Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Nhạc sĩ LÊ CAO PHAN – Tác giả Đạo ca "Phật Giáo...

Nhạc sĩ LÊ CAO PHAN – Tác giả Đạo ca "Phật Giáo Việt Nam" từ trần

208
0

(LQ) Nhạc sĩ Lê Cao Phan, pháp danh Quảng Hội, pháp tự Nhuận Pháp, bút hiệu Tầm Phương, tác giả của Đạo ca “Phật Giáo Việt Nam” đã mãn duyên, thuận thế từ trần vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 2-1-2014 (2-12-Quý Tỵ), tại tư gia ở địa chỉ 285B đường Nơ Trang Long, P.2, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, thượng thọ 91 tuổi.

lecaophan-3.jpg
Nhạc sĩ Lê Cao Phan (1923-2014)

Linh cửu quàn tại chùa Vạn Phước, 55 Tuệ Tĩnh, P.13, Q.11, TP.Hồ Chí Minh.

Lễ động quan được cử hành vào lúc 7 giờ ngày 5-1-2014 (5-12-Quý Tỵ), sau đó hoả táng tại đài hoả táng Bình Hưng Hoà. 

Nhạc sĩ Lê Cao Phan sinh năm Quý Hợi, 1923, tại làng Ngô Xá Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là một Phật tử thuần thành, một Huynh trưởng GĐPTVN cao niên. Kể từ Đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm – Huế vào hạ tuần tháng 4 năm 1951, nhất trí đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử và đã cử ông đảm trách Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên kiêm Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần. 

Vào thượng tuần tháng 5 năm 1951, nhân Đại hội lịch sử Phật giáo Bắc-Trung-Nam tổ chức tại chùa Từ Đàm, ông đã sáng tác ca khúc Phật giáo Việt Nam với tất cả lòng nhiệt thành để chào mừng Đại hội. Kể từ khoảnh khắc này bài hát Phật giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà.

 

lecaophan-10.jpg
HT.Thích Thanh Tứ trao Bằng Công đức đến Nhạc sĩ Lê Cao Phan

Nhạc sĩ Lê Cao Phan xuất thân trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, khi ra đời tuy là một nhà giáo ngoại ngữ Anh, Pháp, nhạc họa nhưng với một trí tuệ sắc bén và nhất là đã không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức và tiến thân trên con đường văn học nghệ thuật, đa số là tự học. 

lecaophan-15.jpg
Nhạc sĩ Lê Cao Phan với lão Cư sĩ Tống Hồ Cầm

Vê âm nhạc, ông sử dụng các loại nhạc cụ Tây phương như piano, guitar, harmonica và các loại đàn dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt ở trình độ phổ thông và đã ấn hành hàng mấy chục ca khúc giải trí và giáo dục thiếu nhi, xã hội và Phật giáo mà nổi bật tác phẩm Phật giáo Việt Nam. 

Trên lĩnh vực hội họa, ông đã tổ chức triển lãm bốn phòng tranh sơn dầu trước năm 1975. Ngoài ra ông còn là một điêu khắc gia có nhiều tác phẩm điêu khắc bạn bè nhạc sĩ, các danh nhân và người thân trong gia đình. Đặc biệt, ông đã điêu khắc tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức ngay sau khi Bồ-tát vị pháp thiêu thân trong mùa Pháp nạn năm 1963. 

lecaophan-14.jpg
Nhạc sĩ đã biểu diễn tác phẩm “Phật Giáo Việt Nam” ngay tại Hội trường thiền viện Quảng Đức 
chiều 30-12-2008

Nhờ có trình độ vững vàng về tiếng Pháp, Anh mà nhất là còn phải nắm vững về cách gieo vần thơ các ngôn ngữ này, nhạc sĩ Lê Cao Phan đã dịch Truyện Kiều sang thơ vần tiếng Pháp, Histoire de Kiều, và sang thơ vần tiếng Anh, The Story of Kiều, cả hai dịch phẩm này đều được tổ chức UNESCO tài trợ và đưa vào bộ Sưu Tập Tác Phẩm Tiêu Biểu. Ông cũng đã dịch Truyện Kiều sang thơ vần Hán văn và Quốc tế ngữ Espéranto.   

lecophan-1.jpg
HT.Thích Trung Hậu cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan năm 2008

Ngoài ra, ông cũng đã dịch Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi sang thơ vần Việt-Anh-Pháp và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000. Ông còn có nhiều dịch phẩm và nhiều tập sáng tác thơ Đường luật. 

Nhạc sĩ Lê Cao Phan là một Phật tử lão thành có nhiều tác phẩm dịch thuật văn học đặc sắc, đóng góp rất nhiều cho văn hóa nước nhà và văn hóa Phật giáo mà nổi bật. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ca khúc Phật Giáo Việt Nam đã chính thức được công nhận là Đạo ca, được đưa vào Hiến chương GHPGVN ở quy định tại Điều 4 Chương 1.

Ông cũng đã được Trung ương Giáo hội tuyên dương công đức tại Hội nghị thường niên kỳ 2 – khóa VI trước hơn 300 đại biểu toàn quốc vào ngày 30-12-2008 tại Hội trường chính thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.

Chiều nay 2-1, trong phiên họp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, được tin buồn nhạc sĩ Lê Cao Phan thuận thế vô thường trừ trần, chư tôn đức giáo phẩm đã dành một phút mặc niệm tác giả của Đạo ca GHPGVN.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here