Huế còn là thủ đô của Phật giáo xứ Đàng Trong, có nhiều Phụ nữ xuất gia, trưởng thành thành nhiều vị Ni sư mà hình ảnh của họ đã ghi đậm nét trong văn hóa Huế – một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam. Những tầng lớp phụ nữ riêng của Huế nầy được xem là tầng lớp quý tộc – thành phần tạo nên nếp sống văn hóa tiêu biểu của Huế xưa cũng như nay. Vai trò của người phụ nữ nói chung và người phụ nữ Huế nói riêng trong di sản văn hóa dân tộc, có thể tiếp cận qua hai thể: khách thể (objet) và chủ thể (sujet).
I.Về Khách thể
Người phụ nữ Huế là đối tượng được mô tả, kể lại, ghi lại, vẽ nên, được ca tụng, biểu dương trong văn hóa dân tộc.
Nữ sinh Đông Khánh. Bưu ảnh của NVD. |
Đề cập đến hình ảnh người phụ nữ Huế người ta nghĩ ngay đến một người đẹp. Người đẹp ấy đã là đề tài cho biết bao thi ca, âm nhạc, hội họa: Từ cô Tôn nữ trong khuê các cho đến cô nữ sinh trường Đồng Khánh Huế với đôi tà áo mỏng nhẹ bước qua cầu Trường Tiền, cô gái Phú Cam ngồi đan nón bài thơ, cô gái chèo đò trên sông Hương. v.v. Trong kho tàng âm nhạc Huế có biết bao bài ngợi ca vẻ đẹp của
người con gái Huế. Tranh của Tôn Thất Đào, tranh của Nguyễn Khoa Toàn, tranh của Phạm Đăng Trí, ảnh của hiệu ảnh Tăng Vinh, Nguyễn Khoa Lợi, Tôn Thất Dung.v.v. Thơ của Hàn Mặc Tử, Nam Trân (Huế đẹp và Thơ)…. Tôi không thể tóm gọn đề tài ấy vào một đoạn nhỏ của bài báo nầy. Thay cho công việc khó khăn ấy, tôi xin trích câu trả lời của nhạc sĩ Phạm Duy trong một cuộc phỏng vấn sau đây:
Hỏi: Nhưng hẹp lại, với “con gái Huế” thì anh quan niệm như thế nào?
NS Phạm Duy:- Từ khi biết Huế (1944) cho đến khi tôi đã yêu bà Thái Hằng rồi thành vợ chồng (1948), tôi vẫn ước mơ có một người tình xứ Huế. Con gái Huế, lẽ dĩ nhiên là đẹp rồi. Cái mà tôi thích nhất là người đàn bà xứ Huế còn giữ được nhiều nữ tính. Cái nữ tính ấy lại được nuôi dưỡng trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm, núi Ngự sông Hương làm cho nó có một sức hấp dẫn mạnh đối với loại người có nhiều “đàn ông tính” như tôi. Theo tôi, không có một nơi nào trên cái nước Việt Nam nầy người phụ nữ được sống trong cái môi trường văn hoá thơ mộng sâu sắc như thế cả. Bởi vậy, Hàn Mặc Tử mới hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?” Có anh chàng văn thi nhạc sĩ Việt nào mà không ước mơ đến Huế, không ước mơ có một mối tình ở Huế? Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Dương Thiệu Tước, Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Phạm Hầu …và tôi chắc trước kia các cụ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Đào Tấn…cũng thế !” [1]
Rồi một ngày người đẹp xứ Huế ấy có chồng và trở thành người vợ, người mẹ giỏi việc nhà, nấu ăn ngon, thêu thùa đẹp, nuôi dạy con cái nên người. Không những dạy dân mà dạy cả vua.
Trong một gia đình ở Hàng Me (nay là Phạm ngũ Lão) có 4 chị em gái đẹp nổi tiếng một thời: Trà My, Kiều My, Nga My và Diệm My. Tranh TL do NĐX st |
Sách Đại Nam Liệt truyện viết bà Từ Dũ (1810-1901) tên thật là Phạm Thị Hằng, trưởng nữ của công thần nhà Nguyễn Phạm Đăng Hưng, Ngay từ thưở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham đọc sách. Năm 14 tuổi, bà được tiến Cung và dần dần được thăng lên đến tột đỉnh danh vọng “Đệ nhất giai phi” của vua Thiệu Trị. Bà là thân mẫu của Hồng Nhậm. Sau ngày vua Thiệu Trị băng (1847), Hồng Nhậm lên nối ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức, bà trở thành Hoàng Thái hậu, vừa làm mẹ và cũng vừa làm thầy của vua Tự Đức. Bằng những việc nhỏ hằng ngày bà dạy cho vua lòng hiếu thảo, đức thương dân, biết lắng nghe lời khuyên bảo của các lương thần, sống tiết kiệm….đặc biệt tình cảm đạo lý Việt Nam. Đức hạnh của bà đã có tác động lớn đối với 36 năm trị vì của vua Tự Đức (1847-1883).
Sách Đại Nam Nhât Thống chí, bà Nguyễn Thị Thuần, người Quảng Điền; 17 tuổi phối hôn với Sinh đồ Hoàng Đạo ở làng Xuân Tùy. Bà là con gái nhà giàu, chăm lo gia nghiệp, cung phụng người chồng, khuyên chồng đi học phương xa để thành chí nguyện. Sau Hoàng Đạo đậu luôn 2 khoa Tú-tài. Hai ông bà sinh được hai người con trai là Hoàng Liên và Hoàng Thông. Khi ông Đạo mất, bà mới 25 tuổi ở goá thủ tiết. Hai con còn nhỏ, bà lo phơi sách của chồng để lại đợi cho con lớn học tập. Có người muốn đến hỏi bà làm vợ, bà không thuận. Bà thường xuyên bị ép, chịu không nổi bà thắt cổ tự tử, may nhờ có người cứu khỏi chết. Sau bà tìm chỗ vắng vé ở dạy dỗ con, khi ngồi rãnh thường để cây roi bên
Nét Huế muôn thuở. Ảnh Đào Hoa Nữ |
cạnh, hai con chơi dỡn lười biếng, bà dọa đánh và khuyên răn. Người ta gọi bà là nghiêm mẫu [2]. Năm Tự Đức 36 (1883) , người địa phương đem việc của bà tâu lên, vua tinh thưởng cho bà tấm biển Tiết-phụ Bình-hạng và bạc lụa. Con bà là Hoàng Liên, Hoàng Thông đều đậu Cử-nhân, nối nhau ra đường sĩ-hoạn, báo đáp phụng sự những món trân cam, trong làng xóm đều khen ngợi cho là vinh hiển. Bà hưởng thọ 77 tuổi. [3]. Ông Hoàng Liên sau theo vua Hàm Nghi và mất. Ông Hoàng Thông theo vua không kịp, về dạy học ở trường Quốc Học. Và, Hoàng Thông chính là người đã dạy chữ Hán cho Nguyễn Sinh Cung (tức Bác hồ sau nầy) và tổ chức cho Nguyễn Sinh Cung tham gia hoạt động yêu nước với thầy. Ông Hoàng Thông là ông nội của cô Hoàng Thị Kim Cúc – người được Hàn Mặc Tử rất yêu, cô giáo dạy nữ công gia chánh tiêu biểu của trường Đòng Khánh cũ ở Huế. Bà Nguyễn Thị Thuần là bà cô của nhà thơ Tố Hữu sau nầy.
Người phụ nữ Huế với hình ảnh “nội tướng” tuyệt vời đã đành, khi ra xã hội, trong tinh thần yêu nước thương nòi họ cũng kiên trinh bất khuất không kém gì các đấng mày râu. Đó là trường hợp bà Lê Thị Đàn; người làng Thế Lại Thượng, Bà sinh trưởng trong một gia đình theo Nho giáo, được đi học biết làm thơ văn, nên bà có tiếng là người nết na, tài hoa, đức hạnh. Đến tuổi trưởng thành, bất ngờ gia đình bà lâm vào cảnh bi đát: mẹ mất sớm, các em còn nhỏ, cha bị thực dân Pháp bắt giam, gia sản bị tịch thu vì trước kia ông có liên quan đến phong trào Cần Vương. Vừa lúc đó có một ông Đốc người Nam kỳ ra Huế làm thông ngôn ở tòa Khâm sứ Trung kỳ biết hoàn cảnh của bà, ông ra điều kiện nếu bà chịu làm vợ ông, thì ông sẽ xin tha cho thân sinh bà. Vì sinh mạng của cha, bà đã thuận tình làm vợ ông Đốc thông ngôn. Sau đó không lâu, ông Đốc phải trở lại Nam kỳ. Bà lấy lý do còn cha già, em thơ dại, xin được không theo chồng. Ở lại Huế bà mở quán bán hàng và may mắn gặp được các sĩ phu yêu nước. Bà được Cụ Phan Bội Châu kết nạp vào hội Duy Tân (được thành lập năm 1904) và bà được phân công làm liên lạc. Từ đó, trong bốn năm năm, trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ trên tuyến đường miền Trung và miền Bắc. Mọi việc của Hội như chuyển tài liệu, tiền bạc, đưa rước người trong phong trào Đông Du đều ký thác cho bà. Năm Mậu Thân (1908), phong trào chống thuế ở Trung Kỳ nổ ra, bà bị bắt trên đường đi liên lạc. Bà bị tra khảo rất dã man nhưng bà vẫn một lòng son sắt, không một tiết lộ bí mật nào của tổ chức. Không để cho kẻ thù khuất phục, bà làm thơ tuyệt mệnh rồi thắt cổ tự vận. Hành động của bà nêu lên tấm gương liệt nữ bất khuất mang dòng máu anh hùng Trưng, Triệu. Cụ Phan rất cảm phục tinh thần “vì nứoc quên thân” của bà. Cụ đã đặt cho bà mỹ danh là Bà Ấu Triệu. Lúc bị giam lỏng ở Huế, Cụ đã cho lập một ngôi miếu và dựng một tấm bia ngay trong vườn nhà Cụ để ghi công đức của bà. Cụ Phan làm 4 cặp đối đính trên 4 mặt miếu.
Cặp 1: (Mặt phía bắc)
Sinh nê bất nhiếm hoa quân tử
Bão phát vô ngôn thạch khả nhân
Chương Thâu dịch:
Gần bùn không bẩn: hoa quân tử;
Ôm ngọc làm thinh: đá hiển nhân.
Cặp 2: (Bản gốc chữ Hán, bị xóa)
Theo bản dịch Nôm của Chương Thâu:
Tấm thân trót gả giang san Việt;
Tấc dạ soi chung nhật nguyệt trời.
Cặp 3: Bằng chữ Nôm, (mặt trước, phía nam),
Tơ nhân sợi nghĩa dây lưng trắng
Dạ sắt lòng son nét má hồng
Cặp 4: Bằng chữ Nôm, bản gốc bị xóa, sao lại từ internet:
Câu đối ngặt này còn thiếu chữ;
Dám xin đồng chí góp thêm lời.
Miếu bà Ấu Triệu ở góc phải trong khuôn viên vườn nhà và lăng mộ Cụ Phan Bội Châu trên đỉnh dốc Bến Ngư. Ảnh NĐX |
Đó là chuyện đầu thế kỷ XX. Cuối thế kỷ, chuyện 11 cô gái Vân Dương, dám đánh nhau suốt ngày với một lực lượng quân đội xâm lược Mỹ đông gấp bội ở vùng Chợ Cống trong chiến dịch Huế Xuân 1968, đã vang dội núi sông. Sau trận đánh ấy, các chị được Bác Hồ gửi thơ khen:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác Khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”.
Chuyện thực tế trong chiến tranh giữ nước đã trở thành huyền thoại trong dân gian.
II. Về Chủ thể
Chính người phụ nữ Huế tự tạo nên hình ảnh của mình và lưu lại hình ảnh đó trong văn hóa dân tộc.
Đã có quá nhiều công trình nghiên cứu biên soạn lịch sử văn học Việt Nam đề cập đến hình ảnh các “đại gia” thơ nữ Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố, Nguyễn Nhược Thị.v.v. của thê kỷ XIX và cũng có nhiều người nhắc đến các cây bút nữ xứ Huế “quậy” tưng bừng về “chuyện con gái Huế phá rào” trong giới nhà văn Sài Gòn những thập niên đầu của nửa sau thế kỷ XX như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Trần Thi Nhã Ca.v.v. Họ đã chứng tỏ họ vượt rào dữ dội hơn các cây bút nam, và vì thế họ không tránh được những bước trượt dài về quan hệ nam nữ cũng như về chính trị. Muốn viết như thế họ đã ra khỏi môi trường xã hội Huế. Đàn em của thế hệ ấy, trong hoàn cảnh mới không phóng túng được như các “liền chị” nên đang viết được ở Huế như Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai.v.v.
Bên cạnh những cây bút nữ vượt rào, đội ngũ các chị cầm cọ cũng khá đông đảo. Phần lớn các cây cọ nữ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Trong giới mỹ thuật ở miền Nam Việt Nam trước đây không ai không biết tên tuổi các nữ họa sĩ Mộng Hoa, Thái Thị Hạc Oánh (con cụ Thái Văn Toản), Tôn nữ Cẩm Quỳ (dạy vẽ trường Đồng Khanh), Trần Thị Quỳnh Chi, hai chị em sinh đôi Liên Tâm-Mai Tâm (con nhà yêu nước Bửu Tiếp – bạn đồng chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Hoàng Hưong Trang. Tôn nữ Tuyết Mai.v.v. Trong giới nữ cầm cọ nổi bật nhất là Tôn nữ Kim Phượng (sinh 1942) cháu trực hệ 5 đời của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện, tốt nghiệp khoá 2 Cao Đẳng Mỹ Thuât Huế (1962). Năm 1959 cô được Huy Chương Danh Dự Viện Đại Học Huế. Cuộc triển lãm chính thức đầu tiên của Tôn nữ Kim Phượng tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn (cũ) năm 1962, cùng với hai họa sĩ Trịnh Cung và Đinh Cường. Trong phòng tranh nầy có hai nam, một nữ. Nhưng đặc biệt nét vẽ của cây cọ nữ Tôn nữ Kim Phượng có chất nam tính mạnh mẽ hơn Trịnh Cung và Đinh Cường nhiều. Đó là nét độc đáo của Tôn nữ Kim Phượng. Sau đó cô được bổ dụng dạy vẽ tại trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Không hiểu sao, mấy năm sau cô bỏ dạy, xuất gia với Pháp danh Nguyên Nghi, đạo hiệu Diệu Trang. Cô mất vào ngày 25-8-2000 tại Huế, bảo tháp táng ở Chùa Bảo Quốc. Bài vị thờ ở chùa Diệu Hỷ 28 đường Tô Hiến Thành P. Phú Cát Huế.
Họa sĩ Tôn nữ Kim Phượng (1941-2000) |
Nha sĩ Phùng Thị Cúc (1922-2002), tuổi tác thuộc thế hệ mẹ, chị cả của các cây cọ xuất thân Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nhưng bà tự học và vào nghề vẽ, làm tượng với biệt Điềm Phùng Thị cùng thời với các cây cọ nữ nêu trên (1959). Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị là một trong hai người châu Á vinh dự được có tên trong từ điển Larousse – Nghệ thuật thế kỷ XX. Bà được chọn làm Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học – Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Tranh và tượng của bà được đặt ở các bảo tàng, trường học, công viên bên Pháp. Trong thập niên cuối thế kỷ XX, bà đã đem một số lượng tranh tượng quý về nơi chôn nhau cắt rốn, thành lập Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tai 1 Phan Bội Châu Huế (1993). Sự nghiệp nghệ thuật của Điềm Phùng Thị là niềm tự hào của Nghệ thuật hiện đại Việt Nam.
Hình ảnh phụ nữ “đặc sản” của Huế nổi tiếng xưa nay là hình ảnh các nghệ nhân ca Huế. Người nghệ sĩ Ca Huế nổi tiếng nhất thế kỷ XX là cô Nhơn. Cô Nhơn tên thật là Lê Thị Mùi (1907). Cô Nhơn có giọng ca vừa điêu luyện vừa ngọt ngào. Trong cuộc thi ca Huế tại hội chợ Huế năm 1937, cô Nhơn đã đoạt giải nhất. Sau đó, cô Nhơn là người có giọng ca Huế duy nhất, lần đầu tiên được chọn ghi âm vào đĩa hát của hãng Béka. Đề cập đến nghệ thuật ca Huế trong văn hóa Việt Nam, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều xem Cô Nhơn là vị “nữ hoàng” trong ngành nghệ thuật nầy. Những đàn em có giọng ca Huế quốc gia và quốc tế Bích Liễu, Châu Loan, Thanh Hương, Minh Mẫn, Thanh Tâm.v.v. Nhiều ca sĩ tân nhạc xuất thân trong các gia đình ca Huế nổi tiếng. Ca sĩ ca Huế Bích Liễu sinh ra hai nhạc sĩ – ca sĩ Bảo Chấn và Bảo Huế. Gia đình Uyên Bác thích ca Huế sinh ra ca sĩ Hà Thanh.
Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị (1922-2002) |
Về tân nhạc: Thế kỷ XX, Huế có hai giọng ca tiêu biểu của tân nhạc ở miền Nam Việt Nam. Đó là giọng hát liêu trai trầm buồn của Thanh Thúy và đặc biệt giọng miền Trung thanh thoát trữ tình của Hà Thanh (Trần Thị Lục Hà, sinh năm 1939) vừa nêu trên thuộc thế hệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ nhiều thập niên cuối thế kỷ XX cho đên nay chưa có một ca sĩ tân nhạc nào có thế tiêp nối được giọng hát Hà Thanh. Hiện nay chị cư trú với gia đình ở miền Đông Hoa Kỳ. Hà Thanh tiếp tục nổi tiếng với các băng đĩa hát Nhạc Thiền, nhạc Phật giáo.
Hình ảnh người phụ nữ Huế nổi bật nhất trong lĩnh vực giáo dục. Người mở đầu việc giáo dục phụ nữ Huế thời hiện đại là bà Đạm Phương nữ sử, tên thật là Công nữ Đồng Canh. Bà là con gái của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện. Năm 16 tuổi, bà xuất giá lấy ông Hàn
Ca sĩ Hà Thanh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Lâm viện Cung phụng Nguyễn Khoa Tùng (1873 – 1932). Một trong những người con trai của bà là nhà lý luận văn nghệ mác-xít nổi tiếng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (1908 – 1954), và là bà nội của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sau này là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Đạm Phương nữ sử nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: Đạm Phương nhà thơ, tác giả tâp Thơ Đạm Phương nữ sử; Đạm Phương – một trong những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết (tiểu thuyết Kim Tú Cầu). Đạm Phương nhà báo, viết báo Nam Phong, Hữu Thanh, Tràng An, Tiếng Dân, giữ chuyên mục Lời Đàn Bà cho báo Trung Bắc Tân văn, thành viên ban biên tập Nữ lưu thư quán Gò Công; tháng 5/1929, Đạm Phương còn nhiệt tình vận động cho ra đời thêm một tờ báo nữa ở Huế tờ Phụ nữ Tùng san; Đạm Phương – nhà biên khảo về tuồng Hát Bội Việt Nam (Lược khảo về tuồng hát An Nam (tạp chí Nam Phong số 76 tháng 10/1923).
Bà lấy biệt hiệu Đạm Phương. Năm 20 tuổi, bà được mời vào Cung Nguyễn dạy cho các công chúa, nữ quan, cung nữ. Bà dạy giỏi và được Triều đình phong cho bà chức nữ sử nên bà thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.
Nhưng bà nổi tiếng nhất về mặt hoạt động xã hội. Với sự khuyến khích của nhà yêu nước Phan Bội Châu, bà cho ra
Đạm Phương nữ sử (1881-1947) |
đời Trường Nữ công học hội (1926), cụ Phan Bội Châu làm Hội viên danh dự. Trong ngày khai trường (13/9/1926), bà Hội trưởng Đạm Phương đã nói rõ mục đích của Hội là: "Cái đoàn thể Hội giới của bạn quần thoa, gây cho bạn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương và Tây phương hoà hợp với nhau, sau hết là kết một sợi dây đoàn thể để binh vực quyền lợi cho nhau". Trường Nữ công học hội là một tổ chức hội phụ nữ đầu tiên ở nước ta. “Từ chốn buồng the, từ nơi cung cấm, từ những công việc quẩn quanh trong bếp núc, từ những xó tối của kiếp cơ hàn, nhiều phụ nữ đã bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà mình, đã vươn tới hoà nhập cùng xã hội bằng những công việc mà hàng trăm năm trước đó chỉ nam giới mới được làm”.
Tinh thần dân tộc và đổi mới của Trường Nữ công học hội được phát triển mạnh mẽ ở trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế. Người ta viết nhiều về hình ảnh đẹp của nữ sinh Đồng Khánh suốt thế kỷ qua. Và, người ta cũng không thể không đề cập đến cái thực thể đẹp về nội dung của cô giáo và nữ sinh Đồng Khánh. Năm 1925, cô giáo Trần Thị Như Mân, đã thay mặt nữ sinh ở Huế viết thư gởi Toàn quyền Va-ren đòi thả cụ Phan Bội Châu. Năm 1926, nhiều cô giáo và nữ sinh Đồng Khánh bất chấp sự đe dọa của thực dân Phấp đã tham gia lễ tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 1927, nhiều nữ sinh Đồng Khánh đã bãi khóa hưởng ứng cuộc bãi khóa của học sinh Quóc Học phản đối việc đuổi học học sinh yêu nước Nguyễn Chí Diễu. Người cầm đầu cuộc bãi khóa 1927 tại trường Đồng Khánh là nữ sinh Đào Thị Xuân Yến. Sau cuộc bãi khóa nữ sinh Đào Thị Xuân Yến bị đuổi học. Cô cùng nhiều bạn yêu nước khác ra miền Bắc học dệt giương ngọn cờ dùng hàng nội hóa Việt Nam. Việc học dệt không thành, cô đi học tiếp và đỗ Tú tài Tây tại Hà Nội. Cô Đào Thị Xuân Yến là người phụ nữ miền Trung đầu tiên có bằng Tú Tài Tây. Sau đó cô về Huế và lập gia đình với ông Tuần Nguyễn Đình Chi. Và từ đó cô thường được gọi là bà Tuần Chi/bà Nguyễn Đình Chi. Nhưng không may, bà chung sống với chồng chỉ được 5 năm, ông Tuần mệnh chung. Bà thủy chung với chồng thủy chung với lý
Bà Nguyễn Đình Chi. Ảnh của ĐHN |
tưởng cách mạng – từ khi tham gia bãi khoá năm 1927 cho đến lúc qua đời 1997, suốt 70 năm tình cảm yêu nước của bà không thay đổi. Bà cũng là một mẫu mực trong cách phục sức, giao tiếp. Khi đứng trên bục giảng của trường Đồng Khánh (1953), trên diễn đàn quốc tế, cũng như khi lặn lội trong đêm tối ra vùng chiến khu (1-1968) bà vẫn luôn giữ trên mình chiếc áo dài truyền thống. Bà không phải là người tạo mẫu nhưng bà có một quan niệm mặc áo dài hết sức chuẩn. Kiểu áo và màu áo phải phù hợp với tuổi tác, tôn ti, hoàn cảnh và màu sắc bốn mùa. Đã từ lâu trong giới phụ nữ Huế có cụm từ “màu áo bà Chi”. “Màu áo bà Chi” không có trong bảng màu nhưng giới phụ nữ đều hiểu đó là “màu hài hoà tạo nên sự sang trọng” cho người phụ nữ. Đối với người làm công tác xã hội, bà là người chị cả. Bà đã được mời đi dự Hội nghị Phụ nữ Quốc tế Thái Bình Dương và Đông Nam Á tại Tân Tây Lan (1952), tại Phi Luật Tân (1955) và tại Nhật Bản (1958). Bà hoạt động cho Tổ chức Hồng Thập Tự Quốc tế nhiều năm. Đối với Phật giáo bà là một Phật tử thuần thánh, bạn của những người lãnh đạo Phong trào Chấn hưng Phật giáo, hội An Nam Phật học (1932) như Hoà thượng Thích Đôn Hậu, Sư bà Diệu Không, Cư sĩ Lê Đình Thám v.v
Nhắc đến trường Nữ Công học hội và trường Đồng Khánh người ta nghĩ ngay đến chuyện nữ công gia chánh ở Huế. Hai ngôi trường nầy đã sớm biết khai thác thế mạnh về văn hóa vật chất của Kinh đô Huế. Từ cuối thế kỷ XIX, bà Trương Đăng Thị Bích – phu nhân của Đại học sĩ Hồng Khẳng, con dâu của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, đã viết cuốn sách Thực Phổ Bách Thiên để dạy con cháu nấu 100 món ăn, bằng 100 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bà dạy con cháu từ món ăn bình dân thông thường cho đến các món ngự thiện trong Cung đình. Mòn bình dân thông thường như:
Thịt kho Tàu (Bài 25)
Kho tàu ba chỉ mỡ cho dày,
Cắt miếng vuông ra hấp mới hay,
Mật muối gia vào cùng nước mắm,
Trong, mềm, vừa mặn,thiệt ngon thay .
Món Cung đình: Gỏi Dê (Bài 18)
Thịt dê xắt nhỏ cũng in rau,
Chả rối, heo ria, luộc bún tàu,
Bánh tráng mè rang, xương nấu nước,
Tương đường mỡ tỏi ruốc năm màu…,
Năm 1915, cuốn sách được in và phát hành rộng rãi. Hơn mười năm sau, Trường Nữ Công học hội tiếp nối công việc của tác giả Thực Phổ Bách Thiên, cho ra đời nhiều cuốn sách dạy nấu ăn. Một người học trò xuất thân trường Nữ Công học hội là cô Hoàng Thị Kim Cúc – cháu cụ Hoàng Thông như đã đề cập ở trên, đem những kiến thức và kinh nghiệm nấu các món ăn theo lối Huế dạy cho nữ sinh Đồng Khánh. Các giáo trình dạy nấu ăn của cô đúc kết thành một cuốn sách dày giới thiệu 60 thực đơn bốn mùa với 600 món ăn “nấu theo lối Huế”. Ngoài những thực đơn mặn còn có nhiều thực đơn chay. Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã đào tạo được nhiều phụ nữ nấu ăn theo lối Huế giỏi và hiện rất nổi tiếng ở trong và ngoài nước như các bà Nguyễn Thị Đoàn (bà Châu Trọng Ngô), bà Hoàng Thị Khương (bà Tôn Thất Long), bà Mai Thị Trà (bà Phan Xuân Sanh).v.v..
Cô giáo dạy gia chánh Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989)- Ảnh TL của NĐX |
Một người học trò của cô Hoàng Thị Kim Cúc nấu ăn nổi tiếng thế giới hiên nay là cô Hoàng Như Huy. Đến cô Huy, nấu ăn theo lối Huế đã nâng lên hàng nghệ thuật. Cô Huy đã cho ra đời tác phẩm“Nghệ thuật ẩm thực Huế”
Ẩm thực Huế là một di sản văn hóa vật chất của phụ nữ Thành phố Huế. Có thể nói di sản văn hóa vật chất ấy “Ngang tầm thế giới”.
Người cùng thời và cùng xuất thân trường Nữ Công học hội và trường Đồng Khánh với bà Nguyễn Đình Chi và thuộc thế hệ chị cả của cô Hoàng Thị Kim Cúc là bà Hồ Thị Hạnh (1905), con gái của Đại thần Hồ Đắc Trung, em ruột của những người có tên tuổi như Tổng đốc Hồ Đắc Điềm, Bác sĩ Hồ Đắc Di, Đệ nhất Giai phi của vua Khải Định Hồ Thị Chỉ, Sư bà Diệu Huệ (thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội)…Tuổi nhỏ bà theo Nho học, lớn lên theo Tây học. Bẩm chất thông minh, xinh đẹp, năm 24 tuổi (1929), bà kết duyên với ông Tham tá Cơ mật viện Cao Xuân Xang (con trai cụ Cao Xuân Dục). Năm 1930, bà sinh Cao Xuân Chuân, không lâu sau đó ông Tham tá thất lộc. Tình nghĩa của bà chỉ vỏn vẹn 11 tháng. Bà thủ tiết thờ chồng, nuôi con và hoạt động từ thiện xã hội với Đạm Phương nữ sử, bà Nguyễn Đình Chi .v.v. Năm 1932, bà vào ở chùa Trúc Lâm, được học Phật với tổ Giác Tiên sau các vị Mật Khế, Đôn Hậu, Vĩnh Thừa, Mật Hiển, Mật Nguyện và Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Cuối năm 1932, bà lên chùa Khải Ân để cộng trú với Sư bà Thể Yến (tức sư bà Diệu Viên). Bà xuất gia với đạo hiệu Thích nữ Diệu Không. thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42. Năm 1933, bà thành lập Ni viện ở Tổ đình Từ Đàm. Năm 1934, lập nên Ni viện Diệu Đức – Ni viện đầu tiên ở Huế. Năm 1938, bà vào chùa Giác Linh, tỉnh Sa Đéc để lập trường đào tạo Ni giới cho Nam bộ. Năm 1949, bà khai sáng Hồng Ân Ni tự. Năm 1952, khởi xướng lập chùa Bảo Quang, chùa Bảo Thắng ở Đà Nẵng. Năm 1953, xây dựng chùa Tịnh Nghiêm ở Quảng Ngãi. Năm 1960, xây dựng Ni viện Diệu Quang ở Nha Trang. Năm 1961, lập chùa Dược Sư ở Gò Vấp, lập chùa Từ Nghiêm ở Chợ Lớn. Năm 1963, tham gia phong trào tranh đấu Phật giáo để chống lại chính sách bất bình đẳng tôn giáo của dòng họ Ngô, bà liền tham gia cuộc tuyệt thực ở chùa Ấn Quang. Khi Ủy ban Liên phái quyết định có thể phải hy sinh thân mạng, bà xin tự thiêu trước. Nhưng rồi Ni chúng phải y theo Tăng chúng, Hòa thượng Thích Quảng Đức được vị Pháp thiêu thân trước. Cũng thời gian đó, bà bí mật nhờ cháu là Bác sĩ Bửu Hội đưa hồ sơ chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo ra nước ngoài. Nhờ đó thế giới biết rõ tội ác của chính quyền Diệm. Năm 1964, bà dựng chùa Diệu Giác ở Thủ Đức và góp phần xây dựng Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn (cũ). Năm 1965-1966, lại một lần nữa bà dấn thân cho cuộc tranh đấu đòi dân chủ dân quyền.
Kỷ niệm ngày Sư bà Thích Nữ Diệu Không gặp lại các anh trong gia đình Hồ Đắc ở Hà Nội. Ảnh TL của gia đình |
Năm 1967, tạo lập Tịnh xá Kiều Đàm ở đường Công Lý – Sài Gòn. Năm 1968, vâng lời Giáo hội Thừa Thiên, đứng ra lo công tác xây cất Cô nhi viện Bảo Anh ở Tây Lộc – Huế và Cô nhi viện Diệu Định ở Đà Nẵng, để có nơi nuôi dưỡng con em mồ côi do chiến tranh gây ra. Năm 1970, bà biến trụ sở nhà in Liên Hoa cũ thành Tịnh xá Kiều Đàm, tổ chức đào tạo cán bộ y tế cấp tốc, lập các trạm y tế Hồng Ân, Diệu Đế, Hòa Lương để cứu giúp dân bị thương tích trong chiến tranh. Năm 1975, tổ chức các hoạt động hưởng ứng công cuộc Giải phóng miền Nam. Năm 1986, tuy tuổi già sức yếu, bà vẫn đứng ra vận động và trực tiếp trùng tu chùa Đông Thuyền. Về văn hóa, bà đã để lại những áng thơ hay, nhiều bản dịch kinh, luận như: Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Đại Trí Độ Luận, Thành Duy Thức Luận, Kinh Duy Ma Cật. Bà quản lý hai tờ báo Phật giáo Viên Âm và Liên Hoa từ số đầu tiên cho đến ngày đình bản. Sư bà viên tịch vào ngày 23-8 năm Đinh Sửu (nhằm ngày 24-9-1997), hưởng thọ 93 tuổi, 65 năm ở chùa và được 53 hạ lạp. Sư bà Thích Nữ Diệu Không – vị ni trưởng só 1 của Phật giáo Việt Nam Thế kỷ XX. Sư bà đã đào tạo ra nhiều ni sư tên tuổi. Người học trò vượt trội về Phật học, đức hạnh, trí thức của Sư bà là Ni sư Thích nữ Trí Hải.
Ni sư Thích Nữ Trí Hải, thế danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh (1938), cháu của Tuy Lý Vương, cựu học sinh trường Đòng Khánh, tốt nghiệp Đai học Sư phạm Huế, được bổ dụng dạy Anh văn trường Phan Chu Trinh – Đà Nẵng. Năm 1960, bà du học Mỹ và tốt nghiệp Cao học ngành Thư viện (M.A). Cuối năm 1963, bà về nước gặp lúc Viện Cao đẳng Phật học Việt Nam ra đời, bà đã cùng với em gái là Tôn Nữ Phùng Thăng vâng lời Hòa thượng Trí Thủ đến phụ tá Ni trưởng chùa Phước Hải, quán xuyến cư xá Nữ Sinh Viên và làm việc tại chùa Pháp Hội. Năm 1964 bà xuất gia y chỉ Ni trưởng Thích nữ Diệu Không tại chùa Hồng Ân. (Huế) và đã được thọ giới Sa-di Ni. Sau đó, bà được cử làm thư ký cho Thượng tọa Viện trưởng Thích Minh Châu khi Viện Cao đẳng Phật học trở thành Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1968, bà được bổ nhiệm làm Thư viện trưởng và giám đốc Trung tâm An sinh xã hội Đại học Vạn Hạnh. Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) Ni sư đã được cử làm Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Trụ trì tịnh thất Tuệ Uyển Vạn Hạnh, Liên Hoa, Diệu Không.
NS. Thích nữ Trí Hải (1938-2003). Ảnh TL của NĐX |
Ngoài những hoạt động giáo dục, hoằng pháp, bà còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch như các tác phẩm Câu chuyện dòng sông của Đại văn hào Hermann Hesse, Gandhi tự truyện, Câu chuyện triết học, Thanh tịnh đạo luận, Thắng Man, Tạng thư Sống Chết, Giải thoát trong lòng tay. Ni trưởng còn trước tác một số tác phẩm khác mà quan trọng nhất là các bản Toát yếu Trung Bộ Kinh (3 tập).
Không những tham gia vào sự nghiệp văn hóa, giáo dục, cuộc đời Ni sư Trí Hải còn gắn bó mật thiết với thân phận của đồng bào nghèo khó yếu đau khắp mọi miền đất nước. Bà đã qua đời do một tai nạn giao thông trên đường đi làm từ thiện hồi cuối năm 2003.
Bài viêt nầy chỉ là những nét khái quát rất sơ lược. Nhiều hình ảnh phụ nữ Huế tiêu biểu trong di sản văn hóa chưa được đề cập đến như hình ảnh bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, bà Chúa Nhất, Hoàng hậu Nam Phương, các nghệ nhân Hát Bội, các nhà thơ nữ xứ Huế (như Tôn nữ Thu Hồng, Tôn nữ Hỷ Khương, Minh Đức Hoài Trinh.v.v.), các nghệ sĩ nhiếp ảnh (Đào Hoa Nữ, Tôn nữ Hà), thiết kế thời trang (Minh Hạnh), nhà ngoại giao (Tôn nữ Thị Ninh).v.v. Tuy nhiên với nhứng dẫn chứng sơ lược trên cũng đã cho thấy người phụ nữ Huế đã chứng tỏ họ binh đẳng với nam giới, có nhiều lĩnh vực họ vượt cả nam giới. Di sản văn hóa của người phụ nữ Huế thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam vùng Huế. Cái bản sắc văn hóa đó chuẩn mực, tiêu biểu, cập nhật mà không thể nhầm lẫn với bất cứ một bản sắc văn hóa nào khác. Trong xu thế phát triển văn hóa du lịch “đậm đà bản sắc dân tộc Việt” hiện nay, có thể nói vai trò của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Huế nói riêng giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Nhưng rất tiếc cho đến nay đất nước chưa đánh giá đúng mức vai trò văn hóa dân tộc của họ.
Gác Thọ Lộc, Tháng 2-2-10
Chú thích;
[1] Trích NS Phạm Duy “Biết ái tình ở dòng sông Hưong”, sách Mừng Ngày Trở Về của NS Phạm Duy của Nguyễn Đắc Xuân, Nxb Thuận Hóa, Huế 2006, tr. 71-73
[2] Người ta thường gọi cha là nghiêm phụ, mẹ là từ-mẫu, mà đây gọi là nghiêm mẫu là ý nói bà Thuần thế làm cha dạy dỗ các con.
[3] Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ,Tập Trung, tr.79