Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ngôi cổ tự Ajanta nghìn năm tuyệt tác trong hang động ở...

Ngôi cổ tự Ajanta nghìn năm tuyệt tác trong hang động ở Ấn Độ

335
0
Trong hang có rất nhiều tranh cổ và một số bức bích họa được xem là ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo. Hang động vòng vách núi hình lưỡi liềm, tường thấp, trải dài hơn 550 mét. Với kiến trúc mỹ thuật tráng lệ, nét chạm khắc và bích họa tinh tế hoành tráng, là một ngôi đại Già lam Thánh địa Phật giáo, một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất phía Nam Ấn Độ.
Ngôi đại Già lam cổ tự Ajanta là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay.  
Cổ tự Ajanta Phật giáo cổ đại Ấn Độ được chạm khắc bắt đầu Phật điện, Tăng phòng. Thuật ngữ “Ajanta” xuất phát từ tiếng Phạn “A Cẩn Đà na-阿谨提那” nghĩa là  “Vô tưởng-無想, Vô tư-無思”. 
Cổ tự Ajanta khai tạc vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, triều đại Minh quân Thánh triết Ashoka (A Dục Vương), vào thời kỳ Ấn Độ Phật giáo Quốc đạo, Phật giáo đồ kiền thành kính phụng Phật Tổ, nghiên cứu đọc Kinh thư, tu thân dưỡng tính, thâm sơn cùng cốc cảnh sắc trở nên danh lam thắng cảnh tú lệ. Thời gian tứ phương Tăng chúng vân tập, hương hỏa liên tục. Sau khi khai tạc, Phật giáo nơi đây được duy trì và phát triển liên tục với thời gian gần nghìn năm.
Vào thế kỷ thứ 5 và 6 Tây lịch, thời Vương triều Gupta, khoác kiến đại quy mô, tu sửa trang hoàng, bổ sung thêm nhiều hang động đầy màu sắc hơn. 
Đến thế kỷ thứ 7 Tây lịch, với các chiến tranh hỗn loạn từ đó Phật giáo Ấn Độ dần bị suy giảm, ngôi đại Già lam cổ tự Ajanta bị ảnh hưởng thời cuộc loạn lạc mà phai tàn theo năm tháng, cổ tự Ajanta chỉ còn dĩ vãng trong ký ức bởi quá khứ lịch sử. 
Cổ tự Ajanta nằm ẩn sâu trong khu rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan ở Ấn Độ và đã trở thành hoang phế cỏ mọc đầy, rừng cây rậm rạp phủ kín, cổ tự Ajanta không còn sự quan tâm chú ý của người dân nữa. Sau đó, các hang động của ngôi cổ tự Ajanta đã âm thầm cô độc, lặng lẽ ngủ yên trong núi rừng, mãi đến đầu thế kỷ thứ 19, năm 1819 một nhóm quan chức người Anh đi săn thú rừng, tình cờ đã phát hiện ra một thế giới nghệ thuật kiến trúc cổ đại quý báu, từ cổ tự Ajanta thần kỳ nổi tiếng cho thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Ấn Độ đã chìm lắng bao thế kỷ trôi qua.
Hai nghìn hai trăm năm sau, vào năm 1983 ngôi đại Già lam cổ tự Ajanta (A Chiên Đà Thạch quật) bắt đầu mới liệt kê vào “danh sách Di sản Thế giới”.
Người ta phát hiện những bức tượng bằng đá mà Tam tạng Pháp sư mô tả hoàn toàn phù hợp, do đó, họ chắc chắn đây là hang động thực sự như Đường tăng Huyền Trang, Tam tạng Pháp sư  ghi chép. Đường tăng Huyền Trang du học tại Đại học Nalanda, Ấn Độ (629-645) và đã đến thăm vùng Ajanta vào năm 638. (Huyền Trang và công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại).
Sau khi Đường tăng Huyền Trang, Tam tạng Pháp sư trở về bản Quốc, Ngài cảm hứng hạ bút ghi lại hồi ký với tựa đề “Đại Đường Tây vức ký”. 
Ngôi đại Già lam cổ tự Ajanta (A Chiên Đà Thạch quật), các hang động thờ Phật có kích thước khác nhau, trong đó hang  lớn nhất có diện tích khoảng 16m, được đục khoét hình vuông vức. Việc xây dựng các chùa hang động này cũng có sự khác nhau rất lớn, có những chùa được xây dựng một cách đơn giản nhưng cũng có những chùa được xây dựng khá công phu và tinh xảo. Một vài chùa được tạo mái vòm nhưng cũng có chùa không có. 
Nhưng phần thiết yếu mà một ngôi chùa phải có đó là nơi thờ Phật. Trong giai đoạn Vakataka, những nơi thờ tự Phật ít được để tâm xây dựng bởi vì những nơi có mặt bằng rộng rãi thì thường được dùng làm nơi ăn ở và tụ tập tín đồ… Sau đó, các nơi thờ Phật mới được xây dựng nhiều hơn. Các nơi thờ Phật thường được xây dựng dựa lưng vào vách đá phía sau ở trung tâm của ngôi chùa và trên mỗi nơi thờ tự thường đặt một bức tượng Phật ngồi bằng đá. Không chỉ có các hang động, cổ tự Ajanta đặc biệt nổi danh với những bức bích họa trên vách đá và trần hang. 
Tổng cộng ở cổ tự Ajanta có đến 500 bức. Màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật nên vừa hài hòa, vừa tương phản mà vẫn tươi nguyên qua mấy nghìn năm. Toàn bộ các bức tranh đều tập trung thể hiện cuộc đời đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài (trong đó có nhiều kiếp là các con vật , nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn). Vì thế , tuy đều gắn với đề tài Phật giáo nhưng các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện mà bao trùm hiện thực rộng lớn hơn: cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, cỏ hoa và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới nữa. Một cuộc sống sôi nổi, hưng phấn và đầy đam mê. Những bức tranh thiếu nữ trong hang động Ajanta được thể hiện rất quyến rũ với những đường cong mềm mại, thần thái sinh động trong từng ánh mắt, từng nét môi say đắm và e lệ. 
Các nghệ nhân còn khéo lợi dụng sự phân bố ánh sáng để người xem khi chuyển dịch vị trí có thể thấy nhân vật trong tranh như chớp mắt, hé cười , hết sức sống động. Có thể nói, nghệ thuật Phật giáo đã sử dụng vẻ đẹp của thế giới vật chất như một phương tiện để hướng đạo khát vọng các tín đồ với vẻ đẹp tâm linh của Giác ngộ chân mạnh của nó nằm ở chính thông điệp của Đấng Giác Ngộ kêu gọi Tri kiến của chúng ta chế ngự, vượt qua những cạm bẫy cám dỗ. Vượt qua những hình thức ảo ảnh, giả ngụy của cái đẹp, ta sẽ thấy cái đẹp đích thực.
Những hàng dài tượng Phật được đục đẽo bằng thủ công và những bức tượng Phật lớn trong hang là những công trình nghệ thuật tuyệt tác của Phật giáo Ấn Độ.
Nếu đến thăm quan cổ tự Ajanta, du khách sẽ phải thực sự ngạc nhiên trước khung cảnh hết sức hùng vĩ và các tuyệt tác nơi đây. Ngay từ những bước chân đầu tiên, du khách sẽ phải choáng ngợp trước hàng dài tượng Phật được đục đẽo bằng thủ công ở mặt tiền của hang động. Vào sâu trong hang, cả một câu chuyện lịch sử về quá trình Giác ngộ, khổ công tu luyện gian khổ của đức Phật sẽ được thể hiện qua hàng loạt các tác phẩm điêu khắc trong hang.
Trong số những tác phẩm nghệ thuật ở đây có những tác phẩm đã đạt được đến vẻ đẹp đỉnh cao và trở thành tuyệt tác. Điều gây ấn tượng hơn nữa đó là cách mà những người thợ xa xưa đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật của mình. 
Theo một số tài liệu, nguyên liệu chính để làm nên những bức vẽ chính là đá cuội và các loại rau quả. Rau quả được nghiền nát ra để tạo thành một chất keo, sau đó được nghiền tiếp và các viên sỏi đầy màu sắc để tạo ra một loại sơn cho những tác phẩm này. 
Những chất liệu được người xưa nghiên cứu và tìm tòi đã được chứng minh và kiểm nghiêm qua thời gian hàng trăm năm, cho đến hôm nay vẫn giữ được vẻ đẹp của nó. Chính điều này càng làm tăng thêm giá trị về văn hóa lịch sử cho công trình ngôi đại Già lam cổ tự Ajanta.
Hang động Cổ Tự Ajanta kiến trúc Phật giáo có thể được cho là nơi sinh của một ảnh hưởng lớn đến các hang động nghệ thuật Phật giáo sau này. Các thế hệ tương lai sẽ mô phỏng theo truyền thống này để phát dương quang đại, cho các tượng Phật lớn nhất thế giới tại Bamiyan, Afghanistan, Thạch động Đôn Hoàng (Thiên Phật Động) tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, Thạch động Vân Cương, phía Nam chân núi Vũ Châu, phía Tây thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Thạch động Long Môn, phía nam, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc…và nhiều hơn nữa.
Nguồn: phatgiao.org.vn
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here