Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ngôn ngữ đời thường xứ Huế

Ngôn ngữ đời thường xứ Huế

146
0

 Đối với người Bắc và người Nam, tiếng Huế là một “ngoại ngữ” vừa khó nghe vừa khó hiểu. Tiếng Huế khó nghe vì cách phát âm không đúng chuẩn của ngôn ngữ tiếng Việt. “Nói” thành “noái”, “ông” thành “ôn”, “chân” thành “chưn”, “yêu” thành “ưng”, “không” thành “khôn”….  Ví như “Em có ưng anh khôn?” có nghĩa là “Em có yêu anh không?”.

Bên cạnh đó còn có các từ địa phương như “mô, tê, răng, rứa, mần, bựa, chừ…” đậm chất Huế. Điều này tạo nên sự khó hiểu cho những người mới nghe lần đầu. Có một cô gái phương Bắc từng bị bất ngờ khi lần tiên đặt chân đến Huế đã nghe câu hỏi “O đi mô rứa?”. Cô không biết phải trả lời như thế nào nếu như không có người dịch giúp “Cô đi đâu vậy?”

Nhưng cũng chính vì sự khó nghe khó hiểu đó mà tiếng Huế tạo nên một sắc thái riêng, không pha tạp với ngôn ngữ của các vùng miền khác.

Có người bảo: Người Huế chi lạ, con “mắt” thì bảo là con “ngươi”, cái “sân” thì bảo là cái “cươi”, cái “chổi” thì bảo là cái “chuổi”, cây “chuối” thì bảo là cây “chúi”… Thế mà khi sống ở Huế một thời gian thì họ lại bắt chước giọng nói Huế. Nhưng cho dù cách bắt chước của họ có giống đến đâu thì cũng không thể nói giọng Huế “chuẩn” như người Huế gốc.

Nhiều chàng trai khi đến Huế đều muốn lấy một cô gái Huế làm vợ. Phải chăng, chính từ giọng nói ấy đã tạo nên nét rất riêng, rất đặc biệt của người con gái Huế.

Ngôn ngữ Huế không tròn vành rõ chữ nhưng giản dị, chân phương, không kiểu cách, không màu mè. Hãy cùng lắng nghe cuộc đối thoại giữa một chàng trai và một cô gái sau bao ngày xa cách:

– “Răng bựa chừ anh khôn đến thăm em? (“Sao dạo này anh không đến thăm em?”)
– “Anh bị đau chưn.” (“Anh bị đau chân”)
–  “Răng anh khôn noái em qua thăm?” (“Sao anh không nói em đến thăm?”)
“Chừ chưn anh răng rồi?” (“Giờ chân anh sao rồi?”)
–  “Khôn can chi” (“Không sao đâu”)

Lời đối thoại mộc mạc, chân tình nhưng thể hiện tình cảm thắm thiết của đôi trai gái.

Có người nói giọng Huế đầy chất thơ chất nhạc. Chỉ cần nghe cô gái Huế nói là đã thấy cả thơ và nhạc đong đầy.

“Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa và đón mần chi không biết!”
(Trích đoạn bài thơ Chuyện tình Huế cùng “răng, rứa”)

Những người xa Huế không chỉ nhớ về Huế với sông Hương, núi Ngự mà còn nhớ về Huế với chất giọng đặc biệt. Chỉ cần nghe ai nói “mô tê răng rứa” thì đã có cảm giác thân quen rồi. Bởi thế, những người Huế đi xa rất dễ kết thân không chỉ vì tình đồng hương mà còn bởi vì cùng chung một ngôn ngữ Huế.

Dù cho tiếng Huế không phải là tiếng chuẩn quốc gia mà chỉ mang tính chất địa phương nhưng nó đã để lại ấn tượng không thể nào phai trong lòng du khách thập phương. “Hãy giữ chút gì rất Huế đi em” – Câu nói này không chỉ là lời nhắn nhủ giữ lấy hình ảnh của người con gái Huế đoan trang thùy mị với tà áo dài, chiếc nón lá nghiêng nghiêng mà còn giữ lấy giọng Huế mộc mạc, chân phương.

P.N (Khám phá Huế)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here