Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Người có duyên với di sản văn hóa thời Nguyễn

Người có duyên với di sản văn hóa thời Nguyễn

213
0
 
 
Trong giới sưu tầm cổ vật ở Thừa Thiên-Huế cũng như các tỉnh miền Trung nói chung, rất nhiều người biết đến cái tên Nguyễn Hữu Hoàng – nhà sưu tập trẻ tuổi, đặc biệt anh rất “có duyên” với cổ vật cung đình Huế.

hoang 3.jpg
Anh Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu về một số cổ vật thời Nguyễn 

Tốt nghiệp lớp 9 trường THCS Phú Thượng (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) năm 1989, vì nhà nghèo không có điều kiện để học tiếp nên Hoàng đành phải “gác bút” để theo nghiệp cha và các anh làm nghề chạm, khảm xà cừ. Thời học cấp II, những ngày cuối tuần được nghỉ học, Hoàng thường theo lũ bạn đạp xe lên Đại Nội-Huế chơi, vào Viện Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan. Thế rồi, niềm đam mê cổ vật được nung nấu, nhen nhóm từ đó. 

Năm 19 tuổi, Hoàng bắt đầu “xuất quân” đi tìm cổ vật. Những đồng tiền kiếm được từ việc làm nghề khảm xà cừ, Hoàng đều dồn hết để mua “cái đồ cũ” ấy. Lúc đầu, địa bàn hoạt động của Hoàng chỉ quanh quẩn trong huyện, trong tỉnh và những món hàng thu về cũng bình thường và đơn giản, nhưng đó là cả một niềm đam mê, sự thích thú vô cùng của một chàng thanh niên nông thôn còn rất trẻ ở một vùng quê nghèo. Từ ấy, Hoàng đã bắt đầu thực hiện quyết tâm săn tìm cổ vật để góp phần gìn giữ di sản văn hóa của cha ông.

Năm 1994, túi bắt đầu rủng rỉnh, tiền đã khấm khá do tích lũy được trong quá trình làm nghề, Hoàng mạnh dạn vươn ra một số tỉnh như Quảng Trị, Đông Hà, Quảng Bình. Hàng ngày, anh đạp xe hàng chục cây số rong ruổi về các thôn bản, làng mạc, đến tận các vùng quê xa hay vượt suối, băng đèo lên núi cao để trò chuyện, làm quen, “kết nối” với người dân địa phương, nhờ họ tìm kiếm, giới thiệu những cổ vật liên quan đến các triều đại vua chúa ở cung đình Huế hiện đang nằm rải rác ở các địa phương. Năm 1997, anh mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… 

Từ năm 2000, Hoàng tổ chức chuyến hành trình xa: sang Lào ăn ở nhiều tháng liền với thổ dân Lào ở dọc biên giới Việt-Lào. Nhờ bà con Việt kiều ở Lào giúp đỡ, giới thiệu và bảo lãnh… nên dần dần, Hoàng đã yên tâm hoạt động. Và cũng chính ở đây, trên đất nước bạn Lào, Hoàng đã dày công tìm kiếm, săn lùng và đem về cho đất nước những món hàng của vua chúa triều Nguyễn như: chén, bát, đĩa bằng sứ, và đặc biệt là những bộ trang phục của cung đình Huế. Từ đó, anh càng hiểu thế nào là hiện tượng “chảy máu cổ vật” – một sự thất thoát lớn về giá trị tinh thần, đời sống văn hóa không gì bù đắp nổi. 

Những chuyến đi thành công ở trong nước, ngoài nước là động lực càng thôi thúc, nung nấu trong anh ý chí, quyết tâm săn tìm cổ vật cho quê hương, đất nước trong điều kiện cho phép.

Hoàng tâm sự: “Muốn sưu tầm cổ vật thì trước hết mình phải có kiến thức nghề nghiệp, phải am hiểu nhất định về đồ cổ. Cầm một món hàng trên tay thì phải biết được nguồn gốc, xuất xứ, phải biết được niên đại của nó. Đặc biệt phải nắm được cái sắc thái, tinh hoa, thẩm định được giá trị mỹ thuật của từng loại hàng. Quan trọng hơn là thông qua những cổ vật ấy giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, đời sống văn hóa của tổ tiên, của cha ông ta qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước”.

Hiện nay, trong căn nhà của anh ở thôn Dưỡng Mong (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế ) đã có trên 1.000 cổ vật đủ các chất liệu như: gốm, sứ, gỗ, vải, đồng, giấy. Đặc biệt, anh đang sở hữu bộ sưu tập “Trang phục cung đình triều Nguyễn” (khoảng 50 bộ) và bộ sưu tập “Đồ sứ men lam Huế” cũng thuộc dạng “tầm cỡ” ở đất cố đô.

Được biết, hiện nay cả nước chỉ có 2 bảo tàng đang còn lưu giữ trang phục cung đình triều Nguyễn. Đó là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Còn về cá nhân, có lẽ chỉ có anh Hoàng là “độc nhất, vô nhị” về sở hữu trang phục của triều Nguyễn với số lượng lớn (50 bộ).

Những chuyến công du dọc đường Trường Sơn từ Tân Sở (Quảng Trị) cho đến Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã giúp anh có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời đem về cho thành phố Huế – thành phố di sản – nhiều cổ vật quý hiếm, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, phản ánh đời sống văn hóa – tinh thần của các triều đại vua chúa và nhiều tầng lớp nhân dân trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. 

Những cổ vật mà anh sưu tập được, đặc biệt là bộ sưu tập “Đồ sứ men lam Huế” đã được trưng bày, triển lãm trong các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. Hoàng đã hiến tặng cổ vật cho các cơ quan quản lý văn hóa ở tỉnh và Trung ương như: hiến tặng gốm, sứ triều Nguyễn và nhiều hiện vật khác cho Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử-Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế; cho Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa… với mong muốn là để góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa ở vùng đất dày truyền thống lịch sử, có bề sâu văn hóa như ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Năm 2010, anh đã hiến tặng cho Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế 1 thanh kiếm triều Nguyễn (vỏ kiếm bằng gỗ nạm bạc, lưỡi kiếm bằng kim loại tổng hợp).

Bộ sưu tập “Đồ sứ men lam Huế” của Hoàng còn được dự triển lãm ở Đại lễ “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”, gửi đi giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong dịp Festival Huế (tháng 4-2014), Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phối hợp với nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng trưng bày bộ sưu tập “Trang phục cung đình triều Nguyễn” tại nhà Tả Vu – Đại Nội Huế. Tại triển lãm, có 12 hiện vật trong tổng số trên 30 hiện vật thuộc bộ sưu tập trang phục cung đình của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng, với các loại như: áo hoàng hậu, áo thuộc trang phục tuồng, áo hoàng tử, áo mã tiên của vũ công Bát Dật cùng một số áo đại triều của quan và hoàng thân triều Nguyễn. Được biết, đây là những bộ trang phục đặc biệt quý, hiếm, có giá trị cao về mặt lịch sử – văn hóa. Cuộc triển lãm đã thu hút đông đảo công chúng là những người yêu thích cổ vật cung đình Huế ở trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Hiện nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng là hội viên của Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam, là thành viên của Chi hội Di sản Thuận Hóa (TP.Huế). Do dày công nghiên cứu, sưu tầm nhiều cổ vật quý hiếm, có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, nên năm 2009 anh được Đài Truyền hình Việt Nam làm phóng sự về “Cổ vật triều Nguyễn” và được phát sóng trên kênh VTV1, VTV4. Tết con Rồng 2012, Hoàng tham gia chương trình “Rồng triều Nguyễn” của VTV và đã được phát sóng ở chuyên mục “Việt Nam đất nước con người”, “Gõ cửa ngày mới” được dư luận xã hội quan tâm.

Năm 2009, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Hiệp hội UNESCO vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam”.

Nguyễn Hữu Hoàng – 40 tuổi đời mà đã có trên 20 năm trong nghề nghiên cứu, sưu tầm cổ vật và đang sở hữu những hiện vật, bộ sưu tập có giá trị lịch sử – văn hóa lớn thì quả thật đáng nể.

Chúng tôi không thể nào kể hết những bằng khen, chứng nhận mà các cấp chính quyền và ngành văn hóa đã ghi nhận công đức hiến tặng cổ vật của anh cho quê hương, đất nước. Điều quan trọng hơn, chính cái tâm, niềm đam mê ấy đang được nung nấu, tỏa sáng trong một con người trẻ tuổi, cương nghị và rất say mê với cổ vật cung đình, góp phần xây dựng thành phố Huế xứng tầm là thành phố di sản đặc trưng của đất nước.

                                                                                                                                                                                             Bài, ảnh: Võ Văn Dần-nguồn-GNO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here