Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nghĩ về lòng vị tha

Nghĩ về lòng vị tha

160
0

Quyền được vị tha

 
Ngày mới tốt nghiệp trường đại học sư phạm, tôi có đi dạy học cho các em nhỏ ở làng trẻ mồ côi H. Các em được tập trung nuôi dưỡng, sinh hoạt trong các gia đình nhỏ, mỗi gia đình gồm từ 8 đến 10 em, do hai bà mẹ tình nguyện trông coi, gắn bó suốt đời với các em.

Buổi sáng các em tới lớp học như các bạn nhỏ có đầy đủ cha mẹ khác. Chiều về, các mẹ ở làng trẻ kèm con tự học. “Cô giáo” đứng lớp với con số dao động từ 12 tới 15 em, trình độ từ lớp 1 tới lớp 6, học ghép lẫn nhau. Bài toán phải ra theo từng trình độ, còn môn tiếng Việt, chính tả, may thay các em có thể cùng lúc cảm thụ một bài thơ, hay một vấn đề ngôn ngữ, nếu có khác biệt cũng là khác biệt của từng cá nhân mà thôi.

Các em thông minh, nhạy cảm, nhận thức khá nhanh, mau tiến bộ, không hề thua kém các bạn lớn lên trong điều kiện bình thường, khiến không ai có thể nghĩ, chỉ vừa vài tháng hay một, vài năm trước, các em là những đứa trẻ lãnh nhận và vượt qua sự tàn nhẫn đến khó lòng hình dung của số phận. Thậm chí, tất cả học trò trong lớp học ghép của tôi đều có thể bước đầu lĩnh hội lý thuyết tương đối mới mẻ, “ vị từ” trong cấu trúc ngôn ngữ tiếng Việt, mà vì tò mò, “mạo hiểm”, tôi đã thử đem ra dạy các em.

Cả lớp, chỉ có duy nhất một học sinh luôn viết sai một vài từ nhất định, và cũng chỉ riêng những từ đó, ngoài ra các tri thức và kỹ năng khác của em ở mức độ khá tốt, thuần thục. Tôi nghĩ, đó có thể là kết quả của một tổn thương tâm lý, nhưng chưa có dịp để tìm hiểu sâu hơn.

Cùng với việc ngày càng nhiều trẻ em bị bỏ rơi khi vừa chào đời, như hệ quả tất yếu của một đời sống chưa ổn định, với nhiều giá trị tinh thần bị phá vỡ, xô lệch, những vòng tay cứu độ nơi tam bảo là sự đáp ứng khẩn thiết từ lẽ sống vị tha, tấm lòng chân thiện. Tôi đã tới thăm một ngôi chùa như vậy. Nơi đó, các vãi già, các chị các cô, nhiều người dĩ nhiên chưa hề làm mẹ, thành tâm công đức săn sóc cho các cháu, từ tắm rửa, cho ăn, tới ru ngủ, dỗ chơi… Được lớn lên trong lòng từ bi, nghĩa đồng bào, chắc hẳn các em nhỏ sẽ trưởng thành như những con người lành mạnh, chân thiện và hơn nữa, còn đầy nội lực. Nhưng một điều mà có thể các em suốt đời sẽ không có được, đó là tình cảm ruột thịt của cha mẹ, gia đình, dẫu cho tình yêu thương đích thực không phải luôn luôn, nhất thiết, được bộc lộ bằng niềm hạnh phúc được cận kề thân thể, tinh thần, bằng huyết thống và sự hy sinh của những người ruột thịt.

Tạo hóa cho mọi con người quyền được vị kỷ, được mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Cũng nhờ động lực vị kỷ đó mà con người và xã hội vươn tới những thành quả văn minh cao hơn, đạt tới sự phồn thịnh về vật chất, đồng thời như một quá trình phân loại tự nhiên để sắp xếp tổ chức đời sống xã hội theo thang bậc hợp lý, hiệu quả, có kẻ thấp người cao. Nhưng cũng chính động lực vị kỷ, như một nguồn năng lượng tiêu cực, trở thành “tham, sân, si”, làm xói mòn những bản năng tốt lành, biến dạng quá trình sắp xếp tổ chức đời sống, vùi lấp những thành quả mang cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng. Một người chỉ biết thoả mãn cá nhân, sẽ không nhìn nhận ra sự đóng góp tài năng trí tuệ cũng như vị thế quan trọng tương đối của người khác.

Nguyên lý “vị tha” xuất phát từ việc coi kẻ khác cũng bình đẳng với bản thân, cũng với niềm vui và đau khổ giống như mình. Bởi vì, ngay từ khi sinh ra, con người vốn là bình đẳng với nhau, trước mọi tạo vật, về trí tuệ, tình cảm, nhân cách. Ngay cả những người thiệt thòi, “thiểu năng” cũng sẵn được mặc khải một thứ “ trí tuệ” đặc biệt, nếu hiểu trí tuệ là sự lãnh hội về mối tương quan giữa chủ thể và thế giới còn lại, cũng như vẫn phải được đảm bảo quyền con người.

Trong khi những tiến bộ khoa học, tính hợp lý trong tổ chức đời sống xã hội ngay cả ở các nước văn minh, vẫn chưa giúp giảng hoà nghịch lý về vị thế bình đẳng giữa con người với hoàn cảnh bất hạnh, thua thiệt, thì tình yêu thương vị tha là phương cách duy nhất hữu ích để cân bằng nghịch lý ấy. Yêu thương để dành cho người thiệt thòi một cơ hội được học tập, vươn lên và bình đẳng với bản thân mình, trong những giá trị chung tốt lành của xã hội. Nhưng tình yêu thương đích thực bao giờ cũng là một thách thức đối với mỗi cá nhân, trong quan hệ với thế giới xung quanh. Lòng vị tha, sự cống hiến hào hiệp cũng là thách thức, để trở thành động lực xây nên những giá trị khoa học và nghệ thuật đích thực đóng góp cho con người.

“Đa phần nhân loại”

Tôi đi cùng một người bạn trẻ tới dự đêm vui trung thu của các cháu tại một làng trẻ mồ côi ở Hà Nội. Anh thường xuyên phát tâm ủng hộ hoạt động nuôi dưỡng và sinh hoạt, học tập hàng ngày cũng như các dịp lễ lạc của trẻ em tại làng. Anh không quên giải thích với tôi, mình đã đủ ăn, thì nghĩ tới và san sẻ với những người còn thiếu thốn hơn, thậm chí là chưa có ăn. Đó là một quan niệm giản dị.

Truy tới ngọn nguồn, thì bất cứ một ngành sản xuất và doanh thương nào, nhất là doanh thương – không ngoại trừ cả việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm văn hoá, cũng đều được lập ra, sinh tồn và phát đạt dựa trên một mặt thiếu thốn, chậm phát triển nhất định của đời sống cộng đồng. Việc đóng góp trở lại một phần lợi nhuận cho các hoạt động phúc lợi dân sinh, trước khi được xem như một nghĩa cử, phải là hành vi thông thường, tất yếu. Các nhà phú hộ, bạn phường của xã hội xưa kia coi việc công đức hàng tháng, hàng năm vào chùa chiền, thái miếu, quỹ khuyến học… là đạo đức sống và kinh doanh, là nếp sinh hoạt thuần phác đời thường.

Trong khi “giá cánh kéo” của ngành ngoại thương chấp nhận thế yếu theo cấp số cộng, cấp số nhân của đồng nội tệ, thì một đường lối kinh tế xã hội quốc nội và đối ngoại, không chỉ quyết định trực tiếp đến vận mệnh, sinh khí của các tập đoàn kinh tế, ngân sách quốc gia, tài sản cá nhân, mà còn trực tiếp tạo ra sự ổn định hay bất an của đời sống cộng đồng, tạo ra những tầng lớp người nghèo hay người giàu mới, và cả những số phận bất hạnh, những tai nạn có sức phá huỷ không kém gì thiên tai, đi xa hơn sức tưởng tượng của bất cứ nhà hoạch định hay nhà văn nào.

Vận mệnh của từng cá nhân trong xã hội ràng rịt với nhau, trong khi đa số người ta không có nhu cầu nhận thức điều này. Người nghèo, người thiệt thòi không chỉ cần sự tương trợ bằng chính sách “mềm”, bằng hoạt động từ thiện, mà sự cấu thành của một guồng máy kinh tế cũng phải tất yếu bao gồm một cách chặt chẽ, cả phần đóng góp và quyền lợi của họ, chứ không chỉ là sự làm ra và phân chia lợi ích.

Nhà thơ Đỗ Phủ khi xưa ước muốn về một ngôi nhà chung che bão tố cho đủ khắp văn sĩ trên đời, nhưng nếu ông ước ngôi nhà cho người nghèo, thì ngôi nhà ấy ắt còn phải to thêm và rộng thêm đến mênh mông. Nhà văn Orhan Parmuk (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng nói ý, nhân loại đa phần sống trong đói nghèo và đau khổ. Ngoài các nhà văn, liệu có ai từng nghĩ tới đa số của nhân loại đó, như một thành tố quan trọng, cơ yếu? Khoảng cách từ người nghèo tới người bất hạnh, không phải là điều có thể làm choáng váng hay gây bất ngờ cho bất cứ ai. Bất hạnh còn là hệ quả trực tiếp của đói nghèo.

Xét cho cùng, thì hoạn nạn, bất hạnh chẳng phải của riêng ai và chẳng phải riêng ai suốt đời có thể né tránh nó. Mỗi chúng ta, kể từ khi có mặt, ai mà chẳng mồ côi và không nơi nương dựa trên đời.

Chấp nhận hay thay đổi?

Một xã hội thực sự văn minh và tiến bộ là xã hội có chỗ cho người nghèo. Không phải bằng lòng từ thiện, mà bằng ý thức về sự có mặt và đóng góp của họ vào đời sống.

Theo thống kê của Tổ chức Francoise Étudents, Pháp, năm 2006, hàng năm, nước Pháp có tới 40.000 sinh viên cả nam lẫn nữ phải bán dâm để có tiền trả học phí cũng như các khoản chi phí học tập khác cho tới khi hoàn thành chương trình học, có nghề nghiệp ổn định. Không phải sinh viên nghèo nào cũng đạt tới ngưỡng hưởng trợ cấp học tập của chính phủ. Người ta đành phải xem, các bác sĩ, kỹ sư, luật gia… đã thành tài nhờ bán thân đó, là một thành tựu đóng góp cay đắng của người nghèo vào bộ mặt dân trí quốc gia, trong khi xuất phát điểm của họ thua thiệt và các định chế xã hội cũng như quyền ưu đãi chỉ mở ngỏ với người có tiền. Và trong khi việc bán thân không bị xem là vi phạm đạo đức, mà chỉ là một nỗi tủi hổ thầm kín về mặt tinh thần mà thôi.

Con người chưa thể hoá giải phần nào nghịch lý giữa những mục tiêu nhân đạo với thực tiễn, có lẽ một phần quan trọng là do tính chất cơ giới, thực dụng và quan liêu trong tổ chức đời sống, trong việc thực hành những thành tựu tri thức đạt được, mà có lẽ chúng ta tưởng rằng đã thực sự hợp lý. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, để tiến gần mục tiêu ấy, cần tạo ra sự đột phá về tư tưởng trong toàn thể xã hội. Phải chăng, “sự đột phá” ấy cần phải hiểu rằng, từ góc độ của mỗi cá nhân, ngồi xuống cùng suy ngẫm, cùng chứng nghiệm, cảm nhận, về từng thân phận, về mỗi điều đang diễn ra, cũng như những vấn đề chung của tồn tại con người.

Có thể bạn không tin, chỉ bằng ý nghĩ và cảm xúc của mình, lại có thể giúp đỡ cho một ai đó bên ngoài bạn. Nhưng khi cả một nhóm, một cộng đồng cùng suy tưởng, thì bản thân điều đó đã làm thay đổi toàn thể cộng đồng thành một cộng đồng khác.

 (Theo Tia Sáng)
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here