Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Ngôi nhà của mẹ là thế giới của con

Ngôi nhà của mẹ là thế giới của con

138
0

“Về đi em làng quê cũ

Có con sông xưa vỗ bờ

Về ôm vai Mẹ yêu dấu

Để được khóc như đứa trẻ thơ“

Lần đầu tiên khi nghe Hà Anh Tuấn hát bài hát này trong một chiều tháng 3 ngập nắng, tự nhiên nước mắt con chảy dài. Lâu rồi, con luôn cố dặn mình đừng khóc, nhưng dường như đó là điều quá khó đối với một đứa con gái như con. Tháng 3 – bầu trời xanh màu nắng, đàn chim đã bắt đầu ríu rít ngoài hiên và những bông Kokus đã nở tím trên vạt cỏ hai bên đường, vậy mà không hiểu sao, con vẫn không thấy ấm ở trong lòng. 

Thế mà thoáng một cái đã lại một năm rồi từ ngày con về nhà thăm bố mẹ. Thời gian trôi nhanh quá. Kỉ niệm đôi khi vẫn ùa về và hiện trên lòng bàn tay nên đôi khi con vẫn nghĩ mọi thứ mới chỉ là ngày hôm qua. Nhưng không, đã lại 365 ngày rồi. Vòng tròn thời gian cứ trôi mãi. Hết ngày rồi lại đến tháng và đến năm. Và nếu đem những con số đó cộng lại với nhau thì tính đến bây giờ đã là 12 năm  6 tháng 5 ngày con xa mẹ. Có lẽ lâu rồi, mẹ không còn thói quen đếm ngày xa con nữa phải không? Vì nếu thế, mẹ cứ phải đếm hoài mà chẳng bao giờ được dừng lại ở số 0. Nhưng con biết, lần nào con nói với mẹ là con sẽ về, là lúc đó con biết, mẹ bắt đầu đếm ngược, kiểu như: „9 tháng nữa thôi con gái à“, „Hôm nay đã là rằm rồi đấy, chỉ còn 4 tháng nữa thôi là nhà mình lại đoàn tụ“, „Ôi, hai mươi lăm ngày nữa là con gái của mẹ về rồi“, „Cố gắng chợp mắt đi con, ngày mai nữa là được ngủ dưới bầu trời quê hương rồi đấy“. Những câu nói đó của mẹ cứ theo con hoài trong những giấc mơ sau này.

Ngày con đi học xa, mẹ dặn con đủ mọi điều. Con vẫn nhớ những lá thư tay nặng trĩu một nỗi lo của mẹ. Mười lăm tuổi, con gái của mẹ còn quá trẻ so với tuổi xuân và quá dại so với cuộc đời này. Mẹ sợ con vấp ngã bởi những lúc như thế, con sẽ không có mẹ ở bên để dìu con đứng dậy như hồi con còn ở nhà nữa. Và liệu rồi con có đủ nghị lực để tự đứng lên và đi tiếp giữa cuộc đời rộng dài này không? Đó vẫn luôn là một dấu hỏi trong mẹ suốt những ngày không ở bên con. Con biết và cảm nhận được điều đó. Bởi ngay từ khi con tròn mười một tuổi, mẹ đã dạy cho con nhiều điều. Đó là lần đầu tiên mẹ nói với con về sự sống và cái chết. Ngày đó, những cơn đau tìm hành hạ mẹ triền miên, nhìn đôi mắt hai đứa con thơ dại, con biết mẹ nhiều khi đã không nén được tiếng thở dài. Rồi một ngày, mẹ gọi con lại và dặn dò con rất nhiều thứ, như là mẹ đã chuẩn bị cho một chuyến đi rất xa. Con khóc. Giọt nước mắt của một đứa trẻ mười một tuổi không biết rơi vì điều gì, vì lúc đó, con đâu biết được mồ côi là sẽ thế nào đâu. Chỉ hiểu lơ mơ rằng chết là một điều gì đó buồn lắm vì trong những đám tang ở nhà hàng xóm, con thấy ai cũng khóc. 

Rồi một ngày, con tìm thấy cuốn Nhật kí của mẹ viết cho hai chị em con. Lúc mở cuốn sách đó ra, đập vào mắt con là dòng chữ: „Thương yêu viết cho các con của mẹ“ và phía dưới là câu: „Con ơi, ngày con mới sinh ra, mọi người đều nhìn con mỉm cười trong khi con khóc. Con hãy sống thế nào để khi nhắm mắt xuôi tay, mọi người đều nhìn con mà khóc, còn con thì mỉm cười“. Nước mắt con nhạt nhòa khi đọc những dòng viết đó của mẹ và con không dám đọc tiếp nữa, con sợ nước mắt mình sẽ rơi và nếu mẹ thấy con khóc, mẹ sẽ hỏi tại sao. Mà ngày đó, con không biết nói dối. Và cũng bởi mẹ luôn luôn dặn con rằng không bao giờ được phép nói dối. Đó là một sự phản bội về niềm tin. Con nhớ có lần em Mậm đòi mua đồng hồ đeo tay, nhưng mẹ sợ em làm mất vì em hay tháo ra khi đá bóng nên mẹ nói bao giờ lớn mẹ sẽ mua, thế là em lấy tiền của mẹ mua đồng hồ. Khi mẹ biết được điều đó, mẹ đã cho em một trận đòn. Con không nhớ em Mậm có còn nhớ nữa không, nhưng khi đứng cạnh đó, nhìn em khóc mà tự nhiên con thấy thương vô cùng. Nhưng con lại không thể chạy lại nói với mẹ rằng: „Mẹ ơi, mẹ đừng đánh em nữa“. Trong khi đó, mẹ vẫn luôn kể hoài trong những bữa cơm về chuyện ngày xưa của chị em con, rằng từ nhỏ con đã là đứa con gái bướng bỉnh và lạnh lùng. Những lúc mẹ nói con làm sai, nhưng bản thân con biết rõ là con không làm điều đó thì con sẵn sàng chịu đòn của mẹ chứ nhất định không xin lỗi. Trong khi em Mậm vừa thấy mẹ dọa roi là đã vội vàng xà vào lòng mẹ: „Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ“. Hay là những lúc em Mậm hư, mẹ nói con đi lấy roi, con chạy ù đi lấy liền. Nhưng khi con phạm lỗi, mẹ bảo em Mậm đi lấy roi thì em luôn bảo mẹ: „Mẹ ơi, chị gái chừa rồi, mẹ đừng đánh chị nữa“. Những lúc mẹ kể lại như thế, cả nhà lại bật cười, em Mậm lại „nhìn ngang liếc dọc“ con và bảo: „Làm chị quả thật là khó mẹ ạ!“. Có lần mấy mẹ con nằm trên giường, mẹ hỏi hai đứa sau này lớn thích làm nghề gì. Trong lúc con còn đắn đo suy nghĩ thì em Mậm đã nhanh nhảu: „Sau này lớn lên con muốn làm bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ“. Từ nhỏ, nó đã là đứa sống tình cảm, khác hoàn toàn với sự lạnh lùng của con, dù mẹ sinh hai đứa ra trong cùng một bào thai. Con nhớ có lần ai cho nó quả chuối, nó để dành đến sau bữa ăn và đưa cho mẹ rồi bảo: „Mẹ ơi, mẹ ăn chuối đi cho khỏe rồi mẹ sinh em bé cho con mẹ nhé“. Lời nói thơ ngây của nó lúc đó dẫu rất buồn cười nhưng lại ám ảnh con suốt những tháng năm sau này. 

Nhiều năm đã trôi qua, con đã bước những bước đi lúc thấp lúc cao trong cuộc đời này. Nhưng đôi khi, con vẫn thấy hình ảnh mình vẹn nguyên như ngày nào. Vẫn bướng bỉnh, vẫn hay giấu nỗi buồn và cất thật sâu và vẫn khóc trong những ngày đơn độc, dẫu trước mẹ, con rất ít khi nào để nước mắt mình rơi. Lúc nhỏ, con vẫn nghĩ là mẹ không hiểu con, vì mẹ thương em lắm. Nhưng thực ra con đã lầm. Có người mẹ nào mà không hiểu con mình đâu cơ chứ. Nhưng vì tại con lúc nào cũng tỏ ra bất cần, lúc nào cũng nghĩ tự con làm được hết, nên mẹ cứ để con tự mình bước và âm thầm dõi theo những bước đi từ phía sau của con. Mẹ luôn vậy. Kể cả sau này khi con đã mười bốn, mười lăm, mẹ vẫn luôn có thói quen nhìn con từ phía sau và bao giờ cũng vậy, khi con ngoảnh đầu lại, là con vẫn thấy mẹ ở phía đằng xa.

Khi buông bàn tay con để con bước trên con đường rộng dài nơi xứ lạ, con biết mẹ đã rất tin ở con. Bởi nếu không, mẹ đã chẳng bao giờ đồng ý để con xa nhà với cái tuổi còn quá trẻ như thế. Sự độc lập lúc nhỏ đã mài giũa một phần con người con. Mẹ tin nhưng mẹ vẫn nuối tiếc, bởi trong rất nhiều lá thư sau này của mẹ, mẹ vẫn viết: „Nếu cho mẹ được làm lại từ đầu, mẹ sẽ không bao giờ cho con đi xa đến vậy nữa đâu“. Nhưng tất cả vẫn chỉ là „Nếu“, bởi con đã bước lên chiếc thuyền và phải ra khơi. Dĩ nhiên, bất cứ lúc nào con cũng có thể quay lại bờ và nơi ấy, mẹ sẽ luôn mở rộng vòng tay ôm con vào lòng. Nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Khi đã ra khơi là phải chấp nhận chèo lái, phải chấp nhận đối đầu với sóng gió, với khó khăn. Vậy nên, mẹ đã không gọi con quay trở về. Con đã lớn lên từ những năm tháng đó, dù lúc bước chân ra khỏi mảnh đất hình chữ S, Châu Âu trong con vẫn hồng lắm. Con đã không biết được những điều sẽ chờ mình ở phía trước. Một thời gian sau đó, con mắc bệnh trầm cảm…

Con đã không biết mình đã phải mất bao nhiêu thời gian để chữa lành căn bệnh đó, thực ra đến giờ con vẫn chẳng biết là nó đã thực sự lành chưa nữa, nhưng ít ra thì, con đã sống với những suy nghĩ tích cực hơn, biết yêu thương bản thân mình nhiều hơn, dẫu rằng nỗi buồn lúc nào cũng như một người bạn nhỏ ngự trị trong trái tim yếu đuối. Nhưng con biết rằng, nếu con không hạnh phúc mẹ sẽ là người đau khổ hơn con. Vậy nên, con luôn biết mình phải làm gì. Những điều vĩ đại cho mẹ con chưa làm được, nhưng sống an yên với chính cuộc đời mình là điều con hoàn toàn có thể. Và như thế, con đã gánh được giúp mẹ một phần nỗi lo. Những vấp va trong đường đời dẫu chưa đủ làm con khôn hơn, nhưng ít ra thì, con luôn biết mình sẽ đi đâu, về đâu trong những tháng năm sau này.

„Về bên dòng sông thơ ấu

Về vui yên ấm nơi quê nhà

Về đi em cô gái thơ ngây của làng ta…”

Lời hát lại vang lên trong một chiều yên ả. Con ngồi trong căn phòng trọ nơi này lại nhớ về căn nhà thơ ấu nơi xưa. Nhớ từng bậc thang mẹ bước. Con biết, mẹ ghét đi cầu thang lắm vì nó luôn làm mẹ mệt, nhưng lúc con còn ở nhà, mẹ vẫn lên đều đặn để xem hai chị em con học hành ra sao, đi ngủ có giắt màn không. Đến khi cả hai chị em đi học xa, thi thoảng mẹ vẫn lên phòng con ngồi ngắm và tìm về với những ngày từng thân thuộc. Con đã đi rất xa, bốn bể là nhà, nhưng thế giới thân thuộc nhất trong con vẫn là căn nhà của mẹ. Nơi đó, có tiếng cười bình yên của mẹ, có sự dịu dàng hết mực của cha và có tiếng gọi “Mẹ ơi” của hai chị em con rơi đâu đó bên thềm.

H.Y.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here