Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Người quê kẻ tỉnh

Người quê kẻ tỉnh

137
0

Ông Hai đứng tần ngần trước sân, trời mờ sáng, Hồi hai giờ khuye, ông đưa vợ ra xe đò về Sài Gòn trông cháu cho con trai. Hai vợ chồng già tay xách nách mang, lội bộ một thôi đường, chờ xe nửa tiếng, thế là hết đêm. Năm năm nay, ông bà Hai thành vợ chồng son khi đứa út xuống thành phố học, mấy đứa lớn học xong, ở lại kiếm sống, rồi lấy vợ lấy chồng. Hôm qua, đứa con dâu gọi điện về thỏ thẻ với mẹ chồng "nội ơi, con bé nhớ nội".

Nghe điện dứt, bà chạy sang người em dâu, lấy chục ký gạo ruộng vì tụi nó thích ăn gạo ở đây, đậm vị chứ không lạt như gạo mua ở dưới. Ra chuồng, bà xếp chục trứng gà, gói giấy từng trái, bắt luôn con gà mái dầu. Cầm liềm vô vườn cắt mớ rau lang, muống, ngót, mồng tơi, bẻ mấy cây mía, để góc bếp lựa thêm mớ củ, vài nhánh chuối. Vừa bó rau bà vừa nghĩ tới ánh mắt sáng rỡ, tiếng hít hà "rau sạch, quý lắm đó nội" của con dâu khi nhìn giỏ quà mẹ chồng.

Thế nào vợ thằng lớn cũng phân loại ngay, chia phần vô bọc cẩn thận cho vào tủ lạnh ăn nhín. Ừ, rau quê có phân thuốc gì đâu, để cả tuần ăn vẫn ngọt. Sực nhớ, bà mở tủ chén lấy chai mật ong rừng mới mua. Hành trang thăm cháu nội đã xếp xong, giờ tới việc đưa tiền chợ và nhắc ông Hai cho chó, gà ăn, nhớ tưới đám rau mới gieo.

Ngày thằng lớn vô đại học, hơn 15 năm trước, ông Hai mừng. Quá nửa đời ông cầm phấn đứng trước bảng, ngoài bốn mươi, bất đắc chí, ông chán trường bỏ về cầm cuốc, rách vẫn rách, ông thấu đời. Đến đứa thứ ba, bốn công ruộng và chừng ba mẫu vườn đội nón đi khỏi nhà ông, cộng thêm đống tiền vay họ hàng, lối xóm. Có người cám cảnh nhà ông, than "học cho lắm rồi bẻ chữ ăn à!".

Lúc đó, ông thật thấm thía câu "giật gấu, vá vai". Hết ruộng vườn, đất chỉ còn đủ ở, vợ chồng "thất nghiệp", ông bỗng thấy tay chân thừa thãi, bứt dứt. Người vợ xoay sang bóc hột điều mướn, ngày kiếm được chục ngàn sống. Mỗi khi mấy đứa con về nhà, ông thấy nét sờ sợ trong ánh mắt bà Hai "tiền đâu cho chúng !" Đâm lao theo lao, vợ chồng già lại chạy vạy, có người hàng xóm tốt bụng, thỉnh thoảng cho mượn tiền nhưng dứt khoát không lấy đồng tiền lời vì "ông bà có làm ăn gì đâu, tụi nhỏ đi học mà". Chục năm dai dẳng, cũng may mấy đứa nhỏ nhà ông chịu học, chịu làm. "Nợ mòn, con lớn" mọi chuyện rồi cũng qua đi.

Ảnh: muctim.com

Tiếng trống trường dứt dòng suy tưởng, ông Hai đi bộ ra quán mua đồ ăn. Đã ba năm, từ khi có đứa cháu nội, thực đơn chính của ông, mỗi khi bà Hai xuống với cháu, là mì gói là chính. Thành quen, cầm bịch đồ ăn, ông sang luôn nhà người bạn già, đã có bốn năm ông ngồi quanh ấm trà. Họ tự phong là hội độc thân vì gần cảnh ngộ, đề tài chính của mỗi buổi trà sáng chỉ xoay quanh chuyện người đi, kẻ về. ông Tư khoe, con gái sắp về chơi khiến mấy hôm rày, ông cứ thắc thỏm, hết ngó lịch lại nhẩm đốt tay.

Quê bây giờ còn toàn người cũ, cảnh cháu con khuya sớm quây quần còn mấy. Dễ gặp là những bóng già lủi thủi. Các bà đi trông cháu nội – ngoại, bỏ các ông tha thẩn ở nhà cùng chó, mèo. Nếu không chia lìa, lại vất vả "làm mẹ thay con" vì cha mẹ chúng đang vật lộn nơi thị thành. Xứ ông giờ người ta bỏ về chốn thị thành nhiều, ruộng cũng bỏ hoang nhiều. Sồn sồn, vợ đi giúp việc, giữ trẻ; chồng đi phụ hồ, thợ mộc, xe ôm. Nhiều đôi ngâu cả năm mới gặp nhau nhưng lại to tiếng vì tiền nong, rồi nghi ngờ tình cảm.

Trẻ trai bước vào khu công nghiệp lương tháng vài triệu, làm việc 12 tiếng. Lỡ sinh con chỉ được vài ba tháng, giao cho ông bà ở quê, tiền đâu gửi trẻ và xin con học ở thành phố… Con nhà nghèo chịu thương, chịu khó vừa học vừa làm không mặc cảm thấp kém để rồi có nghề nghiệp đàng hoàng, ít lắm. Con nhà khá một chút lại coi đây để xài tiền cha mẹ, học hành qua quýt, rồi tệ nạn, rồi hỏng! Rốt cuộc già trẻ, trai gái, người đi kẻ ở đều khốn khổ. Biết ai khổ hơn ai? Nhiều gia cảnh thương tâm, cha mẹ xa con, vợ chồng chia lìa, cửa nhà ly tán vì cuộc mưu sinh – người dân quê hôm nay đang chịu đựng. Nghĩ cảnh người rồi lại nghĩ cảnh mình, ông tự an ủi "thôi, vì con vì cháu".

Hôm nghỉ lễ vừa rồi, cả sắp con về quê, nhà ông Hai vui như hội. Chừng tụi nó cũng đã có chút để dành nên mấy đứa khẩn khoản "Hay bố mẹ về dưới, không thích ở chung thì tụi con mua một mảnh đất nhỏ ở vùng ven, có chỗ để trồng rau nuôi gà cho đỡ nhớ quê". Bà Hai có vẻ xuôi xuôi khi đứa cháu nội ê a rủ "xuống chơi với con", nhưng ông Hai lắc đầu: "Tụi bây có nhớ khi làm siêng về thăm tao. Tao ở đây quen rồi, có chỗ mà thở, có nhúm ruột của thằng út khi chào đời, hương hồn người ruột thịt. Bỏ đi sao đặng!".

Theo Sài Gòn Tiếp thị Xuân 2011

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here