn rẽ nghé. Tôi thoát ly, nghe nói ông Mỹ nấn ná ở Đà Nẵng được một thời gian rồi cũng như nhiều anh em khác “chạy” Sài Gòn.

Trong những năm 1971, 1972, theo dõi sách báo của Phong trào đô thị gởi ra chiến khu, tôi được biết nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào Đại học Vạn Hạnh tiếp tục cuộc tranh đấu chống Mỹ, đấu tranh cho hòa bình dân tộc bằng âm nhạc. Nhiều sáng tác của ông được Sinh viên tranh đấu ở Huế hát, góp phần hâm nóng lại tinh thần đấu tranh chống Mỹ đã bị thử thách sau cuộc đàn áp đẩm máu của Thiệu Kỳ mùa hè năm 1966. Bài hát nổi tiếng ở Huế là bài Trang Sử Mới. [Họa sĩ-nhạc sĩ Phan Hữu Lượng ngày nay vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm về bài hát nầy.]     

*
*     *

Sau ngày Việt Nam thống nhất (1975), tôi có dịp nghiên cứu về Phong trào đô thị, nghiên cứu về các phong trào văn thơ âm nhạc vận đọng hòa bình ở miền Nam Việt Nam, tôi được biết nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã dựa vào Đại học Vạn Hạnh sáng tác và giàn dựng nhạc cảnh Lời nguyện pháp trường, giống như cảnh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường vậy. Trong dòng nhạc nầy, Phạm Thế Mỹ nổi tiếng với các tập Hòa Bình Ơi, Hãy Đến (in chung thơ Lê Vĩnh Thọ, Luân Hoán), Trái Tim Việt Nam (Đối Diện xuất bản), Việt Nam Trong Lòng Thế Giới (thơ Quốc tế, bản dịch Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ phổ nhạc), trường ca: Lửa Thiêng 1963 (phổ biến hạn chế), Con Đường Trước Mặt (Phật Tử Âu Châu xuất bản 1971), Trang Sử Mới (Sinh Viên Phật Tử Pháp xuất bản), Thêm Một Lần Hoa Nở (Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản), Những Dòng Sông Anh Em (phổ biến hạn chế). Nhạc kịch: Sắc Lụa Trữ La, Tiếng Hát Dậy Từ Lòng Đất. Thương quá Việt Nam, Rạng đông trên quê hương Việt Nam .v.v. 

Mặc dù được lãnh đạo Phật giáo, lãnh đạo Đại học Vạn Hạnh bảo lãnh, nhưng Phạm Thế Mỹ cũng không tránh được sự theo dõi của ngành an ninh VNCH lúc đó. Ông đã gặp nhiều rắc rối khi cho ra đời nhạc phẩm Người về thành phố. Người ta trích mấy câu: “Người đã đi, đi trên non cao, nay đã về trên đồng ruộng sâu, nay đã về trên thành phố mới. Cả tuổi xanh dâng cho quê hương, đem máu mình nuôi lại tình thương, đem máu mình nuôi ngày hòa bình…” và giải thích rằng “Người” ở đây là Chủ tịch Hổ Chí Minh cũng có thể là “người đi kháng chiến” nay thắng lợi trở về. Sau dịp Tết Mậu thân (1968), nhiều nhạc sĩ không giấu được cảm xúc trước sự mất mát ở Huế. Riêng Phạm Thế Mỹ lại chú tâm lên án quân đội Mỹ thảm sát đồng bào vô tội ở Mỹ Lai (Quảng  Ngãi). Phạm Thế Mỹ viết: Đâu phải một người, đâu phải một làng: “Cả khắp mọi nơi xót xa vô cùng. Cả nước Việt Nam đớn đau vô cùng. Chuyện Calley bắn mẹ giữa ngọn đồi. Mẹ van xin, cúi lạy người từng người. Tội tình gì đâu, mẹ già lạy xin mà họ vẫn giết. Nhưng đâu phải chỉ một người. Đâu phải một làng. Đâu phải mình anh là kẻ sát nhân. Đâu phải một làng bị anh giết sạch, mà là rất nhiều. Nhiều kẻ sát nhân đã giết rất nhiều, nhiều người Việt Nam, trẻ nhỏ Việt Nam, mẹ già Việt Nam. Tội tình gì đâu trẻ nhỏ Việt Nam. Tội tình gì đâu mẹ già Việt Nam. Hỡi Calley? Hỡi Johnson? Hỡi Nixon?” Trước cái tết cuối cùng trước ngày Giải phóng, (cuối năm 1974) ông cho ra đời bài “Nhớ chứ Em Ơi Tổ Quốc Mình.” Ngoài sự nghiệp sáng tác và hoạt động yêu nước, ông còn góp phần đào tạo nên nhiều nhạc sĩ ca sĩ nổi tiếng trong các phong trào đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam trước 30-4-1975 như Miên Đức Thắng, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Khôi, Lê Văn Huê, Vũ Đức Sao Biển. 

Nghiên cứu giai đoạn hoạt động yêu nước năng nổ nhất của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tôi thấy ông đã dấn thân hành động bằng chính khả năng nghệ thuật của mình. Con người nghệ thuật và con người hành động quyện lại thành một trong ông. Ông đã đi

NS Phạm Thế Mỹ (phải) với người học trò cũ Nguyễn Đắc Xuân Ảnh NĐX

đến cùng khát vọng của ông bằng tinh thần đấu tranh bất bạo động của Phật giáo. Năm 1966, ông khuyên tôi “Muốn lâu dài và thành công phải trở lại tinh thần tranh đấu bất bạo động của Phật giáo!” Tôi không thực hiện được nên phải thoát ly. Còn ông, trung thành với tinh thần bất bạo động đó nên ông giữ vững được trận địa đô thị cho đến ngày viên mãn khát vọng hòa bình thống nhất đất nước. Ngày nay, dù trong hoàn cảnh thuận lợi khó khăn nào,  nghe lại nhạc tranh đấu của Phạm Thế Mỹ, đặc biệt là tập Trái Tim Việt Nam, tôi càng thấy thấm thía với ý tưởng  “vẫn tin vào mộng đẹp ngày mai” mà  nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã gieo vào tâm trí tôi hơn năm mươi năm trước. 

*
*     *

Năm 1984, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Diệu Lý về Đà Nẵng ở lại nhà bà chị với gia đình các cháu Vĩnh Kha, Vĩnh Khôi ở gần ngã tư  đường Lê Lợi – Quang Trung. Nhạc sĩ định tổ chức một vài buổi hát giới thiệu những sáng tác mới của nhạc sĩ với thính giả Đà Nẵng nhưng không xin phép được nên không thành. Qua Vĩnh Kha, nhạc sĩ điện thoại cho tôi. Lúc đó tôi đang làm cán bộ nghiên cứu ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, sinh hoạt văn nghệ với Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, và thỉnh thoảng làm người hướng dẫn du lịch không chuyên cho các khách sạn du lịch. Nghe nhạc sĩ nói muốn ra Huế thăm anh em trong Phong trào văn nghệ Hát cho đồng bào tôi nghe cũ và giới thiệu những sáng tác mới của nhạc sĩ, tôi rất mừng. Dù chưa xin phép các cơ quan trách nhiệm về văn hóa, tôi nói đại: “Thầy cử ra đi rồi tính!” Ông Mỹ cười reo qua điện thoại: “Tốt quá. Cám ơn Xuân nhiều lắm. Sáng mai mình ra! Mình ở lại với gia đình bà xã của Vĩnh Khôi cháu mình tại đường Phan Đăng Lưu, Xuân khỏi lo chỗ ở cho bọn mình”. “Không sao. Thầy cứ ra!”Sáng hôm sau tôi đón đôi nghệ sĩ Phạm Thế Mỹ-Diệu Lý về cái chái tranh của tôi bạ vào thành ga-ra xe cũ của Thành ủy Huế tại 15 Lý Thường Kiệt Huế (Nay là nơi tọa lạc Festival Hue Hotel). Chuyện trò xong, tôi hỏi nội dung ông muốn trình bày ở Huế gồm những gì, ngoài ra ông còn muốn đi tham quan những nơi nào nữa không. Ông cho biết gặp anh em và giới thiệu những sáng tác mới của ông là chính, ngoài ra còn thì giờ thì đi thăm một vài nhân sĩ trí thức Huế mà ông từng ngưỡng mộ. Tôi đạp xe chạy quanh một vòng, liên hệ với các cơ quan thuộc  Thành phố Huế. Nói đến nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ai cũng biết ông là một nhạc sĩ yêu nước nên chỗ nào tôi đến giới thiệu ông đều được họ mời. Đặc biệt, khách sạn Hương Giang Huế vừa sửa xong, Ban Giám đốc dành cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và Diệu Lý một phòng khá tiện nghi. Hai ông bà khỏi phải ở lại nhà người cháu dâu. 

Lần ra Huế năm đó, đôi nghệ sĩ Phạm Thế Mỹ và Diệu Lý đã hát ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, ở Mặt trận Tổ quốc Thành phố Huế và đặc biệt ở Nhà hát Hưng Đạo do Nguyễn Duy Hiền và Lê Phùng tổ chức. Ngoài những sáng tác mới (như các bài Cho trái đất nầy vui, Tự do, Lêna Belicova…), ca sĩ Diệu Lý còn hát một số nhạc tranh đấu cũ khơi dậy không khí hào hùng những năm chống Mỹ (như bài Yêu quá Việt Nam, Việt Nam ôi Việt Nam, Trang sử mới.v.v). Trước và sau buổi  hát, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ giao lưu với những sinh viên học sinh tranh đấu cũ. Dù đã gặp hay chưa gặp, tất cả đều tự hào cùng chung tiếng hát yêu nước chống giặc ngoại xâm không thể nào quên. Có một cuộc gặp gỡ bất ngờ trong đêm hôm ấy: Vợ chồng Luật sư Nguyễn Văn Tư – người từng phụ trách Đài phát thanh tranh đấu năm 1966 ở Huế, khi phong trào tranh đấu bị đàn áp dữ đội anh trốn được vào Nam, sau ngày đất

Kỷ niệm Vườn An Hiên – Từ phải sang: NS Phạm Thế Mỹ, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, bà Nguyễn Đình Chi, ca sĩ Diệu Lý và Luật sư Nguyễn Văn Tư. Anh TL NĐX, 1984.

nước thống nhất anh làm luật sư ở An Giang, cho đến lúc bấy giờ (1984) lần đầu tiên anh mới đem vợ con về thăm bạn bè cũ ở Huế, không ngờ được hội ngộ với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, vợ chồng anh rất hạnh phúc. Đêm đó chúng tôi có mời bà đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Chi nhưng bà tuổi cao đi lại ban đêm không tiện, bà xin kiếu. Bà Nguyễn Đình Chi là một Phật tử, rất yêu thích nhạc Phật của Phạm Thế Mỹ, ngoài ra bà còn là người đồng hương Bình Định với nhạc sĩ, bà có biết chút đỉnh về cụ thân sinh của nhạc sĩ. Bà không dự được đêm diễn ở nhà hát Hưng Đạo, bà nhờ tôi mời đôi nghệ sĩ Phạm Thế Mỹ và Diệu Lý quá bước lên vườn An Hiên ăn cơm để bà có dịp thăm. Nhân đó tôi đề nghị bà mời luôn vợ chồng Luật sư Nguyễn Văn Tư. Bà đồng ý. Bữa cơm khách vườn An Hiên hôm đó thật thân tình. Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ xem bà Nguyễn Đình Chi như mẹ mình. Dù mới gặp lần đầu nhưng trìu mến như bà con xa nhau lâu ngày gặp lại. Chuyện Bình Định, chuyện Phật giáo đấu tranh yêu nước, chuyện âm nhạc đan xen vào nhau thật vui vẻ thăm thiết.  Bữa cơm khách hôm đó có hai món đặc biệt: Món canh cá kình và món mắm thái do vợ chồng Luật sư Nguyễn Văn Tư đem từ An Giang ra tặng bà. Khi chia tay, bà tiễn khách ra tận cửa An Hiên – một cử chỉ trân trọng xưa nay bà chỉ dành cho các lãnh tụ, các nhân vật lớn trong và ngoài nước đến thăm bà mà thôi.  Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vợ chồng nghệ sĩ Phạm Thế Mỹ-Diệu Lý có được một cuộc hạnh ngộ quý hiếm như thế. Sau nầy mỗi lần tôi qua thăm ông ở Cư xá Khánh Hội/Quận tư, ông không quên nhắc lại kỷ niệm đẹp ấy và cũng không quên hỏi thăm sức khỏe bà Nguyễn Đình Chi. Ông tự hào: “Một cô gái Bình Định trở thành người đàn bà tiêu biểu của xứ Huế thế kỷ XX. Hay thật!” .

*
*     *

Rồi…

Đến chiều 18-1 năm 2009, tình cờ tôi gặp vợ chồng thầy giáo Anh ngữ Diệu – Tuyết – em rể và em gái của Vĩnh Kha, cháu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở quán chay Liên Hoa (sau chùa Pháp Luân) gần Thư viện TTH. Sau vài câu chào hỏi, tôi nhờ Tuyết nhắc lại cho tôi ngày mất của Vĩnh Kha và cho biết bệnh tình của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lúc nầy ra sao rồi.  Diệu – chồng Tuyết, đột ngột kêu lên: “Ô, cậu Mỹ đã qua đời, sáng mai 19-1-2009 đưa rồi. Anh không đọc báo sao?”. “Trời ơi. Tôi biết ông bệnh nằm một chỗ lâu rồi nhưng không biết ông đã qua đời. Tôi thật vô tình. Ngày mai đã dưa rồi biết làm sao bây giờ!”. Tôi lặng người thay cho một phút tưởng niệm. Hình ảnh nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cẩn trọng, mạnh mẽ, tài hoa trỗi dậy trong tôi. Tôi tự hứa với mình: “Chuyến đi TP HCM sắp tới, thế nào tôi cũng phải qua Quận 4 thắp hưong cho người đã sớm gieo vào lòng tôi – “tin vào mộng đẹp ngày mai”.  Và sau đó tôi đã thực hiện lời hứa ấy.

Trong làn khói hương trước bàn thờ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở 11P Cư xá Khánh Hội/Quận 4, có sự chứng kiến của ca sĩ Diệu Lý, tôi nguyện sẽ có một bài viết thay cho nén hưong muộn màng cầu nguyện cho hương hồn ông luôn an trú nơi cõi Phật.

Và, không những bài viết nầy mà còn ….để kỷ niệm một năm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ giã từ cõi tạm !

Huế, 20-10-2009  

Chú thích:

[1] Muốn biết rõ xin đọc bài “Ai gây ra vụ đốt phá Thanh Bồ Đức Lợi ở Đà Nẵng 45 năm trước ?”Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam, số Xuân 205 (1-2009) từ tr.51 đến tr.54 , Đăng lại trên Website : http://www.sachhiem.net/NDX/NDX007.php 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here