Trang chủ Vấn đề hôm nay Nghi lễ Phật giáo TT Huế NK 2007-2012

Nghi lễ Phật giáo TT Huế NK 2007-2012

140
0

(LQ) Nghi lễ Phật giáo có vị trí và ý nghĩa lớn lao trong đời sống tâm linh của mọi người, đặc biệt nhân dân mến mộ nghi lễ Phật giáo Huế mang đậm bản sắc nhân văn, đạo đức và triết lý cao thượng của cuộc sống. Đặc biệt trong ngày lễ lớn của Phật giáo và nhằm phát huy truyền thống đặc thù của nghi lễ Phật giáo Huế, trong nhiệm kỳ qua Tỉnh hội đã tổ chức long trọng và trang nghiêm các đại lễ của Phật giáo và Dân tộc.

– Đại lễ Phật đản: Thể hiện niềm tôn kính và hân hoan đối với sự thị hiện của Đức Phật đã đem ánh sáng từ bi trí tuệ giác ngộ giải thoát đến với muôn loài chúng sanh, Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Từ Phụ qua nội dung thành kính và hình thức trang nghiêm phong phú như tụng kinh, thiết trí lễ đài, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, rước Phật, trình diễn văn nghệ, từ thiện xã hội, thuyết pháp, lễ hội hoa đăng và nhiều hoạt động tâm linh văn hóa không ngoài mục đích cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, thế giới hòa bình, đạo pháp trường tồn, chúng sanh an lạc. Từ Đại lễ Vesak được Chính phủ đăng cai tổ chức tại Việt Nam năm 2008, Trung ương Giáo hội đã quyết định chuyển thành Tuần lễ Phật đản diễn ra từ Mùng 8 đến Rằm tháng Tư, thì Phật đản ở Huế lần đầu tiên với 7 hoa sen trên dòng Hương thơ mộng đã tạo nên sự chú ý hướng tâm đặc biệt của mọi tầng lớp khắp nơi. Thời điểm diễn ra lễ hội Festival cận kề với Đại lễ Phật đản cũng là trợ duyên cho Đại lễ Phật đản càng hoàng tráng hơn, thể hiện rõ nét văn hóa Phật giáo làm đẹp thêm cho văn hóa Huế.
 
– Đại lễ Vu lan: Rằm tháng 7 mùa thu hoài niệm, bao tấm lòng hiếu thảo đều hướng về những đấng sanh thành trong pháp giới đa sanh phụ mẫu để cầu nguyện âm siêu dương thái. Tại các tự viện đều tổ chức Vu lan thắng hội, truy tiến Tổ tiên, tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ, chư Thánh tử đạo đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, chẩn tế cô hồn, đồng thời tổ chức thăm viếng tặng quà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… khơi dậy truyền thống hiếu hạnh của người con Phật và đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.
 
– Đại lễ Thành đạo: Kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Phật, chuyển tải thông điệp hướng về tự tánh thanh tịnh sẳn có của mọi người, của muôn loại chúng sanh bằng sự tự nỗ lực không ngừng đoạn tận tham ái vô minh. Mồng 8 tháng Chạp hằng năm cũng là ngày truy niệm các hội viên Phật tử quá cố có công với Đạo pháp đều được Giáo hội, Tăng Ni Phật tử cử hành trọng thể trong niềm thành kính tri ân.
 
– Lễ hội Quán Thế Âm: Tổ chức vào dịp khánh đản của Bồ tát Quán Thế Âm 19.6 âm lịch hằng năm tại Trung tâm Du lịch tâm linh Phật giáo ở núi Tứ Tượng, là một lễ hội văn hóa tâm linh, hướng con người tự cứu khổ khi biết lắng nghe tiếng lòng thanh tịnh rũ sạch tham sân chấp ngã. Ngoài những nghi lễ truyền thống cầu nguyện cho tâm bình thế giới bình, lễ hội còn có chương trình thuyết pháp, dâng lễ cúng dường, văn nghệ, phóng sanh đăng, chẩn tế. Đặc biệt, tại lễ hội, có hàng ngàn huynh trưởng và đoàn sinh tham gia Hội trại hộ lễ kỷ niệm ngày Hạnh truyền thống ngành Nữ Gia đình Phật tử. Lễ hội đã thu hút hàng vạn người tham dự và số lượng ngày càng tăng.
 
– Lễ cầu quốc thái dân an: Hằng năm vào dịp đầu Xuân, nhân Lễ hội Đền Huyền Trân, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh và Công ty Cổ phần du lịch tâm linh Huyền Trân phối hợp Ban Trị sự tổ chức Lễ cầu quốc thái dân an. Đông đảo Tăng Ni Phật tử cùng với các vị lãnh đạo và đồng bào các giới thành tâm cầu nguyện cho năm mới mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, nhân dân an cư lạc nghiệp, thể hiện tình cảm và trách nhiệm đối với cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân tỉnh nhà và cả nước.
 
– Lễ Tưởng niệm: Trên tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật, hằng năm Ban Trị sự, Ban Đại diện, các tự viện đã tổ chức trang nghiêm, trọng thể lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và xây dựng đất nước theo Thông tư của Giáo hội. Tưởng niệm đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, lịch đại Tổ sư, chư Thánh tử đạo và chư Tôn đức viên tịch, cử 9 hồi Đại hồng chung cầu nguyện nhân ngày Thương binh Liệt sỹ 27.7, tổ chức trai đàn siêu độ tại các nghĩa trang Liệt sỹ A Lưới, Phong Điền, Phú Vang, thành phố Huế và nhiều nghĩa trang các tỉnh khác.
 
Ban Nghi lễ dâng hoa cúng dường chư vị Tổ sư nhân kỷ niệm huý nhật tại các Tổ đình, tự viện; thăm viếng các gia đình Thánh tử đạo nhân mùa Phật đản.
 
Tổ chức tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Khả Tấn – Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự, Trú trì chùa Giác Lâm; hỗ trợ tang lễ Ni sư Thích Đàm Tiến trú trì chùa Diệu Giác tỉnh Savannakhet – Lào. Phúng điếu tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Hòa thượng Thích Huyền Quang và chư Tôn đức Tăng Ni viên tịch: HT. Thích Chí Mậu trú trì chùa Từ Hiếu, NT. Thích Nữ Diệu Trí, NT. Thích Nữ Thể Chánh…, gởi điện hoa phân ưu chư Tôn đức ngoại tỉnh viên tịch, thăm viếng phúng điếu tôn thân phụ mẫu của chư Tôn đức Tăng Ni cũng như chư vị lãnh đạo hoặc thân nhân quá vãng.
 
Tổ chức Lễ Phật giáo chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm trọng thể. Tham dự Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.
 
(Báo cáo Đại hội VI)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here