Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Nguồn gốc nghi lễ, chức năng, ý nghĩa của lễ cúng cô...

Nguồn gốc nghi lễ, chức năng, ý nghĩa của lễ cúng cô hồn

317
0

Thánh Tăng và Đức Ông đã từ từ đi vào văn hóa Phật giáo người Việt và trở thành một phần tín ngưỡng của phổ biến trong nhân gian. Câu chuyện ngài A-nan gặp quỷ đói rồi với lòng từ bi vô lượng đã xin Đức Phật phương tiện cứu giúp cho loài ngạ quỷ được no đủ và độ thoát cảnh địa ngục đã được các vị tổ sư Mật tông chuyển thành nghi thức cúng thí cô hồn. Các vị Tăng Việt Nam đã tiến một bước nữa bằng cách áp dụng nghi thức tiểu thí thực cô hồn vào các khóa lễ buổi chiều để cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử, các chiến sĩ trận vong, cùng đồng bào tử nạn và các cô hồn bị chết oan không thể đi đầu thai, trở thành những cô hồn không nơi nương tựa…

Sự xuất hiện của việc tạo tượng Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc đóng một vai trò quan trọng trong sự thờ cúng ở các chùa Việt. Điều đó cũng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Phật tử Việt qua ba vấn đề: thứ nhất, việc tạo hình tượng cho việc thờ cúng theo nghi lễ tôn giáo; thứ hai, đáp ứng cho nhu cầu tổ chức tín ngưỡng trong hệ thống chùa chiền; và thứ ba, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người Phật tử Việt. Ở phần này chúng tôi sẽ đề cập tới câu chuyện ngài A-nan gặp ngạ quỹ, tóm tắt nội dung về nghi thức chẩn tế cô hồn, và cuối cùng sẽ bàn tới sự quan trọng của việc cúng cô hồn trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam.

Trước khi bàn về nội dung nghi thức thực cô hồn, chúng ta cũng cần bàn sơ về ý nghĩa hai chữ “cô hồn” được nói nhiều trong bài này. Phật giáo tin rằng con đường sinh tử luân hồi, chúng sinh có thể phân làm sáu nẻo: trời, a-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh; trong đó, ngạ quỷ và súc sanh là hai cõi thấp nhất. Kinh văn ghi rằng ngạ quỷ là loài quỷ bị đói khát khổ sở triền miên và có thân hình xấu xa, bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, đói khát vô cùng và ăn uống cái gì cũng biến thành lửa đỏ nung cháy tâm can. Các loài quỷ đói này vì đời trước đã tạo các nghiệp xấu ác, lại bỏn sẻn tham tài tham của không bao giờ bố thí cho một ai nên bị sinh vào loài quỷ đói. Phật cũng dạy rằng không có gì là trường tồn bất biến. Như các loài quỷ đói nếu biết ăn năn sám hối các tội lỗi xưa, và nếu như các nghiệp ác dần dần được tiêu trừ thì cũng có thể sinh lại làm người, sinh vào cõi trời, hoặc vãng sinh về cõi tịnh độ. Theo quan điểm nhân gian thì các cô hồn ngạ quỷ là những người bị chết oan, chết khi còn trẻ, chết khi còn lắm luyến tiếc cuộc đời, chết vì bị các tai nạn, và chết rồi không có siêu sinh, không có nơi nương tựa, không có ai cúng kinh cầu nguyện cho. Các loài cô hồn uổng tử này vì không được tái sinh, nên lãng vãng đâu đó, và nhiều khi trở lại quấy phá người sống. Theo Phật giáo, một trong những phương thức hữu hiệu nhất để cứu độ các vong hồn ngạ quỷ, các oan hồn uổng tử là thiết đàn chẩn tế cô hồn, cầu nguyện cho họ được siêu sinh về cõi tịnh độ.

Xuất xứ của nghi thức chẩn tế cô hồn bắt nguồn từ câu chuyện ngài A-nan gặp con quỷ đói có tên là Tiêu Diện Khẩu (miệng bị thiêu đốt), có bản kinh dịch là Diện Nhiên (mặt bị thiêu đốt) . Trong nghi Mông sơn thí thực danh xưng là Diện Nhiên Bồ tát. Kinh Phật thuật lại rằng một đêm vào mùa an cư kiết hạ, ngài A-nan đang ngồi thiền ở một động đá trong khu rừng nhỏ, khi ngài mở mắt xuất định thì thấy một con quỷ đói xấu xa tên là Tiêu Diện đứng ở trước mặt ngài. Qủy Tiêu Diện cảnh báo ngài A-nan rằng nếu ngài không bố thí thức ăn và nước uống cho các loài quỷ đói ở trong vùng, thì trong vòng ba ngày nữa ngày A-nan sẽ chết và sẽ bị sinh làm ngạ quỷ. Bị gặp quỷ đói trong lúc đang ngồi thiền lại bị cảnh cáo điềm dữ, nên A-nan sợ hãi gặp Phật và cầu cứu Đức Phật tìm phương pháp cứu giúp. Thương tình A-nan và các chúng sinh đau khổ, nhân đó Đức Phật dạy cho A-nan các bài thần chú. Đức Phật nói rằng các bài thần chú này là do Đức Thế Tôn học được từ Đức Quán Thế Âm khi còn là vị cổ Phật trong nhiều kiếp trước. Vào thời đó Đức Thế Tôn là một vị Bà-la-môn đang trên con đường Phật đạo. Đức Phật dạy Tôn giả A-nan rằng các bài chú này có công năng vô lượng vô biên, có thể biến một chén cháo, một nắm gạo, một tách nước trong trở thành cam lồ mỹ vị và có thể cúng thí cho vô lượng cô hồn mà thức ăn thức uống không bao giờ hết. Hơn nữa, nếu các loài ngạ quỷ hết sức chú tâm lắng nghe khi đọc tụng các bài thần chú này, chúng có thể biến thân ngạ quỷ ghê tởm xấu xa thành thân thể đẹp và có thể sinh vào cõi trời, cõi người hoặc được sinh vào cõi Tịnh độ.

Các kinh liên quan đến chẩn tế cô hồn được Tam Tạng Pháp sư Mật tông tên là Bất Không dịch ra chữ Hán vào thế kỷ VIII, thời Đường. Một trong các kinh quan trọng nhất là Thí chư ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp (Theo Đại Tạng Đại Chính Tân Tu, bản kinh này đánh số 1215). Tất cả các bản kinh Mật tông này đã làm nền tảng cho phần nghi lễ, và cung cấp các bài thần chú, các thủ ấn quan trọng, để cho các pháp sư Mật giáo tổ chức nghi thức chẩn tế cô hồn ngạ quỷ. Ban đầu các nghi lễ này chỉ được thiết lập ở trong hoàng cung để cầu nguyện cho vua chúa, các hoàng gia, nhưng dần dần lan rộng ra dân gian. Vào các triều đại kế tiếp, các pháp sư Trung Quốc đã kết hợp nghi thức chẩn tế với một số nghi thức kỳ siêu khác để cầu nguyện cho cô hồn ngạ quỷ, các linh hồn người mới chết, và được tổ chức long trọng trong các dịp lễ. Dần dần sư tăng từ các tông phái khác như Thiền tông và Tịnh độ cũng sử dụng nghi lễ chẩn tế cô hồn để làm phương tiện độ sinh và là một phương thức tiếp xúc với quần chúng. Về sau, các vị thầy cúng, các vị cư sĩ tại gia, và các pháp sư đạo Lão cũng đã học tập và sử dụng nghi thức khoa nghi cúng này để thiết đàn chẩn tế siêu độ vong nhân. Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, nghi thức chẩn tế cô hồn trở thành phổ biến và được áp dụng khắp nơi. Cũng từ đó các bản nghi thức cúng cô hồn được in thành tập và được sử dụng ở các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam.

Một số bản nghi thức chẩn tế cô hồn được du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XIII dưới triều đại nhà Trần (1225-1400). Hai vị tổ nổi tiếng dòng Trúc Lâm của hệ thống Thiền tông Việt Nam đã dùng các nghi lễ và khoa cúng này trong việc hoằng pháp. Trúc Lâm Đệ nhị Tổ Pháp Loa (1284-1330) đã dùng nghi lễ chẩn tế này để cầu nguyện ở triều đình. Đệ tam Tổ Huyền Quang (1254-1334) cũng đã dùng nghi thức chẩn tế cầu nguyện cho các chiến sĩ tử vong và đồng bào tử nạn trong ba cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Ở Việt Nam, nghi thức chẩn tế cô hồn không những được sử dụng để cầu nguyện cho cô hồn uổng tử, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, và người mới tạ thế, mà còn dùng để cầu nguyện quốc thái dân an. Nghi thức đại chẩn tế này rất cần thiết và quan trọng và thường được thiết lập đại đàn siêu độ sau những năm chiến tranh ly loạn. Vào khoảng thập niên 1630, Thiền sư Chiết Công nhà Minh khi sang Việt Nam hoằng pháp đã mang theo một bản nghi thức mới in ở Trung Quốc thời đó. Trong những năm vào thập kỷ 1640, chúa Trịnh đã cung thỉnh ngài Chuyết Công cùng đệ tử là ngài Minh Hành tổ chức đại đàn chẩn tế  Thủy Lục Không Đại Pháp Hội để cầu nguyện cho vua Lê, chúa Trịnh và quần chúng. Theo văn bia chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích tại tỉnh Bắc Ninh, vào năm 1645 khi công chúa Lê Thị Ngọc Duyên vào năm 30 tuổi đã xin vua cha cắt tóc đi tu với Thiền sư Minh Hành tại chùa Bút Tháp, chúa Trịnh Tráng đã mời ngài Minh Hành tổ chức đại đàn chẩn tế sau khi làm lễ xuất gia cho công chúa. Từ đó về sau nghi thức chẩn tế này lưu hành rộng rãi ở các chùa lớn tại miền Bắc. Ở Việt Nam, nghi lễ chẩn tế cô hồn thường được tổ chức vào rằm tháng Bảy, mùa Vu lan thắng hội. Đây là một ngày lễ lớn rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo truyền thống Đại thừa nhằm để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên quá vãng, và là ngày lễ lớn trong nhân gian để cúng cô hồn ngạ quỷ. Khắp các nơi, đồng bào quy tụ về chùa để cúng dường trai tăng và dự lễ cúng thí thực cô hồn tổ chức vào buổi chiều.

Thiền sư Chân Nguyên, đời thứ ba kể từ Tổ Chuyết Công, đã có công sưu tập và hoàn thành hai tập khoa nghi lễ dùng trong việc chẩn tế cô hồn. Đó là hai khoa cúng quan trọng được lưu hành trong Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam. Bộ Thủy Lục Chư Khoa và bộ Thủy Lục Toàn Tập hiện nay vẫn còn các bản in tại một số chùa ở Hà Nội và tại Thư viện Hán Nôm (Hà Nội). Hai bộ khoa thủy lục này thường được dùng trong những đàn đại chẩn tế ở Việt Nam. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã dựa văn bản khoa cúng thí thực cô và đã diễn Nôm một phần qua áng văn nổi tiếng Văn tế Thập Loại Chúng Sinh.

Khác với hai bộ khoa cúng trên, nghi thức tiểu thí thực thường được tụng ở các chùa vào buổi chiều. Thức cúng gồm có một chén cháo loãng, một bát nước trong, một chén gạo, và một chén muối. Nếu như có thì giờ, thì vị làm lễ tụng thêm kinh A-di-đà, tụng Hồng Danh Bảo Sám, rồi mới tụng nghi Mông Sơn Thí Thực trong phần cúng cô hồn.

Nội dung nghi Mông Sơn Thí Thực có thể tóm tắt như sau. Trước hết, vị hành giả niệm danh hiệu Bồ-tát Diện Nhiên ba lần, và tụng bài sám nhắc nhở các cô hồn muốn sinh về cõi Tịnh độ thì nên hết lòng lắng nghe bốn câu kệ trích từ kinh Hoa Nghiêm. Bài kệ đại ý dạy phải quán sát tất cả các pháp và hết thảy chư Phật trong ba đời đều do tâm tạo. Tiếp theo là tụng ba bài thần chú phá cửa địa ngục để các cô hồn ra khỏi chốn lao lung, tụng bài thần chú thỉnh mời các cô hồn tới cửa chùa để nghe kinh và nhận thức ăn nước uống; tiếp theo vị chủ lễ tụng bài thần chú dứt mở các nghiệp oan trái giúp cho các cô hồn tĩnh tâm và niệm theo danh hiệu của chư Phật ba đời trong mười phương, Phật Thích Ca, Bồ-Tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng, và A-nan. Sau đó vị chủ lễ vì các loài cô hồn mà xin quy y Tam bảo, và cầu xin cho chúng dứt sạch vô số ác nghiệp do tham, sân, và si đã tạo tác từ nhiều kiếp trước. Sau đó các vị chủ lễ vì các loài chúng sinh và phát tấm lòng vô lượng nguyện sám hối các nghiệp chướng, nguyện dứt trừ các phiền não, nguyện tu học và nguyện thành Phật. Tiếp theo vị chủ lễ tụng thêm bảy bài thần chú. Bài thần chú thứ nhất giúp diệt trừ các nghiệp cố định; bài thần chú thứ hai giúp dứt trừ nghiệp chướng bình thường; bài thần chú thứ ba giúp cho yết hầu các ngạ quỷ mở rộng; bài thần chú thứ tư giúp cho các cô hồn giữ tâm trong chánh niệm để hưởng thọ các thức ăn, thức uống đang bày ra cúng cho chúng. Bài thần chú thứ năm giúp cho các thức ăn hóa ra vô số và biến thành ngon ngọt. Bài thần chú thứ sáu khiến cho nước thường biến thành cam lồ ngon ngọt vô song. Bài thần chú thứ bảy giúp cho chén nước trong biến thành nước có nhiều công đức. Và bài thần chú thứ tám khiến cho các thức ăn thức uống biến thành biển sữa để nuôi dưỡng các loài quỷ đói khát. Sau khi tụng các bài thần chú giúp các loài cô hồn ăn uống no đủ , người chủ lễ niệm danh hiệu của bảy vị Như Lai, và nhắc nhở các loài cô hồn rằng các bài thần chú này sẽ giúp chúng dứt bỏ đói khát, và quan trọng hơn nữa là chúng phải dứt bỏ tâm địa tham lam và phải một lòng quy y Tam bảo. Có như thế chúng mới dứt sạch nghiệp chướng quá khứ và hiện tại để vãng sinh về cõi Tịnh độ tu tập thoát khỏi nghiệp chướng luân hồi, và đạt tới quả vị Phật. Cuối cùng vị chủ lễ tụng thêm hai bài thần chú nói lên sự cao thượng của sự bố thí trong nhà Phật không phân biệt và ngăn cấm một ai, một loài nào tới nhận của cúng dường. Và các thứ cúng dường này được dâng cho mọi loài một cách bình đẳng.

Hết lòng chú tâm và thành tâm quán tưởng là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong khi hành lễ cúng thí thực cô hồn. Có hết lòng để hết tâm ý để tụng kinh, và tâm không bị một điều gì khác quấy rối làm xao lãng tâm trí. Mỗi khi tụng bài thần chú nào, vị chủ lễ phải dùng tâm mình để quán tưởng rằng với thần lực của chư Phật, các bài thần chú mà mình đọc tụng có công năng nhiệm mầu như lời giải thích trong kinh. Thí dụ khi tụng bài thần chú Biến thực biến thủy, người chủ lễ phải nhìn vào chén cháo, chén nước để quán tưởng hai thứ thức ăn và thức uống này sẽ biến thành cam lồ ngon ngọt và hóa ra vô số lượng có thể làm cho các loài quỷ đói khát được ăn uống no đủ và thỏa mãn. Nếu người chủ lễ không thành tâm khi hành lễ thì các chúng cô hồn ngạ quỷ không thể được độ khỏi cảnh khổ, và đôi khi còn trở lại quấy nhiễu người sống. Khi còn ở Sài Gòn, thì được nghe một vị trụ trì kể rằng một hôm đến phiên thầy trị sự tụng kinh cúng thí thực cô hồn vào buổi chiều, nhưng khi tụng kinh thầy chỉ nghĩ đến xâu chìa khóa bị mất. Tối đó trong lúc đang ngủ thầy trụ trì thấy các cô hồn than phiền rằng buổi chiều thầy trị sự chỉ cho ăn toàn chìa khóa sắt. Sáng ra hỏi thầy trị sự, thì thầy nói rằng vì bị mất chùm chìa khóa quan trọng của chùa nên khi tụng kinh thầy chỉ nghĩ đến chùm chìa khóa. Chiều đó thầy trụ trì đích thân sắm lễ thịnh soạn hơn mọi khi và thỉnh tất cả chư Tăng trong chùa tụng kinh làm lễ cúng thí thực cô hồn.

Phật giáo cho rằng bằng cách tụng kinh cúng thí thực cô hồn vào một buổi chiều có thể khiến cho các loài cô hồn biết rằng vẫn còn có các bậc xuất gia ở chùa nghĩ đến chúng và bố thí thức ăn và nước uống cho chúng mỗi ngày. Nếu các chùa lớn chùa nhỏ trong toàn quốc đều làm lễ cúng thí thực  cô hồn vào mỗi buổi chiều thì các oan hồn uổng tử, các nạn nhân chiến cuộc, các linh hồn chế bất đắc kỳ tử, các oan hồn chết vì các tai nạn, v.v. có thể bớt sự đói khát và được siêu độ. Trong lúc làm lễ, các cô hồn có thể đến nghe kinh và nhận thọ các thức cúng thí. Các vị Tăng Ni không phải chỉ cúng thí cho các cô hồn thức ăn và thức uống mà còn đọc kinh tụng chú, nhắc lại những lời dạy của Đức Phật, giúp chúng quy y Tam bảo dứt các ác nghiệp, và dạy cho chúng con đường giải thoát siêu độ  trong đạo Phật. Nếu như các cô hồn đến chùa nghe kinh và thọ nhận các thức cúng thí, thì cũng có ngày linh hồn của các cô hồn này bớt sự cô đơn, được tỉnh ngộ rồi quy y Tam bảo và được thác sinh về cõi an vui hơn. Vẫn biết rằng giáo lý cao thượng của Phật giáo quan tâm đến vấn đề giác ngộ và giải thoát sinh tử, như giáo sư Charles Orzech nhận định về truyền thống Phật giáo Trung Quốc, “các đàn chẩn tế lập ra để cầu nguyện cho người vừa mới mất, hoặc tổ chức vào dịp Lễ Vu lan mỗi năm. Sự chẩn tế cô hồn này được xem như là nền tảng tín ngưỡng cho người Phật tử, và cũng là yếu tố rất quan trọng trong sự tồn vong của Phật giáo từ xưa cho đến nay”. Nếu pháp Tứ diệu đế phân tích một các rỏ ràng mạch lạc các sự khổ, nguyên nhân của khổ đau, quả giác ngộ Niết bàn, và con đường chấm dứt sự khổ, như một con đường giác ngộ thiên về mặt triết học, giáo lý và lý luận tâm linh, thì phần nghi lễ các khoa cúng thí thực, và đàn chẩn tế cô hồn mang là con đường tôn giáo tín ngưỡng, một sự quan tâm thiết thực cho sự khổ đau và mất mát của con người trong đời sống hằng ngày. Việt Nam là một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến, từ chiến tranh nội chiến đến các cuộc toàn dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, khoa chẩn tế để cầu nguyện siêu độ cho những người chết là một nghi lễ cần thiết cho nhân quân xã hội.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64

Một số lớn Phật tử và người dân thường ở miền Bắc tin rằng Đức Ông có thần lực và oai đức bảo vệ các trẻ em, nhất là các em bé khó nuôi, khỏi bệnh nạn, được bình an, và tránh khỏi các điều bất trắc. Các bậc phụ huynh khi đến chùa thường hay lễ bái Đức Ông, và thành tâm cúng dường, không chỉ có hương hoa, trái cây, mà đôi lúc còn có cả rượu bia và thức ăn mặn. Các người tín tâm, các thiện nam tín nữ tin vào sự linh thiêng mầu nhiệm, và lòng thương vô hạn của trưởng giả Cấp Cô Độc đối với trẻ thơ. Các nam nữ thiện tín cho rằng Đức Ông bảo vệ trẻ em tránh được các hoạn nạn, bệnh tật và các thần lực xấu vô hình vô ảnh. Các Phật tử và người tín tâm quan niệm rằng Đức Ông là một vị thiên thần, ngài không phải là Phật, là Bồ-tát, mà là đệ tử cư sĩ của Phật. Khi còn tại thế, Trưởng giả Cấp Cô Độc là một người giàu sang quyền thế, có vợ có con, có sự nghiệp và tài sản lớn nhất nước Ấn Độ xưa, chỉ thua vua mà thôi. Là một cư sĩ tại gia, do vậy họ quan niệm rằng Đức Ông hiểu và thông cảm các vấn đề khổ đau, sư lo lắng, quan tâm của các bậc cha mẹ trong đời thường hơn là các bậc giác ngộ giải thoát. Thiên chức của Đức Ông trong truyền thống Phật giáo miền Bắc có phần tương tự với vai trò bảo vệ trẻ thơ của Bồ-tát Địa Tạng (Jizo) trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Do vậy, các bậc cha mẹ có con khó nuôi, hoặc muốn được sự che chở và bảo vệ cho mạng sống, họ thường thường đem con đến chùa bán khoán cho Đức Ông.

Nghi cúng thí thực cô hồn là một nghi lễ cầu nguyện siêu độ cho người chết do các vị xuất gia phụ trách tụng niệm ở các chùa chiền tự viện. Nghi lễ bán khoán trẻ thơ cho Đức Ông thường thường được làm lễ trước bàn thờ của ngài Cấp Cô Độc. Xét các tập khoa cúng và nghi thức tụng niệm của thiền môn, chúng ta chưa tìm thấy những thông tin gì về nghi thức bán khoán trẻ thơ cho Đức Ông Cấp Cô Độc được đề cập trong Đại tạng. Nhìn vào một vài tập nghi lễ mới được biên soạn và sưu tập gần đây, ta thấy nghi bán khoán trẻ em cho Đức Ông là một sáng tạo của tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Buổi lễ bán khoán trẻ em cho Đức Ông gồm các lễ dâng hương, đảnh lễ Tam bảo, tụng Đại Bi Chú, niệm hồng danh chư Phật, các vị Bồ-tát, cùng Hiền Thánh tăng và tụng Thần chú tiêu tai diệt tội, Thần chú Chuẩn Đề, và làm lễ quy y Tam bảo cho đứa trẻ. Nhìn chung, đây là một nghi thức thông thường có thể uyển chuyển áp dụng cho nhiều nghi cúng khác.

Có ba văn kiện quan trọng đọc trong buổi lễ bán khoán. Các văn kiện này gồm hai sớ văn đọc trước bàn thờ Đức Ông và mộ bản “khoán ước” được hai bên ký kết: một bên là cha mẹ, một bên là thầy trụ trì. Cha mẹ đại diện cho đứa con thơ của mình, con thầy trụ trì là “đại diện” của Đức Ông. Trong buổi lễ bán khoán, cha mẹ của đứa bé dâng lễ vật hương hoa trà quả lên bàn Đức Ông. Thầy trụ trì đích thân đứng ra chủ lễ. Nghi thức tôn giáo gồm có lễ dâng hương, tụng chú Đại Bi, niệm danh hiệu của Trưởng giả Cấp Cô Độc, Phật Thích Ca và các vị Bồ-tát; sau đó, thầy trụ trì dâng sớ. Trong sớ văn, có ghi tên họ đứa bé, ngày tháng năm sinh, tên họ và địa chỉ của cha mẹ, và lý do chính đáng trong việc bán khoán con thơ cho Đức Ông. Sớ văn cũng nhấn mạnh rằng sau lễ bán khoán đứa bé sẽ trở thành đứa con tinh thần của Đức Ông và ngài có nhiệm vụ bảo hộ cháu được khỏe mạnh khôn lớn. Đọc xong sớ văn trước bàn thờ Đức Ông, thầy trụ trì hỏa thiêu bản sớ, và làm lễ quy y và đặt pháp danh cho cháu bé. Sau lễ quy y, đứa bé chính thức là đứa con tinh thần của Đức Ông. Các bậc phụ huynh tin rằng từ khi bán khoán xong đứa bé sẽ được Đức Ông hỗ trợ tinh thần, và long thần hộ pháp trong chùa cũng bảo bọc cho cháu nên người. Sau khi làm lễ hồi hướng, thầy trụ trì dâng một sớ khác lên Đức Ông và hóa hỏa sau khi đọc xong. Sau buổi lễ, gia đình em bé tiếp nhận chứng khoán bán con cho Đức Ông. Tờ chứng khoán này ghi rõ tên họ và ngày tháng năm sinh của cháu bé, pháp danh, tên họ và địa chỉ của cha mẹ, và lý do bán khoán cháu bé cho Đức Ông. Bản khoán phải do cha mẹ và thầy đồng ký tên. Văn kiện này sẽ được lưu giữ ở chùa. Từ nay về sau vào rằm và mồng một (ngày sóc vọng), và các dịp lễ lớn như Tết, Phật đản và Vu Lan, cha mẹ của cháu bé phải có bổn phận đưa con đến chùa lễ Phật. Đặc biệt là vào dịp sinh nhật của cháu bé phải có bổn phận đưa con đến chùa lễ Phật. Đặc biệt là vào dịp sinh nhật của cháu bé, hoặc ngày lễ vía Đức Ông, cha mẹ phải sắm sửa một mâm lễ dâng lên Đức Ông Cấp Cô Độc. Sau một giáp (12 năm), cha mẹ của cháu bé sửa soạn một mâm lễ tươm tất đem lên chùa chuộc lại con. Nhiều trường hợp cha mẹ cháu bé có thể làm lễ chuộc con sớm hơn hoặc muộn hơn như quy định.

Kết luận

Khi nghiên cứu bộ tượng Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc trong truyền thống nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy người Việt xưa đã khéo léo chuyển hóa hai vị đệ tử nổi tiếng của Phật để trở thành Thánh Tăng và Đức Ông trong truyền thống thờ tự ở chùa Việt ở miền Bắc. Thánh Tăng và Đức Ông đã từ từ đi vào văn hóa Phật giáo người Việt và trở thành một phần của tín ngưỡng phổ biến trong nhân gian. Câu chuyện ngài A-nan gặp quỷ đói rồi với lòng từ bi vô lượng đã xin Đức Phật phương tiện cứu giúp cho loài ngạ quỷ được no đủ và độ chúng thoát cảnh địa ngục đã được các vị tổ sư Mật tông chuyển thành nghi thức cúng thí cô hồn. Các vị Tăng Việt Nam đã tiến một bước nữa bằng cách áp dụng nghi thức tiểu thí thực cô hồn vào các khóa lễ buổi chiều để cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử, các chiến sĩ trận vong, cùng đồng bào tử nạn và những cô hồn bị chết oan không đi đầu thai, mà phải bị làm cô hồn lảng vảng không nơi nương tựa, không người cúng kính. Nghi thức đại chẩn tế cô hồn, còn gọi là Thủy lục không Du-già nghi, chỉ được các chùa lớn tổ chức mỗi năm một lần vào dịp Lễ Vu Lan, hoặc một năm vài lần khi có tín chủ bỏ tiền bạc ra lập đàn chẩn tế siêu độ người chết. Với nghi thức cúng thí thực cô hồn vào mỗi chiều, chùa chiền và tự viện ở Việt Nam đã âm thầm cầu nguyện cho những oan hồn uổng tử, cầu cho âm siêu dương thái, để cho kẻ chết được siêu sinh và người sống được bình yên. Trong truyền thống cổ truyền, Đức Ông Cấp Cô Độc là vị thần Già Lam bảo hộ chùa chiền, nhưng người Phật tử Việt lại tôn thờ ngài thêm một chức năng mới đó là bảo vệ các trẻ em được khỏe mạnh an vui, mau ăn chóng lớn, và tránh được các bệnh tật, giúp cho trẻ thơ tránh những tai nạn nguy hiểm. Trong các buổi lễ dù là thí thực cô hồn, đại trai đàn chẩn tế, hoặc bán khoán con thơ, các vị Tăng Ni giữ một vai trò quan trọng. Trong lễ bán khoán, các vị Tăng Ni đã thay thế các vị gia chủ, các vị tín tâm làm lễ cho con cái của họ. Qua lễ thí thực mỗi ngày, bán khoán cũng như các lễ nghi khác khi các chùa cầu nguyện cho đồng bào Phật tử và những thí chủ, sự hỗ trợ tinh thần này đã tạo nên sự hỗ tương gắn bó giữa chùa chiền và Phật tử và các cộng đồng làng nước.

Hình ảnh Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc đồng thời phản ánh các sức sống văn hóa và tâm linh của thời đại, bao gồm sự bình an của trẻ thơ. Thánh Tăng và Đức Ông được thờ ở các chùa ở miền Bắc mà lại thiếu vắng trong các chùa ở miền Trung và miền Nam phản ánh sự phát triển của Phật giáo khác biệt giữa hai miền Bắc và Nam. Điều này cho ta thấy trong thời gian Trịnh Nguyễn phân tranh khi đất nước chia làm hai miền. Ở đàng Ngoài, các chùa Trịnh đã bỏ ra nhiều tiền của xây dựng và trùng tu các chùa chiền và nới rộng thêm kiến trúc. Ở Đàng Trong, các chùa Nguyễn mở đường Nam tiến khẩn đất khai hoang để mở rộng đất nước về phương Nam.

Các pho tượng Thánh Tăng và Đức Ông được khảo cứu và mô tả trong bài này không hẳn là các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, mà là những hình tượng có công năng truyền tải giá trị văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử xã hội Việt Nam thời đương đại. Tượng Thánh Tăng và Đức Ông ở trên một phương diện khác phản ảnh lịch sự phát triển và mở rộng của hệ thống kiến trúc chùa chiền ở miền Bắc và vị trí quan trọng của hai vị này trong môi trường tâm linh mới. Hơn nữa, tượng Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc biểu lộ mục đích cao cả của nghi lễ tôn giáo như là một hình thái và sinh hoạt tâm linh giữa Tăng Ni và Phật tử, giữa chùa chiền  với làng nước, giữa người sống và cõi chết, giữa cõi âm và cõi dương. Tượng Thánh Tăng và Đức Ông đồng thời làm nổi bật mục đích và ý nghĩa tiêu biểu của truyền thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam được thực hiện qua hình thái tạo hình. Tượng Thánh Tăng và Đức Ông có giá trị cao trong việc giúp chúng ta hiểu sâu rộng thêm bối cảnh lịch sử và văn hóa đã có những tác động trong việc ra đời hai hình tượng tôn giáo có ý nghĩa sâu sắc như vậy. Đồng thời cũng làm sáng tỏ thêm về hình ảnh và tác dụng sâu sắc về nghi lễ tôn giáo đối với đời sống của nhân dân.

Ghi chú:

1. Trong gần 20 năm nay, có từ hàng trăm đến hàng ngàn pho tượng quý, các pháp khí, và đồ thờ bằng đồng hoặc bằng gốm ở các chùa đã bị mất cắp và thuyên chuyển lậu ra nước ngoài. Đây là một vấn đề nghiêm   trọng xảy ra khắp ở các chùa ở miền Bắc. Các chùa lớn nhỏ có tượng quý đều bị đánh cắp, và tình trạng này đã xảy ra liên tục. Thí dụ, năm 1993, pho tượng Đức Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay và pho Quan Âm Nam Hải ở chùa Tây phương bị đánh cắp. Cùng năm, một số pho tượng Phật ở chùa Mía cũng bị mất trộm. Năm 2003, một số pho tượng Phật và Bồ-tát ở chùa Vĩnh Nghiêm, làng Đức La, tỉnh Bắc Giang đã bị mất trộm. Khi đi khảo cứu điền dã nhiều chùa thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tôi nhận thấy rằng hầu như các chùa có tượng cổ đều bị mất cắp. Đây là một thực tại khó khăn mà các chùa Miền Bắc đã và đang gặp phải. Tại nhiều chùa, các thầy trụ trì đã cho thợ sơn lại các tượng cổ để làm mất giá trị của tượng để tránh bị mất trộm. Một số thợ bây giờ hoặc là tay nghề kém, hoặc làm rất dối, nên lúc sơn phết lại đã làm mất hết các hoa văn cũ trên các pho tượng cổ. Khi còn chiến tranh thì tượng quý còn ở chùa, nay hòa bình mà di sản văn hóa của quốc gia lại bị mất mát. Thật đáng tiếc!


2. Khi đi khảo cứu điền dã, tôi đã dập một số bia văn để tham khảo thêm tư liệu về niên đại xây dựng, trùng tu cũng như tóm tắt lịch sử của chùa được khắc trên bia đá. Ngoài ra, tôi cũng đã tham khảo thêm các văn bia của các chùa có liên quan đến bài nghiên cứu được lưu trữ tại thư viện Viện Hán-Nôm. Qua tư liệu văn bia, chúng ta có thể biết một cách tổng quát lịch sử của chùa.


3. Tu viện Kỳ Hoàn tọa lạc tại làng Sravsiti, còn gọi là làng Saheth Maaheth, cách thành phố Balrumpur 17 km, và cách thủ phủ Lucknow thuộc bang Uttar Pradesh 160 km. Tu viện đã bị phá hủy sau thế kỷ XI, nhưng di tích vẫn còn cho đến ngày nay. Nền tòa nhà Chiên Đàn nơi Phật thường lưu trú và cây bồ đề do ngài A-nan đem một nhánh bồ đề từ Bồ Đề đạo Tràng, nơi Đức Phật ngồi thiền định 49 ngày trước khi thành đạo, trồng tại tu viện hiện vẫn còn.


4. Cuộc đời, sự nghiệp và công đức ủng hộ Phật và Tăng đoàn nguyên thủy Phật giáo của Trưởng giả Cấp Cô Độc đã được viết rất nhiều. Thí dụ, Bhikkhu Nanamoli, The Life of the Buddha according to the Pali Canon. Buddhist Publication Society; 3rd ed., Kandy, Sri Lanka: 1992, trang 87-101. Thích Nhat Hanh, Old Path White Clouds, Parallax. Berkeley, 1991, trang 261-265. Nyanaponika Thera và Hellmuth Hecker, The Great Discliples of the Buddha, Wisdom Publication, Boston, 1997, trang 335-360. G. p. Malalasekara, Dictionary of Pali Proper Names. Munshiram Manooharlal Publishers, New Delhi, bản in năm 2002, tập 1, trang 76-72.

5. Đinh Khắc Thuần, Văn bia thời Mạc. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1996, trang 339-340.


6. Chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Thuận Hóa từ năm 1558. Năm 1619, khi biết mình sắp qua đời, Nguyễn Hoàng đã chọn con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên lên nối ngôi và ông đã trở thành vị chúa Nguyễn đầu tiên ở đất Đàng Trong. Phúc Nguyên đã tuyên chiến với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.


7. Các chùa Việt xưa đều quay mặt về hướng Nam. Cổng tam quan và ba tòa nhà chính là tiền đường. Phật điện và hậu đường đều được xây trên một trục lộ thẳng theo hướng Nam Bắc. Đứng trên phương diện đồ hình kiến trúc cùa chùa mà xét thì bàn thờ Thánh Tăng A-nan luôn luôn tôn trí bên hướng Tây (tay trái), còn bàn thờ Đức Ông Cấp Cô Độc luôn luôn nằm ở hướng Đông (bên tay phải). Tuy vậy, nhiều chùa không xây hướng chính của chùa theo nguyên tắc này, nhưng tượng Thánh Tăng và Đức Ông bao giờ cũng đặt tại phía trái và phía phải nhà tiền đường.


8. Xin tham khảo thêm Hà Văn Tấn. Chùa Việt Nam. NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội: 1993, trang 123-25. Đinh Khắc Thuân. Văn bia thời Mạc, 1996.

9. Thông thường thì sau khi dâng lễ xong, các tín chủ đem các thức cúng như rượu thịt và thức ăn mặn về nhà. Các thức cúng này gọi là “lộc thánh”.


10. Ở Việt Nam, các vị Tăng chủ sám trong các buổi lễ quan trọng, hoặc các vị chủ lễ trong các đàn chẩn tế cô hồn thường đội mũ ngũ Phật. Mũ ngũ Phật có năm cánh, trên mỗi cánh đều có thêu mỗi vị Phật. Năm vị Phật đại diện giáo chủ cho năm phương, và thường được sắp xếp theo hệ thống Mật tông như thường thấy trong đồ hình mandala. Phương Đông Phật A-súc-bệ; phương Nam Phật Bảo Thắng; phương Tây Phật A-di-đà; phương Bắc Phật Tối Thắng Âm và ở trung ương Phật Tỳ-lô-xá-na.

11. Xin tham khảo thêm Chun-Fan Yu. Kuan-yin: The Chinese Transpormation of Avalokitesvara. Colombia University Press, New York.

12. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Paris, Lá Bối, 1978, tập 2, trang 97.


13. Xin dẫn ra đây vài thí dụ các bản in mộc bản về khoa cúng thí thực có minh họa ngài A-nan gặp quỷ Tiêu Diện. Một số bản in này hiện nay được sưu tập và tang trữ tại một số viện bảo tang mỹ thuật ở Tây phương có in hình này, thí dụ ở trong sách Buddhism: Art and Faith. British Museum Publications, London, 1985, catalog s#116, trang 88-89; hoặc Robert Weller. Unities and Divertities in Chinese Religion. University of Washington Press, Seattle, 1987, hình số 4.4 trang 120. Gia1o sư Wekker đã dùng một bản thời Thanh minh họa Bồ-tát Quán Thế Âm hóa thân làm quỷ Tiêu Diện cứu các loài quỷ đói.


14. Từ đời Đường (thế kỷ VII) trở về sau được các chùa thờ ngài Quan Công như vị thần già lam bảo vệ chùa chiền. Xin tham khảo thêm về lịch sử và quá trình ngài Quan Công được thánh hóa để trở thành một vị thần chiến tranh, và vị thần già lam. Cheng Mengchao.The Origin of Chinese Deties (Nguồn gốc các vị thần Trung Quốc). NXB Ngoại Văn. Bắc Kinh, 1995, trang 53-58.


15. Các khoa cúng thí thực cô hồn được dựa trên năm bản kinh Mật giáo. Trong Đại Tạng Đại Chính Tân Tu, các bản kinh này đánh số từ 3113, 3114, 1315, 1318, 1319 và 1320. Theo các học giả Phật học ở Tây phương, bản kinh đánh số1315, tựa Thí Chư Ngạ Qủy Ẩm Thực Cập Tịnh Thủy Pháp, là bài kinh quan trọng và đầy đủ nhất, Giáo sư Charles Orzech đã giới thiệu và dịch bản này ra tiếng Anh tựa là: “Saving the Burning Mouth Hunrgry Ghost” in trong tập Religions of China in Practice [Sự Hành Trì Tôn Giáo ở Trung Quốc] Princeton University Press, Princeton, 1996, trang 278 – 283. So với bản 1315, bản 1320 tựa Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi, dài và đầy đủ nhất  gồm có các nghi thức cùng ấn chú, nhưng không đề cập đến câu chuyện ngài A – nan gặp quỷ đói.


16. Trong truyền thống Phật giáo Trung Quốc cũng như truyền thống Phật giáo Việt Nam, lễ hội Vu lan và lễ cúng cô hồn được tổ chức rất trang trọng vào mỗi năm vào rằm tháng Bảy sau ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng. Trong dịp này, đồng bào Phật tử các giới quy tụ về chùa tụng kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã quá vãng. Vào buổi chiều, các chùa lớn thường tổ chức trai đàn chẩn tế cô hồn. Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Đông Á, các học giả Tây phương nhận định rằng lễ hội Vu Lan và trai đàn chẩn tế cô hồn là nền tảng sinh tồn và phát triển của Phật giáo. Lễ trai đàn chẩn tế cô hồn hàng năm được tổ chức rộng rãi vào dịp lễ Vu lan, tuy vậy, với sự quan trọng của việc chẩn tế cô hồn, khoa nghi này còn được tổ chức vào các dịp Đại giới đàn truyền giới cho Tăng Ni và Phật tử, hoặc khi một người nào đó quá vãng và thân nhân trong gia đình có phương tiện thỉnh chư Tăng làm lễ trai đàn cúng thí thực để cầu nguyện và hồi hướng phúc đức cho thân nhân vừa qua đời. Thỉnh thoảng các nhà hảo tâm, các hội đoàn hoặc chính quyền địa phương cũng bảo trợ tổ chức đại lễ chẩn tế cô hồn cho các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, các oan hồn tử sĩ, các người thương vong, v.v…

17. Trong lúc nghiên cứu cho bài viết này, tôi đã tham khảo hai khoa cúng: Thích Thị Bảo Đỉnh Hành Trí Bỉ Chỉ Toàn Chương, và Bảo Đỉnh Hành Tri Bí Chỉ Toàn Chương. Hai tập nghi lễ quan trọng này có tên tác giả là Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm. Hai bản kinh này in lại vào thời Nguyễn tại chùa Viên Minh, xã Cổ Liêu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Thư viện Hán Nôm có hai bản nghi thức này đánh số: AC 225 và VHv 1096. Cho tới nay chưa có học giả nào nghiên cứu về nội dung của hai bản khoa cúng này.

 

18. Các bản kinh nhật tụng ở các chùa Việt Nam đều có in nghi thức Mông Sơn Thí Thực. Nghi thức này hoặc là nguyên chữ Hán, hoặc phiên âm Hán Việt. Gần đây Nghi Thức Thí Thực đã được HT. Thích Nhất Hạnh địch ra tiếng Việt và in trong tập Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn, bằng Quốc ngữ, Lá Bối xuất bản, Walnut Creek, California, 1999, trang 91 – 95. Học giả D.T. Suzuki dịch bài kinh này sang Anh ngữ và xuất bản trong tập sách, Manual of Zen Buddhism [Thiền Môn Khóa Tụng]. Grove Press, New York, 1960.


tuong-thanh-tang-chua-Tay-Phuong

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64QUẢNG CHƠN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here