Báo hàng ngày Hà Lan NRC dẫn lời nhà sưu tập, một kiến trúc sư tại Amsterdam muốn giấu tên, nói rằng nếu chứng minh được bức tượng thuộc về “chẳng hạn như một cộng đồng Phật giáo vẫn còn tồn tại”, ông sẵn sàng trả lại, miễn là bức tượng không đi vào một bảo tàng nhà nước.
Ông nói với NRC rằng một số hình ảnh được công bố trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhìn tương tự như bức tượng mà ông đang sở hữu nhưng nhiều khía cạnh là “không đúng”.
“Người ta nói rằng bức tượng đã bị đánh cắp vào năm 1995, nhưng nó đã ở Hà Lan vào thời điểm đó. Có những hình ảnh làm bằng chứng cho sự tồn tại đó”, ông nói.
“Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cho thấy xác ướp thuộc về một ngôi chùa lớn hơn và quan trọng hơn rất nhiều so với ngôi chùa địa phương ở Dương Xuân”.
Bức tượng cổ đang có nhiều tranh luận xuất xứ
Bức tượng Phật 1.000 năm tuổi, trong đó có xác ướp của một nhà sư, là một phần của cuộc triển lãm từ tháng 1 đến tháng 8 năm ngoái tại Bảo tàng Drents của Hà Lan trước khi được gửi đến Budapest cho một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hungary.
Dân làng ở Dương Xuân, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nhìn thấy các báo cáo về triển lãm Hungary trên truyền hình và cho biết đó là bức tượng đã bị đánh cắp khỏi ngôi chùa của họ.
Hôm thứ Ba tuần rồi, một quan chức Cục Quản lý Di sản Văn hóa Nhà nước Trung Quốc cho biết dựa trên các bức ảnh, tài liệu lưu trữ tại địa phương và phát biểu của nhân chứng, có thể xác nhận bức tượng đã bị đánh cắp khỏi Dương Xuân vào năm 1995.
Vincent van Vilsteren, người phụ trách Bảo tàng Drents, cho biết họ đã mượn bức tượng cho đến thứ Sáu tuần trước. Chủ sở hữu đã đưa tượng trở lại Amsterdam.
Nhà sưu tập đã lấy lại bức tượng khỏi cuộc triển lãm “vì sợ nó sẽ bị tịch thu”, tờ báo cho biết.
Tờ báo cho biết chủ sở hữu đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu bức tượng và cần nhiều tiền hơn để tìm ra nơi xuất xứ thực sự của bức tượng. Các kết quả xét nghiệm DNA, nên sớm được thực hiện, có thể giúp cho điều đó.
Nhà sưu tập cho biết ông đã chi 19.746 USD để có được bức tượng. Ông cũng cho biết ông đã từ chối lời đề nghị 10 triệu euro (10,9 triệu USD) mua lại bức tượng.
Vilsteren cho biết cả viện bảo tàng và nhà sưu tập đều nhận thức được rằng dân làng Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã và đang tìm cách đưa bức tượng trở về.
Ông sẽ chuyển thông điệp từ phía Trung Quốc cho chủ sở hữu.
Ông cho biết bức tượng đã ở trong tình trạng hoàn hảo và không cần phải lo lắng về bất kỳ tác hại nào sẽ đến bức tượng. “Chúng tôi đã chăm sóc bức tượng rất tốt. Bức tượng đã được sửa chữa các vết nứt nhỏ và phục chế các chỗ mẻ bị mất”, Vilsteren nói. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng bức tượng hiện đang trong tình trạng tốt hơn so với thời điểm cách đây 20 năm”.
>> Bức tượng chứa di thể của nhà sư là bị đánh cắp
>> Soi thấy di thể ngài Liễu Quán bên trong pho tượng Phật giáo
Văn Công Hưng (Theo china.org.cn)- Nguồn: GNO