Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Nguyễn Thượng Hiền và giai thoại thiền môn xứ Huế nổi tiếng

Nguyễn Thượng Hiền và giai thoại thiền môn xứ Huế nổi tiếng

207
0

Nguyễn Thượng Hiền (1868 – 1925) hiệu là Mai sơn và Đỉnh Nam, người làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, bố là ông nghè Nguyễn Thượng Phiên, lại vốn có tư chất thông  minh học giỏi, mới 17 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền đã đỗ Cử Nhân. Năm sau (1885) thi Hội, ông đỗ Đình nguyên, nhưng chưa kịp truyền lô thì Kinh đô thất thủ, kết quả khoa thi ấy bị xoá bỏ. Năm 1889, vì có tang mẹ, ông không ứng thí. Năm 1892 (25 tuổi), Nguyễn Thượng Hiền trở lại thi Hội, trúng nhị giáp Tiến sĩ, còn gọi là  Hoàng Giáp. Cũng năm này, ông kết hôn với người bạn tri âm từng ước hẹn là Tôn nữ Thị Ẩn – con gái danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết.

Tuy đỗ đạt cao khoa nhưng Nguyễn Thượng Hiền không muốn ra làm quan, mà xin về ở vùng núi Nưa, Thanh Hóa mười năm “để ở nhà đọc sách”. Nhưng không bao lâu, lại bị triều đình gọi ra, trao chức Toản tu Quốc sử quán, thăng Đốc học tỉnh Ninh Bình, rồi Nam Định. Trong thời gian này, Nguyễn Thượng Hiền đã bắt đầu tìm đọc nhiều “tân thư” và đi nhiều nơi để tìm người cùng chí hướng, liên lạc với nhiều nhà yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, viết nhièu thơ văn kêu gọi lòng yêu nước và đả kích bọn tay sai cho thực dân Pháp.

Năm 1907, sau khi bố chết, ông từ quan, xuất dương sang Nhật, hưởng ứng lời  kêu gọi “Đông du” của Phan Bội Châu. Chính trước lần đi xa này, trong những tháng ngày còn lại ở Huế, ông tranh thủ lên thăm lại Ba La Mật và đã lưu lại giai thoại văn học nổi tiếng ấy.

Gặp Phan Bội Châu ở Quảng Đông, ông cùng Phan sang Nhật Bản gặp Cường Để, rồi lại về Trung Quốc. Hoạt động trong Duy Tân hội, ông đã cùng Phan Bội Châu góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo phong trào này những năm 1908 – 1909.

Năm 1912, Nguyễn Thượng Hiền tham gia Đại hội thành lập Việt Nam Quang Phục Hội cũng do Phan Bội Châu đề xướng. Năm 1914, khi Phan Bội Châu bị chính quyền quân phiệt bắt giam, Nguyễn Thượng Hiền được giao trọng trách của phong trào Việt Nam Quang Phục Hội. Một năm sau đó, ông được cử sang Thái lan liên hệ với 2 viên công sứ Đức và Áo, xin viện trợ tài chính để tổ chức lực lượng kháng Pháp. Nhưng việc đánh Pháp ở biên giới Trung – Việt mà ông đảm nhiệm lại bị thất bại và phong trào cách mạng ở hải ngoại trong thời gian này liên tiếp gặp nhiều bất lợi. Nguyễn Thượng Hiền phải bôn ba khắp nơi, khi đến Bắc Kinh, khi về Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Tây, Quảng Đông, … nhuệ khí bắt đầu giảm sút, cho đến khi được tin Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc với thắng lợi của Pháp – kẻ thù của cách mạng Việt Nam – thì ông trở nên thất chí.

Bảy năm cuối đời, ông đã vào chùa Thường Tịch Quang Lan Nhã trên núi Vân Sơn Cư, ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, xuất gia quy Phật. Ông sống và mất lại chùa này ngày 27 – 12 – 1925, hưởng thọ 58 tuổi.

Một giai thoại thiền môn xứ Huế nổi tiếng:

Tuy không có nhiều thành công quan trọng trong sự nghiệp chính trị nhưng Nguyễn Thượng Hiền đã để lại một sự nghiệp văn chương đáng kể: hơn sáu trăm bài thơ, văn bằng tiếng Việt và chữ Hán được sáng tác trong khoảng 30 năm từ 1878 đến 1918. Trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Bài phú Cải lương, Chiêu quốc hồn văn và Nam thi tập. Trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Thượng Hiền nổi danh là thi sĩ tài hoa, hồn thơ thanh dật, lưu lợi, có giọng xuất trần. Trong Nam thi tập, đặc biệt còn lưu lại một thi phẩm bằng chữ Hán ghi lại tâm sự của mình mà Nguyễn Thượng Hiền sáng tác dành tặng riêng chủ nhân Ba La Mậ (Tổ khai sơn Chùa Ba La Mật, Huế) Viên Giác thượng nhân (Tổ Viên Giác), cũng vốn là một danh sĩ yêu nước, treo ấn từ quan về ẩn cư dưới cửa Thiền:

Tình cờ dạo chơi chùa cổ
Tóc xanh xoả tận trời xanh
Danh sĩ xưa nay đều thế
Giang sơn này để sao đành
Hỏi trời chừ khóc thảm thiết
Đất ngồi trải hát nghêu ngao
Muốn rửa sạch lòng phiền não
Chẳng nhiều giọt nước cành dương

(Tặng Ba La Mật tự Viên Giác thượng nhân)

Và đặc biệt là đã để lại một giai thoại xướng họa thơ văn trứ danh giữa hai người. Đó là vào năm 1907, một người dáng dấp thanh bai, tiên phong đạo côt, mang nỗi lòng nước non trăm mối, lên thăm chùa Ba La Mật – Huế – và xướng hoạ:

Hỏi hoa – xin mượn mùi hương
Hỏi trăng – xin mượn gương vàng thử soi
Hỏi non – xin mượn đá ngồi
Hỏi sông – mượn nước tắm chơi sạch mình

Ba La Mật thuở đó, có môn đệ của Viên Giác thượng nhan là thiền sư Thích Viên Thành đáp lại:

Hỏi trăng – trăng chẳng đáp lời
Hỏi hoa – hoa chỉ mỉm cười làm ngơ
Hỏi sông – sông lặng như tờ
Hỏi non – non cứ trơ trơ với mình.

Cuộc xướng họa thơ văn giữa Mai sơn Nguyễn Thượng Hiền và thiền sư Viên Thành về sau trở thành một giai thoại văn chương rất nổi tiếng trong chốn thiền môn xứ Huế .

 H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here