Thật khó nói. Riêng nhóm vật lý lý thuyết thuộc đại học Paris VI gồm khoảng 40 giảng viên – nghiên cứu (mà tôi là một thành viên), có chừng mươi quốc tịch đến từ bốn châu lục Âu, Mỹ, Á, Phi. Đó là một môi trường cạnh tranh lành mạnh và khắc nghiệt theo tiêu chuẩn quốc tế, sự tuyển chọn đều công khai, không hề có một đặc chế về vấn đề quốc tịch. Có được tiếng nói riêng của mình là do rèn luyện bền bỉ để có hay không khả năng chuyên môn cao, hoà nhập với cộng đồng.
Có lẽ đối với bất kỳ nhà nghiên cứu bình thường nào, phần thưởng lớn nhất nhận được là khi công trình của mình được đồng nghiệp khắp nơi quan tâm và triển khai mạnh hơn nữa, được trích dẫn nhiều lần, thậm chí vài chục năm sau còn được nhắc đến và khai thác. Cá nhân tôi cũng vài lần hạnh phúc như vậy.
Làm thế nào để cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Pháp cũng như ở các nước khác có thể đóng góp lớn vào khoa học quốc tế?
Câu hỏi khó vì theo tôi, muốn có đóng góp lớn vào khoa học quốc tế, thì phải có một số lượng tới hạn nào đó để tạo nên một cú hích, mà con số đó ta chưa đạt được, không chỉ ở Pháp mà ở nhiều nước phát triển khác cũng vậy. Nhìn con số các sinh viên Việt Nam theo lớp cao học, tiến sĩ về khoa học và công nghệ cao ở vài trường lớn tại Mỹ (như Harvard) thì thấy mình hãy còn quá ít so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Hiện tượng Ngô Bảo Châu phải hàng thập niên, thậm chí dài hơn nữa, mới có thể lập lại trong cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.
Trong điều kiện của đất nước, tư chất nào của các nhà khoa học ViệtNam giúp chúng ta có được những tên tuổi lớn?
Muốn có những nhà khoa học tên tuổi tại quê nhà, xã hội cần có cơ sở hạ tầng tri thức tốt, hiện đại; có những thể chế học thuật phù hợp với quy luật phát triển của khoa học trên thế giới. Và con người cần phải có đam mê, tận tuỵ. Nhưng trước hết nhà khoa học cần phải đủ sống, và có quỹ để phát triển ngành mình, kết nối thế giới. Không có những điều kiện đó, khoa học sẽ bó tay, sẽ không thể có nền khoa học quốc gia, mà chỉ có những cá nhân riêng lẻ, nhưng phải dựa vào môi trường nước ngoài như hiện nay.
Tôi tin chắc rằng trong môi trường thuận lợi và cạnh tranh ráo riết nhưng lành mạnh ở các nước phát triển, thế hệ các bạn trẻ Việt Nam du học còn vươn hơn nữa so với thế hệ trước. Tôi có thấy những gương mặt đó như Đinh Tiến Cường, Nguyễn Tiến Dũng về toán, Đặng Đình Thi về công nghệ hàng không, Nguyễn Thắng về sinh học, Giáp Văn Dương, Lê Đức Kiên về vật lý, nhưng chắc chắn còn nhiều mà tôi chưa biết ở mọi ngành.
Theo ông, làm thế nào để bảo vệ tinh thần tự chủ và tự do trong môi trường học thuật?
Môi trường xã hội Việt Nam đang bị “méo mó” trong hầu hết mọi lãnh vực: con người, đạo đức, nhận thức, tôn chỉ giáo dục… tất cả đều méo mó quá độ. Dân chủ, giáo dục, khoa học và công nghệ là những cột trụ của xã hội phương Tây để làm cho họ mạnh. Những thứ đó đang bị xuống cấp và biến dạng ở nước ta. Việc quan trọng nhất là phải “kéo thẳng” những thứ đó lại, phải “ngay thẳng” lại, phải chăm sóc cho những thứ đó phát triển đúng cách. Mỗi quốc gia muốn canh tân, đều phải đi đúng quy luật. Nhật Bản và tất cả các quốc gia khác đều làm như thế.
Ông coi trọng điều gì nhất khi viết? Có nhà văn nào ông ngưỡng mộ?
Rất ngại phải nói đến cái ngã đáng ghét, nhưng thôi cũng đành liều nhắm mắt đưa vài nét sở thích. Cũng như nhiều bạn cùng lứa tuổi, tôi mê say thi văn tiền chiến, thơ Đường, nhạc cổ điển Tây phương… Hai nhà văn hoá cận đại mà tôi ngưỡng mộ là Nguyễn Hiến Lê sâu sắc, đồ sộ mà dễ hiểu; và Bùi Giáng khi điên lúc tỉnh mà tuyệt phẩm Giảng luận về Tản Đà ai cũng nên đọc.
Không có khoa học, con người dễ sa ngã vào mê tín, “dị giáo”. Nhưng không có văn hoá, nghệ thuật, con người dễ cằn cỗi về tâm hồn. Và không có đạo đức, con người dễ sa đoạ.
GS Phạm Xuân Yêm (thứ ba từ phải) cùng gia đình
Ông đánh giá thế nào về hiện tượng những nhà khoa học cuối cùng lại trở thành những nhà văn hoá, đầy trách nhiệm với đất nước trong những vấn đề nóng của đời sống nhân sinh?
Thử hỏi có nhà khoa học nào từng bao năm sinh hoạt ở các nước phát triển mà chẳng ước mong đóng góp cho đất nước, dân tộc mình cũng được như người? Nó tự nhiên như hơi thở mà thôi. Để kết nối nhiều nguồn chất xám cho hoạt động khoa học tại Việt Nam, mấy đức tính như chân thành, bao dung, nhún nhường, tránh đố kỵ có lẽ là những điều kiện cần? Mấy năm qua trí thức đã kết nối nhau nhiều hơn qua nhiều hoạt động, như dịch thuật, biên soạn, giảng dạy, diễn thuyết, hay làm những số kỷ yếu, như Kỷ yếu Lê Thành Khôi, Kỷ yếu Hoàng Tuỵ, Max Planck, Galilei, Darwin và Đại học Humboldt 200 năm để tạo ra một văn hoá trí thức. Họ càng muốn dấn thân hơn cho đất nước. Nhà nước cần mở cửa với trí thức. Đất nước chỉ có lợi trong một sự hợp tác giữa nhà nước và với trí thức, hay ngược lại. “Tri thức là sức mạnh”, đối với cá nhân cũng như đối với quốc gia.
Để quy tụ được tiềm năng chất xám quý báu của các thành phần đến từ nhiều chân trời văn hoá khác nhau trong cộng đồng ba triệu người Việt trên khắp năm châu, các nhà khoa học cần tìm đến nhau để có diễn đàn chung, để tập hợp trí tuệ, đoàn kết, và có những hoạt động chung. Việc này đã manh nha thời gian qua, qua các hoạt động biên soạn kỷ yếu chẳng hạn. Và trí thức đã tức khắc có những hành động chống đối việc các nhà khoa học Trung Quốc lồng đường lưỡi bò vào các bài viết của họ đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Ông nghĩ gì khi tiếng nói của những nhà trí thức vẫn chưa đủ sức lay động xã hội?
Tôi cảm thấy buồn, nhưng chúng ta đang ở bước ngoặt, sớm muộn gì những giá trị phổ quát đó sẽ đến. Chúng ta không thể nào đi khác hơn con đường thế giới đã và đang đi, không thể nào chối bỏ các giá trị phổ quát của cả thế giới, nền tảng của sự phát triển nói chung.
Ông thích một vẻ đẹp như thế nào của con người, của văn chương, nghệ thuật? Có lẽ là tính nhân bản vị tha chăng? Để xây dựng môi trường sống lành và sạch, mỗi chúng ta phải nỗ lực như thế nào, theo ông?
Tôi thực sự buồn khổ khi biết những tin tức về sự thờ ơ, vô cảm đang lan tràn xã hội. Thôi thì trước hết mỗi chúng ta trong khả năng của mình hãy nỗ lực sạch và lành đã. Xã hội dựa trên hai trụ cột: tri thức và lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn mà không có tri thức thì vô dụng, còn tri thức mà không có lòng trắc ẩn sẽ là vô nhân đạo và độc ác.
Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất về mái trường Chu Văn An – Hà Nội, nơi ông đã lớn lên? Phải chăng ân tình với trường xưa là lý do ông hết lòng giúp đỡ sinh viên và nhiều trường hợp khó khăn của trí thức trong nước?
Còn nhớ năm 1953, tôi được giải về luận văn trong cuộc thi hàng năm trung học toàn quốc và được hưởng chuyến du ngoạn bằng máy bay tham quan Sài Gòn và Huế do hội phụ huynh học sinh tặng. Sau này trở lại thăm bạn bè cùng học Chu Văn An, thực là xúc động thấy các bạn, đặc biệt GS Đặng Mộng Lân trong muôn vàn khó khăn đã thực hiện cuốn từ điển Vật lý Anh -Việt và âm thầm đóng góp cho nền vật lý. Đỡ được ai phần nào là như trả món nợ ân tình với thầy với bạn thiếu may mắn đã cho mình những kỷ niệm quý báu.
Ông có thể kể một chút về cha mẹ mình, những người thầy đầu tiên dạy ông bài học làm người?
Nhà tôi ở Bắc Ninh, bố tôi là hiệu trưởng trường tiểu học Vọng Cung, ru tôi ngủ bằng thơ Kiều. Còn mẹ tôi có một cửa hàng nhỏ bán tạp hoá, nước mắm, chè mạn, măng khô… Trong nạn đói Ất Dậu 1945, với chum đất nung cao hơn đầu tôi, mẹ tôi mỗi sáng nấu một nồi cháo thêm vào chút mắm để phát chẩn. Quên sao nổi cảnh người hàng hàng nối nhau húp cháo.
Để nuôi dưỡng “giấc mộng dài”, ông đã trải qua những khó khăn khắc nghiệt như thế nào?
Tôi không nghĩ là khắc nghiệt những buổi làm việc thâu đêm, hoặc mệt mỏi tranh cãi với đồng nghiệp, bạn bè về đề tài nghiên cứu vì mỗi người có một cách tiếp cận khác nhau. Nhưng có nhiều lúc, thậm chí hàng tuần hàng tháng chán chường, bế tắc, không thấy ngõ ra, không biết phải làm gì. Có lẽ chẳng phải riêng tôi mà bất cứ ai trong nghề cũng ít nhiều trải qua. Nhưng tôi không mong “làm cây thông đứng giữa trời mà reo” ở kiếp sau và mong tiếp tục mê say khoa học và nghiên cứu.
Trong những lúc cùng cực nhất, điều đã giúp ông vượt qua khủng hoảng?
Triết lý phương Tây dạy tôi tư duy logic, khoa học, tôn trọng và biết nhìn nhận sự thật, khiêm tốn trước “đại dương tri thức” còn ẩn chứa. Triết lý phương Đông dạy cho tôi sống có xã hội, gia đình, cộng đồng, có trách nhiệm và đóng góp xã hội.
Sau những đắng ngọt của cuộc đời, đọng lại trong ông điều gì quý nhất? Có bao giờ ông cảm thấy quá cô đơn?
Cái quý nhất còn đọng lại là những đóng góp cá nhân trong khoa học cũng như trong xã hội là sống chân thật, có bằng hữu; là sống tự tại. Cái ác là gió thoảng qua. Cái thiện là vĩnh cửu.
Nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu:
“Vốn là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vi mô vật lý hạt, anh Phạm Xuân Yêm đã có những đóng góp khoa học trên trường quốc tế bổ ích cho cả những ngành khoa học vĩ mô như vật lý thiên văn. Anh quan tâm đến sự phát triển ngành khoa học trong nước và rất năng động trong phong trào tham gia cải tiến nền giáo dục nước nhà. Anh còn là người rất lịch thiệp đối với đồng nghiệp và bạn bè”.
Giáo sư Cao Huy Thuần:
“Trong thảo luận Thế giới quan của vật lý học hiện đại và tư tưởng Phật giáo tại Phật đường Khuông Việt với cả trăm trí thức tham dự, một đề tài khoa học khô khan và khó hiểu, anh Yêm bắt đầu tham luận của anh với câu nói dè dặt: “Tôi xa nước đã lâu, nói tiếng Việt không sõi, mong các anh lượng thứ”. Tôi vội vàng chuẩn bị tấm lòng rộng rãi của tôi để lượng thứ cho anh, nhưng anh càng nói, tôi càng hoảng kinh vì lời lẽ của anh lưu loát, văn chương, tôi không bì kịp. Nhiều từ khoa học, nhiều từ triết lý rất khó dịch, tôi không ngờ anh đã theo dõi rất sát ngôn ngữ trong nước, diễn tả không hề vấp váp, không cần phải nhờ cậy đến tiếng Pháp. Mà chuyện vật lý của anh sao quyến rũ đến thế, người rất dốt khoa học như tôi cũng bị lôi cuốn!”
Dịch giả Hà Dương Tuấn:
“Một người luôn luôn vui vẻ, khiêm tốn, đối xử với người trẻ hơn và ít hiểu biết hơn mình một cách hoàn toàn bình đẳng. Có gì không hiểu viết thư hỏi đều được anh ấy khuyến khích và chỉ bảo tận tình. Một giáo sư về vật lý học hiện đại nổi tiếng, đã viết sách giáo khoa về Vật lý lượng tử từ năm 1998. Trong Cuộc cách mạng tháng 11 của vật lý hạt đăng trong kỷ yếu 400 năm thiên văn học và Galilei, NXB Tri Thức (2009), anh kể lại công việc của mình liên quan đến một sự kiện lớn trong vật lý học, tháng 11.1974, là việc thiết lập ưu thế tuyệt đối của “mô hình chuẩn”. Khi những nhà thực nghiệm tìm ra một lượng tử mới, ngay sau đó một nhóm bảy nhà lý thuyết đã làm việc thâu đêm để giải thích hạt đó là gì bằng “mô hình chuẩn”. Diễn giải đó sau này được chứng tỏ là chính xác, từ đấy “mô hình chuẩn” thực sự lên ngôi và trở thành công cụ lý thuyết phổ biến trong vật lý học hiện đại, và đã đóng góp rất nhiều từ đó đến nay. Một trong bảy người đó là anh Phạm Xuân Yêm”.
|
Theo SGTT