Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Nhạc sĩ Lê Cao Phan – tác giả Đạo ca Phật Giáo...

Nhạc sĩ Lê Cao Phan – tác giả Đạo ca Phật Giáo Việt Nam: "Tôi sống với âm nhạc bằng tất cả tâm hồn"

191
0

Là một nhà giáo và là người am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, ông có thể sử dụng nhiều loại đàn như piano, guitar, khẩu cầm, đàn tranh, đàn nguyệt ở trình độ phổ thông. Ông đã ấn hành hàng chục ca khúc nổi tiếng với nhiều thể loại: thiếu nhi, giải trí, xã hội, Phật giáo; sáng tác và triển lãm nhiều tác phẩm hội hoạ. Ông là người đã dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Ức trai thi tập (Nguyễn Trãi) sang tiếng Anh, tiếng Pháp, được UNESCO tài trợ và đưa vào Bộ Sưu tập tác phẩm tiêu biểu. Gần đây, ông còn dịch thêm Truyện Kiều sang Hán ngữ và quốc tế ngữ Espéranto. Đặc biệt, ông là tác giả của ca khúc Phật giáo Việt Nam, một bài hát gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà trong hơn 55 năm qua, trở thành Đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Quy định tại Điều 4, Chương I, Hiến chương Tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN, kỳ VI, 2007). Tại Hội nghị kỳ 2, khóa VI của Trung ương Giáo hội cuối tháng 12 vừa qua, ông đã được tuyên dương công đức. Nhân dịp năm mới, PV VHPG đã có cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ Lê Cao Phan. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

PV: Vào ngày 30/12/2008, tại hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội, ông được tuyên dương là người đã có nhiều đóng góp vào công tác văn hóa của Phật giáo, trong đó có ca khúc "Phật giáo Việt Nam" (PGVN) được chọn làm Đạo ca của Phật giáo Việt Nam, ông có cảm tưởng như thế nào khi nhận được vinh dự này?


Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Quả thật là tôi rất xúc động, vì không có gì hạnh phúc bằng đứa con tinh thần của mình được công chúng đón nhận và trở thành tài sản chung. Tôi luôn biết ơn chư tôn đức Tăng Ni và các Phật tử trong nhiều chục năm qua đã dành tình cảm yêu quý cho tôi. Thật sự đối với tôi, là một người Phật tử, nếu có khả năng gì thì lúc nào cũng chỉ muốn đóng góp vào các Phật sự để cúng dường Tam bảo, hoàn toàn không vì mục đích nào khác.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN trao bằng tuyên dương công đức cho nhạc sĩ Lê Cao Phan

Khi viết PGVN, tôi cũng chỉ thực hiện với tâm niệm cúng dường, mặc dù về sau được đông đảo Tăng Ni, Phật tử yêu thích nhưng tôi không hề nghĩ đến nó sẽ trở thành Đạo ca. Buổi lễ tuyên dương đã thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đối với các Phật tử lão thành như chúng tôi, khiến tôi rất xúc động.

PV: Tại hội nghị, tôi thấy ông trình diễn ca khúc PGVN bằng harmonica. Cảm xúc lúc đó của ông như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Tôi xúc động lắm. Thể theo yêu cầu của mọi người, tôi đã cố gắng thổi harmonica để tặng các đại biểu tham dự hội nghị. Do năm nay đã 87 tuổi và quá xúc động nên tôi thổi không được chính xác một số nốt. Mỗi lần nghe lại PGVN, tôi lại được dịp trở về với quá khứ hào hùng của Phật giáo, nhớ đến một thời trai trẻ tôi sống hết mình với âm nhạc và đến với âm nhạc bằng cả tấm lòng trong sáng. Nhạc sĩ Phạm Duy có lần nói: Âm nhạc có sức chuyển hóa, lan tỏa đến trái tim người khác và làm sống lại những kỉ niệm của thời đã qua. Tôi nghĩ điều này rất đúng.

 

 Nhạc sĩ Lê Cao Phan phát biểu tại Hội nghị thường niên GHPGVN

PV: Ca khúc PGVN được ông sáng tác chính xác vào thời gian nào và trong hoàn cảnh nào?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Tôi viết ca khúc PGVN đúng vào tối mùng 9 tháng 5 năm 1951, trong dịp đại hội thống nhất Phật giáo ba miền Bắc Trung Nam, diễn ra từ ngày 6-10 tại chùa Từ Đàm (Huế). Đây là lần đầu tiên một đại hội Phật giáo được tổ chức nên đại biểu về dự rất đông. Lúc đó tôi 28 tuổi, anh Võ Đình Cường đã là Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử (GĐPT) Trung phần, tôi được bầu làm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên. Chứng kiến hàng ngàn chư Tôn đức Tăng-già quy tụ về chùa Từ Đàm lịch sử, chúng tôi rất vui mừng, xúc động. Chính ấn tượng đó đã thôi thúc tôi viết một bài hát để ca ngợi.

 Vào đêm trước khi đại hội bế mạc, cảm xúc dâng trào, tôi đã ôm cây đàn ghuitar đánh nốt và ghi vội lời nhạc. Trong vòng 15 phút thì ca khúc hoàn thành. Tôi hát thử cho các anh chị Phật tử nghe, ai cũng đề nghị tôi hát tặng đại hội. Được chư Tôn đức đồng ý, tôi tập vội cho các em đoàn sinh GĐPT và chỉ huy trình diễn bài hát này tại lễ bế mạc vào ngày hôm sau. Tất cả đại biểu hôm đó nghe xong đều rất xúc động. Về sau tôi có nhờ các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Võ Văn Thu… xem lại và chỉnh sửa trước khi phổ biến. Các nhạc sĩ đàn anh đều đã đánh giá tốt ca khúc này.

PV: Ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, nhiều năm sống và làm việc tại Huế, hai tỉnh nghèo về kinh tế nhưng lại có nhiều Phật tử giàu đạo tâm. Phải chăng ca khúc PGVN là kết tinh của tinh thần Phật giáo tại hai vùng đất đó?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Nói PGVN là kết tinh của tinh thần Phật giáo thì tôi không dám nhận. Tuy nhiên, có thể nói chính truyền thống kính Phật trọng Tăng mà tôi được hấp thụ từ nơi sinh ra và lớn lên đã góp phần rất lớn giúp tôi chuyển tải được phần hồn của bài hát. Nhưng yếu tố chính như tôi vừa nói, sự thành công của đại hội thống nhất Phật giáo là kết tinh lớn nhất để tôi hoàn thành bài hát này.

PV: Trong PGVN, phần đầu mang âm hưởng hành khúc rất rõ, nhưng phần sau tiết tấu có phần dịu lại, khi viết như vậy ông đã có sự tiên liệu nào đối với Phật giáo hay không?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Thú thật, tôi viết PGVN là để chào mừng đại hội, không có chủ đích gì khác. Tất nhiên trước không khí hào hùng lúc đó, tôi cũng như hầu hết các Phật tử bấy giờ đều tin tưởng Phật giáo nước nhà trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Bởi vì Phật giáo đã có những bước tiến đáng kể mà công cuộc chấn hưng Phật giáo ba miền vào giai đoạn 1930-1945 đã đặt được nền móng vững chắc, làm tiền đề đưa đến đại hội thống nhất Phật giáo vào năm 1951, và về sau tiếp tục phát triển đúng như niềm tin của chúng tôi: Phật giáo đã tạo được sức mạnh to lớn vào thập niên 1960 khi bị chính quyền Diệm-Thiệu đàn áp. Ca khúc Từ Đàm quê hương tôi của nhạc sĩ Nguyên Thông (Phan Văn Giảng) và Tâm Đại (Lê Văn Dũng), sáng tác năm 1963 cũng đã phần nào nói lên được sức mạnh này.

PV: PGVN và Từ Đàm quê hương tôi có thể nói là hai ca khúc vượt thời gian, ra đời trong những biến cố lớn của Phật giáo Việt Nam, vì vậy tiết tấu của cả hai đều chứa đựng tính chất trang nghiêm, hùng tráng. Trong những biến cố của Phật giáo, ca khúc PGVN đã có tác dụng như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Sau khi ra đời, PGVN đã nhanh chóng trở thành bài hát phổ biến trong giới Tăng Ni và Phật tử, được sử dụng làm ca khúc mở màn trong các chương trình văn nghệ và các buổi lễ lớn của Phật giáo. Giai đoạn này tuy chưa chính thức trở thành đạo ca nhưng PGVN đã gần như là bài hát thông dụng trong các sinh hoạt của Phật giáo. Tôi đã chứng kiến ca khúc PGVN được dàn dựng rất quy mô tại chùa Xá Lợi vào năm 1963, dàn hợp ca này lên đến cả trăm người. Đặc biệt, trong phong trào chống kì thị tôn giáo của chế độ Diệm-Thiệu vào thập niên 1960, những cuộc xuống đường biểu tình của Tăng Ni, Phật tử, các giáo chức, sinh viên và học sinh, đi đâu tôi cũng nghe họ hát ca khúc này, làm cho sức mạnh tinh thần đấu tranh bảo vệ đạo pháp tăng lên gấp bội, không khí trở nên rất hào hùng. Từ đó đến nay, tôi đi đâu, dù ở trong nước hay ra nước ngoài, cũng nghe thấy ca khúc này được đa số đồng bào Phật tử hoan nghênh, quý mến. PGVN đã đi vào lòng quần chúng Phật tử, trở thành món ăn tinh thần chung của mọi người, cũng như quốc ca, nó không còn là của riêng tôi nữa, dù tôi là tác giả.

PV: Với PGVN, có thể nói Lê Cao Phan là cái tên được các Phật tử qua nhiều thế hệ mến mộ, ông đã có những kỉ niệm ấn tượng nào khi được quần chúng yêu quý?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Thú thật, kỉ niệm về đứa con tinh thần của tôi nhiều lắm, không thể nói hết được, vì đi đâu tôi cũng được mọi người quý mến. Có những lúc tôi rất vui và ấn tượng khi nhiều người yêu thích ca khúc PGVN, hâm mộ tác giả Lê Cao Phan nhưng không biết mặt tôi. Do bài hát ra đời đã trên 55 năm nên có nhiều người nghĩ tôi không còn sống nữa. Có lần tôi đến dự lễ tại một ngôi chùa ở Vũng Tàu, thầy trú trì giới thiệu tôi là tác giả ca khúc PGVN, tất cả các em đều trố mắt nhìn. Có một em nói: Cháu gặp bác ở Vũng Tàu rất nhiều lần nhưng không biết bác là nhạc sĩ Lê Cao Phan. Lâu nay cháu cứ nghĩ bác qua đời rồi. Được gặp bác, cháu mừng quá.

 Một kỉ niệm khác khiến tôi nhớ mãi là vào năm 1998, khi tôi đến nói chuyện về công tác dịch Truyện Kiều ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Hôm đó, đứng trước hàng trăm Tăng Ni và nhân sĩ Phật tử đến dự, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã giới thiệu tôi rất hay và rất trịnh trọng, làm tôi bất ngờ và rất xúc động. Chính hôm đó đã để lại cho tôi ấn tượng lớn.

PV: Với lợi thế thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông có dự định dịch lời ca khúc PGVN ra tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nhằm giúp các Phật tử biểu diễn ở nước ngoài hay không?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Tôi cũng đã từng nghĩ đến điều này. Cách đây mấy năm tôi có dịch lời ca khúc PGVN ra tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng do chưa hội đủ thuận duyên nên đến nay tôi vẫn chưa phổ biến. Điều trước tiên mà tôi trăn trở lâu nay là ca khúc PGVN chưa có sự thống nhất trong việc hòa âm, phối khí. Điều này có thể chấp nhận khi PGVN chưa được công nhận là đạo ca. Nhưng một khi đã trở thành tài sản chung của mọi người con Phật, nhất là nó thường được sử dụng trong các buổi lễ lớn, thì nên hòa âm phối khí cho thật trang nghiêm, hùng tráng, làm chuẩn mực để phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người. Tôi mong Giáo hội sớm lưu tâm, có kế hoạch thực hiện hòa âm, phối khí và hướng dẫn sử dụng đạo ca càng kỹ lưỡng càng tốt.

PV: Theo ông, việc công nhận một ca khúc trở thành Đạo ca có ý nghĩa như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Tôi nghĩ rằng, nếu đạo ca được hiểu là một ca khúc chỉ để dùng hát mở màn trong các buổi lễ lớn thì điều đó chẳng có gì đặc biệt, mà cần phải hiểu đúng với tinh thần và tác dụng của nó. Trong hướng phát triển nhiều mặt, nếu Giáo hội không chọn PGVN thì cũng sẽ chọn một bài hát nào đó để làm Đạo ca. Tôi rất mừng là ca khúc PGVN tuy được sáng tác cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng nội dung của lời ca đã nói lên được nguyện vọng chung của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam qua mọi thời đại: “Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay, một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng. Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương, vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam…”. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc vào cuối tháng 11/2007, PGVN được Giáo hội chính thức công nhận là Đạo ca của Phật giáo Việt Nam. Đây là một sự công nhận cần thiết và kịp thời, bởi vì Đạo ca tượng trưng cho linh hồn, thể hiện sức sống của Giáo hội và toàn thể Tăng Ni, Phật tử; cũng như quốc ca là linh hồn, là biểu tượng cho sức sống của một dân tộc. Vì vậy, ý nghĩa của việc công nhận một bài hát trở thành Đạo ca là thể hiện ý chí quyết tâm và sức mạnh của Giáo hội trong việc hướng đến thống nhất các tư tưởng, đoàn kết các hệ phái Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.

 

 HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN tặng quà lưu niệm đến nhạc sĩ Lê Cao Phan

PV: Ngoài âm nhạc Phật giáo, Lê Cao Phan còn được biết đến với dòng nhạc thiếu nhi, trong đó nhiều ca khúc như Hai chú gà con, Bài ca tình bạn, Ngựa tàu cau, Chuột cắp trứng… chứa đựng nội dung giáo dục rất cao. Ông đã đứng trên tinh thần của người huynh trưởng để viết những ca khúc đó hay với tinh thần nhà giáo kiêm nhạc sĩ sáng tác?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Tôi đứng trên cả hai tinh thần: tinh thần của người huynh trưởng và tinh thần của một nhà giáo. Lúc đó, tôi chủ trương đạo Phật phải đi vào cuộc đời và cuộc đời đi vào đạo Phật. Để đạo Phật đi vào giới trẻ, tôi nghĩ âm nhạc là một trong những yếu tố dễ thành công nhất. Ở chùa tôi sáng tác nhạc Phật giáo, đến trường thì viết nhạc thiếu nhi. Vào thập niên 1950, rất hiếm người viết nhạc thiếu nhi nên tôi là một trong những người đầu tiên sáng tác và cùng nhạc sĩ Lê Thương thành lập ban nhạc Măng Non để cổ xúy cho dòng nhạc này. Tôi nghĩ rằng, nhà trường và tổ chức Gia đình Phật tử phải làm được chức năng thay thế cho gia đình để giáo dục con em, giúp các em có đủ tư lương vững chãi để đi vào đời.

 Viết nhạc cho thanh thiếu nhi bao giờ tôi cũng chú trọng đến hành khúc, nhưng nội dung phải có tính giáo dục cao. Nhiều trường học lúc bấy giờ đã sử dụng ca khúc của tôi để làm tuyển tập những bài hát tiêu biểu dạy cho thanh thiếu nhi. Những ca khúc này đã đi vào lòng người qua nhiều thế hệ. Hiện nay, không ít học trò của tôi mặc dù tuổi đã lớn, đã thành danh nhưng mỗi khi gặp tôi họ vẫn hát say sưa những bài hát của tôi. Họ nói họ đã mang những bài hát này đi theo suốt cuộc đời.

PV: Ông có suy nghĩ gì về nhạc sinh hoạt Phật giáo nước ta hiện nay? Để phát triển, theo ông chỉ nên trông chờ vào các nhạc sĩ có cảm tình sáng tác hay cần phải có chiến lược đào tạo kể cả từ nguồn tu sĩ, Huynh trưởng, Phật tử trẻ…?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Lâu nay tôi ít để ý đến thời sự nên không nắm rõ tình hình Phật giáo một cách chính xác. Mặc dù vậy tôi cũng được biết hiện nay một số nhạc sĩ trẻ như Giác An, Minh Trí, Uy Thi Ca…  có sáng tác nhiều ca khúc Phật giáo, trong đó có một số bài rất hay, phù hợp với đời sống hiện đại, tuy nhiên nhìn chung thì nền âm nhạc Phật giáo nước ta đang bị chững lại. Trong bối cảnh xã hội như hiện nay thì điều này không phải khó hiểu.

 Sáng tác nhạc Phật giáo cho thanh thiếu nhi, theo tôi, mỗi ca khúc phải thể hiện được hai yếu tố: đạo đi vào đời và đời đi vào đạo. Ca khúc đó chỉ cần có tinh thần nhân văn là được, không nên nặng về tôn giáo quá, mà phải mang tính đời nhiều hơn. Tính đời ở đây không phải là triết lý trần tục, mà là ở lời ca, tiết tấu. Không riêng gì ca khúc Phật giáo mà bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng vậy, người sáng tác cần hội tụ đủ hai yếu tố cơ bản, đó là tri thức và niềm đam mê. Phải thật sự yêu thích và không ngừng trau dồi tri thức thì mới sáng tác hay được. Thời còn làm huynh trưởng Phật tử và đi dạy, tôi đến với âm nhạc bằng cả tâm hồn và luôn sống hết mình với nó, vì vậy những ca khúc của tôi phần lớn có tiết tấu vui nhộn và mang tính giáo dục cao. Trong xu thế phải chạy theo nhiều thứ làm tiêu tốn thì giờ như hiện nay thì người nghệ sĩ khó mà có nhiều sáng tác hay. Vì vậy Giáo hội cần phải tạo cơ chế để giúp các nhạc sĩ Phật tử phát triển lĩnh vực này. Cách đây mấy năm ở TP.HCM có mở ra câu lạc bộ âm nhạc Phật giáo, thấy anh chị em sinh hoạt tích cực, tôi rất mừng. Nhưng được mấy năm thì giải tán, có lẽ do thiếu kinh phí. Tôi nghĩ muốn phát triển bất cứ lĩnh vực nào, Giáo hội cũng phải có chiến lược lâu dài thì mới tồn tại bền vững được. Nếu khó khăn quá thì trước mắt nên mở những cuộc thi sáng tác nhạc Phật giáo trong hàng ngũ Phật tử, rồi sau đó mở rộng ra nhiều đối tượng, tổ chức thi trình diễn văn nghệ để cổ xúy cho các ca khúc đó. Cuộc thi này sẽ có lợi rất nhiều mặt, thu hút được nhiều người không phải là Phật tử tham gia. Điều này hoàn toàn có thể làm được nhưng lâu nay tôi chưa thấy thực hiện.

PV: Hiện nay cuộc sống của ông thế nào? Ông có thể cho biết vì lý do gì ông ít xuất hiện trong các Phật sự của Giáo hội hay không?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Cuộc sống của tôi từ trước đến nay vẫn thế, mọi chuyện đều yên ổn. Sau 1975, tôi có thời gian sống ở Vũng Tàu 3 năm, rồi ra nước ngoài, hiện nay thì định cư hẳn ở TP.HCM (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh – PV). Vợ tôi qua đời đã non vài chục năm nay, bà là con một vị quan chức Nam triều cũ, hàm Hồng lô tự khanh. Chúng tôi có 3 người trai và 4 người con gái. Hầu hết theo nghiệp giáo dục và đều đã thành đạt nên tôi không phải lo gì cả. Kể từ năm 60 tuổi, không còn khỏe mạnh nên tôi hạn chế việc đi lại, chỉ thích ở nhà đọc sách và dành quãng thời gian còn lại tập trung vào việc nghiên cứu, phiên dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Ức trai thi tập (Nguyễn Trãi) sang tiếng Anh, tiếng Pháp, và gần đây, tiếng Hán và quốc tế ngữ Espéranto. Tôi ít tham gia các sinh hoạt Phật sự cũng là vì lý do này. Tôi cũng quan niệm, là một Phật tử, trước hết hãy sống đúng với lời Phật dạy, tự mình tu sửa bản thân là đã góp phần vào sự an lạc chung của xã hội.

                                                                                                 Nhạc sĩ Lê Cao Phan tại tư gia

PV: Ông có mong muốn gì với tư cách là một cựu Huynh trưởng GĐPTVN?

Nhạc sĩ Lê Cao Phan: Trong tâm niệm của một người Phật tử, tôi luôn mong Giáo hội có nhiều chương trình hoằng pháp phù hợp với xu thế, đáp ứng được tâm nguyện của toàn thể Tăng Ni và Phật tử ở trong và ngoài nước để phát triển Phật giáo trong thời đại mới. Giáo hội cần chú trọng đến việc đoàn kết Tăng Ni Phật tử, thống nhất tư tưởng giữa các hệ phái Phật giáo và đào tạo đội ngũ kế thừa, nhất là Tăng Ni và Phật tử trẻ. Tôi nhận thấy hiện nay chúng ta chưa làm tốt công tác giáo dục tuổi trẻ như ý muốn. Trong khi đó tuổi trẻ là sức sống của một tổ chức. Không có đoàn thể nào tồn tại vững mạnh mà không nhờ sức trẻ. Tuổi trẻ mới có thể năng động, sáng tạo, bắt kịp với các xu thế của thời đại. Chúng ta có Gia đình Phật tử, một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi theo tinh thần đạo Phật rất đặc thù, không nước nào có. Trải qua hơn nửa thế kỷ tồn tại, đến nay sinh hoạt GĐPT đã có phần lạc hậu, nhưng không vì vậy mà chúng ta lãng quên, ngược lại phải làm mới để phát triển tổ chức này. Ngày trước chúng tôi lớn lên, được hiểu đạo, có tâm huyết với đạo cũng là nhờ Gia đình Phật tử. Năm 28 tuổi, anh Võ Đình Cường đã giao cho tôi làm Trưởng Ban hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên. Lúc đó sinh hoạt GĐPT tử rất đông và rất mạnh, chúng tôi đã làm thành công chính là nhờ sự năng động của sức trẻ.

PV: Xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị này. Kính chúc ông cùng gia đình một năm mới tràn đầy an lạc.

Pháp Trí thực hiện (Theo Văn Hóa Phật Giáo)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here