Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nguyên tắc ứng xử sư phạm của đức Phật

Nguyên tắc ứng xử sư phạm của đức Phật

297
0

1. Dẫn nhập

Phần lớn những ai kính ngưỡng và có niềm tin đối với đức Phật vì Ngài là một đấng Giác ngộ, là một vị Giáo chủ khai sáng ra đạo Phật với lòng từ bi và trí tuệ siêu việt, nhưng ít ai biết hoặc nhận ra Ngài là người làm nên một triết lý đạo đức, nhân bản và để lại một kho tàng về văn hóa, giáo dục như lời nhận định của H.W.Schumann: “Thật hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn châu Á như ngài. Ðạo giáo do ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tế nhị.”

Dưới cái nhìn của một người nghiên cứu về giáo dục, với phương pháp nghiên cứu văn học sử, khi tìm hiểu về đạo Phật, chúng tôi khám phá ra một điều hết sức thú vị, đó là Phật giáo là một tôn giáo rất khoa học, có hẳn một hệ thống giáo dục và đức Phật chính là nhà giáo dục Vĩ đại. Đức Phật không tự nhận mình là nhà giáo dục, nhưng tất cả những lời Phật dạy là những bài học vô giá mà những ai thực hành đều đem lại lợi ích thiết thực cho hiện tại và tương lai. Những cụm từ “định hướng, dẫn đường” thường được sử dụng trong kinh tạng chính là vai trò, trách nhiệm của người Thầy dành cho những học trò hay nói đúng hơn đó là chức năng của giáo dục. Nhưng điều đặc biệt quan trọng, việc dẫn đường của đức Phật đem lại hiệu quả nhanh chóng, thiết thực và lợi ích lớn cho học trò trong hiện tại và tương lai chứ không phải đơn thuần chỉ là trao truyền kiến thức, đó là điều không dễ tí nào. Quả thật, Ngài đã thiết lập nên một hệ thống giáo dục với nội dung, phương pháp cụ thể và việc giáo dục của Ngài đi theo những nguyên tắc sư phạm phù hợp với mọi thời đại. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần quan tâm và có cái nhìn đúng đắn, nghiêm túc về hệ thống giáo dục Phật giáo. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến nguyên tắc ứng xử sư phạm của đức Phật, hay nói đúng hơn là nghệ thuật giảng dạy của đức Phật.

2. Khái niệm chung về nguyên tắc ứng xử sư phạm

Nguyên tắc là những quy tắc, những yêu cầu cơ bản được tổ chức đặt ra dựa trên những quan điểm, những tư tưởng nhất định đòi hỏi mỗi cá nhân phải tuân theo. Sư phạm có nghĩa là người thầy khuôn thước, mẫu mực, là một tấm gương để học trò noi theo. Tấm gương ấy phải được người thầy làm nên, để in dấu ấn của mình vào ký ức và sự quý trọng của học trò, bằng toàn bộ con người mình, chứ không chỉ qua bài học. Nếu người thầy không chân thật, thiếu vốn sống và thiếu nhân cách thì lời giảng cũng sẽ nhạt nhẽo và giả tạo biết bao

Như vậy, nguyên tắc sư phạm là những quy tắc cơ bản của một người thầy mẫu mực được thể hiện qua nguyên tắc ứng xử sư phạm hay giao tiếp sư phạm. Đây chính là “hoạt động giao tiếp giữa người làm công tác giáo dục và người được giáo dục trong nhà trường nhằm giải quyết các tình huống nảy sinh trong hoạt động giáo dục và giáo dưỡng.”  Trong đó, ứng xử sư phạm được thực hiện bởi nhân cách của người dạy và người học. 

Có thể, mỗi cá nhân đều có cách ứng xử và giao tiếp khác nhau nhưng tất cả đều dựa trên những nguyên tắc chung nhất, bao gồm:

Nguyên tắc mô phạm trong giao tiếp: nguyên tắc này đòi hỏi người làm giáo dục phải là người gương mẫu và có nhân cách, đặc biệt cần phải có sự thống nhất giữa lời nói và hành động, bởi lẽ, người Thầy luôn là tấm gương cho học sinh noi theo. Vì vậy, đây là nguyên tắc căn bản nhất đòi hỏi tất cả những người làm nghề giáo phải có.

Nguyên tắc tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp: có nghĩa là người thầy phải tôn trọng nhân cách của học trò, vì người học trò cũng có đầy đủ quyền và có đặc trưng tâm lý riêng biệt. Chính vì lẽ đó, người giáo viên cần tạo điều kiện thuận lợi để người học trò bộc lộ những nét tính cách, nhu cầu cũng như nguyện vọng, sau đó giáo viên có thể tháo gỡ, trợ giúp và định hướng cho học trò của mình.
Nguyên tắc có tính thiện chí trong giao tiếp: nghĩa là người giáo viên luôn suy nghĩ tích cực và thường xuyên thể hiện sự thương yêu, tin tưởng, cảm thông, động viên, khích lệ đến những người học trò.
Nguyên tắc đồng cảm trong giao tiếp: người giáo viên phải đặt mình vào trong vị trí của người học trò để có thể cảm thông, chia sẻ và biết học trò của mình đang cần gì…
3. Nguyên tắc ứng xử sư phạm của đức Phật 

Nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc “mô phạm trong giao tiếp”, quả thật đức Thích Ca Nâu Ni là một bậc Thầy mô phạm, là tấm gương sáng ngời cho tất cả học trò của biết bao thế hệ và mãi cho đến ngày nay tất cả thế giới đều đang ngưỡng mộ Ngài. Nguyên tắc này đã được trình bày trong phần “Đức Phật là nhà giáo dục mô phạm”. Có thể nói, từ trước đến nay chưa có một nhà giáo dục nào có nhân cách đạo đức, lòng từ bi, trí tuệ vượt trội hơn đức Phật.
Với nguyên tắc “tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp”, đức Phật cũng sử dụng một cách hiệu quả. Qua kinh điển, chúng ta thấy trong tất cả các cuộc đối thoại, dù người đó có chống đối hay không chống đối đức Phật, nhưng sau cuộc nói chuyện họ đều rất hoan hỷ và thán phục đức Thế Tôn. Đó là chưa nói đến có rất nhiều người đã đảnh lễ và xin được làm đệ tử của Ngài ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Điều này cũng đủ nói lên nhân cách và khả năng giao tiếp, ứng xử của Ngài và dĩ nhiên không thể thiếu yếu tố “tôn trọng”.
Thông thường các vị giáo chủ của các tôn giáo khác giữ một khoảng cách rất xa đối với các đệ tử của mình, nhưng đức Phật thì không như vậy, với trí tuệ và tấm lòng từ bi, Ngài luôn quan tâm đến người khác và rất cảm thông, chia sẻ với những học trò của mình: “Này Kassapa, ông nay đã già rồi, y phấn tảo, vải thô của ông đã cũ nát, đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và hãy ở gần bên ta”. 
Với một lời nói xuất phát từ tấm lòng thương yêu với hàng môn đệ như vậy cũng đủ chứng minh, đức Phật luôn thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả những học trò của mình và không những thế mà tất cả những ai đến gặp Ngài đều cảm thấy an lạc và hạnh phúc. Ngay cả những vị vua hay Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đến gặp Phật để tra vấn và muốn chống đối Ngài, nhưng qua cuộc đàm thoại các vị ấy phải thốt lên: “Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chính pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Và nay con xin Quy y Thế Tôn, Quy y Pháp, Quy y Tỷ-kheo Tăng.”  
Nguyên tắc “có tính thiện chí trong giao tiếp” và “đồng cảm trong giao tiếp” đã nằm trong hai nguyên tắc trên. Bởi lẽ, mục đích đức Phật ra đời là ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Với tâm nguyện đó, Ngài luôn thương yêu, cảm thông sâu sắc nỗi thống khổ của tất cả chúng sinh (đồng cảm) và tìm mọi phương pháp thích hợp nhất để khuyến khích, động viên (thiện chí) họ vượt thoát những nỗi khổ đau của kiếp người. Câu chuyện của người phụ nữ bị điên (phân tích ở phần trước) đã nói lên hết những điều đó. Đây là một trường hợp rất đặc biệt mà các nhà giáo dục bình thường không thể nào làm được. Như vậy, không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc của một nhà giáo trong ứng xử sư phạm mà đức Phật cùng một lúc đảm nhận nhiều vai trò: người thầy, người bạn, nhà phân tích tâm lý tài ba, bậc Đạo sư đáng kính, nhà lãnh đạo tôn giáo… Vì vậy, ngoài những nguyên tắc phổ thông trên, đức Phật còn sử dụng những nguyên tắc giáo dục khác nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho đối tượng được giáo dục. Những nguyên tắc này là những nguyên tắc vàng và cũng là chân lý thích hợp trong mọi thời đại mà chỉ có bậc Giác ngộ với trí tuệ mới có thể nhận ra và vận dụng vào con đường hoằng pháp lợi sinh của Ngài cách đây hơn 25 thế kỷ mà đến hôm nay nó mới được ứng dụng một cách rời rạc trong các ngành Tâm lý học, Giáo dục học. Những nguyên tắc đó là:

3.1. Nguyên tắc Khế lý – khế cơ – khế thời

Đây là nguyên tắc căn bản nhất trong con đường hoằng pháp lợi sinh của đức Phật. Như chúng ta đã biết, mỗi sáng đức Phật thường quán chiếu xem chúng sinh nào hôm nay cần được hóa độ thì Ngài sẽ đi đến giáo hóa. Tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh của mỗi người, đức Phật giảng giải, đặt vấn đề và dạy những bài pháp khác nhau. Phương thức giáo dục hữu hiệu và hợp lý nhất của học đường hiện nay là phương thức giáo dục cá nhân mà không phải là giáo dục tập thể, vì mỗi học viên có các điều kiện, tâm – sinh – vật lý, tình cảm, trí tuệ và điều kiện sống khác nhau, nên cần được đón nhận các điều kiện, phương thức giáo dục và nội dung khác nhau. Đây chính là nguyên tắc Khế lý – khế cơ – khế thời.
Khế lý có nghĩa là giáo pháp của đức Phật giảng dạy cho chúng sinh đều phù hợp với chân lý, phù hợp với đạo như giáo lý Tứ Đế, Duyên Khởi, Nhân quả, Nghiệp báo,v.v… Khế cơ là khi đức Phật hóa độ ai, Ngài đều tùy theo căn cơ, trình độ, tâm lý của mỗi người mà giảng dạy, hóa độ họ. Ví dụ, cũng là phương pháp hành thiền Tứ Niệm xứ, đối với các Tỳ-kheo, đức Phật sẽ giảng dạy cách thực hành gồm 21 bài tập thiền quán  để mỗi vị có thể tùy theo khả năng của mình mà chọn lựa một cách thích hợp nhất; còn với một người thợ thụt bễ lò rèn thì đức Phật sẽ dạy cách thực tập đơn giản để người thợ rèn ấy vừa làm công việc của mình vừa có thể thực hành một cách hiệu quả là phương pháp đếm hơi thở; đối tượng là người phu giữ mộ ở nghĩa địa, Phật dạy cho phương pháp tu quán bất tịnh. Đây là lối giáo dục gọi là đương cơ tuỳ theo đối tượng, được áp dụng rộng rãi trong Phật giáo một cách linh động. Còn Khế thời là đức Phật tùy theo độ tuổi, thời gian, địa điểm để giảng dạy những bài Pháp khác nhau, khiến cho tác dụng của thời Pháp được tăng thêm hiệu quả. 
Chúng ta tách riêng như vậy để dễ nhận hiểu, nhưng thực sự cả ba yếu tố “Khế lý – khế cơ – khế thời”, là một nguyên tắc mà đức Phật sử dụng nó một cách nhuần nhuyễn và chúng đan xen vào nhau. Ví dụ như bài pháp Tứ Đế, đức Phật nói rõ bề bốn chân lý, bốn sự thật, nhưng bốn sự thật này chỉ có bậc Giác ngộ mới nhìn thấy một cách như thật, rốt ráo (khế lý). Trong kinh mô tả về bài pháp này như sau:  Sau khi giác ngộ, đức Thế Tôn quyết định lên đường giáo hóa và khởi đầu thuyết pháp độ năm anh em Tôn giả Kiều-trần-như, năm người bạn cũ cùng tu khổ hạnh; có nghĩa là những vị này đang tu tập để tìm con đường thoát khổ và thời gian tu tập, chiêm nghiệm đã đến lúc để đức Phật có thể khai mở tuệ giác. Mặc khác, khi đức Phật đến với một oai nghi trang nghiêm, phong thái thanh thoát thì những ý nghĩ về đức Gotama là một bậc đã giải thoát là thời khắc quan trọng để họ có thể có đủ niềm tin để lắng nghe giáo pháp, con đường thoát khổ mà đức Phật dạy. Vì vậy, ngay sau thời pháp, năm anh em Kiều-trần-như đều chứng đắc các Thánh quả. (khế cơ – khế thời).
Như vậy, tinh thần giáo dục cá nhân với nguyên tắc này được đức Thế Tôn đã thực sự áp dụng từ buổi đầu giáo hóa. “Hình ảnh hồ sen có những cọng sen chưa ra khỏi bùn, có những cọng sen vừa ra khỏi bùn, có những cọng sen ở lưng chừng nước, cũng có những cọng sen vươn ra khỏi mặt nước, tiếp thu được ánh sáng mặt trời và tỏa ngát hương. Cũng thế, con người có những căn trí bất đồng, có người chóng hiểu, có người chậm hiểu, có người nặng về tham, có người nặng về sân, có người nặng về si, có người thích tịnh, có người thích hiếu động v.v… Nhưng tất cả, qua quá trình giáo dục, lần lượt sẽ như cánh sen vươn ra khỏi nước để trực tiếp tiếp thu giáo lý giải thoát. Thế là Thế Tôn không ngần ngại lên đường giảng dạy, giáo hóa tuỳ theo căn cơ, khích lệ khiến cho mọi người đều được lợi ích, an lạc và giải thoát.” 
Ngoài ra, đức Phật còn sử dụng rất thiện xảo nguyên tắc này trong việc diễn đạt ngôn ngữ, cung cách diễn đạt và tâm lý thích ứng đối với đối tượng nghe Pháp, như nói chuyện với nông dân, đức Thế Tôn dùng ngôn ngữ, hình ảnh và những vấn đề liên quan đến đời sống của người nông dân; đến với chúng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Thế Tôn biểu hiện cung cách và ngôn ngữ của chính họ. Ngay cả giới luật, đức Thế Tôn thiết lập trên nguyên tắc này: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Nam, Nữ cư sĩ đều có những giới luật riêng, nhưng những giới điều căn bản nhất thuộc về Tính tội thì cả hai đều như nhau.
Ngày nay, giáo dục các nước trên thế giới đã vận dụng nguyên tắc “Khế lý – khế cơ – khế thời” vào việc dạy học, vào việc chọn môn học, ngành học và nghề nghiệp cho học viên với những phương pháp thích hợp và cơ sở vật chất hiện đại. Tất cả những phương tiện đó đi kèm với tâm lý giáo dục (lứa tuổi) là điểm nổi bật tại các trường học nổi tiếng hiện nay. Nhưng thật sự nguyên tắc giáo dục này được đức Phật sử dụng rất thiện xảo trong con đường giáo hóa của Ngài cách đây hơn 25 thế kỷ.

3.2. Nguyên tắc Văn – tư – tu (Lắng nghe – suy nghĩ – thực hành)

Đây là một nguyên tắc rất thiết thực và cụ thể. Nguyên tắc này nói lên quá trình học tập và rèn luyện mình theo một trình tự nhất định. Giáo pháp của đức Phật là “đến để mà thấy” tức là khi chúng ta học tập giáo pháp được nói ra từ đức Phật, một bậc giác ngộ, nhưng không vì thế mà tin ngay. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe, học tập, chúng ta phải suy nghĩ, tư duy, kiểm chứng lại vấn đề và sau đó mới áp dụng tu tập, thực hành những lời Phật dạy bằng trí tuệ chứ không bằng niềm tin mù quáng. Trong kinh Tăng Chi Bộ, chính đức Phật đã dạy về thái độ học tập và tư duy một cách độc lập như sau: “Này Kalama, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra là những lời ấy là bậc đạo sư của chính minh. Nhưng này Kalama, khi nào các ông suy nghĩ tự mình biết rõ điều ấy là đúng, điều ấy đưa đến an lạc hãy tin theo”.  Đoạn kinh này đã nói lên quan điểm của đức Phật về quá trình nhận thức một vấn đề: Nghe suy nghĩ, thực hành. Đây cũng chính là nguyên tắc giáo dục của đức Phật.
Quá trình nhận thức được bắt đầu bằng “văn”. Văn chính là nghe, học hỏi; văn là “đa văn” đồng nghĩa với danh từ tri thức. Nói cách khác, văn là chú ý lắng nghe, tập trung hiểu rõ những nội dung học tập, đây chính là bước đầu tiên trong quá trình nhận thức. Ở đây chúng ta nên mở rộng vấn đề, trong giai đoạn hiện nay, đệ tử Phật cần phải học tập cả ngoại điển (trình độ, học vấn phổ thông) và cả nội điển (giáo pháp của đức Phật đã giảng dạy tựu trung thành ba tạng Kinh – Luật – Luận). Có như vậy mới có thể có cơ hội hoàn thiện bản thân và góp phần vào công tác hoằng dương chính pháp. Giống như một con chim cần có hai cánh để bay. Nếu chỉ có một cánh thì nó phải ở trên mặt đất và không bao giờ có thể hưởng được nguồn an vui hạnh phúc bay liệng giữa các từng mây. Hai cánh đó là hai cánh giáo dục , một là nền giáo dục thế tục, hai là nền giáo dục tôn giáo, tức giáo lý Phật giáo. Cũng vậy, chúng ta cũng cần am hiểu cả nội điển lẫn ngoại điển để có thể hoàn thiện bản thân và trở thành những con người hữu ích giúp ích cho xã hội.
Tuy nhiên, nếu chỉ nghe và học mà không có tư duy, suy nghĩ hay quán chiếu, kiểm chứng về các nội dung kiến thức đã học và làm thế nào để vận dụng nó. Đặc biệt, nếu nghe nhiều mà không tư duy về nó, không kiểm nghiệm thì mãi mãi chúng ta cũng không thể tiếp nhận được khối kiến thức đã học. Nếu có tiếp nhận đi chăng nữa thì cũng chỉ một mớ kiến thức hỗn tạp, thô thiển và đôi khi nó phản tác dụng và có thể dẫn con người ta rơi vào chỗ sai lầm, tội lỗi. Quá trình tư duy, chính là kiểm chứng lại những gì chúng ta đã học, đã nghe xem có đúng hay không, nó đem lại lợi ích gì, mặt trái – phải của nó như thế nào. Tư duy cũng là quá trình thiền quán, con đường dẫn đến phát sinh trí tuệ. Chính vì vậy, tôn giả A-nan, đệ nhất đa văn đã dạy chúng ta: 
“Nghe nhiều, thọ trì pháp
Có tuệ, đệ tử Phật,
Chờ đợi thức tri pháp,
Nên thân cận vị ấy.” 
Kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức đó có hay không là do tu mà có được. Tu chính là thực hiện, là hành trì những gì chúng ta đã nghe, đã học và đã tư duy về nó. Tu mới có thể đem lại lợi ích từ việc nhận thức đúng một vấn đề, là mở ra con đường để đi đến mục tiêu cuối cùng. Tu tuệ chính là khả năng tiếp nhận trí tuệ khi vấn đề được hiểu một cách rõ ràng. Chính vì vậy, trong giáo pháp của đức Phật, yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc thực hành. Nếu học mà không tu thì con người ta chỉ học một mớ lý thuyết suông, nó chỉ là dáng vẻ bề ngoài mà thôi. Điều này giống như cái muỗng tuy nó nằm trong tô canh nhưng nó không hề biết được hương vị của canh, chỉ có người nếm mới có thể biết được hương vị của canh mà thôi. Tuy nhiên, phải đặt vấn đề ngược lại nếu tu mà không học và tư duy sẽ như thế nào? Nếu tu mà không  học thì con đường tu sẽ mờ mịt và không có lối thoát và rất dễ rơi vào tà đạo, tà kiến.
Như vậy, Văn, Tư, Tu là 3 phương cách để có được Trí tuệ. Đây là nguyên tắc của quá trình nhận thức và cũng là tiến trình nhận thức một vấn đề. Cũng vậy, giáo pháp mà đức Phật dạy để đem lại an vui, giải thoát cho tất những ai lắng nghe, tư duy nghiêm túc và thực hành nó một cách miên mật như lời Phật dạy. Đây là con đường tắt để đi đến Giác ngộ giải thoát.

3.3. Nguyên tắc Như lý tác ý

Trong cuộc sống, có nhiều cách nhận thức khác nhau tùy theo trình độ căn cơ của mỗi chúng sinh. Từ nhận thức đó mà con người tự chọn lựa cho mình một cuộc sống an vui hạnh phúc hay khổ đau; phàm Thánh cũng từ nhận thức này mà có mặt. Ðức Phật giáo dục tất cả môn đệ của Ngài biết nhận thức một cách đúng đắn để thấy rõ sự thật của vạn pháp. Như chúng ta biết, mục đích hoằng truyền chính pháp là đức Phật muốn giúp con người nhận ra giá trị chân thật, sống an vui giải thoát ngay trong cuộc đời này. Một trong những phương thức đem lại niềm an vui, hạnh phúc, đó là “Như lý tác ý”.
Như lý tác ý là cách viết theo cấu trúc Hán Việt, thay vì phải gọi là “tác ý như lý” là cách dụng tâm hay nhận thức phù hợp với “đạo” hay nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Đây là cách thức đặt tâm vào quỷ đạo chân lý, phản ánh loại nhận thức sự kiện phù hợp với luật duyên khởi, luật nhân quả. Nếu ai nhận thức rõ vô ngã, duyên khởi sẽ làm dấy khởi vô tham, vô sân, vô si, dẫn đến thắng tri, liễu tri các pháp, chơn chính giác ngộ Chính đẳng Chính giác. Do như lý tác ý, hành giả sẽ chuyển hóa được những đau khổ, ô nhiễm, sống lành mạnh và hạnh phúc trong hiện tại. Không như lý tác ý hay còn gọi là “tác ý không như lý” tức là cách nhận thức không phù hợp với “đạo”, hay nhận thức trái ngược lại với nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Không như lý tác ý là khiến cho các lậu hoặc chưa sinh thì pháp sinh mà các lậu hoặc đã phát sinh thì ngày càng tăng trưởng. 
Như chúng ta biết, vạn vật trên cuộc đời này đều theo quy luật sinh, trụ, dị diệt và tất cả đều do duyên sinh. Mà đã do duyên sinh thì nó không có ngã tướng và luôn thay đổi. Trong kinh Phật Tự Thuyết, nguyên lý Duyên khởi đã được Thế Tôn tóm tắt:
“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.
Do cái này sinh nên cái kia sinh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt.” 
Tác ý là nền tảng nhận thức, theo đó, lậu hoặc sinh khởi hay bị đoạn diệt. Do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sinh được sinh khởi và các lậu hoặc đã sinh được tăng trưởng. Ngược lại, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sinh không sinh khởi và các lậu hoặc đã sinh được trừ diệt.
Hàng phàm phu do không thấy rõ thật tướng các pháp, chấp chặt vào thế giới ngã tướng nên tác ý các pháp không cần tác ý, mà không tác ý các pháp cần tác ý. Do đó những lậu hoặc chưa sinh thì làm phát sinh, các lậu hoặc đã sinh thì làm tăng trưởng. Và hậu quả của quá trình nhận thức sai lầm này là khiến chúng sinh chấp thủ, sinh ra các kiến chấp sai lầm, đau khổ, mê muội. Do bị tà kiến trói buộc, phàm phu không được giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết trầm luân trong sinh tử luân hồi. Ngược lại, nhờ tuệ tri nên tác ý các pháp cần tác ý và không tác ý các pháp không cần tác ý, nhờ vậy những lậu hoặc chưa sinh thì không sinh khởi và các lậu hoặc đã sinh thì đoạn trừ, không khởi lên các tà kiến, và do như lý tác lý “đây là khổ, đây là khổ tập …”, những phiền não, kiết sử được trừ diệt. 
Còn dùng phân biệt trí để thấy có đối tượng, đối vật, thấy có chủ thể là rơi vào chấp có; thế thì cái thấy cái biết đó bị giới hạn nên không thể liễu tri. Nhìn biết sự vật tính vốn như thật là duyên sinh tính, vô ngã tính thì thoát khỏi vòng vướng mắc, dập tắt mọi khổ đau. Như vậy, nguyên tắc này dạy chúng ta cách thức tác ý dụng tâm để mang lại giá trị hạnh phúc và an vui. Trong cuộc sống, nhận thức được xem là đầu mối của khổ đau hoặc hạnh phúc, sinh tử hoặc giải thoát. Vấn đề không nằm ở đối tượng được nhận thức, mà nằm ở thái độ, xu hướng của nhận thức. Với trí tuệ của một bậc giác ngộ, đức Phật đã khéo léo vận dụng nguyên tắc này trong việc giảng dạy, hướng dẫn hàng đệ tử cũng như tất cả mọi người đạt được lợi ích lớn trong hiện tại và tương lai. 

4. Kết luận và kiến nghị 

Qua những gì chúng ta vừa thảo luận, đó chỉ là những bài học rất nhỏ so với Tam tạng kinh điển mà đức Phật đã để lại, nhưng rõ ràng những lời dạy ấy cũng đủ để chúng ta nhận thấy Ngài là một nhà giáo dục mô phạm với một hệ thống giáo dục hoàn bị. Đức Phật giảng dạy, giáo hóa chúng sinh với những nguyên tắc ứng xử sư phạm và nội dung, phương pháp giảng dạy thích hợp cho mọi thời đại đem lại lợi ích lớn cho tất cả những ai được học giáo pháp từ Ngài. 
Với nghệ thuật giảng dạy và thái độ ứng xử đầy lòng từ bi cùng với nhân cách toàn mỹ, đức Phật dường như đã sử dụng tất cả các nguyên tắc ứng xử sư phạm của giáo dục đương thời. Bên cạnh đó, đức Phật còn vận dụng những nguyên tắc riêng của mình, đó là nguyên tắc “Văn – tư – tu”, nguyên tắc “Khế lý – khế cơ – khế thời”, v.v… Với những nguyên tắc sư phạm này, đức Phật đã dẫn dắt con người từ mê thành ngộ, từ xấu thành tốt, từ phàm thành Thánh, trong đó điểm mà chúng ta đang bàn, đó là giúp cho con người hoàn thiện và trở nên ‘người’ hơn. Quả thật, đức Phật là bậc Thầy mô phạm; con đường giáo dục của Ngài, những nghệ thuật giảng dạy của Ngài có giá trị vượt thoát không gian và thời gian, vì vậy, người viết đề xuất một số kiến nghị như sau: 
Đã đến lúc, chúng ta dẹp bỏ tư tưởng cho rằng “tôn giáo là một thứ thuốc phiện” đối với Phật giáo. Hơn thế nữa, chúng ta cần có thái độ nghiêm túc nghiên cứu giáo lý Phật giáo để nhận ra những giá trị mà Phật giáo đã cống hiến cho nhân loại, nhất là về giáo dục. 
Với những gì mà giáo dục Phật giáo đã làm và đang làm cho giáo dục, cho xã hội, các nhà giáo dục cần quan tâm nhiều hơn về hệ thống giáo dục Phật giáo và đánh giá một cách chính xác về giá trị mà nền giáo dục này đã mang lại; từ đó có những giải pháp thích hợp để đưa giáo dục Phật giáo vào hệ thống giáo dục quốc dân, hoặc ít ra cũng có thể xây dựng một nghành cho việc nghiên cứu, ứng dụng giáo lý Phật giáo trong xã hội hiện đại.
Người ‘thầy’ đang mất dần những hình ảnh đáng quý trong lòng học trò của mình và mọi người trong xã hội, nguyên nhân chính là do yếu kém trong vấn đề giao tiếp và ứng xử sư phạm. Vì vậy điều quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết là có những giải pháp để khắc phục tình trạng trên, có như vậy mới mong phần nào đem lại sắc thái mới cho giáo dục và tạo dựng lại hình ảnh người thầy là “kỹ sư tâm hồn” cho thế hệ trẻ như một thời đã tôn vinh. 
Ngày nay, vai trò thân giáo của người thầy ngày càng trở nên kém hiệu quả. Vì vậy, Bộ Giáo dục và các trường sư phạm, nơi đào tạo ra những người Thầy cần phải xem lại quá trình đào tạo, nội dung đào tạo… đã đúng mục đích hay chưa và tìm ra phương hướng giải quyết, đặc biệt không nên xem nhẹ “thân giáo” từ người thầy.
Đức Phật là bậc thầy mô phạm bậc nhất và có những cống hiến lớn cho nhân loại về mọi mặt, nhất là giáo dục. Vì vậy, chúng ta nên học tập từ Ngài, điều đó giúp chúng ta tự hoàn thiện mình, đem lại hạnh phúc cho mình và giúp ích cho cuộc đời. Đây chính là mục tiêu của giáo dục Phật giáo mà giáo dục hiện đại chưa làm được.

Nguồn:phatgiao.org.vn
Đoàn Vũ Thị Hường
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015

————————————————–
THƯ MỤC THAM KHẢO
I.Đại tạng kinh Việt Nam 
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thích Trí Tịnh. (dịch). Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2000.
Kinh Tăng Chi Bộ. (2005). Tập I. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. 
Kinh Tiểu Bộ. (2015). Tập I. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Tiểu Bộ. (2015). Tập IV. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Trung Bộ. (2003). Tập I. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Trung Bộ. (2005). Tập II. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Trung Bộ. (2001). Tập III. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Trường Bộ. (2013). [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Tương Ưng Bộ. (2013). Tập I. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Kinh Tương Ưng Bộ. (2013). Tập II. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
II. Sách tham khảo
Ban Giáo dục Tăng Ni TW. Giáo dục Phật giáo Việt Nam định hướng và phát triển. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. 2012. 
Nguyễn Thị Hồng Bích & Võ Văn Nam, (2004). Giáo dục học đại cương. HCM: Trường Đại học Sư Phạm
Daniel Goleman. (1995). Emotional Intelligence (Trí Tuệ Xúc Cảm). [Tài liệu dịch] (2008). Hà Nội: NXB Lao Động – Xã Hội
Ernest K. S. Hunt.(1962). Đức Phật và giáo pháp của Ngài. file:///E:/budsas_m/uni/u-phatgiaophap/giaophap-02.htm 
H.W. Schumann (1982). The Historical Buddha (Ðức Phật Lịch Sử). Trần Phương Lan (dịch). (1997). NXB Tp.HCM. 
K.Sri Dhammananada. Phật Giáo dưới mắt nhà trí thức. Thích Tâm Quang (dịch). (1994). file:///E:/budsas_m/uni/u-pg-trithuc/pgtrithuc00.htm
Narada. (1980). The Buddha and His Teachings (Đức Phật và Phật Pháp). Phạm Kim Khánh (dịch). (2008). Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
Ngô Công Hoàn. (1997). Giao tiếp và ứng xử sư phạm. Hà Nội: NXB Đại Học Quốc Gia. Trần Thị Hương. (chủ biên) (2009). Giáo trình Giáo dục học phổ thông. HCM: NXB Đại học Sư phạm. 
Thích Chơn Thiện. (2006). Phật Học Khái Luận. HCM: NXB Văn Hóa Sài Gòn.
Trịnh Trúc Lâm và Nguyễn Văn Hộ. (1993). Ứng Xử Sư Phạm. Hà Nội: NXB Đại Học Quốc Gia.
Viện Nghiên cứu PHVN. (2003). Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. 2001.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here