Ngưỡng bạch Như Lai!
Đệ tử học kinh Kim Cang nhằm mùa Như Lai đản sinh nên thay vì nắm được chủ ý của Kinh là “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” thì đệ tử lại nhẫm tới nhẫm lui: “Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai phủ? – Phất dã, Thế Tôn! Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai”(1). Câu này đệ tử hiểu và đệ tử cũng đã thử một lần đến nhưng chưa thấy được. Ôi, Như Lai của con! Con muốn nói hết hình dung và cảm nhận của con về 32 tướng của Như Lai, nhưng con không thể. Con chỉ nói về ngũ căn Như Lai trong cảm thức của con.
Ngày con vào chùa, con học Tỳ-ni trong bộ Luật Sa-di và Sa-di-ni của Ngài Trí Quang dịch. Bìa Luật là hình ảnh Như Lai với tấm y phủ kín mình, tay bưng bình bát, tóc bạc trắng và ánh mắt thật buồn… Con rất thương Như Lai của con. Mười bốn tuổi mà con đã trầm tư nhiều về tấm bìa đó. Con không biết đó là hình ảnh vẽ theo chủ quan của họa sĩ. Con tưởng Như Lai của con đã già nên tóc bạc, con tưởng vì cuộc đời buồn, vì “chúng sinh nan độ” nên Như Lai buồn. Bây giờ lớn lên, con biết mắt Như Lai không những không dính sắc mà mắt Như Lai thấu suốt thực tướng vạn pháp. Nhưng nhìn lại tấm bìa, con không thấy nỗi buồn vơi đi, mà cọng thêm vào đó là sự nhẫn nại, từ tâm và sự mong đợi. Như Lai ơi! Có phải vì Như Lai thấy con cùng nhiều đệ tử khác của Như Lai, nhỏ thì nhác học Tỳ-ni, lớn lên lại nhác hành Tỳ-ni nên Như Lai buồn?
Con quan sát, con ngắm nghía ảnh, tượng Như Lai, con cố nhớ hết 32 tướng tốt của Ngài nhưng không nhớ hết. Nhớ nhất là tai dài và tay cũng dài. Liên tưởng của một đứa con nít ngờ nghệch như con đưa đến kết luận rằng: Tay dài để cứu vớt chúng sinh ở xa, tai dài vì “cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn”. Vậy thôi. Con không tính toán được số nỗi buồn mà chúng sinh gởi gắm vào tai của Như Lai. Chỉ tính riêng con, con cũng bất lực. Vì mấy khi Như Lai nghe được một tin vui? Như lai toàn phải nghe lời con than khóc, lời con cầu xin. Như Lai phải bận rộn với những… vô số phiền não mà con không đủ sức cất giữ trong lòng và bất cứ lúc nào, Như Lai cũng sẵn lòng nghe bất cứ những gì con cần Như Lai lắng nghe. Cũng như xưa kia Như Lai đã nghe lời rên xiết của nhân loại mà thị hiện ở Ca-tỳ-la. Làm sao con học được một hạt cát trong biển “hạnh biết lắng nghe” của Ngài, hỡi Như Lai của con?
Tỷ căn của Như Lai thì thật khó viết thành lời. Con cảm được vẻ đẹp và sự mầu nhiệm đó nhưng con loay hoay mà không diễn tả được. Con chỉ mường tượng về sự thanh tịnh của tỷ căn Như Lai dù khi tiếp xúc với hương thơm hay xú uế. (Như Lai ơi, tại sao trong cuộc đời, mọi cảm giác về khổ thọ đều là khổ thì cảm giác lạc thọ lại không luôn là hạnh phúc? Chẳng lẽ hạnh phúc của cảm thọ hữu ngã chỉ như mùi hương thoảng qua, nếu không để cho nó qua đi thì dư hương của nó sẽ có mùi đắng, chát?) Cõi Ta-bà uế trược này không có hoa Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hay Chiên-đàn, Trầm thuỷ để dâng cúng Như Lai dù chỉ trong ngày đản sinh của Ngài. Vì Như Lai của con, con sẽ cố gắng để có chút hương thơm đạo hạnh mà dâng cúng Ngài. Bấy nhiêu năm tháng trôi qua, hoa hương của con tuy chưa có được mùi thanh tịnh ấy, nhưng lúc nào cũng là hoa hương lòng thành của con. Xin Như lai thuỳ từ chứng giám.
Cảm thương thiệt nghiệp chúng sinh Ta-bà “lắm đường lắt léo”(2) nên tướng lưỡi rộng dài của Như Lai là tướng của khế lí khế cơ. Bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sinh mà Như Lai nói Như Lai không nói gì cả; Như Lai nói “hoá thành” rồi cũng chính Như Lai nói “bảo sở”; Như Lai nói ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, 250 giới, 350 giới, 10 giới, 5 giới… cho đến chỉ một giới “ngăn các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm trong sạch”; Như Lai nói “Như Lai thọ lượng” vậy mà trụ thế được 80 năm Như Lai vào diệt độ. Như Lai đi đã lâu sao Như Lai chẳng trở về? Như Lai dạy khi Như Lai đi rồi, Giới luật là thầy của chúng con, dẫu Như Lai có ở lại thì cũng không khác gì. Nhưng Như Lai ơi, cứ mỗi rằm tháng Tư là con lại thả lên trời một ước mơ… Như Lai nói Như Lai tạm ra đi để chúng sinh biết khát ngưỡng Như Lai, để chúng sinh biết lo và thôi ỷ lại… rồi Như Lai sẽ về!
Cũng như bóng dáng thanh thoát của Như Lai chưa từng ra đi trong sâu thẳm lòng con. Và con biết Như Lai cũng chưa từng rời một niệm nghĩ nhớ đến chúng sinh. Nắng lạnh xứ Ấn, Như Lai ơi, bây giờ người ta có đủ nhà cao cửa rộng, có máy điều hoà, có xe hơi, tủ lạnh, người ta còn không chịu nổi. Như Lai vì cái gì mà có thể kham nhẫn như vậy được, Như Lai ơi! Con nhớ những bước chân trần của Như Lai trên cát bỏng khắp miền Ấn Độ, con nhớ bát cháo khó tiêu của ông Thuần-đà, con nhớ Như Lai khát nước mà Ngài A-nan không đi lấy kịp, con nhớ gốc cây Bồ-đề mà Như Lai ngồi toàn cỏ là cỏ và con cũng nhớ mãi hình ảnh Như Lai nằm quay mặt về hướng Đông mà giã từ Tăng chúng… Con nhớ nhiều và xa xót lắm, Như Lai ơi! Như Lai tự tại với sắc tướng của Như Lai nhưng con không muốn Như Lai của con chịu khổ. Như Lai có biết, những ngày Huế mưa to và gió bão, cây Bồ-đề Từ Đàm (gốc Ấn) tước một nhánh to. Và con đã khóc. Con nhớ Như Lai của con. Hằng ngày con đi học ngang qua Từ Đàm, không ngày nào con không nhìn nhánh Bồ-đề gãy đó mà không da diết buồn. Nhưng một buổi chiều con thấy cây Bồ-đề được chống lên lành lặn như cũ. Con chợt nghĩ: quý Thầy thương cây Bồ-đề còn hơn cả con. Nhưng bằng cách nào quý Thầy làm được? Con không biết. Con chỉ biết là quý Thầy đã vất vả biết bao nhiêu. Ôi, Như Lai, ôi Thầy Tổ của con!
Như Lai đến một lần và Như Lai hằng sống. Nhân loại bây giờ đang hân hoan kỉ niệm ngày Như Lai đản sinh, con không phải không muốn chia sẻ cho ai niềm hạnh phúc có được đấng cha lành, mà vì trong cảm xúc của con, Như Lai vừa rất chung mà cũng rất riêng. Chẳng phải Như Lai nói Như Lai tuỳ cơ ứng hiện là gì? Cho nên, Như Lai là Như Lai của chúng sinh nhưng cũng là Như Lai của con!
Bài viết này là hương hoa của con dâng lên Như Lai mùa sen nở. Con biết Như Lai của con sẽ cười rất hiền. Còn con, con sẽ y áo lên chùa quỳ chân sám tội.
U.N