Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ngựa trắng đầu non

Ngựa trắng đầu non

136
0

Tương truyền rằng, ngày xưa, các vị tiên cưỡi ngựa trắng xuống trần, thấy cảnh núi non đẹp, bèn giáng xuống và bày cuộc cờ. Bầy ngựa được nhởn nhơ ăn cỏ, và bị quyến rũ bởi cảnh đẹp của núi rừng nên mải mê đi lang thang. Đến khi chúng trở về thì các vị tiên đã lên trời. Ngựa nhớ chủ đi tìm nhưng vô vọng, bèn hóa thành mây trắng. Từ đó, ngọn núi được mang tên Bạch Mã.

Núi Bạch Mã có độ cao đến đỉnh là 1.450 mét. Đây là nơi có nhiệt độ luôn luôn thấp hơn 7 độ C so với vùng lân cận, vì vậy trong khi ở đồng bằng thời tiết vào mùa hạ nóng bức thì ở đây trời rất dịu mát, thỉnh thoảng có chút se se lạnh. Do đó, Bạch Mã là nơi nghỉ mát lý tưởng, một Đà Lạt, Sapa thu nhỏ, gần với Huế. Người Pháp đã khám phá và khai thác vùng núi này bằng cách xây dựng chốn thị tứ tiện nghi để nghỉ dưỡng: 139 nhà nghỉ và khách sạn, nhà công vụ, bưu điện, chợ,… và nhất là làm con đường đèo quanh co dài 19 km từ chân núi lên đỉnh.

Không chỉ là nơi nghỉ mát, Bạch Mã còn là vùng cao nhất của khu rừng nguyên sinh với nhiều tầng thực vật và hệ động vật phong phú. Theo tư liệu trên website

của Vườn quốc gia Bạch Mã: Có 2.147 loài thực vật, trong đó có 86 loài quý hiếm được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng, có trên 500 loài có tiềm năng thương mại và được sử dụng làm cây thuốc; về động vật, có 1.493 loài bao gồm 132 loài thú, 358 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 57 loài cá, 894 loài côn trùng; đặc biệt, có nhiều loại quý hiếm như Sao La, Gà lôi lam màu trắng, Trĩ Sao… Vì vậy, Bạch Mã là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, ở đây con người trong mỗi bước chân, đóng vai trò quan sát, lắng nghe, còn để thiên nhiên trò chuyện: chim hót reo vui, côn trùng rên rỉ, lá rơi xào xạc, tiếng gió trên ngọn cây, tiếng suối róc rách; tuy nhiên thỉnh thoảng cũng nên để mấy anh thuyết minh, mấy nhà “Bạch Mã học” giới thiệu trực quan sinh động những loài thực vật rất lạ: tùng Bạch Mã, dương xỉ thân gỗ, kim giao, cây chắp tay… rồi cây làm thuốc: ba kích, hà thủ ô, ngũ gia bì, ba gạc, cây lá khôi, cây bình vôi… , các loại bướm, loại sâu màu sắc độc đáo. Tôi đặc biệt thích thú với hai cây đặc trưng của Bạch Mã: cây Tùng Bạch Mã (Hoàng đàn giả), mạnh mẽ và dịu dàng, lại rất lạ lùng vì phân ra hai loại lá, lá màu xanh đậm có thể sinh sản được và lá màu xanh non; cây Đỗ Quyên mọc rất nhiều, đặc biệt ở thác Đỗ Quyên, có cây lên thành bụi cao, có cây lẻ loi mọc lên từ hốc đá bên thác, nở hoa đỏ rực rỡ vào mùa xuân, làm cho thác vốn đã quá đẹp, lại càng vô cùng quyến rũ (Nên chăng có một ngày Hội Hoa Đỗ Quyên ở Bạch Mã?). Hai cây này đẹp hoang sơ mà sang trọng, không cần biết đến con người.

Khi bạn thích thú với cây cỏ lạ ven đường, bạn quên đường xa, cho đến  lúc bạn nghe tiếng róc rách ngày càng rõ dần, đấy là lúc sắp đến một hồ nào đây trong Ngũ Hồ, hoặc đến thác Đỗ Quyên, thác Trĩ Sao. Bạn cứ nghỉ ngơi trong tư thế thoải mái, bồng lai chắc cũng như thế này. “Nào nào cực lạc là đâu tá / Cực lạc là đây chín rõ mười” (1). Còn nếu bạn muốn chinh phục độ cao 1.450 mét để đến đỉnh, bạn đi theo đường mòn hẹp trong rừng, lên những bậc cấp bằng đá, băng qua suối trên những cầu hẹp lát đá, 20 phút đi bộ để rồi đến Hải Vọng Đài, được phóng tầm mắt, nhìn màu xanh bao la của dãy núi chạy dài ra phía biển, của hồ Truồi, đầm Cầu Hai, núi Túy Vân, cửa Tư Hiền, cảng Chân Mây, và xa hơn là biển cả.

Tôi không có điều kiện ở lại Bạch Mã vài ngày để hưởng trọn vẹn những gì tuyệt diệu của Bạch Mã, nhưng chỉ cần đến đó, đi lang thang trong nắng nhẹ, trong gió hây hây, trong cái lạnh se se để khoác thêm chiếc áo, trong xanh thẩm bạt ngàn của núi rừng, thì mình đã cảm thấy nhẹ nhàng thư thái. Nếu hơn thế nữa, hãy ở lại Bạch Mã một đêm… Tôi nhớ lại một đêm vào mùa hạ cách đây mười năm… Hệ thống điện không có, chỉ có điện acquy và chỉ sáng leo lét đến đầu hôm.. Đêm không trăng, trời đất cả một màu tối đen vô tận, tiếng gió, tiếng cây xào xạc, tiếng côn trùng, tiếng chim vỗ cánh, … Một cảm giác ngờ ngợ rơi vào đời sống bí ẩn của thiên nhiên, trong đêm lạnh của núi rừng. Nhưng tất cả như trở mình chuẩn bị cho một bình minh của riêng Bạch Mã: tia nắng ban đầu xuyên qua cành lá, nhưng rồi ẩn mình để màn sương che phủ núi rừng, sương mù loãng đi, trời vừa quang thì bỗng xuất hiện từng đám mây lang thang, có khi la đà trên đầu ta, ngựa trắng lại về … Có tiếng kêu lách chách nhỏ nhẹ đâu đây: thì ra mấy chú sóc tinh nghịch xuất hiện sau nhà nghỉ.

Mới đây, tôi trở lại thăm Bạch Mã và vẫn giữ niềm xúc cảm trước non nước này, hơn thế nữa, tôi nhận ra Bạch Mã đã đông vui hơn. Ngày thứ bảy cuối tuần, khách sạn tươi cười chào đón khách đến. Không ngờ hôm đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã tổ chức cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh một cách trọng thể tại ngay Hải Vọng Đài, và ngày hôm sau, ở đây tổ chức lễ đúc chuông. Như thế, tôi đến Hải Vọng Đài lần này không được thanh thản ngắm cảnh sơn thủy hữu tình của một vùng bao la Truồi – Cầu Hai – Lăng Cô – Chân Mây – Hải Vân, tuy thế tôi may mắn được ngắm quả đồi phía trước Hải Vọng Đài, dường như được dọn chuẩn bị cho xây dựng một ngôi chùa. Phật tử nào lại không hân hoan khi biết ở chốn non cao tĩnh lặng và dịu mát này có một ngôi chùa cho người tu hành an trú tu tập, cho Phật tử và du khách lễ Phật và tĩnh tâm? Dịp này tôi lại biết thêm có một ngôi chùa xưa – Bạch Vân Tự – đã đổ nát và mới vừa trùng tu, tuy chỉ là mái tôn, tường xây đơn sơ, nhưng chánh điện tương đối bề thế. Ngày nay, ngôi chùa đẹp không phải ở giá trị kiến trúc chùa mà ở vị trí từ đó có thể nhìn núi non bao la, và ở 108 bậc cấp bằng đá từ đường chính lên chùa.

Bạch Mã! Tiếng gọi non cao đã vọng về bốn phương trời. Người Huế không còn xa lạ với Bạch Mã, dân Đà Nẵng đã đi xa hơn Ngũ Hành Sơn, Bà Nà để đến Bạch Mã, các tour du lịch trong nước đã nối tuyến Bạch Mã, đặc biệt là tour liên kết núi và biển để du khách có thể buổi sáng dạo chơi Bạch Mã, buổi chiều tắm biển Lăng Cô. Định hướng phát triển du lịch của Vườn quốc gia Bạch Mã là loại hình du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, đòi hỏi tầm văn hóa và khoa học phục vụ du khách muốn khám phá, nghiên cứu động, thực vật ở khu rừng nguyên sinh này, cũng như du khách muốn nghỉ mát nơi thắng cảnh tuyệt đẹp. Những người say mê Bach Mã rất ngại chuyện phát triển dịch vụ tràn lan để thu hút mọi loại khách, làm biến mất ý nghĩa của du lịch sinh thái. Thử hỏi nếu xuất hiện ở Bạch Mã những pa nô, áp phích màu sắc lòe loẹt, chói mắt, những điệu nhạc xập xình chỏi tai, những tiệm nhậu vô tư thoải mái,… thì ai tìm đến chốn thiên nhiên hoang sơ? Tôi tin rằng, những người có trách nhiệm quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã không để hiện tượng trên xảy ra. Ngược lại, những gì hiện có chứng tỏ Bạch Mã ngày càng tốt hơn: Một vài khách sạn từ thời Pháp bị hư hỏng, đã được trùng tu đẹp và khá trung thành với kiến trúc cũ, các công trình mới được xây dựng sau này ở lưng chừng đồi, thấp thoáng bên những rặng cây, rất thanh lịch và hài hòa với thiên nhiên, . Những đường mòn vào thác Đỗ Quyên, vào Ngũ Hồ được lát đá làm cho du khách dễ đi nhưng đá vẫn giữ chút ít góc cạnh để phù hợp với tự nhiên. Điện, nước đầy đủ, hơn thế nữa, nước ở đây là nước đầu nguồn, rất trong, lại qua xử lý của Nhà Máy Nước nên có thể uống trực tiếp, mát lạnh rất ngon. Việc vận động và tuyên truyền để mọi người tham gia vào giữ gìn môi trường là rất tốt: Không thấy các hiện tượng ngắt hoa bẻ cành, trộm cây, xả rác, viết vẽ bậy, vất tàn thuốc bừa bãi,… Phải chăng những người lên đây đều là những người yêu thiên nhiên, quý trọng văn hóa?

Bạch Mã hào phóng khoản đãi mọi người, đặc biệt là những người trẻ, với tâm hồn thanh xuân muốn chinh phục đường đèo. Bạn đang ngồi trong xe lên đỉnh Bạch Mã, thoải mái ngắm cảnh núi đồi, không chừng bạn nhìn đàng trước, thấy một toán thanh niên vai mang ba lô,  đi bộ 16 cây số. Đêm đến, tại bãi cắm trại ánh lửa bập bùng, các bạn trẻ đó vui chơi ca hát, sinh hoạt cộng đồng. Sáng hôm sau, trên đường mòn qua rừng lội suối, vẫn các bạn thanh niên đó. Tôi chợt nghĩ đến Gia đình Phật tử. Mong sao trong đời mỗi đoàn sinh Gia đình Phật tử Huế có một lần cắm trại trên đỉnh núi này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Bạch Mã, để thêm phong phú sinh hoạt dã ngoại, để thắm thiết tình người, tình đạo, tình yêu thiên nhiên.

Mong sao mọi người Huế và du khách khắp nơi đến với Bạch Mã, chứ không chỉ dừng chân bên cầu, nhìn những đám mây trắng lơ lửng trên non cao của dãy Trường Sơn như ngựa trắng lang thang, và nhủ thầm: Bạch Mã!

Cao Huy Hóa
Tháng 8/2009

(1) Thơ Hồ Xuân Hương

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here