Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ngỡ ngàng với kinh sách Phật giáo xưa và nay

Ngỡ ngàng với kinh sách Phật giáo xưa và nay

180
0
Tuần lễ Phật đản- Vesak Phật lịch 2558 đã qua, nhưng dư âm thiêng liêng, hân hoan của đại lễ như vẫn còn phảng phất quanh đây.

Với giới học giả, giới nghiên cứu, có lẽ đọng lại trong nhiều người là ấn tượng về cuộc triển lãm “Giới thiệu kinh sách Phật giáo xưa và nay” trong suốt tuần lễ, từ mồng 8 cho đến rằm tháng tư tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán bên dòng Hương lịch sử – Cuộc triển lãm mà thông tin dù đã biết từ trước, song đến lúc mở cửa, nhiều hiện vật khiến người xem phải ngỡ ngàng…

Trước tiên phải kể đến bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh bằng Hán tự được đựng trong những chiếc hộp gỗ nhuốm màu thời gian đẹp đến huyền hoặc. Đây là bộ kinh được in vào năm Cảnh Hưng thứ 18 (Đinh Sửu – 1757). Tất cả gồm 400 quyển, in trên giấy đẹp, bìa gấm, đựng trong 80 hộp gỗ quý, mỗi hộp 5 quyển. Bộ kinh được trưng bày trang trọng ngay khu trung tâm của triển lãm. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Uỷ viên Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc trách nghiên cứu về văn hóa – lịch sử, kiến trúc Phật giáo cho hay, thời nhà Nguyễn, bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh này được thờ trong Đại Nội. Sau năm 1945, được chuyển về thờ ở tầng trên Cung An Định, sau đó chuyển đến thờ tại biệt thự của đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng thái hậu- thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại) tại đường Phan Đình Phùng-Huế. Năm 1980, trước lúc qua đời, đức Từ Cung đã tiến cúng bộ kinh cho chùa Báo Quốc và được lưu giữ tại đó cho đến nay. Trải qua hơn 250 năm, song bộ kinh vẫn được bảo quản trong tình trạng hoàn hảo.

Hoà thượng Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội PG Thừa Thiên Huế (thứ 2, trái sang) xem bộ Thích Thị Nguyên Lưu

Được trưng bày cạnh đó là bộ Thích Thị Nguyên Lưu (Như Lai ứng hiện đồ) được khắc in năm Tự Đức thứ 10 (1857). Bộ kinh có khổ 36 cm x 29 cm, gồm 88 trang, 41 hình vẽ. Các bức vẽ về sự ứng hiện của Phật Như Lai từ lúc mới đản sinh đến lúc thành Phật. Dưới mỗi bức vẽ có thuyết minh sự tích của Phật. Các bức tranh trong Như Lai ứng hiện đồ thường được sử dụng để đắp tạo các bức phù điêu tại các chùa, viện mà chúng ta vẫn thường thấy.

Cao Ly Đại tạng kinh (hay còn gọi là Cao Ly Tam tạng) được chuyển về triển lãm từ Học viện Vạn Hạnh, Tp Hồ Chí Minh cũng là bộ kinh gây được sự chú ý của người xem. Theo các tài liệu được công bố thì mộc bản của bộ kinh này được thực hiện từ thế kỷ 13 dưới thời Cao Ly Tông với 81.340 tấm, 52.382.960 chữ mà không hề có bất kỳ một lỗi nào. Bộ mộc bản này được UNESCO đánh giá là tác phẩm vô giá, bởi đó không chỉ là “bản khắc quan trọng và đầy đủ nhất về học thuyết Phật giáo trên thế giới mà còn có giá trị về mặt thẩm mỹ chứng tỏ một trình độ tay nghề cao”, và được công nhận là di sản tư liệu thế giới…. Hiện bộ mộc bản nổi tiếng của bộ kinh này đang được lưu giữ tại Tàng kinh các của Tổ đình Haeinsa, xã Gaya-myeon, quận Hapcheon-gun, tỉnh Gyeongsang-nam (Hàn Quốc). Trong một bài viết của mình, tác giả Thích Vân Phong khảo tả: “Nếu chồng tất cả các bản khắc gỗ (của bộ kinh) này thì sẽ cao khoảng 3.200m. Núi cao nhất tại Bán đảo Hàn Quốc, núi Baekdu cao 2.744m. Như vậy, Cao Ly Tam tạng kinh mộc bản (Tripitaka Koreana) cao hơn cả núi Baekdu”.

Các ấn phẩm vang tiếng một thời

Bộ Đại chánh tân tu Đại tạng kinh (nguồn chùa Hải Đức, Huế) cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đại chánh tân tu Đại tạng kinh thường được gọi là “Chánh tạng” hoặc “Đại chánh tạng”, là bộ Đại tạng kinh bằng chữ Hán được Hội Xuất bản các kinh điển quan trọng Taisho (Nhật Bản) ấn hành từ năm 1924-1934. Tạng kinh được hiệu chỉnh bởi các học giả danh tiếng của Nhật như Takakusu Junjiro, Watanabe Umiakira và Ono Gemyo. Toàn tạng gồm 100 tập/12.000 trang, tàng chứa 3.360 bản kinh, luật, luận sơ giải; được coi là bản kinh tiêu chuẩn và uy tín nhất, được sử dụng khắp nơi trên thế giới, kể cả ở các phân khoa Phật học của các Đại học danh tiếng Âu Mỹ…

Cùng với các bản kinh sách cổ, trước tác của chư vị danh tăng tổ sư, mảng kinh sách, báo chí quốc ngữ, kinh sách Phật giáo được in ấn hiện nay cũng gây ấn tượng mạnh cho người xem. Người ta bắt gặp lại những ấn phẩm nổi tiếng một thời: Phật giáo Việt Nam, Viên Âm, Bát Nhã, Liên Hoa, Hải Triều Âm…; những tác phẩm của tác giả, dịch giả nổi tiếng Võ Đình Cường, của bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám… Mảng kinh sách, trước tác, ấn phẩm báo chí Phật giáo hiện nay được trình bày trang trọng, hết sức phong phú, đẹp và chất lượng cho thấy đời sống tôn giáo tín ngưỡng nói chung, Phật giáo nói riêng đang hết sức thoải mái, cởi mở tại Việt Nam. Một không gian phát hành được thiết trí ngay tại sân trước Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán để bạn đọc thoải mái tham khảo và chọn lựa cho mình những ấn phẩm tâm đắc.

Ngỡ ngàng và hết sức hoan hỷ là cảm giác chung của nhiều người. Chỉ riêng kinh sách thôi mà đã lôi cuốn như thế nên chẳng lạ là đã từng có đề xuất tổ chức một bảo tàng văn hoá Phật giáo tại Huế. Ngoài kinh sách thì tranh tượng, pháp khí, hoành phi, câu đối,… trong đó có nhiều hiện vật được xem như bảo vật. Cảnh sắc thiền môn, thêm một bảo tàng độc đáo như thế nữa, người ta tin sức cuốn hút của Phật giáo Cố đô sẽ là vô đối.

Hiền An

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here