Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nghĩ gì về từ thiện Phật giáo?

Nghĩ gì về từ thiện Phật giáo?

183
0

Ai cũng có mưu cầu hạnh phúc. Nhưng để đi tìm một mẫu số chung về hạnh phúc là điều không thể, vì quan niệm mỗi cá nhân, mỗi khác. Ngay cả đức Phật khi tìm ra giáo pháp chân thật, ngài cũng tùy thuận theo căn cơ của chúng sanh mà chia ra năm thừa, để có 5 mức độ hạnh phúc khác nhau cho từng đương cơ thế gian và xuất thế gian.

Ngay từ bài pháp Tứ đế đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, đức Phật đã tuyên bố một sự thật bất di, bất dịch: “Đời là biển khổ”. Sự phân loại về khổ tuy có sai khác giữa Tam Khổ: Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ và Bát Khổ: Sanh Khổ, Lão Khổ, Bệnh Khổ, Tử Khổ, Cầu Bất Đắc Khổ, Ái Biệt Ly Khổ,Oán Tắng Hội Khổ, Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ; nhưng tóm lại chỉ có hai loại khổ là khổ thân và khổ tâm. Trong đó, nhà Phật chủ trương hóa giải tất cả nỗi khổ tâm, vì tâm là đầu mối của luân hồi sanh tử. Do vô minh đắm nhiễm ái dục mà có thân này. Nếu chẳng phá vỡ căn bản vô minh hay chi mạt vô minh trong Thập Nhị Nhân Duyên, thì chúng ta sẽ tiếp tục thọ vô lượng thân, chịu vô lượng khổ.

Đâu phải bỗng dưng Lão Tử than rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” (“ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân,

Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”). Vì cả muôn loại đều chấp lấy thân làm mình ( Ngã), lãng quên cả nội tâm, trong mọi khổ vui trong đời, xoay quanh cái thân này, đều do nội tâm xao động mà ra.

Do đó, giải thoát tức là làm chủ tâm mình. Hễ tâm tịnh, thì cảnh tịnh. Đó là lý do tại sao tất cả các con đường đưa đến Phật giáo đều phải thông qua sự thiền định. Nếu không thực tập thiền định, người học Phật chỉ là kẻ đứng ngoài cửa, chứ hoàn toàn không lợi lạc.

Hơn nữa, đức Phật có dạy: “Thân người khó được, mạng sống vô thường”. Nên việc cần tu là điều gấp rút tợ như cứu lửa cháy đầu. Ngày nào còn bị sanh tử chi phối, ngày ấy chúng sanh phải chịu đối mặt với tất cả nỗi thống khổ ở đời. Vì khổ sanh tử là nỗi khổ căn bản nhất.

Cho nên, đạo Phật lấy chuyện giải thoát làm trọng.

Tuy nhiên, chính vì vậy mà có nhiều người xem nhẹ các công tác từ thiện, phúc lợi xã hội trong Phật giáo. Với họ, đó là việc làm ngoài da, chẳng đem lại lợi ích chân thật. Đâu hay tổ Quy Sơn đã dạy: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Đem tâm niệm chấp pháp mà xiển dương giáo pháp, chỉ làm cho ánh sáng trí tuệ của đạo Phật mờ nhạt thêm. Bởi làm sao bắt người dân an lòng niệm Phật, toạ thiền, trong khi nỗi khổ về cái đói cái nghèo vẫn đeo bám lấy họ. Nếu rõ sanh tử huyễn thì họ đâu càn phải lo chi nữa. Nhưng làm sao bắt một chúng sanh thấp kém nhìn đời bằng tuệ giác của vị thiền sư trong khi họ chưa biết gì về đạo? Dù giác ngộ như thế, ngay cả chư Bồ tát vẫn không ngừng lăn lộn vào đời, dùng lục độ vạn hạnh để lợi lạc quần sanh. Đó là chủ trương “dĩ huyễn độ huyễn của bồ tát”.

Nếu cái khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc chẳng quan trọng thì tại sao trong kinh Bổn Sanh, tiền thân đức Phật không ngừng xả thân bố thí để cứu chúng sanh? Nếu không có hành động xả thân cứu đàn cọp đói của Thái tử Tu Đạt Noa, thì do nhân duyên gì đến khi thành Phật, ngài mới thuyết pháp độ cho hậu thân của mẹ con đàn cọp đói thuở trước chứng quả A la hán? Còn nữa, nếu chẳng phát tâm gánh đất, vác đá, sửa cầu, bồi lộ cho chúng sanh thì do nhân duyên gì Bồ tát Trì Địa tu chứng viên thông? Nên nhớ, tất cả việc làm dù là nhỏ nhặt nhất, được xuất phát từ lòng từ bi chính là cơ hội để giúp hành giả tiến lên địa vị giải thoát. Vì trong lòng từ bi không có tâm chấp ngã. Đấy là biểu hiện rốt ráo của tánh không. Hạnh lành ấy không chỉ giúp những người bất hạnh quanh mình thoát khỏi cảnh khổ hiện tại mà còn được gieo duyên lành trong chánh pháp của chư Phật. Một khi đã gieo nhân, thì không bao giờ mất. Muốn độ sanh mà chẳng rộng kết duyên lành với chúng sanh là điều vô lý vậy.

Từ thiện trong Phật giáo không hẳn là thuần túy tu phước như mọi người nghĩ, vì nó luôn hướng đến hạnh thí Ba la mật. Hoằng pháp đâu chỉ là thăng tòa thuyết pháp, cho nên chư Bồ tát luôn hóa thân vô số để đi vào đời, đồng cam cộng khổ với muôn loại chúng sanh, những mong cảm hóa họ. Vật chất không quan trọng, tuy nhiên, bố thí là con đường ngắn nhất để xóa tan mọi đổ vỡ, nối liền những khoảng cách từ trái tim đến trai tim. Bởi chất liệu làm nên hạnh phúc cho mỗi chúng ta là tình thương vô điều kiện, làm cho mọi người có thể nhích lại gần nhau nhiều hơn, dù đang hiện thân với bất cứ hình thức màu da, sắc tộc hay đức tin tôn giáo nào. Bởi chúng ta chỉ có một tôn giáo chung nhất, đó là tôn giáo của tình thương. Giải thoát trong đạo Phật cũng không ngoài lẽ ấy!

Phổ Môn Thiền Thất

C.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here