Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ngôi chùa tuổi thơ

Ngôi chùa tuổi thơ

150
0

Hồi tôi nhỏ, quê tôi chưa có trạm y tế. Cả chợ Dừa đó chỉ có một cửa tiệm thuốc Bắc giá đắt giàn trời, chỉ con bệnh nhà giảu mới dám tới. Mỗi khi ấm đầu, bỏ ăn, dù nặng hay nhẹ, mẹ vẫn cõng tôi ra chùa hốt thuốc Nam. Chùa Hưng Long, tôi nhớ rõ, bởi “Hưng Long tự” là những chữ tôi đọc được đầu tiên trong đời. Trước khi đi học ở trường, mẹ đã dạy tôi ráp vần, đọc, viết rành rẽ, chớ nào có lớp mẫu giáo gì đâu. Mẹ tôi cũng giảng giải chữ Hán đầu tiên : “tự” là chùa…

ngoi-chua-tuoi-thoCứ uống mấy thang thuốc nhà chùa là tôi hết bệnh, chạy chơi sân sẩn. Hốt thuốc uống là ông Tư Bách – một cư sĩ tại gia. Tôi vẫn nhớ ông chuyên mặc bộ bà ba lụa màu lam, phong thái hết sức điềm đạm, phiêu diêu thoát tục. Bàn tay ông sờ trán, bắt mạch cho tôi dịu nhỉuvà ấm áp đến lạ. Mỗi thang thuốc, hình như ông đều dành cho tôi một món quà quý báu: gói trần bì hoặc trái táo khô. Ông âu yếm vuốt tóc tôi, ân cần dặn dò: “Ráng uống thuốc cho hết bệnh nghe con”. Chén thuốc Nam đắng ngắt nhưng nhớ lời ông , tôi nhắm mắt, cố ực mấy hơi cho hết để còn nhâm nhi trái táo…

Khi tôi khỏi bệnh, mẹ lại dắt tôi lễ Phật tạ ơn và làm công quả cho chùa. Thường là một đôi dây nhãn lòng hoặc phân quạ (để làm thuốc Nam) mà chùa đang cần. Khi làm cỏ vườn, mẹ tôi gom riêng rồi rửa sạch, phơi khô.

Rằm lớn trong năm, mẹ tôi dắt tôi đi chùa lễ Phật và dự bữa cơm chay, hưởng lộc chùa cho mạnh giỏi. Món chay ở chùa thật phong phú và khéo léo,tôi xơi ngon lành hơn bữa cơm thịt cá ở nhà. Nhiều món tôi mê, đòi mẹ nấu nhưng mẹ chỉ bảo đó chỉ là bắp chuối, thân cây đu đủ…mà mẹ tôi không thể làm được. Tôi mê nhất món kiểm ở chùa. Tô kiểm ngọt lừ đầy màu sắc hấp dẫn: nào màu xanh của mướp, màu vàng của mít,của bí rợ, màu hồng của chuối xiêm chín rục, màu trắng của dừa nạo, rồi bột khoai, bột báng…

Bao nhiêu lần lễ Phật nhưng tôi chưa hề dám ngó lên chánh điện. Bước lên những bậc tam cấp là tôi đã run, nắm riết lấy tay mẹ. Đức Phật ngồi sừng sững, uy nghiêm quá làm tôi khiếp đảm, cụp mắt ngó xuống ngay. Mùi nhang trầm làm cả không gian trầm mặc, áp đảo tâm trí tôi. Chỉ khi mẹ dắt tôi xuống phòng thuốc Nam của ông Tư Bách, tôi mới nhẹ nhõm, thơ thới. Nét hiền từ của ông làm tôi ấm lòng. Rõ ràng ông trị cho tôi hết bệnh. Ông là hiện thân của Đức Phật, tôi đã nghĩ thế. Hễ nhớ tới chùa, đến Đức Phật từ bi là tôi nhớ ngay đến ông Tư Bách. Mẹ tôi xuýt xoa cảm ơn ông thành kính như lễ Phật. Có lần, mẹ tôi nói vui với ông Tư: “Chắc con dâng thằng Dũng cho chùa, vì nó hạp uống thuốc chùa, thích ăn cơm chay nhà chùa lắm!”. Nhưng ông đã nghiêm sắc mặt: “Áy! Cháu đừng nói vậy không nên. Cháu nó còn nhỏ”. Ra về, tôi vẩn vơ tung tăng tuốt mấy trái thuốc nổ cây nở bông tím ngắt bên vệ đường quăng xuống nương cho nó nở bung lách tách chơi. Tôi không dám hỏi mẹ vì dường như mẹ thấm thía lời ông Tư nên cũng trầm tư không kém.

Lần hồi, câu hỏi vì sao ấy cứ chập chờn trong đầu tôi, để rồi tự lâu lắm tôi mới giải đáp được. Tôi nghĩ, giả như mình ở chùa quanh năm suốt tháng, đầu trọc để chỏm, mặc bộ đồ nâu tối thui, lấy đâu hí hửng mặc quần áo mới ngày Tết? Rồi những buổi cha tôi đi chài về, những con tôm nướng to như cỡ cườm tay thơm lừng biết ai ăn đây? Rồi những khi mẹ chở trái cây lên chợ tỉnh, còn ai chạy mừng quà mẹ, nào là bánh bao, bánh da lợn, bánh mì thịt…Rồi bánh hỏi thịt quay, thịt kho rệu ngày Tết… tôi sẽ vĩnh viễn không được nếm môi, ôi chao…!

Lớn lên, tôi nghĩ sâu hơn. Ông Tư bảo không nên bởi tôi hãy còn một đứa trẻ chưa ý thức được điều gì.

Ngôi chùa thuở ấu thơ đã thành tro bụi vì bom đạn chiến tranh. Ông Tư thuốc Nam còn sống hay đã về cõi nào tôi không rõ. Tôi không có duyên đầu Phật, vợ con đùm đề. Bài học đầu tiên từ ngôi chùa tuổi thơ, từ ông Tư Bách là hãy sống có tình người, có trách nhiệm, nói được phải làm được, đã trở thành một phương châm sống theo tôi suốt cuộc đời.

A.C

(VHPG 48)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here