Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Người Phật tử trước ngã ba đường. Kỳ 2: Điểm tới hạn...

Người Phật tử trước ngã ba đường. Kỳ 2: Điểm tới hạn của một hệ thống xã hội

158
0

Hệ thống xã hội là một hệ động lực phi tuyến tính và biến đổi không ngừng. Mỗi hệ động lực đều có những cấu trúc đa tầng. Mỗi tầng là một tiểu hệ thống, vừa có chức năng như một hệ thống đối với những thành phần của tiểu hệ thống đó, vừa có chức năng như một thành phần của một hệ thống lớn hơn. Ví dụ: Những phân tử trong một tế bào hợp thành những cấu trúc gọi là organelles, và những organelles này hợp thành tế bào. Những tế bào hợp thành những mô và những cơ quan, rồi những mô và cơ quan hợp thành những hệ thống lớn hơn như thần kinh hệ, hệ thống hô hấp, hệ thống tiêu hóa, hệ thống bài tiết, v.v. Những hệ này hợp thành những con người, rồi thành những gia đình, những xã hội, những quốc gia, v.v. Vì những thành phần của một hệ thống cũng là những hệ thống nên hai khái niệm này – thành phần và hệ thống – không mang một ý nghĩa phân biệt tuyệt đối. Tất cả đều có tầm quan trọng như nhau.

Mỗi hệ thống đều có hai khuynh hướng đối nghịch nhau, tương tự như âm tính và dương tính của triết học Đông phương vậy. Một là khuynh hướng hợp tác, có tác năng xem hệ thống như một thành phần của một hệ thống lớn hơn. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng tự quyết, có tác năng xem hệ thống như là một đơn vị tự trị. Hai khuynh hướng này đối nghịch nhau, nhưng bổ sung lẫn nhau. Một hệ thống (ví dụ một cá nhân, một xã hội hay một hệ sinh thái) được gọi là thăng bằng, có trật tự, nếu hai khuynh hướng hợp tác và tự quyết của hệ thống đó biến đổi và bổ sung nhau một cách hài hòa. Một hệ thống hoàn chỉnh như vậy được gọi là một hệ thống đang ở vào trạng thái cân bằng động. Hệ thống sẽ trở nên rối loạn khi sự hài hòa giữa hai khuynh hướng đó biến mất.

Khi khuynh hướng tự quyết trở nên hưng thịnh quá mức như trong nhiều xã hội ngày nay, khuynh hướng đó phải thoái hóa, nhường bước cho khuynh hướng hợp tác. Chúng ta đã chứng kiến sự đổi thay đó qua những phong trào cải cách trong những thập niên 1960 và 1970 về triết học, văn hóa, chính trị, bảo vệ quyền phụ nữ, bảo vệ các loài động vật, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đời sống tâm linh, v.v. Sự hỗ trợ lẫn nhau của những phong trào này đã tạo nên sức ép lớn cho các nhà cầm quyền bảo thủ và những giới tài phiệt tham lam chỉ biết lợi ích riêng tư. Sự cải cách không thể tránh khỏi, chỉ là vấn đề thời gian.

Mỗi hệ động lực luôn luôn biến hóa dao động giữa hai thái cực trật tự và xáo trộn, quân bình và mất quân bình. Khi trạng thái của hệ thống tiến gần đến một trong hai thái cực, hệ thống trở nên rất nhạy bén. Chỉ một thay đổi nhỏ bé có thể gây nên một xáo trộn đáng kể. Thí dụ điển hình nhất là thời tiết của bầu khí quyển. Khi nghiên cứu về thời tiết trong những năm 1960, nhà khí tượng học Edward Lorenz đã khám phá quỹ đạo (gọi là strange attractor) mô tả trạng thái thời tiết (xem hình trên) giống hình hai cánh bướm (do đó được gọi là hiệu ứng bươm bướm.) Quỹ đạo chi chít này mô tả trạng thái của hệ thống thời tiết vào những thời điểm khác nhau. Hình hai cánh bướm của quỹ đạo cho thấy rằng chỉ cần một xáo trộn nhỏ bé cũng đủ làm thay đổi hệ thống thời tiết một cách đáng kể. Điều này chứng tỏ không thể tiên đoán thời tiết chính xác trong một quãng thời gian dài. Lời tiên đoán thường chỉ đáng tin cậy trong vòng một vài ngày. Các nhà khoa học thường ví sự xáo trộn thời tiết bằng câu nói hài hước: “Một con bươm bướm vỗ cánh tại Nữu Ước có thể sẽ gây nên một cơn bão tố ở Bắc Kinh.”

Khi trạng thái của một hệ động lực trở nên rối loạn và không thể tự điều chỉnh sự quân bình của mình trước những dao động dù nhỏ bé, hệ thống sẽ tiến đến trạng thái tới hạn, và sự đột biến sẽ xảy ra. Sau đó, trạng thái của hệ thống hoặc tiến hóa trở thành tinh vi hoàn hảo hơn, hoặc thoái hóa trở thành tồi tệ hơn. Những hậu quả tốt xấu đó không thể tiên đoán trước, nhưng cũng không phải xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên.

Sau cơn đột biến là một chu kỳ mới của hệ thống. Hệ thống sẽ trải qua những dao động mới, điểm tới hạn mới, đột biến mới. Và quá trình biến hóa cứ thế tiếp tục. Vũ trụ đã trải qua quá trình biến hóa thăng trầm như vậy khoảng gần 14 tỷ năm qua kể từ ngày khai thiên lập địa. Từ những tiềm nguyên tử, đến những nguyên tử, phân tử, rồi những tế bào, những hệ sinh thái, rồi xã hội loài người như hôm nay.

Sự sống là những hệ động lực kỳ diệu, tiếp thu năng lượng của môi trường chung quanh để duy trì sự quân bình (cân bằng động.) Loài người cũng như những hệ sinh thái khác là những hệ động lực với những trạng thái sát bên lề hỗn loạn, nên hết sức nhạy bén. Loài người là hệ động lực tinh vi nhất, có tâm thức trí tuệ cao nhất trên địa cầu. Hẳn tâm thức con người có ảnh hưởng lớn đến sự biến hóa của hệ thống. Khi xã hội loài người tiếp cận điểm tới hạn, tâm thức con người trở nên vô cùng nhạy bén trước những thay đổi xã hội, chẳng hạn thay đổi về giá trị, quan điểm, tư tưởng, niềm tin, v.v. Những thay đổi đó dù nhỏ bé tới đâu, tác động của tâm thức cũng hết sức to lớn. Vì vậy tâm thức con người đóng vai trò then chốt khi xã hội loài người ở điểm tới hạn. Sự đột biến thành một xã hội hoàn hảo hơn hay tồi tệ hơn đều do tâm thức con người, diễn viên chính trong vỡ tuồng. Nếu loài người biết cùng nhau sử dụng tâm thức của mình một cách từ bi, một cách trí huệ, một cách dũng cảm, chắc chắn xã hội loài người sẽ đột biến đến hoàn hảo tươi sáng.

Vô thường chốn hữu thường
Hoa sen bùn lây hương
Ngay bên bờ vực thẳm
Là cánh hoa yêu thương.

Một hệ động lực thường biến đổi qua bốn giai đoạn chính: giai đoạn châm ngòi, giai đoạn tích lũy, giai đoạn quyết định, và sau cùng là điểm tới hạn không thể thối lui, chỉ có thể tiến tới, và sự đột biến sẽ đưa hệ thống đến một chu trình mới. Đối với xã hội loài người, có thể nói giai đoạn châm ngòi là giai đoạn từ đầu thế kỷ 19 đến cuối tiền bán thế kỷ 20. Trong khoảng thời gian này, sự cải tiến kỹ thuật máy móc, cải tiến phương pháp điều hành tài nguyên và nhân sự đã làm thay đổi lối sống cơ bản của xã hội.

Khoa học kỹ thuật tiếp tục phát triển không ngừng. Máy móc tân tiến và những dụng cụ tiêu dùng sản xuất hàng loạt, ngày càng gia tăng kể từ hậu bán thế kỷ 20 đến nay. Mức sống vật chất được nâng cao. Dân số thế giới gia tăng nhanh chóng. Với chính sách kinh tế thị trường cạnh tranh, ranh giới giàu nghèo, nhất là giữa những nước văn minh tân tiến và những nước nhược tiểu lạc hậu, ngày càng cách biệt. Tài sản thế giới hầu hết tập trung vào một thiểu số tài phiệt. Môi trường sống trở nên ô nhiễm trầm trọng. Kỹ nghệ phát triển và sự tự do cạnh tranh là hai động lực làm môi trường ô nhiễm. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác triệt để. Hậu quả là thiên tai bão lụt càng ngày càng gia tăng. Đời sống của đại đa số người dân trở nên khó khăn. Xã hội trở nên phức tạp hơn, xáo trộn hơn. Sự phân hóa ngày càng trầm trọng hơn trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, triết học, và tôn giáo. Giai đoạn quyết định cho quá trình biến hóa của xã hội đã bắt đầu.

Với những bất công xã hội tích lũy, những tư tưởng mới đã hình thành. Những phong trào canh tân đã lớn mạnh. Áp lực lên giới cầm quyền ngày càng quyết liệt. Xã hội đã bước vào giai đoạn sôi sục. Mọi giá trị về cuộc sống phải được thay đổi. Trong giai đoạn này, chỉ cần một dao động nhỏ cũng đủ làm xã hội lung lay tận gốc rễ. Một số các nhà khoa học tiên đoán điểm tới hạn của hệ thống xã hội đã gần kề, có thể chỉ trong vòng thập niên tới của thế kỷ 21 này.

Tuy sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã châm ngòi cho sự mất quân bình trong xã hội ngày nay, khoa học kỹ thuật không phải là yếu tố quyết định. Chính tư tưởng mới là yếu tố then chốt của chính sách hành động.

Phan Dương (Kỳ3. Tư tưởng là nền tảng của hành động)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here