Trang chủ Phật học Người chiến thắng

Người chiến thắng

152
0

(LQ) Cuộc chiến vĩ đại của thái tử Siddhārtha vang lên khúc hát khải hoàn vào lúc bình minh vừa lo dạng của một đêm thanh bình tháng Vesākha xứ Uruvelā 2600 năm về trước. Vi “anh hùng” có một không hai trong lịch sử nhân loại đã xé tan màn u minh tăm tối ngự trị bao đời. Với thanh gươm trí tuệ, Ngài chặt đứt vòng quay sanh tử bất tận bấy lâu, hàng phục “kẻ thù” , trở thành đấng “Vô thượng sĩ”, bậc “Trượng phu”, là thầy của Trời Người, là Thế Tôn.

Nếu không có cuộc trốn thành đêm hôm ấy, thì chỉ vài năm sau dân chúng Ấn Độ sẽ tung hô chúc tụng một đấng anh quân hiền lương, vị Đại đế của tất cả các vua thống nhiếp mọi quốc gia đem lại cuộc sống an bình hạnh phúc. Và nếu thái tử phải chinh phục tất cả các nước chư hầu để trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương, thì Ngài chọn con đường tự chiến thắng với chính mình, lập nên một “chiến công oanh liệt nhất”. Kỳ tích của bậc giác ngộ không chỉ đem lại an lạc cho nhân loại mà cho tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Sự bình an, tịch tịnh tuyệt đối là thành quả của “chiến sĩ” diệt nội ma, ngoại chướng thay vì tặng phẩm giang sơn, gấm vóc, châu báu thế gian. Ánh sáng giác ngộ của Đức Thế Tôn đẩy lùi bóng tối ngã chấp, mở ra con đường “vô ngã”, đưa nhân loại vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau. Đại địa rúng động. Nhạc trời chúc tụng trên không. Chư thiên tung trăm ngàn đóa hoa báu cúng dường bậc cha lành của nhân thế…

Ngày ấy, sau lần dạo chơi các cửa thành về, hàng loạt ý nghĩ nảy sinh: con người từ đâu đến, chết đi về đâu, làm sao để trẻ mãi không già, mạnh khỏe mãi không đau, sống hoài không chết? v.v… đó là những câu hỏi bao vây tâm trí thái tử Siddhārtha sau khi chứng kiến thế sự nhân sinh. Nghi vấn mãi vẫn là nghi vấn không lời giải đáp và chẳng một ai có thể làm thỏa mãn ước nguyện của thái tử. Dưới uy quyền hoàng tộc, mọi xa hoa của cuộc sống vương giả cùng vợ đẹp, con thơ… bao bọc thái tử và rồi tất cả những lạc thú trần gian không làm nguôi ngoai nỗi buồn nhân thế. Rồi một niềm tin mãnh liệt vào nội tâm sâu thẳm sẽ là kho tàng trí tuệ vô biên có thể lý giải nỗi ưu tư. Động lực xuất trần thôi thúc thái tử gỡ bỏ mọi buộc ràng vương giả, làm cuộc viễn chinh tìm cầu chân lý. Ánh đạo vàng bừng sáng sau chặng đường trãi nghiệm với cuộc chiến tự thân mà đỉnh cao của quá trình tư duy thiền định, thái tử mở toang cánh cửa vô sinh, chấm dứt sanh tử. Danh hiệu Thế Tôn ra đời!

Pháp lạc Ngài không tự an nhiên vui hưởng giữa cảnh đời lắm khổ đau mà văng vẳng tiếng đồng vọng năm xưa gọi về “Đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”1. Đức Thế Tôn quyết định chuyển pháp luân sau bao phen ngần ngại cho căn tánh chúng sanh khó thể nhập đạo quả vô thượng. Chánh pháp được Thế Tôn hoằng truyền tại vùng đất mầu mở với nhiều luồng tư tưởng triết học rối ren thời bấy giờ dần được bén duyên, tự nhiên lưu chuyển vượt bờ cõi tưới mát các châu thổ gần xa. Tiếng rống Sư tử pháp đạp đỗ tất cả học thuyết thần quyền thống lĩnh Ấn Độ đương thời, mở ra một con đường xán lạn để những ai hữu duyên cất bước đến bờ giải thoát.

Bản tuyên ngôn được Ngài dõng dạc cất lên vào đêm thứ 49 dưới cội bồ đề khi thực sự “thấy” được thực tánh của vạn pháp. Một tiếng thở dài nhẹ nhõm và cương quyết vĩnh viễn xa lìa tử sinh:

“Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay Ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã vụn tan rồi. Ta đã chứng đắc Niết-bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch”2. Cuộc hành trình vô định của “lữ khách” đã đến hồi kết, một cái kết siêu phàm vượt thánh của một kẻ bấy lâu bị lừa trong vô số kiếp tử sinh. Đáp án của vấn đề nan giải không ngoài “chấp ngã” và “chấp pháp” mà chúng sanh phải chịu trầm luân sanh tử. Thì ra, cái thân tứ đại là một chuỗi vận hành của sắc, thọ, tưởng, hành và thức tương tác với nhau trong quy trình duyên khởi. Sự vận hành của thân mạng này tuân thủ theo quy luật tất yếu của duyên sinh: Vô minh duyên với hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, não được khởi lên. Đó là tập khởi. Tiến trình của 12 chi phần sanh khởi tức là sự sanh khởi của khổ uẩn và ngược lại khi một trong 12 chi phần diệt cũng có nghĩa là khổ uẩn diệt. Vậy thì ở đâu trong một hợp thể này tồn tại một cái ngã? Ngay chính bản thân của năm uẩn này thường biến đổi, và tuyệt nhiên không có một tự thể thì khi chúng nhóm họp sao lại có “ngã”? Vậy mà con người lại cho thân này là thật có, là “ta” và “của ta” nên có luôn cả khổ. Nếu thật sự có “ngã” thì lẽ ra ta phải bảo thân như ý mình mới phải chứ! Đằng này nó lại tuân theo quy luật tự nhiên mà biến đổi thì sao gọi là có “ngã”? Khi một trong năm uẩn trên thay đổi thì ảnh hưởng tất cả bốn phần còn lại, chứng tỏ thân là vô thường. Đức Phật dạy “Này các Tỷ kheo, sắc là vô thường. Cái gì là vô thường thì khổ đau. Cái gì khổ đau thì vô ngã. Cái gì vô ngã thì không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi. Đây là lý do tại sao sắc cần được nhìn với trí tuệ toàn giác, hiểu biết như sự thật. Thọ là vô thường…Tưởng, Hành, Thức là vô thường…”3. Cũng vậy, đối với các pháp, chúng sanh khởi liên tục và tồn tại trong mối tương tác như một vòng quay không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Cũng như chiếc xe hội đủ nhiều thành phần như: bánh xe, trục xe, căm xe… mà không thể xem bánh xe hay căm xe là chiếc xe và nếu không có các bộ phận này thì cũng không thể gọi là chiếc xe. Chung quy là do vô minh, là “kẻ làm nhà” kiến tạo nên một con người với “kèo, cột, đòn tay…” tham ái, chấp thủ trong bức tường thành ngã chấp, tự trói mình trong vòng sinh tử bất tận.

Thì ra, điều Đức Thế Tôn chứng ngộ dưới cội bồ đề là thấy  được bản chất của pháp. Thực tánh vạn pháp là Duyên sanh. Ô hay! Các pháp vốn vậy cho dù Đức Phật có ra đời hay không thì pháp ấy vẫn thường trụ mãi ở thế gian. Chính Ngài đã xác quyết “Pháp Duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành, … cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt”4. Y lời đức Phật thì nhờ pháp này mà Ngài đã chứng được thực tướng là vô tướng. Như vậy pháp sanh ra Phật hay pháp là mẹ của ba đời chư Phật vậy.

Kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn thành đạo đem chân lý nhiệm mầu cứu độ chúng sanh, chúng con phủ phục dưới chân Ngài không ngăn  được dòng cảm xúc:

Phật tại thế thời, ngã trầm luân

Kim đắc nhât thân, Phật diệt độ

Áo não tử thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân5

Vâng! Do đa mang nhiều nghiệp chướng “kẻ  cùng tử” trầm luân trong sanh tử không gặp được Thế Tôn. Nay nhờ chút phước phần được sanh thân người, diễm phúc uống chút pháp vị thì Ngài đã nhập Niết- bàn làm sao con được đảnh lễ chiêm ngưỡng kim thân của Như Lai? May thay con thấy đường về, tự nhủ vâng lời Phật dạy khoác lên mình áo giáp pháp phục, lần dấu chân Ngài làm “chiến sĩ” xông trận chống ác ma. Thưa Thế Tôn, nội lực của con không đủ mạnh, song thiết nghĩ không có một thành quả có giá trị nào lại không đánh đổi bằng mọi ý chí nghị lực. Con sẽ đi, đi trên lộ trình chấm dứt sanh tử, con đường Ngài đã khai thông. Nhớ xia kia, chân lý mà thái tử Siddhārtha quyết chí đi tìm còn ở mãi tận nơi nao, chính Ngài cũng chưa định hình được dẫu thoáng chốc niềm an lạc hiện về trong tâm thức nhưng làm sao đạt được nó, trụ được nó? Khoảnh khắc đó đã khiến Ngài dũng mãnh nhập trường phái này, pháp môn nọ, song những gì đạt được không phải là cái Ngài muốn tìm. Lại một lần nữa tự tin vào “hòn đảo”6 của chính mình, tin tưởng ở khả năng có thể mang lại hạnh phúc tuyệt đối cho mình và người. Chính vì thế, sau khi chứng đạt quả vị tối thắng Niết bàn, đức Phật đã ân cần truyền trao kinh nghiệm cho hàng đệ tử phải nương vào giáo pháp và Thế Tôn chỉ là người chỉ đường chứ không thể đi thay cho ai được. Lời nhắc nhở của Như Lai mãi còn vang vọng “Hãy tự mình thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa pháp, chớ nương tựa nơi khác… Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học”7.

Ngày nay, con nương vào giáo pháp của Ngài bằng hành động thiết thực gần gũi nhất trong đời sống: tỉnh thức giữa mộng trường, xa lìa ghét thương, thù oán, giữ gìn tam nghiệp thanh tịnh mới có thể phần nào đền đáp tứ ân. Bởi con ý thức được rằng con có mặt trong tất cả và tất cả có trong con. Con tu học không chỉ đạt được hỉ lạc cho mình mà mọi người xung quanh cũng được an vui nhờ sức tương tác cộng hưởng. Kính dâng nén tâm hương hướng vọng về cội bồ đề gieo nhân lành chứng đạt quả vị. Ngưỡng vọng Như Lai chứng minh và gia hộ cho chúng sanh thấm nhuần chánh pháp vi diệu, xây dựn chốn ngũ trược thành cõi Tịnh độ hằng an.

H.K

———————————————————–

1ĐTKVN, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 1, tr. 46

2 Câu 153-154, “Phẩm Già“, HT. Thích Thiện Siêu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1993.

3HT. Thích Minh Châu dịch,  Kinh Tương Ưng, tâp 3, tr.21

4 Tuệ Sĩ dịch, Kinh Tạp A Hàm, kinh  số 299

5 Mượn lời ngài Huyền Tráng.

6 Phật tánh

7 Pháp Bảo Đại Chánh Đại Tạng Kinh Việt nam, tập 1, trang 72~73

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here