Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ngọa Vân am ở đâu trong dãy núi thiêng Yên Tử?

Ngọa Vân am ở đâu trong dãy núi thiêng Yên Tử?

192
0

LBT: Sau khi đăng bài Phát lộ dấu vết am Ngọa Vân – Yên Tử của tác giả Trần Ngọc Linh, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản biện, trong đó có bài viết của tác giả Nguyễn Vân Anh, người trực tiếp tham gia đào thám sát và khảo cổ tại Yên Tử. Để đảm bảo tính khách quan, khoa học, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này cùng độc giả.









Chùa Ngoạ Vân (nay) và núi Vây Rồng (nhìn từ tay ngai phía Tây)

Vừa qua trên báo điện tử Vietnamnet có đăng bài Phát lộ dấu vết Am Ngoạ Vân – Yên Tử của tác giả Trần Ngọc Linh, trong bài viết của mình tác giả cho biết “trên đường đi chùa Bảo Sái, đoạn trên chùa Một Mái có con đường rẽ ngang đi lối trên của Am Dược và Am Hoa đã phát hiện một nền am cổ. Bên cạnh đó có bảo tháp hơi bị sụp”, theo mô tả của tác giả, di tích nền am cổ mới phát hiện này “nằm phía dưới một phiến đá rất to nhô ra như cái mái tự nhiên…


Đặc biệt hơn cả là trước am có hai gốc cổ tùng rất lớn, đường kính chừng hai người ôm, thân hai cây to bằng nhau, gần như vừa khít gữa hai cây tùng là phiến đá phẳng tự nhiên có chiều dài độ một người nằm.” và tác giả cho là “có thể đây chính là nền móng của một am cổ và đã có người tập tu”. 


Điều đáng nói nhất ở đây là ngoài những gì mô tả ở trên không còn bất kỳ bằng chứng khoa học nào để có thể kết luận rằng đây là cái gì. Tuy nhiên ở đây tác giả đã lập tức đi đến kết luận rằng di tích này chính là Am Ngoạ Vân mà đức Trần Nhân tông đã hoá, đồng thời tác giả phủ nhận quan điểm của GS Huê Chi trước đây về di tích Ngoạ Vân ở Đông Triều.








TIN LIÊN QUAN

Trong bài viết này, với tư cách là người trực tiếp tham gia cuộc điều tra nghiên cứu quần thể di tích Ngoạ Vân và Hồ Thiên, xã Bình Khê, Đông Triều Quảng Ninh tôi xin cung cấp những tư liệu và những bằng chứng khoa học thu được qua quá trình điều tra, khảo sát cho tác giả Trần Ngọc Linh và các độc giả cùng tham khảo.


Am Ngoạ Vân (hay Chùa Ngoạ Vân) nay thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Chùa nằm ở sườn Nam của ngọn núi cao thuộc dãy núi Yên Tử, núi có tên chữ là Bảo Đài Sơn hay núi Vảy Rồng hoặc Vây Rồng như cách gọi của nhân dân địa phương ngày nay. Chùa nằm ở độ cao khoảng 600m so với mặt nước biển.


Theo ghi chép của các nguồn sử liệu thì: Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép “Mùa đông tháng 11, …ngày mồng 3 thượng hoàng (Trần Nhân Tông – TG) băng ở Am Ngoạ Vân Núi Yên Tử” , như vậy việc Trần Nhân Tông mất tại Ngoạ Vân Am là việc có thể khẳng định và được chính sử ghi chép rõ ràng.


Sách Tam tổ thực lục ghi chép kỹ hơn “Ngày 18 ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn núi Kỳ Đặc, Ngài thấy rức đầu. Ngài gọi hai vị tì kheo là Tử Danh và Hoàn Trung lại bảo: ta muốn lên núi Ngoạ Vân mà chân không thể đi được thì phải làm thế nào? Hai vị tỳ kheo bạch rằng hai đệ tử chúng tôi có thể đỡ đại đức lên được, khi lên đến núi ngài cảm ơn hai vị tỷ kheo và bảo các ngươi xuống núi tu hành, đừng lấy sự sinh tử làm nhàm sự. Ngày 19 ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử giục Bảo Sát đến ngay núi Ngoạ Vân….. Ngày 21, Bảo Sát đến núi Ngoạ Vân, Ngài thấy Bảo Sát đến mỉm cười nói rằng ta sắp đi đây, sao ngươi đến muộn thế?”









Bia “Trùng tu Ngoạ Vân tự”

Văn bia Trùng tu Ngoạ Vân tự năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 3 (1707) hiện còn lưu giữ tại chùa có đoạn “Nay thấy chùa Ngoạ Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều , phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương thực là nơi cổ tích danh lam” 


Như vậy, qua những ghi chép trên cho ta biết rõ hai điều, thư nhất khẳng định Ngoạ Vân là nơi đức Trần Nhân Tông hoá, thứ hai vị trí của chùa Ngoạ Vân vốn xưa thuộc xã An Sinh, trong khi đó khu vực Yên Tử ngày nay thì chưa bao giờ thuộc về xã An Sinh cả. Trên thực tế, hiện nay quần thể di tích Ngoạ Vân thuộc địa bàn hành chính của 2 xã Bình Khê và An Sinh.


Hơn nữa sách Tam tổ thực lục cho biết sau 2 ngày Trần Nhân Tông cho gọi thì Bảo Sát mới có mặt trên núi Ngoạ Vân, điều đó cho chúng ta hình dung rằng: người vâng lệnh Trần Nhân Tông lên am Tử Tiêu trên núi Yên Tử để gọi Bảo Sát về Ngoạ Vân phải đi mất một ngày đường từ Ngoạ Vân đến Yên Tử, sau đó Bảo Sát lại phải mất một ngày nữa để đi từ Yên Tử về Ngoạ Vân. Ngày nay tuy không còn phải đi trong rừng rậm nữa nhưng chúng ta cũng phải mất hơn 10 tiếng đi bộ từ Ngoạ Vân đến Yên Tử, do vậy chúng tôi cho rằng ghi chép của Tam Tổ Thực Lục là phù hợp với thực tế. Trong khi đó nếu theo như mô tả của tác giả Ngọc Linh thì có lẽ từ Tử Tiêu đến nơi phát hiện không đến một tiếng đồng hồ đi bộ.


Thêm vào đó, kết quả điều tra nghiên cứu khảo cổ học khu vực Ngoạ Vân đã cung cấp những bằng chứng khoa học xác thực cho thấy quần thể di tích chùa Ngoạ Vân thuộc thôn Tây Sơn xã Bình Khê chính là nơi mà đức Trần Nhân Tông đã từng tu hành và hoá tại đây.








Mô tả ảnh.

Những cây thông còn lại tại khu vực Thông Đàn (Đô Kiệu)

Các tài liệu dân gian về các địa danh trên đường từ Trại Lốc đến Ngoạ Vân am cho biết: Khi đức Trần Nhân Tông lên Ngoạ Vân Am ngài thường đi theo đường từ Đền Sinh, qua khu Trại Lốc, dọc theo suối phủ Am Trà rẽ phải rồi qua Thông Đàn và tới Ngoạ Vân Am.


Điểm rẽ ở phủ Am Trà có tên Tàn Lọng, sở dĩ có tên này là từ đây lên Ngoạ Vân là phải đi bằng đường mòn trong rừng vì thế khổng thể và không phải che lọng nữa. Đến Thông Đàn là Bắt đầu gặp dốc cao nên không thể đi kiệu được mà phải đi bộ vì vậy chỗ đó gọi là Đỗ Kiệu hay Đô Kiệu là vì vậy, còn cái tên Thông Đàn là tên mới được người dân nơi đây gọi. Sở dĩ có tên gọi là Thông Đàn là vì khu vực này có hàng chục cây thông lớn có đường kính từ 80 đến 100cm (giống như thông ở Yên Tử), mỗi khi gió thổi âm thanh vi vu giống như dàn nhạc vậy.


Có thể nói các bằng chứng khảo cổ học là những minh chứng chân xác nhất, một mặt nó khẳng định những ghi chép trong sách vở hay những câu chuyện trong dân gian phản ánh đúng sự thật, mặt khác tự mình nó làm sáng tỏ những vấn đề nghi ngờ về di tích.


Tại khu vực này chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều các loại hình di tích, di vật của thời Trần và các thời sau đó. Các di vật và các dấu tích kiến trúc thời Trần đã được tìm thấy ở khu vực Thông Đàn (Đô Kiệu) và khu vực chùa Ngoạ Vân.


Khu vực thông đàn gồm 3 triền núi phía Tây Nam của núi Vây Rồng chĩa ra giống như hình cái đinh ba, ở đây hiện còn lại 7 cây thông lớn, đường kính trung bình mỗi cây từ 80-100cm. Các loại hình di vật thời Trần tìm thấy ở hai khu vực này gồm có gạch ngói các loại. Ngói tìm thấy ở khu vực Thông Đàn chủ yếu là ngói cánh sen có kích thước lớn (dài/rộng/dầy:40/24/2cm), màu đỏ xương mịn và đanh. Bên cạnh các di tích di vật có niên đại thời Trần ở đây còn tìm thấy các di tích di vật của thời Lê Trung Hưng, các dấu tích kiến trúc tìm được ở đây bao gồm các dấu tích nền móng kiến trúc và các cấu kiện của tháp đá, trong đó đáng lưu ý nhất, chúng tôi đã tìm thấy một cấu kiện đá hình chữ nhật, mặt trước chạm nổi 3 chữ Hán “Phụng Phật Tháp”. Các di tích, di vật này cho phép chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng vào thời Lê Trung Hưng, ở đây đã từng có ít nhất một ngôi tháp bằng đá được xây lên trên lớp kiến trúc thời Trần, chức năng của tháp là tháp thờ phật chứ không phải tháp mộ (Phụng Phật tháp).













Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.

Bài vị đặt trong tháp Phật Hoàng; Cấu kiện tháp có chạm nổi 3 chữ Phụng Phật tháp, niên đại thời Lê trung hưng; Ngói cánh sen thời Trần ở Khu vực Thông Đàn; Ngói in nổi 2 chữ Vân Phong, niên đại thời Lê trung hưng.

Khu vực Ngoạ Vân bao gồm 6 cụm di tích, phân bố dọc từ phía Đông đến khu vực trung tâm sườn phía Nam của núi Ngoạ Vân, trong đó tại khu vực Ngoạ Vân 3, 4, 5 là khu vực chùa hiện nay còn lại rất nhiều các di tích di vật của nhiều thời kỳ khác nhau, các di tích di vật này đều chứng minh đây chính là di tich Ngoạ Vân, là nơi mà Trần Nhân Tông đã hoá


Những bằng chứng về địa danh Ngoạ Vân được tìm thấy trên các di tích, di vật của nhiều thời kỳ khác nhau. Trong đó, trên tấm bia hiện còn lưu gữu ở chùa một mặt đề rõ : Trùng tu Ngoạ Vân tự tức là bia ghi chép về việc trùng tu chùa Ngoạ Vân. Theo văn bia thì vào năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 3 (1707) “Nhà sư tự là Giác Hưng hiệu Viên Minh trụ trì tại chùa Ngoạ Vân trên núi Bảo Đài, đã trùng tu gác chuông và tăng phòng, tổng cộng là 25 gian, làm 2 toà bảo điện, dựng một tấm bia đá (chính là tấm bia này – TG), làm thêm Kim am, Hưng Vân am, Giải thoát am tất thẩy đều kiên cố thâm nghiêm… ”


Tại khu vực Ngoạ Vân 3 Chúng tôi tìm thấy được nhiều ngói cánh sen thời Lê trung hưng, trên ngói in nổi hai chữ Hán “Vân Phong” tức là Núi Mây, đây có thể là cách ghi tắt tên núi Ngoạ Vân.


Cũng tại khu vực này hiện còn lại ngôi chùa xây bằng đá được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Tấm hoành phi trước của chùa cũng ghi 3 chữ Hán “Ngoạ Vân tự” tức là Chùa Ngoạ Vân.


Trong khu vực Ngoạ Vân 5, phía sau của chùa hiện nay có một am nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, trước cửa am đề 3 chữ Hán “Ngoạ Vân am” tức là Am Ngoạ Vân.


Bên cạnh những di vật cho biết các thông tin về địa danh Ngoạ Vân, ở đây cũng tìm thấy những chứng cứ có liên quan đến đức Trần Nhân Tông.


Phía trước ngôi chùa hiện nay còn lại 2 toà tháp đá niên đại thời Lê Trung Hưng. Tháp thứ nhất có tên là Phật Hoàng Tháp, tháp còn lại là Đoan Nghiêm tháp. Trong lòng tháp có bài vị làm bằng đá xanh, xung quanh bài vị được trang trí hết sức tinh sảo, chính giữa chạm nổi dòng chữ Hán cho biết pháp danh của chủ nhân của tháp. Trong đó bài vị đặt trong lòng Phật Hoàng tháp đề 25 chữ Hán “Nam mô Đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà tĩnh tuệ Giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế điều ngự vương phật”.


Ngay phía trước tháp là tâm bia đá, mặt trước khắc chìm 21 chữ Hán “Minh Mệnh nhị thập nhất niên cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần Triều Nhân tông hoàng đế lăng sắc kiến”.


Như vậy, qua những nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt là những tư liệu Khảo cổ học cho thấy Ngoạ Vân Am không đơn thuần chỉ là một am nhỏ như chúng ta từng hiểu, mà rất có thể nó chỉ là một am nhỏ trong một quần thể chùa trên núi Bảo Đài. Trong quần thể đó có chùa để thờ Phật và am để tu hành, các bằng chứng khảo cổ học cũng cho biết quần thể này được mở rộng vào thời Lê Trung Hưng.


Kết quả khảo sát bước đầu đã cung cấp cho chúng ta những bằng chứng khoa học nhằm khẳng định lại một lần nữa vị trí của Ngoạ Vân Am, nơi mà đức Trần Nhân Tông hoá thuộc thôn Tây Sơn xã Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh là vấn đề đã được làm sáng tỏ. Nhiệm vụ của Khảo cổ học là phải nghiên cứu, tìm hiểu diện mạo của Ngoạ Vân qua từng thời kỳ lịch sử đã phát triển và biến đổi như thế nào?


Trong khi đó, theo các tài liệu mà tác giả Trần Ngọc Linh cung cấp về khu vực mà tác giả cho là Ngoạ Vân Am trên núi Yên Tử chúng ta không thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy đó là Ngoạ Vân Am, ngoài sự suy luận chủ quan của tác giả. Thêm vào đó tác giả đã nhầm lẫn cơ bản khi xác định niên đại cho một số di vật. Các loại hình ngói cánh sen mà tác giả công bố hoàn toàn là ngói có niên đại thời Lê Trung Hưng chứ không phải là thời “sơ Trần” như tác giả nghĩ.




  • Theo Vietnamnet : Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ học)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here