Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Người Huế "đi sắm Tết"

Người Huế "đi sắm Tết"

141
0

Đã thành thông lệ, mỗi năm Tết đến xuân về dẫu nghèo hay giàu dẫu là thành thị hay nông thôn, người lớn hay trẻ nhỏ đều háo hức một việc đó là “đi sắm Tết”.

Và cũng đã nhiều năm rồi, chúng tôi có thói quen “theo dõi” cách người dân cố đô đi sắm Tết như thế nào. Mỗi người mỗi tính cách, mỗi tâm trạng, nỗi niềm khác nhau, cứ thế mà bộc lộ ra nơi những “món hàng” mà họ vừa sắm được.

khong luc hue3.JPG

Bác xích lô ch hoa cho khách – Ảnh: K.Lực

Thế đấy, cuối năm cuối tháng, theo chân một vài người đi “sắm Tết” cũng vui. Kẻ giàu có thì “thường thường bậc trung nhưng đến 7 triệu đồng” một chậu hoa, người khó khăn thì tiện tặn với cặp cúc hai trăm ngàn cũng thấy đủ, bác xích lô thì “sắm Tết” bằng mắt cũng thấy vui, và các chú, các bác nông dân quê mùa thì thích thú với những bồn hoa vạn thọ có nét truyền thống. Và các bà, các cô, các chị tiện tặn từng đồng từng cắc mỗi khi mua sắm…nhưng rồi thì Tết cũng đến, ai ai rồi cũng vui vầy trong niềm sum họp có hoa có trái, bàn thờ nhà ai cũng có bánh có mứt…

Năm nay cũng vậy, vào những ngày cuối năm, cao điểm nhất vẫn là từ ngày đưa ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là mọi người bắt đầu đi sắm sửa. Trên từng nẻo đường từ làng quê đến thành thị, chúng tôi đã “mục kích” được nhiều thành phần xã hội “sắm Tết” khác nhau.

Lang thang trong chợ hoa cùng anh công nhân cơ khí vừa được cho nghỉ Tết, hơn nửa giờ đồng hồ, đi qua nhiều gian hàng trưng bày nhiều loại hoa, chúng tôi thấy anh ngắm nghía và tham khảo rất nhiều loại hoa, nhưng cuối cùng thì anh mua một cặp hoa cúc có giá 250.000 đồng.

Hỏi thì anh nói, “thực ra cũng muốn sắm sửa nhiều, mua một vài chậu hoa quý hơn một chút để chưng ba ngày Tết nhưng năm qua, làm ăn chẳng khấm khá chi, cuối năm cuối tháng dư dả chẳng là bao, mà Tết nhứt thì còn trăm thứ để mà lo nữa, có một hai chậu hoa trong nhà cho có màu, có sắc với người ta là cũng được rồi…”.

Tiếp đến chúng tôi gặp ngay một bác đạp xích lô, bác cũng “đi sắm Tết” cũng ngắm hoa như mọi người, nhưng hình như bác chỉ ngắm thôi, thấy vậy, tôi hỏi “sao bác không mua hoa”.

Bác trả lời, “tranh thủ thời gian rảnh, không ai kêu đi xem hoa cho no mắt thôi, chứ mua sắm chi, mấy hôm ni vẫn chưa thấy ai kêu nhiều, chứ vài hôm nữa những ngày thực cận Tết người ta đi mua hoa nhiều thì mình cũng bận bịu lắm, họ kêu chở hung, kiếm thêm vài đồng cho vợ con mua sắm vài lon gạo, vài lon nếp gói vài cặp bánh chưng, bánh tét ăn Tết với thiên hạ chứ đua đòi hoa cỏ với người ta chi nổi”, chợt có người gọi chở hoa, tôi thấy bác vui phơi phới.

Miên man và chạnh lòng với bác xích lô thì gặp một ông khách mà theo thăm hỏi là cũng một “đại gia đất cố đô” thì phải. Người khách bước đi khệnh khạng, có cả thê tử theo nữa, áo quần bảnh bao, trên tay phì phèo điếu thuốc lá.

Ông “Đại gia đi sắm Tết” cũng vui, ông cũng đi từ những hàng hoa rẻ tiền đến những hàng hoa đắt tiền, ngắm nghía và cuối cùng hỏi mua một chậu hoa mai Huế với giá bán 7 triệu mà theo ông nói “cũng thường thường bậc trung thôi”.

khong luc hue4.JPG

Đôi thanh niên đi sắm Tết – Ảnh: K.L

Một đôi nam nữ có độ tuổi rất teen (khoảng 17, 18 tuổi) cũng tay trong tay đi dạo, hai cô cậu có vẻ như rất thích những chậu hoa xương rồng đang để trên giá bán. Hai cô cậu hỏi han người bán hết chậu này đến chậu khác, hết chậu có hoa tím đến chậu có hoa xanh, chị bán hoa báo giá mỗi chậu 150.000 đồng, hai cô cậu nhìn nhau rồi cuối cùng cũng mua một cặp màu đỏ nho nhỏ, xinh xinh mang về. Chắc mỗi người mỗi chậu chưng trong phòng riêng 3 ngày Tết để có cái gọi là “có nhau trong đời”.

Trên đường từ chợ hoa đến các chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Bến Ngự, chúng tôi thấy nhiều chị, nhiều o, nhiều bà cùng nhau “đi sắm Tết”. Họ hỏi han nhau vui lắm, chợt nghe một bà nói “chà, năm nay hàng hóa đắt đỏ quá, cái chi cũng hô giá trên trời, nhớ trả kỹ kỹ nghe mấy bà”.

khong luc hue5.jpg

Một khách hoan hỷ với chậu mai Huế nở rực vàng

khong luc hue6.JPG


Chợ Đông Ba tấp nập cảnh mua bán – Ảnh: K.Lực

Thấy vui, chúng tôi gởi xe và lủi vào chợ Bến Ngự trước là để thăm chợ chút, vì cũng gần 20 năm rồi từ cái ngày “làm lớn” đến giờ chưa một lần đặt chân vào chợ này, mặc dầu ngày nào cũng đi ngang qua. Vào chợ, thấy tình hình buôn bán ở đây đông đúc và đẹp hơn xưa nhiều. Người người phải chen nhau để lách qua những hẻm chợ, hàng hóa thì bày bán la liệt, đủ màu sắc vật phẩm, nhất là những hàng hóa phục vụ cho Tết. Và quả đúng như lời cảnh báo khi nãy, các chị, các bà trả giá kinh khủng, người bán hô giá trên trời, các bà các chị trả giá dưới đất, kì kèo bớt một thêm hai, ì xèo cả chợ, thế mới biết “đàn bà đi chợ cũng cực thật”.

Hôm rồi về quê dự lễ tất niên của nhà người thân, luôn thể cũng đi thăm thú một vài nơi, ghé qua một vài làng bên thì thấy cảnh làng quê “sắm Tết” cũng chộn rộn lắm.

Đàn ông con trai thì lo hoa, lo vườn. Nhà nào cũng thấy có một vài bồn hoa vạn thọ, hoa lay-ơn; có nhà thì hoa nở đẹp, nhưng có nhiều nhà thì hoa vừa hé nụ. Hỏi thăm qua, được các anh các chú, các bác cho biết là thời tiết năm nay thật đẹp, ít lạnh, ít mưa nên lo mùa lo màng là chính nên hoa cỏ Tết nhứt ít ai để ý nhiều lắm, bây giờ đâu đã vào đó rồi, sửa soạn lại chút chút, có hoa gì vui hoa nấy, mấy cây hoa vạn thọ thì năm nào cũng có vì hoa này trồng dễ mà lại có nét truyền thống nữa nên nhà nào cũng thích…

Thế đấy, cuối năm cuối tháng, theo chân một vài người đi “sắm Tết” cũng vui. Kẻ giàu có thì “thường thường bậc trung nhưng đến 7 triệu đồng” một chậu hoa, người khó khăn thì tiện tặn với cặp cúc hai trăm ngàn cũng thấy đủ, bác xích lô thì “sắm Tết” bằng mắt cũng thấy vui, và các chú, các bác nông dân quê mùa thì thích thú với những bồn hoa vạn thọ có nét truyền thống.

Và các bà, các cô, các chị tiện tặn từng đồng từng cắc mỗi khi mua sắm…nhưng rồi thì Tết cũng đến, ai ai rồi cũng vui vầy trong niềm sum họp có hoa có trái, bàn thờ nhà ai cũng có bánh có mứt…

(Theo GNO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here