Trang chủ Văn hóa - Lịch sử "Nhà nước mạnh khi biết cư xử với xã hội như người...

"Nhà nước mạnh khi biết cư xử với xã hội như người lớn"

130
0

LTS: Sự xuống cấp về văn hóa xã hội hiện đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Các văn kiện quan trọng của Đảng đã chỉ rõ thực trạng này. Các nhân sĩ, trí thức và đông đảo người dân cũng đã lên tiếng không ít lần chia sẻ những suy nghĩ, giải pháp để vực dậy vốn văn hóa – xã hội.

Để góp thêm một góc nhìn, trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với Giáo sư Cao Huy Thuần.


"Mất văn hóa, dân tộc sẽ chỉ là những đứa con rơi"

Được biết, trong Bản Ý kiến của một số học giả Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài gửi cho các vị lãnh đạo mới đây có góp bàn về việc ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa xã hội. Là một trong những người tham gia góp ý kiến, hẳn giáo sư có nhiều suy nghĩ về vốn văn hóa xã hội, về cái xấu cái tốt trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam?

GS Cao Huy Thuần: Trong Bản Ý kiến gồm 40 trang, bàn về nhiều lĩnh vực, văn hóa chỉ chiếm hơn nửa trang. Đâu phải tình cờ! Ít nhất vì hai lý do. Một là vì nghẹn ngào. Chung quanh chúng ta, từ gia đình, trường học, xí nghiệp, công sở, đường sá, tôn miếu, đền đài, danh lam, thắng cảnh, sông, núi… đâu đâu cũng rơi lệ trước tình trạng mà dư luận gọi chung là "xuống cấp trầm trọng". Xã hội và báo chí đã nói quá nhiều. Chúng tôi tóm gọn nửa trang là nghẹn lời. Nửa trang đó là một tiếng nấc.

Lý do thứ hai là tính bao quát của văn hóa. Văn hóa bao trùm khắp mọi lĩnh vực, ở đâu cũng có, từ khoa học, kỹ thuật cho đến nghệ thuật, văn chương, từ tinh thần cho đến vật chất, từ kinh tế cho đến chót vót chính trị trên cao. Cô không thể khoanh tròn một vùng nhất định, gọi đây là văn hóa, rồi tưởng tượng ra những biện pháp ngăn chận xuống cấp. Mọi mặt đều là văn hóa cả, cho nên biện pháp đề ra phải bao quát cả mọi mặt. Tôi xin nhắc lại sơ lược định nghĩa văn hóa của Unesco: "Văn hóa là toàn thể những nét riêng biệt, về tâm linh cũng như về vật chất, trí thức cũng như tình cảm, tạo thành đặc tính của một xã hội, bao gồm không những nghệ thuật và văn chương mà còn cả cách sống, những quyền căn bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập quán và tín ngưỡng".

Ấy là tôi chưa nói đến lĩnh vực thiết thân nhất của mọi nguời dân hiện nay ở Việt nam, chị em ruột với văn hóa, cũng đang bị "xuống cấp trầm trọng", cũng đang mang tai biến tật nguyền, cũng đang chờ thuốc thần của Hải Thượng Lãn Ông: giáo dục. Giáo dục của chúng ta đang rơi xuống vực thẳm, kéo văn hóa rơi theo. Không vớt được giáo dục, đừng hòng cứu nổi văn hóa. Do đó, bản ý kiến gộp chung văn hóa và giáo dục làm một, thử bốc vài thang thuốc Nam xem sinh khí có hồi phục được chút nào chăng.

"Xuống cấp" có nghĩa là "mất vốn"? Mất vốn dần dần? Mất dần dần cái tốt? Nhiễm dần dần cái xấu? Do đâu mà cái xấu chiếm dần cái tốt?

Cô dùng chữ "vốn". Tôi e rằng phải dùng chữ "gia tài". Văn hóa là kết quả của hàng ngàn năm lịch sử, là gia tài sống của cả dân tộc. Mất gia tài đó thì dân tộc chỉ còn là lũ con rơi vô thừa nhận. Nhưng tôi buồn mà không bi quan. Tôi không nghĩ chúng ta mất vốn. Để tránh đi vào lý thuyết khô khan, tôi xin nhắc lại một ví dụ cụ thể, một chi tiết nhỏ nhặt mà Tuần Việt Nam đã cùng chứng kiến với chúng tôi.

aẤy là chuyện nhỏ về một con đường thôi, nhưng đó là văn hóa, đó là chính sách văn hóa. Văn hóa là tương quan: tương quan giữa con người với chính mình, tương quan giữa con người với người khác, tương quan giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, với môi trường sống, với đất nước, tổ quốc. Văn hóa là một tổng thể những tương quan, như mọi sông, mọi suối, mọi rạch, mọi khe đều chảy vào biển. Nhà nước không thể thống lĩnh tất cả mọi tương quan, lại càng không thể thống lĩnh mọi tương quan với còi và dùi cui. Hãy tạo điều kiện để trả luân lý về lại cho gia đình, đạo đức về lại cho trường học, truyền thống về lại cho tổ tiên, tự giác về lại cho xã hội, như thành phố Huế đã biết trả lại con đường hoa cho Liễu Quán, cho khách nhàn du. Xã hội thừa sức làm mọi chuyện chân thiện mỹ. Chỉ cần nhà nước sáng suốt và biết khiêm tốn đóng vai hỗ trợ khi cần thiết.

Giáo sư Cao Huy Thuần. Ảnh  Khánh  Linh

Ngạn ngữ Pháp nói: "La peur du gendarme est le début de la sagesse" (Biết sợ cảnh sát là bước đầu của khôn ngoan). Có đúng không ạ?

Đúng quá! Không có cảnh sát thì ngay xã hội cũng không còn, nói gì tự quản. Trên kia, tôi đã kể nhiều lĩnh vực thiết thân với văn hóa. Bây giờ tôi phải nhấn mạnh một lĩnh vực nữa, cũng máu mũ ruột thịt: luật pháp. Luật pháp là cây dùi cui có văn hóa. Nó gõ vào đầu cái xấu, cái ác, cái bất công, cái phi pháp, cái đáng trừng trị. Bản ý kiến nói rõ: nó là tối thượng. Câu châm ngôn của nó là: "Cái gì mà luật không cấm thì làm được". Đìều đó cũng có nghĩa là: cái gì mà luật cấm thì đừng có làm, làm thì đi nhà mát. Một nước văn minh là một nước từ trên xuống dưới gối đầu trên châm ngôn ấy mà ngủ ngon. Còn nếu châm ngôn ấy không có thì người ngủ ngon trên gối là ông ba kẹ tham nhũng.

Nói lông bông như vậy để trả lời về "cái tốt" "cái xấu" của cô. Cái xấu thì luật pháp phải trừng trị. Cái tốt thì giáo dục phải vun trồng. Bắt đầu như vậy là bước đầu trả lại nhan sắc cho bộ mặt văn hóa Việt Nam. Luật pháp nghiêm minh, giáo dục chân chính: đó là điều kiện tất yếu tối thiểu.

Như vậy, luật pháp là phần việc của nhà nước, giáo dục là phần việc của xã hội?

Không hẳn! Không bao giờ hai xã hội ấy – xã hội chính trị và xã hội dân sự – đứng tách bạch ra hai bên, với biên giới rạch ròi ở giữa. Hai bên thông thương và hỗ trợ cho nhau. Cũng để tránh lý thuyết khô khan, tôi xin kể một điều tra khoa học được nói đến trong các sách về xã hội học cách đây khá lâu. Điều tra được tổ chức trên hai nhóm trẻ em cùng tuổi, một ở Pháp và một ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra là: "Nếu có một bọn côn đồ dọa đến đưổi các em, không cho đến chơi trong công viên của các em nữa, các em sẽ làm gì?" Nhóm trẻ em ở Pháp trả lời : đến tố cáo với cảnh sát và yêu cầu can thiệp. Nhóm trẻ em ở Mỹ trả lời: tự tổ chức canh gác để không cho bọn côn đồ đến chiếm. Điều tra đó được làm để xác nhận sự khác biệt giữa hai thái độ văn hóa, do lịch sử hai dân tộc tạo nên: một bên là văn hóa tập quyền, một bên là văn hóa dân chủ. Dù xã hội công dân ở Mỹ phát triển đến đâu đi nữa, trẻ em ở Mỹ cũng biết rằng nếu các em canh gác mà bọn côn đồ cứ đến chiếm như thường thì cảnh sát vẫn có đấy thôi. Nhà nước đâu có đứng khoanh tay làm ngơ!

Đồng tiền cũng biết tu chứ!

– Thưa giáo sư, sau 25 năm đổi mới và mở cửa hội nhập với thế giới, kinh tế khởi sắc hơn, sự tiếp cận của người dân đối với những cái mới cũng trở nên cởi mở hơn nhiều so với trước kia, thế mà văn hóa lại xuống cấp. Lý giải ra sao cho nghịch lý này?

Nếu kinh tế lên, mà tất cả cái khác đều xuống cấp, văn hóa lên cấp sao được? Nhưng để khỏi phải nói lại những điều tôi vừa nói, tôi nêu thêm ở đây một cách giải thích nữa, tất nhiên không phải là câu trả lời duy nhất. Tôi thường đọc sách Phật, thấy nói như thế này: người giàu sang quá thì khó tu, mà người nghèo khổ quá cũng vậy. Người nghèo khổ quá thì đêm ngày lo miếng cơm manh áo chưa xong, thì giờ tâm trí đâu nữa mà tu? Còn người giàu sang quá thì ham hưởng thụ, có tiền mua tiên (nữ) cũng được. Đức Phật nói thế là cốt khuyến khích nhà cầm quyền làm thế nào để nâng cao mực sống của người nghèo lên, giống như dân gian ta nói "có thực mới vực được đạo". Ngài nói thế cũng cốt khuyên nhủ người giàu đừng tham vinh hoa phú quý.

Nhưng, từ nhận xét thông thường đó, ta thấy gì trong hiện trạng Việt Nam? Kinh tế có lên, mực sống có lên, đúng thế, nhưng công bằng xã hội quá chênh lệch. Người nghèo vẫn nghèo, càng nghèo, so với người giàu càng giàu, càng giàu sụ, giàu một cách không ai hiểu nỗi. Cách làm tiền và tiêu tiền của họ phung phí, vung vãi, tựa như tiền là giấy lộn, cũng không ai hiểu nỗi. Tiền ở đâu ra, chỉ mỗi câu hỏi ấy đủ rưới ảnh hưỏng xấu tràn lan trên xã hội, bởi vì tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, bằng giá trị lao động, chẳng thấm vào đâu so với tiền bất chính. Tiền này đi đến đâu, đạo đức suy đồi đến đó, giá trị nào cũng có thể đem ra mua bán.

Chắc cô sẽ hỏi: vậy giới trung lưu, tầng lớp xã hội "dễ tu" nhất ở giữa, thì sao? Có phải tất cả giá trị văn hóa nằm ở đấy không? Thì cô thấy đó, họ chạy theo đồng lương hụt hơi, làm chơi ăn thiệt, ăn lương có khác gì ăn ảo tưởng đâu. Vậy thì thượng, hạ, trung, ba giới đều chạy theo tiền, tiền là ma lực hút hết máu mủ sinh khí của mọi giới trong xã hội, là giá trị duy nhất đặt trên đầu. Văn hóa còn là cái gì? Bởi vậy, trong bản ý kiến, đồng lương là một vấn đề hàng đầu phải giải quyết, nếu không, đừng hòng cải cách đại học, trung học, tiểu học, mẫu giáo, giáo dục, đạo đức, và tất nhiên tham nhũng.

Đồng tiền có biết tu không?

Biết! Mà tu rất giỏi! Đắc đạo như chơi! Ở nước Mỹ, bao nhiêu nhà giàu trọng truyền thống tặng tiền cho các trường đại học để đại học Mỹ vẫn dẫn đầu văn hóa đại học trên thế giới. Gần đây, ai cũng biết, ông Bill Gates đem một phần tài sản để làm từ thiện. Nhiều người bắt chước ông. Ở Việt Nam, tôi bắt đầu có cảm tưởng các đại gia cũng muốn cho đồng tiền đi tu và tôi tán dương khuynh hướng này. Trung tâm văn hóa Liễu Quán được tái thiết là nhờ tiền hiến cúng âm thầm của một đại gia ẩn danh. Văn hóa bố thí của Phật giáo là con đường tu của đồng tiền biết sám hối. Chỉ tiếc một điều là ý nghĩa của bố thí chưa được hiểu rõ, cần phải biết rằng bố thí cho những công trình từ thiện, văn hóa, cũng phước đức như hiến tặng chùa chiền.

Càng mở cửa càng phải biết mình là ai

Thưa giáo sư, có nhiều ý kiến đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất văn hóa truyền thống, hoặc văn hóa ta bị xâm lăng, thậm chí bị nô dịch. Theo giáo sư, liệu có phải chúng ta đã quá trầm trọng hóa vấn đề?

Tôi chưa trả lời hết câu hỏi trên về sự cởi mở để tiếp thu cái mới. Bây giờ xin gộp với câu hỏi này thành một vấn đề chung. Với làn sóng toàn cầu hóa, không nền văn hóa nào có thể đóng được, kể cả Myanmar  trước đây. Dù muốn dù không, ai cũng phải mở. Vậy, ta tiếp thu cái mới gì khi mở? Cần phải phân biệt kỹ thuật với các yếu tố văn hóa khác. Kỹ thuật làm đồng bộ thế giới. Thang máy hiệu ấy ở Hà Nội cũng là thang máy ta đã bước vào ở Thái Lan, ở Phi, ở Singapore, ở Pháp. Cái máy tính tôi đang làm việc đây y chang máy của đồng nghiệp của tôi ở Mỹ. Cô nhân viên tính tiền ở các siêu thị cũng quẹt một cái trên mã vạch giống như các đồng nghiệp của cô bên Angola. Kỹ thuật là một hình thái của văn hóa, nhưng có đời sống ngắn. Có súng rồi thì chẳng ai dùng cung tên. Lái ô tô rồi thì chẳng ai du lịch bằng xe tứ mã. Văn hóa thì ngược lại, dài dằng dặc hàng mấy nghìn năm. Kỹ thuật không cần biết phân chia đất đai, lãnh thổ, biên giới: nó nối kết nhân loại làm một. Tôi ở Pháp nấu cơm bằng nồi điện giống như gia đình tôi ở Việt Nam. Ngược lại, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, truyền thuyết…  thì có đất đai, lãnh thổ rành rọt. Ngày rằm, mồng một, sáng sớm trên các đường lộ Sài Gòn, xe thổ mộ chở đầy hoa; đố ai tìm ra được quang cảnh đó ờ Nga, ở Ý.

Nhập cái mới về kỹ thuật tuy cũng thay đổi lối sống, nhưng ta không sống với kỹ thuật. Giữa tôi và cái máy tính trước mặt, có ai gần gũi hơn, có ai gần gũi hàng ngày như vậy? Nhưng nó với tôi đâu có tình cảm gắn bó gì. Đường sắt, xa lộ nối kết các nước châu Âu giăng đầy như mạng nhện, nhưng mấy chục năm rồi, ý thức châu Âu đã có đâu? Ta không sống trong kỹ thuật. Ta sống trong ngôn ngữ. Ta sống trong văn hóa. Ta yêu tiếng "em" ngọt lịm trên môi.

Kết luận: kỹ thuật có thể kết hợp thế giới, nối vòng tay lớn với cả nhân loại, nhưng văn hóa là miếng đất tự nhiên trên đó không thể không có đối chọi. Văn hóa là đối chọi, vì đó là nơi un đúc ra bản sắc, và không thể có bản sắc nếu không có một va chạm tối thiểu với một văn hóa khác. Dù ai nói gì đi nữa, đã nói văn hóa thì bao giờ cũng có một chúng ta chống lại chúng nó, giống như thông thường người ta định nghĩa tôi bằng cách phân biệt với cái không phải là tôi.

– Ấy là chỉ mới nói đến kỹ thuật, chưa động đến những hình thức xâm nhập văn hóa mà ai cũng thấy trên màn hình, qua phim ảnh, y phục, thời trang, hoặc sách báo…

Mạnh như nước Pháp mà cũng phải nói rõ: sản phẩm văn hóa không thể được xem như các sản phẩm tiêu thụ khác, phải được bảo vệ, phải có quy chế riêng, trước sự tấn công của các văn hóa mạnh hơn. Nước nào cũng phải bảo vệ văn hóa của mình, nếu không thì truyền thống mất hết, tổ tiên chết lại lần thứ hai. Càng mở cửa càng phải biết mình là gì, mình là ai.

– Thế nhưng khi mở cửa mình cũng hấp thụ được cái tốt chứ?

Đâu có phải bây giờ ta mới mở cửa? Ngay từ khi độc lập, ta đã mở cửa rồi. Ta mở cửa từ 1945. Ta mở cửa với Tuyên ngôn Độc lập. Hoành tráng! Phải là một Hồ Chí Minh mới mở cửa xuất chúng như thế. Sang sảng, tiếng của Chủ tịch vang dội quãng trường Ba Đình : "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ấy là tư tưởng của Jefferson, tư tưởng tiến bộ nhất của thế giới hồi đó.

Phải công bằng mà nói: ngày nay, ta cũng đã mở cửa đón hương thơm cỏ lạ của văn hóa thế giới tiến bộ đấy chứ. "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" chẳng phải toàn là những giá trị cao đẹp nhất của loài người đấy sao? Bản ý kiến tán dương tiêu chí đó, xác quyết: chừng ấy thôi mà thực hiện cho kỳ được, vậy là dân tộc ta có phước.

– Như vậy truyền thống không tương phản với hiện đại?

Hiện đại hóa truyền thống và truyền thống hóa hiện đại là thiên tài của Hồ Chí Minh. Nên học tập cái tài đó để đừng đánh mất truyền thống mà cũng đừng bảo thủ cái đáng vứt đi. Tôi trích thêm ở đây câu viết của một đại học giả Pháp, Lévi-Strauss, nhà nhân chủng học lừng danh thế giới, người cực lực bênh vực những nền văn minh mà ta gọi là sơ khai. "Văn minh bao hàm sự sống chung giữa các nền văn hóa phô bày ra với nhau đến mức tối đa những dị biệt của mình, và văn minh chính là sự sống chung ấy". Phải biết bảo vệ dị biệt – nghĩa là bản sắc – cho đến tối đa, nhưng phải biết sống chung. Như vậy thì mới không văn hóa nào đô hộ được mình.

Hãy là những Nguyễn Trãi trong văn hóa

– Nhiều người trẻ cho biết họ lúng túng khi đi tìm đức tin và lý tưởng cho mình. Giáo sư suy nghĩ thế nào về thực tế này?

Tôi mong giới trẻ hãy đọc lại Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi ở Lam Sơn. Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Nguyễn Trải ở Côn Sơn. Con người đẹp lạ lùng. Người trí thức tinh hoa của lịch sử, của văn hóa Việt Nam. Giữa một xã hội mất đạo đức, một xã hội chỉ biết có tiền, một xã hội mà kiến thức không ra ngoài ba chữ GDP, giới trẻ hãy đọc mấy câu đầu của Bình Ngô Đại Cáo để suy ngẫm: "Nước ta là một nước văn hiến". Mới đại thắng xong, Nguyễn Trãi không mở đầu bằng phô trương sức mạnh quân sự mà bằng một định nghĩa không ngờ: đặt văn hóa lên giá trị thượng đỉnh. Nấc thang cao nhất để ta đứng trên đó mà cư xử ngang nhau với phương Bắc là nấc thang văn hóa. Cũng trên nấc thang đó, Nguyễn Trải khẳng định: văn hóa của ta khác văn hóa của ngươi. Cái rốn tư tưởng của ta nằm ở bên này bờ cõi của ta:

Nước non bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Đó là tuyên ngôn độc lập văn hóa mà xin giới trẻ đừng quên. Bởi vì, chỉ mới mấy ngày nay thôi, ai đọc báo cũng biết thông tin đến từ Ủy ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã họp từ ngày 15 đến 18 tháng 10 và đã hạ quyết nghị biến Trung Quốc thành đại cường văn hóa. Họ nói: "Xí nghiệp kinh tế của ta đứng vào hàng 500 xí nghiệp đầu sổ của thế giới, nhưng ta không có một xí nghiệp văn hóa nào được thế giới biết đến. Người Mỹ chiếm thị trường của ta với những phim lấy hứng từ lịch sử Trung Quốc, nhưng Trung Quốc là đứng vào hàng số không về tính sáng tạo. Lợi tức của 500 xí nghiệp xuất bản Trung Quốc thấp hơn lợi tức của một nhà xuất bản Đức duy nhất".

Trung Quốc đã có Viện Khổng tử ở khắp nơi. Họ vung tiền ra để đưa tin trên thế giới. Sản phẩm văn hóa của họ tràn ngập các nước chung quanh. Thế vẫn chưa đủ. Bởi vì họ biết: văn hóa là sức mạnh mềm vô cùng hữu hiệu.

Hãy là Nguyễn Trãi, các bạn trẻ của tôi!

Cám ơn giáo sư đã dành thời gian trò chuyện.

Theo Tuần Việt Nam

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here