Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nguồn tâm

Nguồn tâm

166
0

Tuy đa số đồng bào theo Phật giáo lâu nay vẫn còn niềm tin Phật gắn chặt trong tâm, nhưng lúc này hay lúc khác đã có người chao đảo, do dự trong khi tham gia Phật sự hoặc đang dần dà trở thành kẻ đứng bên lề Phật sự để quan sát thật hư. Sự chuyển mình quá nhanh của đất nước trong thời hội nhập và phát triển lại ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sống thường nhật của đồng bào trong một xã hội được kích thích tiêu dùng, đẩy đưa dục lạc thụ hưởng lên cao, phá vỡ luân thường đạo lý, cổ truyền của dân tộc. Sự dối trá tràn lan với quá nhiều thủ đoạn gian manh quỷ quyệt, bất kể sức khỏe và sinh mạng của người khác, lắm khi ra tay chém giết một cách tàn nhẫn với mục đích đơn giản là thủ lợi mà thôi.

Bên cạnh những gì đang xảy ra, ngược với ngũ giới căn bản của người học Phật, nhiều thảm cảnh đã xuất hiện dưới quyền ngự trị của tham, sân, si mà chủ yếu đồng tiền là vai chính. Bao nhiêu thứ đó đã tạo duyên đưa dến tâm trạng ‘đành xin gác lại niềm tin Phật để chờ xem’ nơi khá nhiều Phật tử chân chính.

Trong bối cảnh đó, có lẽ điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến là việc giúp cư sĩ Phật tử giữ vững đạo tâm trước khi nghĩ đến chương trình phát triển về cả chất lẫn lượng trong quần chúng Phật tử tại gia.

Việc làm đầu tiên đó chỉ có thể thực hiện có hiệu quả khi nào mà cái cảnh ‘lục đục’ hiện nay trong hàng ngũ Tăng Ni được chấm dứt để ngôi thứ ba của Tam bảo trở về nếp sống ‘lục hòa’ mà đức Phật đã xướng dạy cho cuộc sống tập thể của muôn đời muôn kiếp, nhất là trong giai đoạn Phật giáo đành phải có những hình tướng tổ chức hội đoàn.

Theo tập tục xưa nay, đa số Phật tử đến chùa đều do gia đình có phương việc về nhu cầu tâm linh. Hiện nay, khó khăn về kinh tế cũng như một vài lý do khác đang làm cho số lượng Phật tử ‘đi chùa’ theo phong cách ngày xưa giảm dần đáng kể. Đây là một vấn đề khiến chúng ta phải tìm cách bù lại sự thiếu vắng đó: không chỉ để Phật tử đến với Tăng Ni mà trái lại Tăng Ni trực tiếp đến với Phật tử, đến với lòng từ, thăm hỏi khi nghe gia đình của cư sĩ lâm nạn, thậm chí nếu thấy cần thì còn có thêm sự giúp đỡ vật chất càng hay.

Sự việc Tăng Ni đến với gia đình của các cư sĩ có thể thể hiện gián tiếp qua các tổ chức xã hội từ thiện như Tuệ Tĩnh đường, các lớp học tình thương, sinh hoạt tại các Khuôn hội, Niệm Phật đường, phòng đọc sách với những buổi giảng định kỳ do vài vị giảng sư được chỉ định đặc trách mỗi Khuôn hội.

–0–

Nếu nhìn vấn đề một cách tổng quát hơn thì chúng ta có thể để ý rằng, đã qua rồi giai đoạn Phật giáo cũng như mọi Tôn giáo khác bị xem như là ‘thuốc phiện’ hoặc chất độc gây hại cho nhân dân. Trong lối nhìn thông thoáng hơn của xã hội hiện nay, có lẽ Phật giáo được thuận lợi hơn vì vốn dĩ thích hợp với truyền thống văn hóa dân tộc mà lại đáp ứng với nhu cầu đời sống tâm linh của các vị lớn tuổi sau một thời gian dài phải chạy theo phương kế mưu sinh.

Tuy vậy trong xã hội vẫn có đủ hạng người: người thì bài xích tôn giáo nói chung, kẻ thì có nhu cầu đời sống tâm linh nhưng chưa đủ duyên để tiếp cận Phật giáo, trường hợp khác thì đã thấy thích theo đạo Phật nhưng còn do dự vì nghe tiếng nói này tiếng nói nọ…

Trong tình trạng phức tạp như thế, chúng ta cần suy nghĩ ra một cách làm bao quát mà những chi tiết thực hiện có thể như sau:

1. Tiên quyết có lẽ là trong sạch hóa hàng ngũ Tăng Ni để quần chúng Phật tử dễ dàng phân biệt các vị tu chân chính với những kẻ đội lốt cà sa, ăn chơi phóng dật cốt để phá uy tín của Phật giáo.

2. Cần xác định rõ ràng Phật giáo là một đạo giáo cứu khổ, hướng đến sự giải thoát cho mọi chúng sinh chứ Phật giáo không thể uốn mình theo một lối mòn hạn hẹp chấp trước cho một định kiến nào.

3. Ở thành thị, nên có những buổi giao lưu giữa Phật giáo và giới sinh viên, trí thức địa phương. Đây là một sinh hoạt đòi hỏi nhu cầu đào tạo giảng sư, giáo thọ sư, học giả Phật giáo.

4. Sự thành lập một trung tâm văn hóa Phật giáo tại một thành phố là một việc nên sớm thực hiện vớ những sinh hoạt như:

Tổ chức những buổi thuyết giảng hay tọa đàm về giáo lý;
– Cũng có thể giảng giải ý nghĩa của mỗi thời kinh trong các nghi lễ Phật giáo để các Phật tử đủ hiểu biết nhằm chú tâm mỗi khi dự lễ nguyện cầu;
– Thiết lập phòng chiếu phim về các chùa, về các cuộc lễ Phật giáo tại địa phương, trong nước hay từ nước ngoài;
– Mở phòng đọc sách, phòng thiền tập và cũng có thể có quán chay, quầy sách bên cạnh trung tâm đó.

Rõ ràng để trung tâm văn hóa hoạt động tới nơi tới chốn thì cần có nhiều vị giảng sư công tâm thường trực tại chỗ để tiếp khách thập phương và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc hoặc những nghi vấn của họ.

Mọi việc làm đều đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ban ngành. Bởi lẽ đó, những đề nghị thô thiển trên đây xin đạo đạt lên quí ban ngành của Giáo hội Trung ương có liên quan mật thiết đến chương trình giáo dục Tăng Ni trong lãnh vực đào tạo giáo thọ sư và giảng sư cũng như có liên quan đến hoạt động của Ban hoằng pháp.

Và điều quan trọng là khi Ban hướng dẫn Phật tử đã có kế hoạch hoạt động được Giáo hội Trung ương chấp thuận thì đồng thời cũng tạo điều kiện và nhiều thuận duyên khác để các công tác Phật sự ấy đạt được kết quả tốt hơn.

Ngưỡng mong đạo từ bi nhanh chóng tỏa sáng cho toàn thể con dân Việt, cho cả toàn thế giới để giảm bớt khổ đau cho người đang gây ra cho người.

     C.T.N.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here