Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nghĩ thiện và làm thiện, ấy là "không lễ mà lễ"…

Nghĩ thiện và làm thiện, ấy là "không lễ mà lễ"…

178
0

Rằm tháng bảy âm lịch là ngày lễ Vu Lan, cũng là ngày Xá tội vong nhân. Vào ngày này, con cái báo hiếu với cha mẹ, người con Phật cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố. Nhân mùa Vu Lan năm nay, VietNamNet xin ghi lại vài dòng suy nghĩ của một số nhà tu hành và phật tử về ý nghĩa của ngày này.


Không có hiếu không phải phật tử


Thầy Thích Nữ Như Hiền (trụ trì chùa Linh Sơn, Thanh Nhàn, Hà Nội): “Tích Vu Lan bắt nguồn từ tấm lòng hiếu thảo cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Tấm gương chí hiếu lớn lao ấy muôn đời sau vẫn phải soi vào. Tích này được chép trong kinh Vu Lan bồn, dịch nghĩa là Giải đảo huyền (giải cái tội bị treo ngược).


 







“Mỗi nén hương thờ Phật, thờ Tổ, chỉ là một hình thức nhắc nhở do tâm của mình mà ra”. Ảnh: Trà My

Câu chuyện ý nói rằng, những người nào tạo tội ác thì phải thọ quả báo nơi địa ngục, ma quỉ, súc sinh, chịu sự hành hạ thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến công ơn cha mẹ, khi ngày Vu Lan đến, phật tử thường đem tâm chí thành, chí hiếu cúng đường Tam Bảo để cầu nguyện cho thân nhân, tiền vong của mình thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực.



 


Ngày Vu Lan là ngày của phật tử đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư tăng, chú nguyện cho vong nhân của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của địa ngục, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Mục Kiền Liên đã làm khi cứu mẹ.



 









“Báo hiếu xuất phát từ tấm lòng. Cứ đi lễ ào ào chưa chắc đã tưởng nhớ đến cha mẹ”. Ảnh: Lan Thương

Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ đốt thật nhiều vàng mã, khấn bái xì xụp là trọn. “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên” (Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách đều lấy hiếu làm đầu), nếu như suốt ngày lễ Phật mà không có hiếu với cha mẹ cũng không phải đệ tử của Phật.


 






Bà Nguyễn Thị Trọng (vãi chùa Hà, Hà Nội): “Việc nhớ ơn bố mẹ, ông bà, những người đã sinh ra mình, tiếp sức cho mình phải thể hiện cả cuộc đời và qua việc làm, chứ nếu chỉ ngày này mới nghĩ đến là giả dối. Không có tâm đến chùa Phật không chứng, có tâm không đến chùa Phật cũng độ cho”.
Hiếu lễ biểu hiện ở cái tâm mình. Thấy thương cho những người đi nghe giảng pháp đua đòi, hay những kẻ chửi rủa, cầu điều ác cho người khác khi đến cửa chùa khấn bái. Điều đó vừa mất sức khỏe, mất thì giờ, mất tiền, lại không lợi lộc gì. Chỉ có con người phạt nhau, Phật không hại ai bao giờ. Ấy không phải là lễ…



 


Mình thấy chúng sinh khổ mình khổ hơn chúng sinh, mình thấy chúng sinh đói mình đói hơn chúng sinh đó mới là báo ơn Phật. Tốn hàng triệu đồng tiền vàng mã, đi cúng bắc loa cho người đời nghe chẳng những người chết không được hưởng mà người sống cũng không có lộc. Mỗi nén hương thờ Phật, thờ Tổ, chỉ là một hình thức nhắc nhở do tâm của mình mà ra. Thành tâm phải ninh minh, phải hiểu biết, sáng suốt thì mọi điều mới tốt đẹp hơn.


 


“Lễ mà không lễ”…



 









Thầy Thích Đàm Lan (Trụ trì chùa Bồ Đề, Hà Nội). Ảnh: Trà My 

Thầy Thích Đàm Lan (Trụ trì chùa Bồ Đề, Hà Nội): “Trong mùa lễ Vu Lan, người con của Phật nghĩ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên mà sắm hương hoa oản quả tỏ lòng thương nhớ, có người đến chùa tụng kinh, có người lễ tại gia, cầu cho các vị được siêu thoát.



 


Theo quan niệm của nhà Phật, việc báo ân, báo hiếu không chỉ thực hiện mỗi năm một lần vào lễ Vu Lan mà phải thực hiện trong suốt cuộc đời. Và trong lúc báo hiếu phải có quan niệm đúng đắn sáng suốt mới đủ. Làm việc thiện, làm phúc giúp người nghèo, người khó khăn cũng là một cách nhớ đến ông bà, tổ tiên.


 


Nhiều người mải mê với công việc, đến ngày này vội vã đến khấn lễ theo phong trào, đó là tín tâm nhưng chưa hiểu biết. Phật dạy phải biết “nhẫn”, Phật chỉ chứng cho những người có tâm thật sự, biểu hiện bằng những việc thiện hàng ngày. Chí tiết, chí thành theo lời Phật dạy không cần lễ lộc cũng có phúc. “Không lễ mà lễ, lễ mà không lễ”, “không làm mà làm, làm mà không làm” là vậy.



 


Báo hiếu xuất phát từ tấm lòng. Cứ đi lễ ào ào chưa chắc đã tưởng nhớ đến cha mẹ. Không phải khi cha mẹ ông bà mất rồi mới phô trương ma chay theo kiểu “sống thì chẳng cho ăn, chết mới làm ma tế ruồi” mà săn sóc quan tâm đến cha mẹ khi cần, vâng lời cha mẹ nhưng không chiều theo ý sai trái của cha mẹ.



 






Hoàng Xuân Huy (21 tuổi, Thái Nguyên): “Theo tôi, vào mùa Vu Lan, ông bà, cha mẹ nên kể lại tích truyện cho con cháu như là một cách nhắc nhở, giáo dục về hiếu nghĩa. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh mải mê, bận bịu với công việc, nhiều bạn trẻ không biết rằng đây là ngày lễ báo ân báo hiếu, ngày xá tội vong nhân”. 
Luôn luôn làm việc thiện, có ý nghĩa cho đời để tưởng nhớ đến người quá cố như lời Phật “phục vụ chúng sinh cúng dường chư Phật”, “Tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích”. 



 


Tích Vu Lan báo hiếu nói lên lòng chí hiếu, chí thành của người con có sức mạnh cảm thông và kích thích đến tâm hồn người đau khổ làm họ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển hướng của cái tâm này, mà họ thoát khỏi hình phạt đau khổ mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra.


 


Trong kinh có nói: “Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp”. Sự tích Vu Lan báo hiếu khởi đầu bằng hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ trở thành hình ảnh mang tính giáo dục nhân văn.


 


Phật không chứng người hiềm khích


 


Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Viện chủ Tùng Lâm Quán Sứ): “Vào ngày Xá tội vong nhân, ngày lễ báo ân báo hiếu, theo tập quán các gia đình sửa soạn lễ nghi khấn cúng, lễ Phật cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát.



 









Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Viện chủ Tùng Lâm Quán Sứ). Ảnh: Trà My

Tuy nhiên, lâu nay từ tập quán tốt đẹp này, một số bà con ta không hiểu rõ ý nghĩa của ngày Vu Lan báo hiếu, sắm vàng mã đốt thật nhiều gây tốn kém, không cần thiết. Điều chính là con cái hiếu thảo với cha mẹ, đi lễ hướng thiện, thành tâm, nếu không hiểu ý nghĩa thì chính tín dễ thành mê tín.



 


Lễ Phật cầu phúc là điều tốt, nhưng lễ Phật cầu những điều không tốt cho người khác là không lành mạnh. Nếu trong tâm đầy hiềm khích, độc ác, có đi lễ Phật cũng chẳng ích lợi gì bởi Phật nào có chứng.


 


Phật khuyên mọi người bỏ việc ác, làm việc lành, bỏ đường tà, theo đường chính, nếu tâm nguyện thì chẳng lễ Phật cũng được phúc”.


 


Ông Nguyễn Quang Hoán (Trưởng Tiểu ban Quản lý chùa Hà, Hà Nội): “Ngày rằm tháng bảy, nhà chùa không tổ chức lễ Vu Lan. Vào ngày này, nhiều gia đình làm lễ cúng gia tiên tại gia, nhà chùa vẫn mở cửa để phục vụ nhu cầu tự do tín ngưỡng của mọi người.


 


Theo quan điểm của chúng tôi, việc hiếu nghĩa, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên được biểu hiện qua việc làm hàng ngày, chứ không phải khi người thân mất rồi mới có mâm cao cỗ đầy.


 


Nhà chùa không khuyến khích đốt vàng mã gây lãng phí. Với lòng thành mỗi người chỉ cần kính cẩn thắp một nén hương. Tâm xuất thì Phật sẽ biết, tu thân mình cho chính, ăn ở làm việc thiện cũng là báo ân báo hiếu”.


 




  • Trà My thực hiện

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here