Nguyên tắc hoà bình đầu tiên nhắc đến ứng xử bất bạo động. Hành vi bất bạo động thể hiện ở ba yếu tố: hành động, lời nói và suy nghĩ. Hành động bất bạo động là không sử dụng vũ lực để đàn áp, chống đối hay đấu tranh. Các vấn đề bất đồng được giải quyết thông qua đối thoại, thoả thuận và hoà giải theo đường lối hoà bình.
Con người có thể kiềm chế đến mức vô tận nên để điều đó xảy ra không đặt mức giới hạn nào. Lời nói bất bạo động hàm chứa sự giải bày, thông cảm và hàn gắn, không mang tính chỉ trích, lên án hay buộc tội. Sự thấu hiểu bắt đầu bằng việc lắng nghe và nói lời chân thành, đây không chỉ là sự giao tiếp bằng ngôn ngữ hay các phương tiện truyền thông, mà giao tiếp bằng tâm hồn, kết nói trái tim với nhau. Con người có khả năng nói lời ái ngữ, lời hoà nhã, chứa đựng tuệ giác của từ bi, bao dung và áp dụng phương pháp này để cải tạo lại thế giới. Suy nghĩ bất bạo động giúp nhìn vào các nguyên nhân của sự kiện, không nhìn bằng con mắt bề ngoài hay bị kẹt vào hình tướng. Tâm bất bạo động dẫn đến suy nghĩ bất bạo động, bản thân có nhiều hạnh phúc nên nhìn đời và ứng xử với đời bằng con mắt của hạnh phúc.
Con người đều có thể bạo động và bất bạo động nhưng bạo động phát sinh rất dễ và bất bạo động cũng không phải khó. Bạo động gây chiến tranh nhưng bất bạo động là phe của hoà bình. Vậy tại sao phải mất thời gian cho chiến tranh mà không đầu tư cho hoà bình? Bất bạo động là khả năng có thật nên hoà bình cũng là trạng thái có thật. Sự liên tiếp của hoà bình là kết quả của diễn tiến bất bạo động. Chỉ cần phản ứng nhỏ trong hoà bình thì hoà bình đã được thành tựu nói chi những phản ứng hoà bình vĩ đại. Em bé đang đau bụng, mẹ lấy dầu sức vào lỗ rốn và xoa bóp bụng cho bé, đồng thời dùng lời êm ái an ủi, em bé đỡ đau và cảm thấy an tâm. Nhưng nếu mẹ la rầy em bé ăn uống không cẩn thận, không vệ sinh đôi tay sạch sẽ và còn lấy roi mây hăm he đánh đòn nữa, em bé không chỉ đau thêm mà còn trở nên bạo động như người mẹ. Vì vậy, cách ứng xử rất quan trọng. Ứng xử nhẹ nhàng, nhà chính trị có nhiều bạn bè, ứng xử dữ dội, nhà chính trị mất bạn bè.
Không còn phân biệt đối tượng của ứng xử sẽ không rơi vào bạo động và chỉ an trú trong bất bạo động. Nhiều hành vi cởi mở được áp dụng làm cho mảnh đất bất bạo động thêm màu mỡ. Quán chiếu hậu quả của bạo động và các tiềm năng ghê sợ sẽ phát sinh từ đó, con người chán ghét chiến tranh và không muốn sống chung với chiến tranh nữa. Quán chiếu kết quả của bất bạo động và các tiềm năng đẹp đẽ sẽ phát sinh từ đó, con người đam mê hoà bình và chỉ muốn sống chung với hoà bình. Nếu vẫn còn phân biệt đối tượng như quốc gia này là đồng minh và quốc gia kia thì không, lúc này nhà chính trị đã bắt đầu triển khai bạo động rồi. Tuy nhiên, xem tất cả các nước đều là bạn hay đồng minh thì bất bạo động có cơ hội chứng tỏ hơn. Hãy để bạo động ngủ yên và đánh động cho được bất bạo động, phát hiện, nuôi dưỡng và lớn lên. Cuộc đời nhà chính trị sẽ rất đẹp khi chạm được niềm vui trong công việc, góp nhặt những tinh hoa hạnh phúc và hoà bình hiện tiền bên trong lẫn bên ngoài cơ thể.
Bất bạo động không phải là ý niệm mà là sự thật. Niềm tin vào hoà giải và hoà hợp nên thực tập bất bạo động. Chính niềm tin này nhà chính trị cắm rễ vào hoà bình và cam kết với dân tộc chỉ hành xử hoà bình trong tất cả trường hợp. Tính kiên nhẫn rất quan trọng, vì đó là tiền đề của thành công và tái tạo sức mạnh. Hành vi bất bạo động bình thường nhưng rất đặc biệt vì nó góp phần vào nấc thang văn minh của nhân loại. Có thể xem việc xây dựng kim tự tháp, phát triển khoa học hay nâng cao tri thức là văn minh nhưng bất bạo động là cách bảo tồn nền văn minh hay hơn cả. Các nền văn minh bị xoá sổ đều do các hành động bạo động gây ra và để chúng được duy trì lâu, chắc hẳn con người phải biết làm gì. Tinh tấn trong việc thực tập hạnh phúc, lắng nghe để hiểu và thương cho được người làm mình đau, tự nhiên trong lòng ứa ra nỗi khát khao tha thứ và chuyển hoá các khổ đau.
Bạo động là kết quả của người đầy dẫy khổ đau, không biết cách chuyển hoá, không biết nếm trải được tình thương và hết sức cô đơn. Hận thù con người này chỉ làm cho bản thân khổ. Nhà chính trị tập sống quen với hận thù để thấy nó như kiến cắn và giải quyết bằng cách lấy dầu xức vào vết thương rồi thực tập để hận thù không xảy ra nữa. Hận thù chỉ là ý niệm nên nếu can đảm bỏ ý niệm đó đi thì hận thù không còn, nguyên nhân dẫn đến bạo động đã được chuyển hóa. Thực tập tương tự với việc tranh giành, si mê, đau đớn, mất mát… Nếu trói buộc bản thân bằng những sợi dây này, nhà chính trị cột lấy đời mình và không còn tự do nữa. Bất bạo động không có nghĩa im lặng, bất động mà phải tìm cách hiểu người và sử dụng các phương tiện hữu hiệu để giúp người hiểu mình. Bản thân thực tập bất bạo động nhưng cũng gợi ý và hướng dẫn người kia cũng thực tập như vậy. Sự hợp tác sẽ trở lại và có khi tính đồng thuận dâng cao hơn trước rất nhiều.
Tâm bạo động được chuyển hóa thì nhà chính trị làm ăn dễ dàng. Những gì khó nói trước đây bây giờ nói được, những gì khó làm trước đây thì bây giờ làm được. Tại sao phải bạo động với nhau trong khi tiềm năng bất bạo động rất lớn, khai thác được tiềm năng này, con người hạnh phúc vô cùng và tận hưởng hoà bình không hết. Liên Hiệp Quốc là nơi đi tiên phong trong việc hành xử bất bạo động để đập tan những vọng tưởng về hoà bình, về cái gọi là sử dụng bạo lực gìn giữ hoà bình.
Ý niệm sai lầm về gìn giữ hoà bình dẫn đến việc hiểu sai về hoà bình nên con người hành xử trong việc gìn giữ hoà bình hay thực tập hoà bình cũng sai theo. Người Việt Nam có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nếu hiểu câu này theo kiểu suy diễn là thương nên phải đánh đòn để dạy dỗ con cái nên người và nạn bạo hành con cái xảy ra vì hiểu theo cái kiểu như vậy. Hoặc là ghét bỏ người nào thì nói ngon nói ngọt để người kia dễ bị mắc bẫy và cách ăn nói thiếu chánh niệm xảy ra cũng vì hiểu theo kiểu như vậy. Thương nên nói lên sự thật để người không còn u mê nữa và vì không thương nên không thèm nói sự thật để người u mê mãi mãi. Nhà chính trị sợ nói thẳng sẽ đi vào lối u mê rồi khó chuyển hóa bạo động, nhưng chỉ cần cởi mở để lắng nghe rồi đón nhận làm u mê tan biến thì dễ dàng chuyển hoá bạo động.
Biến cố Thiên An Môn là bằng chứng cho hành xử bạo động của nhà chính trị. Giải quyết một vụ biểu tình đâu cần phải dùng xe tăng hay súng đạn và muốn biểu tình không xảy ra thì đừng làm gì để dẫn đến biểu tình. Trung Quốc có khả năng giải quyết biểu tình bằng con đường bất bạo động, bằng đối thoại và bằng lắng nghe thì bây giờ họ đâu phải khổ sở ngăn chặn các trang mạng, ngăn cấm báo chí nói về sự kiện hay không tổ chức các buổi lễ tưởng niệm. Hành vi bạo động chỉ nói nên sự bế tắc của con người, không dám đương đầu với sự thật hoặc không đủ can đảm để thể hiện tính bất bạo động của mình. Xe tăng chỉ là một đồ vật nhưng nó bị lợi dụng để làm chuyện bạo động. Chỉ cần đối xử hoà nhã, con người có thể xóa bỏ hận thù ngay tức khắc cho dù nó đã từng chất cao như núi.
Nhưng nếu đối xử bằng đàn áp, trái núi kia phình to ra tưởng chừng không gì có thể tàn phá nổi. Sự phản đối hay chỉ trích mang tính vô thường, mình tập nghe nhạc êm dịu được thì cũng phải tập nghe nhạc không êm dịu. Lời chỉ trích nói ra rồi bay đi theo gió, nó không đọng lại trên cành cây hay mặt đường. Nhà chính trị nghe lời chỉ trích, chấp nhận nó và xem đó là điều kiện để thay đổi và phát triển bản thân. Nếu Tây phương không chỉ trích, không lên án, không phản đối thì Trung Quốc chắc vẫn sẽ không mở cửa nền kinh tế, không bước ra thế giới và không phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Biến cố Thiên An Môn là bài học xương máu cho những ai chỉ biết sử dụng bạo động và coi mạng người như cỏ rác. Vậy vấn đề bây giờ không phải giải quyết các hậu quả của nó mà vấn đề là mỗi con người cần thực tập như thế nào để không còn biến cố nào nữa, không còn cảnh đổ máu nào nữa. Việc Hong Kong và Macau trở về với Trung Quốc đại lục một cách êm thấm và hoà bình, thật là đẹp, đâu cần phải bạo động, đâu cần đến súng đạn hay xe tăng.
Nhà chính trị rèn luyện cho mình tư duy bất bạo động sẽ đi vào lòng dân chúng mau và lâu hơn. Con người trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh từ trong nước cũng như nước ngoài nên đừng tạo ra cuộc chiến mới. Tư duy bất bạo động sẽ giúp các quốc gia hoà thuận với nhau, cả bên trong lẫn bên ngoài. Đây là tính chất quan trọng của tư duy chính trị, vượt thắng mọi sự sợ hãi, tham lam, ích kỷ và độc ác. Hành vi tham nhũng được xem là kết quả của suy nghĩ bạo động trong khi hành vi liêm khiết hay thực tập sự minh bạch là kết quả của suy nghĩ bất bạo động. Nói tóm lại ứng xử bất bạo động áp dụng cho mọi đối tượng của chính trị, mọi thành phần xã hội và mọi lúc mọi nơi. Ứng xử này không đơn thuần sử dụng trong quân đội, ngoại giao, an ninh quốc gia mà còn trong đời sống hàng ngày, đem vào giáo dục, phát triển kinh tế, văn hoá, cộng đồng hay xây dựng các mối quan hệ. Văn hoá doanh nghiệp có nhắc đến hành vi ứng xử và một số hành vi mang hơi hướm của tinh thần bất bạo động nhưng thiết nghĩ tinh thần này đưa vào áp dụng chính trong doanh nghiệp. Cũng vậy, chính trị lấy tinh thần bất bạo động làm giá trị nuôi dưỡng hoà bình và phát triển văn hoá. Có thể gọi là văn hoá bất bạo động. Đặt tên gì cũng được nhưng chỉ có thực tập mới cảm thấy an lành, còn nói mà không làm thì mọi lời nói đều vô nghĩa.
Đ.L.T
Vườn hoa Phật giáo