Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ mây trắng

Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ mây trắng

192
0

(LQ) Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh nói về thơ: “Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homere đến Kinh Thi đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế.”

Thật vậy, thi ca là tiếng lòng muôn thuở muôn nơi, là giọt lệ trộn lẫn với nụ cười, là tiếng thở than, ngậm ngùi thân phận, hay cũng là tiếng hát ca hòa điệu khúc yêu đời. Điều đó tương ứng với Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) một nhà thơ vĩ đại của dân tộc, một tâm tình thao thức cuộc sống, đồng thời cũng phiêu nhiên tiêu dao cao khiết bồng tênh mây trắng giữa thiên thanh, như Bạch Vân cư sĩ là biệt hiệu của nhà thơ.

Thơ là người, thơ biểu lộ tâm hồn con người một cách trung thực nhất. Từ nghìn xưa đến hôm nay, thơ vẫn là tiếng nói chân thành xúc động, phát xuất từ sự rung cảm của trái tim, là nhịp thở ban sơ khơi mở tự tình, muốn bộc bạch cái tâm, cái chí, một điều gì sâu thẳm thầm kín, trầm ẩn trong tận đáy lòng của thi sĩ, thi nhân.

Thân thế Nguyễn Bỉnh Khiêm quê gốc ở Hải Phòng. Làm thơ, mở trường dạy học, nghiên cứu Kinh Dịch, tinh thông Lý học, tướng số, tiên đoán như thần vận mệnh đất nước, được tôn vinh như một nhà tiên tri lỗi lạc. Người đời thường gọi là sấm Trạng Trình linh nghiệm, nhưng nổi bật nhất vẫn là những tác phẩm thi ca, hàng ngàn bài còn thấp thoáng trong sương mù u ẩn.

Lật từng trang Bạch Vân thi tập (thơ chữ Nôm) chúng ta có thể thấy chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy kinh nghiệm, lịch lãm, từng trải trên đường đời. Một nhà thơ có ý chí tự do, tự lập, dung hòa tư tưởng Phật Lão Trang và chan chứa tình yêu thương nhân loại. Cái hay cái đẹp trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, không những ở chỗ ngôn từ ẩn dụ, hàm ý, cách so sánh đối chiếu thẩm mỹ, ý tứ thâm trầm phong phú mà còn ở chỗ nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn cả nếp sống bình sinh một cách khéo léo, tài tình về những thăng trầm, vinh nhục, những thương ghét, khen chê của con người, về lẽ đời tan hợp bèo mây, vô thường dâu bể của thực trạng xã hội thời bấy giờ. Cao hơn nữa, thi nhân đã diễn đạt một quan niệm triết lý nhân sinh qua tinh thần Phật giáo Thiền tông mà vào thời đại ấy vẫn còn mới mẻ, mới lạ, ít người hiểu thấu đáo, tường tận hết được cái tinh túy của đạo Thiền.

Thật vậy, điểm độc đáo của Phật giáo là thuyết minh lý vô thường của vũ trụ nhân sinh, sự kiện muôn vật đều vô thường được nhà thơ Mây Trắng diễn tả:

Lần lữa ngày qua tháng qua
Một phen xuân tới một phen già
Ái ưu vằng vặc : Trăng in nước
Danh lợi lâng lâng : Gió thoảng hoa

Ngày tháng trôi nhanh như nước chảy qua cầu. Mới đó mà đã hết thời trai trẻ, tuổi già tóc bạc đến quá mau. Ngoảnh đi ngoảnh lại sắp hết đời, mới hay rằng tất cả mọi ái ân hạnh phúc, mọi ưu tư phiền não từ xưa nay đều không có thực, chỉ là ảo ảnh như bóng trăng in dưới dòng nước. Cho nên lòng thi nhân thấy lâng lâng nhẹ nhõm, trút sạch hết danh với lợi, nhục với vinh, thịnh với suy… vì mọi thứ đó cũng như một cơn gió thổi qua làm lay động cành hoa mà thôi. Đó là thái độ an tịnh trước lẽ vô thường, sinh diệt biến đổi, dù cho tuồng đời có vần xoay, biến chuyển, thi nhân vẫn thản nhiên, biết chấp nhận những gì xảy đến với mình bằng một nụ cười nhẹ nhõm phiêu diêu:

Giàu ba bữa khó hai niêu
Yên phận thì hơn hết mọi điều
Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu

Cuộc sống thật ra chỉ đơn sơ giản dị như vậy thôi, đói ăn khát uống, mệt nghỉ. Khát thì uống nước chè sương sớm, sốt nóng thì ra đón gió cạnh thềm trăng xanh biếc bên hiên. Thiền dạy chúng ta rằng, mình không thiếu gì hết mà trái lại còn dư thừa nữa. Mình dư đủ thứ do vọng niệm bày đặt ra, do suy tư vẽ vời thêm đấy thôi. Những thứ dư thừa ấy gọi chung là vô minh, vọng tưởng, nhưng vọng tưởng, vô minh vốn cũng không có thật, nên chẳng cần phải hoài công trừ nó làm chi, chỉ cần tự tri, tự giác là yên. Tự biết được bản lai tự tánh Không của mình thì vô minh tan mất như bóng tối tan biến dưới ánh nắng mặt trời.

Bởi thế, khi về quy ẩn Bạch Vân Am, một miền sơn dã tịch liêu, thi nhân cảm thấy nhẹ nhàng, thoát khỏi cái áng công danh nặng nề đã đè nặng một thời trên hai vai kẻ sĩ. Ừ thì thôi vậy, không còn lưu luyến, nấn ná làm chi nữa, bỏ xuống hết những nhiêu khê thế sự, để thưởng thức khí vị diệu thường giữa thiên nhiên sông nước vườn hoa xanh hồng, long lanh lấp lánh:

Già đã khỏi  áng công danh
Tự tại nào  âu lụy đến mình
Nhàn được thú  quê dầu nấn ná
Nghĩ xem thế  sự biếng đua tranh
Hồ tây thuyền nổi hoa mai bạc
Song bắc cầm xoang vừng nguyệt thanh
Ai hỏi : Làm chi vui nữa?
Thưa rằng : Một sự  làm lành

Tất cả đều do tâm tư, suy nghĩ của mình tạo ra, thi sĩ hiểu sâu xa được điều đó nên phát tâm đại nguyện chỉ làm mọi việc thiện lành. Đó là niềm hoan hỷ, an vui chơn thật nhất. Niềm vui thong dong, phóng khoáng, không dính dáng đến chuyện thị phi, hơn thua, phải trái của thiên hạ. Đã về quy ẩn, tất nhiên không còn quyền hành, cho nên chẳng có khách nào ruổi xe ngựa đến cầu cạnh. Điều thú vị của nhà thơ là không những thương yêu con người mà còn bầu bạn với loài vật nữa, thể hiện lòng bao dung vô hạn:

Bạn có cá tôm dầu được thú
Cửa không xe ngựa bởi không quyền
Ngày ngày tiêu sái nhàn vô sự
Tuy chửa là tiên ấy cũng tiên

Thật là tự tại tự do, an nhiên tuyệt diệu biết bao ! Khi mà:

Ngày ngày tiêu sái nhàn vô sự
Tuy chửa là tiên ấy cũng tiên

Phong thái nhàn nhã đó, chẳng khác gì phong thái của thiền sư đốn ngộ thượng thừa. Nhà thơ sớm chiều tiêu dao vô sự như một tiên ông thanh thản nhàn hạ. Ra vào, đến đi, giáp mặt cùng mọi người, mọi việc mà vẫn thung dung mỉm cười vô sự. Vô sự như thiền sư Lâm Tế phát biểu : “Ngày hôm nay trong mọi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, quý vị còn cảm thấy thiếu thốn điều gì ? Có lúc nào mà sáu đạo thần quang ( mắt, tai, mũi, lưỡi thân, ý ) của quý vị ngừng chiếu tỏa ? Ai mà thấy được như thế thì sẽ suốt đời là một kẻ vô sự. Trong Phật pháp không cần có sự dụng công. Nguyên tắc là bình thường vô sự. Mặc áo ăn cơm, đi tiêu đi tiểu, mệt thì đi nghỉ. Kẻ ngu có thể cười ta nhưng người trí sẽ hiểu ta. Cổ nhân nói : Hướng ngoại tìm cầu để công phu toàn là bọn ngu xuẩn. Các vị nên tùy nơi làm chủ, nơi nào cũng chân thật, chánh niệm, không để cảnh duyên bên ngoài lôi kéo… Hãy tin ở diệu dụng đang có của tâm thì sẽ thấy được vô  sự.”

Còn nhà thơ Mây Trắng thì nói : “Ngày ngày tiêu sái nhàn vô sự.” Thật là tương ứng với thiền sư Lâm Tế xiết bao. Dường như giữa vạn đại thiên thu đã có nhiều trường hợp tương ứng đồng điệu như vậy.

Thở bầu không khí khoáng đạt giữa trời thơ bồng bềnh, lênh láng như dòng suối reo vui dưới chân đồi đá tảng gập ghềnh. Trên dặm trường cuộc lữ thi ca, bước đi của thi nhân đã vượt qua mọi phong ba bão tố của cuồng nộ sân si, đã thoát khỏi mọi đua tranh, giành giật của trò đời tế toái. Nhẹ thênh như lữ khách dạo chơi, trải rộng lòng ra chứa cả trời mây non nước. Bước chân thư thả hòa âm cùng thánh hiền, trượng phu, quân tử nên đến đâu nhà thơ cũng thấy ấm áp mát mẻ đầy những cơn gió mùa xuân lồng lộng tương phùng:

Lấy chăng ai cấm mặc ai dùng
Hễ của tự nhiên ấy của chung
Non nước có màu lòng khách chứa
Trúc mai làm bạn hứng thơ nồng
Chốn điền viên cũ dầu thong thả
Đạo thánh hiền xưa luống chốc mòng
Song nhật chớ rằng đã hổ
Đến đâu thì cũng có xuân phong

Trong nhà thiền, thường đề cao lòng kiên nhẫn, đức tính nhẫn nhục và khuyên đừng cố chấp vào nhân ngã. Chúng ta sống ở đời, tuy chưa phải là Phật Thích Ca nhưng trong mọi việc phải biết rằng người khác cũng như mình, dù cho họ có lỗi lầm, xúc phạm đến mình thì mình cũng nên nhẫn nhục chịn đựng, chớ đừng nổi giận, tam bành lục tặc mắng nhiếc, cãi cọ, chửi bới um sùm rồi hùng hổ, dữ dằn đánh đập lẫn nhau. Nhân ngã là ý niệm phân biệt, chấp người chấp ta. Thực ra người khác và mình vốn cùng một bản thể, chỉ vì vô minh vọng tưởng nên mới chia làm hai. Nhân tức nhân tướng chỉ khách thể, ngã túc ngã tướng chỉ chủ thể. Thiền tông chủ trương quán chiếu để xóa bỏ hai ranh giới nhân ngã giữa chủ và khách đó thành vô phân biệt trí thì sẽ an vui. Con người chúng ta bị phiền não khổ đau cũng là do chấp nhân, chấp ngã đó mà thôi. Lời thơ của thi sĩ giản dị mà thâm thúy rất mực thanh thoát chan hòà:

Chưa dễ ai là  bậc Thích Ca
Mọi niềm nhân ngã  nhẫn thì qua
Lòng vô sự : Trăng in nước
Của thảng lai : Gió  thổi qua
Kìa khách xuân xanh khi trẻ
Mấy người đầu bạc tuổi già ?
Thanh nhàn ấy  ắt là tiên khách
Được thú ta đà có thú ta

Khi mà lòng mình rỗng rang vô sự, không dính không nhiễm vào những cảnh đời lùng bùng tục lụy thì luôn trong sáng như vầng trăng in dưới hồ nước xanh ngần, dù có tiền tài, danh vọng, lợi lộc đến bất ngờ cũng xem như không, coi như cơn gió thoảng qua, đừng chấp chặt ôm giữ làm gì. Kìa xem những người trẻ trung niên thiếu mà không sống trọn vẹn được đến lúc tuổi già, chính vì trong lòng thiếu đức kiên nhẫn, thiếu sự chịu đựng, kiên trì đó thôi. Còn riêng người biết sống lương thiện, biết nhẫn nhục thì lúc nào cũng an nhàn, thanh thản như sống ở cảnh tiên. Vui thú cùng thiên nhiên, hân hoan hạnh phúc cùng với chính mình, trọn một niềm hỷ lạc an lành thanh khiết.

Kiên nhẫn vẫn là  một đức tính mà nhà thơ Mây Trắng thực hiện suốt cuộc đời. Nhà thơ kiên nhẫn chờ đợi thời cơ đến năm 45 tuổi mới đi thi và đỗ trạng nguyên. Kiên nhẫn làm việc ở triều đình 8 năm, treo ấn từ quan rồi lại kiên nhẫn ra làm quan tiếp tục giúp đời cho đến gần 70 tuổi mới quy khứ lai từ.

Đức tính kiên nhẫn ấy cũng giống như thi sĩ Rainer Maria Rilke : “Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn, đợi giờ phút khai sinh ánh sáng rực ngời mới lạ. Ở đây thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nảy nở như cây lá, không hề bức thúc nhựa cây. Đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến, nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ nào biết chờ đợi. Chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình. Tôi dã học được điều ấy mỗi ngày bằng bao nhiêu cơn đau đớn, bằng bao nhiêu nỗi đau khổ mà tôi vẫn cảm tạ : Kiên nhẫn vẫn là tất cả.”*

Kiên nhẫn, chịu đựng, nhẫn nhục là sự tu hành khổ hạnh cao nhất trong đạo Thiền, thể hiện lòng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Chỉ có những tâm hồn hoằng đại thâm trầm đó mới làm cho cuộc đời này thêm tốt đẹp hơn lên.

Trên cung bậc thi ca, chúng ta lại lắng nghe những giai điệu tài hoa của nhà thơ ngân vang lên dưới những bước đi vượt qua mọi chông gai danh lợi, được mất, hơn thua một cách ngoạn mục khoan thai:

Dửng dưng mọi sự gác bên ngoài
Dầu được dầu thua ai mặc ai
Mùi thế gian nhiều mặn nhạt
Đường danh lợi có chông gai

Vượt qua mọi thị phi, khen chê, khôn dại của trần ai để lên đường về chốn cũ vui thú điền viên, an dưỡng thân tâm trong thầm lặng:

Thị phi chẳng quản mặc chê khen
Ngu dại trần trần tính đã quen
Cảnh cũ điền viên tìm chốn cũ
Khách nhàn sơn thủy dưỡng thân nhàn

Chốn cũ ở đây là Bạch Vân Am, nơi nhà thơ lui về ẩn cư giữa chốn thôn trang hoang vắng, heo hút ruộng vườn hoa trổ vào ra, lặng lẽ thảnh thơi với sơn thủy hữu tình. Tình thơ nồng thắm hương vị thanh bần lạc đạo, phiêu hốt hồn thơ bay vút trời cao xanh ngần phất phới.

Với tâm tánh thanh tịnh thì tất nhiên trong cuộc sống thường nhật, thi nhân không hề có thái độ coi thường ai cả mà trái lại, khiêm nhường, tôn kính hết thảy mọi người. Sống ở đời, việc xử sự với nhau là khó lắm, phải luôn thận trọng, tế nhị. Chúng ta nên biết rằng, việc thiện lành hay hung dữ đều do tự mình gây ra. Vì thế phải tự mình trực nhận, giác ngộ lẽ đạo như kẻ xuất gia cắt bỏ tóc râu để biểu hiện sự xa lìa thoát khỏi mọi hệ lụy của cuộc đời, không hề bị ràng buộc, mắc dính :

Khinh dễ làm chi khó  bấy là
Dữ lành toàn bởi một mình ta
Giác thân dầu đã hay tu phúc
Thế phát cho nên phải xuất gia
Làm chi lẽo đẽo hoài cho nhọc
Cầu Thích Ca nào  để Bụt nhà?

Bụt hay Phật tức là tâm, là tánh vốn ở trong lòng mình. Bất cứ ai ai cũng đều sẵn có cả. Vậy thì tốt nhất là biết trở về sống với tự tánh, tự tâm chứ không cần hướng ra bên ngoài chạy tìm kiếm Phật. Tục ngữ Việt Nam có câu “Bụt trong nhà lại cầu Thích Ca ngoài đường” là vậy, hay nói như Sơ Tổ Trúc Lâm:

Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Vì quên gốc nên ta tìm Bụt
Sực mới hay chính Bụt là ta

Bụt, Phật, Thế Tôn, Như Lai là chỉ cho Phật Thích Ca thị hiện ở Ấn Độ cách đây gần ba nghìn năm. Đó là Phật tướng, nhưng vô tướng mới là Phật đích thực như kinh Kim Cang đã tuyên bố rõ ràng:

Nương âm thanh sắc tướng
Để cầu thấy Phật Đà
Kẻ ấy hành tà đạo
Chẳng bao giờ thấy ta

Chữ ta ở đây là tự tánh Phật, là bản thể Như Lai vốn vô tướng không có hình dáng chi cả. Nếu kẻi nào cứ đuổi theo căn trần, lấy âm thanh và sắc tướng để cầu thấy Phật, thì người đó lạc nẻo tà ma rồi, chẳng bao giờ có cơ hội kiến tánh hay thấy tự tánh thanh tịnh của.chính mình được. Có người hỏi thiền sư Lâm Tế : “Chân Phật là gì, chân Pháp là gì, chân Đạo là gì?”

Thiền sư đáp : “Phật thật là  sự thanh tịnh của tâm mình, Pháp thật là ánh sáng của thân mình, Đạo thật là ánh sáng thanh tịnh chiếu soi khắp chốn. Ba cái vốn là một, đều là giả danh, không thật có. Người học đạo chân chính thì phải duy trì chánh niệm về ba đối tượng ấy một cách miên mật… Nếu quý vị đạt tới tính vô sinh của vạn pháp, biết rằng tâm là huyễn hóa, thật ra không có một đối tượng nào, một hiện tượng có thật. Bất cứ đâu đâu cũng là thanh tịnh thì đó là Phật rồi.

Này chư vị ! Người hành giả chân chính thì không nắm bắt Phật, nắm bắt Bồ tát, không nắm bắt những cái gì gọi là tốt đẹp nhất trong ba cõi. Người ấy một mình thong dong, không bị sự vật nào câu thúc. Dù trời đất có đảo ngược, tôi cũng không bị một chút nghi hoặc nào làm cho ngăn ngại. Dù cho chư Phật mười phương có xuất hiện trước mắt thì tôi cũng không khởi một niệm vui mừng. Dù cho địa ngục và ba đường dữ xuất hiện trước mặt thì tôi cũng không khởi một niệm sợ hãi. Bởi vì tôi đã thấy được tướng không của các pháp. Khi biểu hiện gọi là có, lúc không biểu hiện gọi là không. Ba cõi đều do tâm, vạn pháp đều do thức. Cũng vì vậy cho nên tất cả đều là mộng huyễn, đều là hoa đốm giữa hư không. Tại sao ta phải chạy tìm kiếm, nắm bắt chi cho mệt nhọc?”

Trong thơ Bạch Vân cư sĩ, ý thiền bàng bạc khắp nơi mọi chốn, ngay ở sinh hoạt hàng ngày như mặc áo, ăn cơm, ngồi nghỉ ngơi dưới vườn cây trái hay lang thang đây đó qua những xóm làng, cô thôn hiu quạnh dạo chơi:

Cơm ăn chẳng quản dưa muối
Áo mặc nài chi gấm thêu
Tựa gốc cây ngồi hóng mát
Đìu hiu ta với một đìu hiu

Sống giữa cảnh quạnh hiu vắng vẻ, tịch mịch, nhà thơ vẫn an lạc, vẫn thưởng thức được hương vị cô liêu với trăng thanh gió mát nhẹ lồng. Sống trọn vẹn với chính mình như vậy, thi nhân mới quán chiếu sâu sắc lẽ đời mà chạnh lòng thương xót cho nhân tình thế thái cứ mãi còn lừa dối, đổi trắng thay đen, phũ phàng bạc đãi với bao chua cay, mặn nhạt quá đỗi ê chề:

Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn tiền còn bạc còn  đệ tử
Hết cơm hết rượu hết  ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thật
Ai nấy đâu ưa kẻ  đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm  đến khó thì lui

Chứng kiến biết bao cảnh đời tráo trở, đãi bôi một cách trắng trợn, tàn nhẫn ấy, nhà thơ vẫn mỉm một nụ cười an nhiên vô sự:

Chữ rằng : Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì  hơn kẻo phải lo

Nhà thơ muốn nói rằng, người ta sống ở đời nên lấy sự hòa thuận, hòa hảo, thân thiết mến yêu với nhau làm điều cốt yếu. Vô sự là một thái độ vô vi, là làm tất cả mà tâm không chấp vào việc làm, không dính kẹt vào việc gì hết, không kể công, là rỗng lặng chẳng vướng mắc vào bất cứ điều chi. Đó là phong cách của bậc chí nhân quân tử, không ham muốn chẳng mong cầu:

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý  tựa chiêm bao

Thi sĩ xem giàu sang phú quý như một giấc mộng nên rời bỏ chốn lao xao, nhộn nhịp, phồn hoa đô hội, về nơi hoang vắng, sống đạm bạc giản dị đơn sơ. Chốn lao xao là chốn quyền lực, bè phái, mua danh bán chức, tham ô, hối lộ, tham nhũng để cuối cùng đưa đến đấu tranh, giành giật, chém giết lẫn nhau thôi. Cái chốn hỗn độn đầy mưu mô, xảo quyệt ấy, nhà thơ đã xa lánh từ lâu rồi. Giờ đây nhàn nhã ra vào hiên mai ngõ trúc, nhẹ vỗ tay cười hát nghêu ngao:

Nép mình qua trước chốn lao xao
Mấy sự bên tai gió  thổi phào
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao

Nghêu ngao, vếu váo ngâm nga những bài thơ xưa, khề khà dăm ba chén rượu cùng bằng hữu tương tri giữa đất trời thoải mái, có gió trăng gần gũi, có tiếng cười thân mật. Vất ngoài tai mọi đối đãi, so sánh giàu nghèo, hơn thua phải trái… của thế sự trần ai. Buông và buông xuống sạch sành sanh, xem mọi sự như không, cho trôi hết như nước chảy qua cầu:

Giàu mặc phận khó  đâu bì
Đọ thanh nhàn đáng nhất nhì
Vếu váo câu thơ  cũ rích
Khề khà chén rượu hăng xì
Trăng thanh gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri
Thế sự đôi co dầu thế sự
Rũ không thảy thảy chẳng hề chi

Thi sĩ hát ca trên tinh thần vô úy, không sợ hãi, không âu lo. Đó là tâm thiền viên dung cùng tuyệt. Thiền là sống không tham lam, chẳng sân hận, si mê, nên thoát khỏi mọi phiền não, khổ sầu. Khi mọi sầu khổ tan biến thì an vui liền xuất hiện liền lập tức ngay bây giờ:

Ngỡ thú vui là  thú ở đâu?
Chẳng ngờ vui ở  chốn chẳng âu
Hết tham, dứt chợ nên non vắng
Còn lụy, trường ca biến lệ sầu

Nếu còn thích chen chân giữa phố hội phù hoa đầy những sắc màu thanh âm huyên náo thì tâm dễ dao động, dễ khởi lên nhiều tà ý tham si, ti tiện nên thi nhân chọn lối hoang lương, lên rừng núi hòa cùng thông cùng trúc. Ngày ngày cùng bạn đạo nghiên cứu kinh sách thánh hiền, đêm đêm trải lòng sáng chiếu diệu vời cùng ánh trăng lấp lánh dưới hồ xanh:

Lánh trần đến náu thú sơn lâm
Lá thông đàn tiếng trúc cầm
Sách cũ ngày tìm người hữu đạo
Ao thanh đêm diễn nguyệt vô tâm

Vô tâm là đã  đạt tới cảnh giới thượng thừa rồi, nhưng dẫu vô tâm mà thi nhân vẫn ân cần khuyên người ta nên buông bỏ lòng tham lam, ham muốn xuống đi, vì tham lam dẫn đến sân hận, si mê. Đó là nguyên nhân của mọi khổ đau trầm thống tang thương của kiếp người. Hãy biết sống tri túc, biết đủ là tốt đẹp rồi. Đấy là lời khuyên răn, nhắn nhủ chân thành nhất, đủ thấy tấm lòng từ bi thi sĩ thật hết sức thiết tha:

Đủ no hay vậy xin thong thả
Sục sạo làm chi luống nhọc nhằn
Nếu tham hơn thì  sẽ thiệt
Hãy ghi lời ấy  để mà răn

Phải chăng, đó là  thông điệp yêu thương mà thi nhân thầm nhắc nhở chúng ta ? Hãy thương yêu nhau đi hỡi nhân loại trên mặt đất thân thiết này, mặt đất ngàn đời là đất mẹ của chúng ta. Hãy khai mở một thông lộ mới cho hoa lá yêu thương bừng trổ rực ngời, hỡi con người khắp mười phương thế giới, phải tự tri, tự biết mình đang ở đâu, đang làm gì, thì bước đi vững chãi thảnh thơi. Đừng có giật giành tranh đấu, sục sạo bon chen, chiếm đoạt chiếm hữu gì thêm nữa mà nhọc nhằn tan nát, đoạn trường khổ lụy thêm thôi.

Ơi chao ! Hương vị thi ca của nhà thơ Mây Trắng thấm đượm tinh thần Phật giáo Thiền tông. Ý thức được cõi nhân sinh thống khổ, vô thường, biết xót xa trước niềm đau sinh lão bệnh tử, nên thi nhân muốn giải phóng, giải thoát mọi phiền não khổ đau bằng cách chuyển hóa nội tâm, buông bỏ danh lợi, tham sân si, thay đổi thái độ sống, biết áp dụng pháp thiền Hiện pháp lạc trú vào thực tế hài hòa trong từng điệu thở, mở rộng lòng yêu thương vô lượng đến với muôn loài vạn vật đất trời giữa dòng đời miên viễn thiên thu.

Cũng như Tuệ  Trung Thượng Sỹ về ở nơi thôn dã Tịnh Bang hoang lương cô tịch để thể nhập lẽ huyền vi thì Nguyễn Bỉnh Khiêm quy ẩn Bạch Vân Am để hàm dưỡng tâm hồn khiêm cung giữa trời thơ đất mộng trầm hùng. Chúng ta hãy nghe thi nhân diễn tả phong cảnh Bạch Vân Am bằng thơ chữ Hán:

Bạch Vân Am bạch, bạch vân hương
Cận tiếp giang lâu  đối tịch dương
Tọa thượng tiếu  đàm xuân cánh hảo
Môn trung ngâm vịnh bút sinh hương
Số bôi minh nguyệt lưu hoa ảnh
Bán chẩm thanh phong nhạ  trúc lương
Sơn thủy diệc tòng nhân trí nhạo
Giá ban ý vị  thục năng tường ?

(Bạch Vân Am cạnh làng mây
Lầu sông soi bóng trời tây xế chiều
Núi cười xuân hứng phiêu diêu
Câu thơ ngọn bút dặt dìu bay hương
Trăng lồng hoa lộng chén hường
Gió lay bay trúc bên giường thoảng qua
Trí nhân non nước mặn mà
Trong vui dường ấy lòng ta ai tường?)

Bạch Vân Am được dựng bên dòng sông thơ mộng bồng bềnh, thấp thoáng sương mù và mây trắng. Nắng chiều bảng lảng chập chờn trong tịch mịch lặng yên vắng vẻ. Nghe núi cười reo vui giữa mùa xuân mà hồn thơ cảm hứng ngân rung. Gió trúc đung đưa, trăng hoa hòa cùng chén rượu nồng nàn hoan hỷ. Có mấy ai hiểu được niềm khinh an tiêu sái tràn đầy thiền vị ấy chăng ? Sống giữa cảnh thiên nhiên, sơn thủy hữu tình ấy, lòng thi nhân ghi nhận một niềm hân hoan thi vị diệu vời. Rồi lặng lẽ một ngày, sau thời loạn lạc chiến chinh, nhà thơ làm một chuyến hành hương nhàn nhã, quay về chốn cũ thăm viếng chùa xưa :

Loạn hậu trùng tầm  đáo Phổ Minh
Viên hoa dã thảo cựu nham quynh
Bi văn bác lạc hòa yên bích
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh
Pháp giới ưng đồng thiên quảng đại
Hương nhân do thuyết  địa anh linh
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại?
Thức đắc vô  hình thắng hữu hình

(Sau loạn lại tìm  đến Phổ Minh
Hoa vườn cỏ nội lối rêu xanh
Văn bia mờ nhạt hòa khói biếc
Mắt Phật trầm ngâm chiếu đêm thanh
Pháp giới bao la trời rộng lớn
Người dân vẫn nói  đất thiêng linh
Vắng không cổ đỉnh rày đâu tá?
Mới biết vô hình thắng hữu hình)

Chiến tranh đã qua, nhà  thơ tìm đến thăm chùa Phổ Minh ở Nam Định. Cảnh chùa xưa bàng bạc hoang vắng trong nắng chiều tịch liêu. Trầm ngâm ánh mắt “từ nhãn thị chúng sinh” của Đức Phật nhìn sâu vào đêm dài sinh tử của nhân gian trường mộng như thấy mười phương pháp giới chập chùng. Pháp giới có sự pháp giới, lý pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới và sự sự vô ngại pháp giới. Sự sự vô ngại pháp giới là tất cả giới hạn, phân cách của sự vật đều có thể dung thông với nhau. Một tức nhiều, nhiều tức một, lớn vào nhỏ, nhỏ vào lớn, trùng trùng vô tận vô biên như kinh Hoa Nghiêm nói:

Nhược nhân dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo

(Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Đều do tâm tạo thôi)

Nếu ai muốn biết rõ  ràng, tất cả chư Phật ở trong khắp ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai thì phải quán tánh chất của pháp giới. Hết thảy chúng sinh ai ai cũng đều có bản tánh, như con người thì có tánh thiện, tánh ác, tánh nam, tánh nữ… Con vật thì có tánh trâu, tánh bò, tánh gà, tánh vịt… Còn sự vật thì có tánh mềm, tánh cứng, tánh nóng, tánh lạnh.. Muôn loài vạn vật đều có tánh riêng biệt của nó. Do đó gọi là tánh của pháp giới.

Tất cả tánh của pháp giới đều do tâm tạo ra. Tâm tạo ra pháp giới Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, Trời, Người, A tu la, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Mười pháp giới đó cũng không rời một niệm tưởng trong tâm này.

Nhà thơ tự  hỏi  “Cổ đỉnh kim hà tại?” Cái vạc nay còn đâu? Cái vạc lớn trong chùa đã bị giặc Minh phá hoại tan nát mất rồi. Trong một thoáng trực giác lóe sáng, tự nhiên nhà thơ bỗng thấy “vô hình thắng hữu hình” Cái không có hình tướng thì hơn cái có hình tướng, vì cái có hình tướng đã hư hoại, còn cái vô tướng vẫn hiện hữu trong tâm.

Nhà thơ Mây Trắng một chiều vãng cảnh chùa xưa tĩnh mịch, suy nghĩ về giáo lý Hoa Nghiêm trùng trùng duyên khởi, rồi lại liên tưởng đến cái vạc bằng đồng, một vật hữu hình nay không còn nữa mà hoát nhiên trực ngộ ra lẽ thực tướng vô tướng, bất sinh bất diệt của nhà thiền. Lãnh hội được pháp giới duyên khởi trùng trùng vi diệu đó, lòng thi nhân mở rộng bát ngát, thương yêu tất cả thập loại chúng sinh:

Đại tiểu nghi tương an
Cơ thẩm mặc tương xúc
Đế đức bản hiếu sinh
Thân vật manh sát lục

(Loài lớn nhỏ nên  để cho yên
Phải xem xét cơ sự  mà chớ xúc phạm nhau
Đức của trời đất vốn hiếu sinh
Hãy thận trọng chớ giết hại bừa bãi)

Hiếu sinh là không nên sát hại sinh vật. Đây là giới cấm thứ nhất trong ngũ giới của Phật giáo. Sát sinh ở đây chỉ cho hành động giết người là một hành động độc ác, mất nhân tính, không thể chấp nhận được trong cuộc sinh tồn. Lòng thương yêu của nhà thơ không những đối với con người mà còn đối với các loài vật nữa. Thật cảm động xiết bao!

Rào rạt từ đầu đến cuối, hồn thơ chan chứa bao dung vẫn không rời chữ tâm chữ lòng như thầm nhắn nhủ chúng ta hãy giũ lòng, giữ tâm cho sáng suốt thanh tịnh, nghĩa là phải tỉnh thức không thì nguy hiểm vô cùng:

Ngụy mạc ngụy nhân tâm
Nhất phóng tiện quỉ  quắc
Quân tử cầu sở  chỉ
Chí thiện tư  vi cực

(Không gì nguy hiểm bằng lòng người
Buông tuồng cái tâm thì  đều là quỷ quái
Bậc quân tử tìm cách dừng lại
Chí thiện ấy là chỗ cùng tột)

Đó là cái thấy của bậc tỉnh thức, của một người đã đi sâu vào lòng đời với biết bao kinh nghiệm lịch lãm, đã chứng kiến biết bao cảnh nhân tình thế thái đổi thay, mới nói được như vậy. Nhà thơ đã thấu thị nhân sinh, đã thấu đạt con người đau khổ hay hạnh phúc đều do tâm mình, lòng mình mà ra cả như thi hào Nguyễn Du đã thấy “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.”

Thiền tông có Thập mục ngưu đồ, mười bức tranh chăn trâu, diễn đạt cách chăn con trâu tâm đầy vọng động này. Tâm ví như con trâu, nếu không chăn dẫn thì nó sẽ chạy lung tung đi phá hoại mùa màng của người khác. Cho nên nhà thơ nói, bậc chí nhân quân tử là người phải biết dừng cái tâm hỗn loạn, cái tâm độc ác phá hoại, cái tâm điên đảo vọng tưởng lại, biết hướng tâm về chỗ chí chân, chí thiện và chí mỹ để lợi lạc cho toàn thể xã hội trong cõi người ta.

Là một nhà thơ  vĩ đại, Nguyễn Bỉnh Khiêm như cây cổ thụ  tỏa rợp bóng mát từ thế kỷ XVI đến bây giờ, đã để lại cho chúng ta gia tài thi ca vô  cùng giá trị. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ tuyệt vời, có hồn là khi nào nó xuất phát từ một sự đòi hỏi nhu cầu của tâm tư, của ý chí. Cái tâm, cái chí là nền tảng mà nhà thơ Mây Trắng cất lên tiếng nói đích thực nhất của chính mình như thi nhân đã viết trong lời tựa tập thơ Bạch Vân Am : “Ôi ! Nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới, vậy mà thơ lại là để nói lên cái chí. Có kẻ chí ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, cũng có kẻ chí ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chỉ thích nhàn dật. Lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong việc làm thơ. Tuy nhiên, cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích chứa lại, chưa chữa được khỏi vậy. Mỗi khi thư thả cảm hứng mà ngâm vịnh hay ca tụng cảnh đẹp sơn thủy hữu tình hoặc là tức sự, tự thuật… Hết thảy đều ghi lại thành thơ nói về cái chí của mình.” Như vậy, cái chí, cái tâm của nhà thơ là thanh thản nhàn du theo thể điệu tiêu dao nhàn dật, vắng bặt hết mọi lo âu, sầu khổ, não phiền:

Thanh nhàn dưỡng được tính tự nhiên
Non nước cùng ta đã có duyên
Dắng dỏi bên tai đàn suối
Dập dìu trước mặt tán sen
Xuân về hoa nở mùi hương nức
Khách đến chim mừng dáng thân quen
Chốn ấy nhàn du được thú
Lọ là Bồng đảo mới tiên

Cõi miền Tịnh độ hay Bồng lai tiên cảnh ấy chẳng đâu xa, nhà thơ Mây Trắng đã thấy ngay nơi tâm mình và khơi dậy trong lòng chúng ta tất cả sự phong phú miên man của cuộc sống đời thường. Khơi mạch suối nguồn yêu thương, mở ra con đường thênh thang sáng tạo, hướng về thế giới nội tâm thâm viễn. Hãy đi vào bên trong sâu thẳm tâm linh, dò dẫm tận đáy lòng phong kín mà từ đó, đời sống đã trào tuôn lai láng dạt dào bao mới mẻ, mới lạ không ngừng luân lưu trôi chảy.

Tuyệt vời thay ! Trên ngõ về im lặng, nhà thơ Mây Trắng lặng lẽ mỉm cười như muốn gởi xuống cuộc đời những dòng thơ nồng nàn hơi thở, bát ngát tình thâm và đậm đà thấm thía hương vị thâm thúy của thi ca.

T.N

——————————

* Rainer Maria Rilke. Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi. Hoàng Thu Uyên dịch. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1969.
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích trong tác phẩm :
Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội 1997

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here